Mãi đến hôm nay, tôi mới có thì giờ nhìn qua
những clip video được lưu truyền trên mạng về vụ “cưỡng chế” đất ở Văn
Giang. Tôi thật sự sốc trước cảnh nhân viên công lực vây đánh hai phóng viên của
đài VOV. Càng sốc hơn khi thấy đoạn phim quay chậm cho thấy công an đấm đá một
người phụ nữ chẳng có gì để tránh những đòn hành hung hội đồng. Thật không thể
tưởng tượng nổi tại sao người ta lại hành xử một cách bạo động và có thể nói là
ác ôn với người dân như thế. Nhưng sự việc làm tôi nhớ đến một thí nghiệm tâm lí
đã tròn 40 năm …
Những cảnh đánh đấm trong những clip phim được
lưu truyền trên mạng chỉ có thể nói là dã man. Đúng như một blogger (JB Nguyễn
Hữu Vinh) mô tả, “đánh dân như chớp, đánh tàn bạo, đánh như đòn thù. Chắc
ngày xưa lính Mĩ các chú cũng không đánh được sướng như bây giờ.” Đánh cho
sướng! Tức là hành động sadistic rồi. Thật là một nhận xét ấn tượng! Và, có lẽ
cũng chính xác.
Nhưng trước một sự việc, có lẽ chúng ta cần đặt
câu hỏi tại sao: tại sao những nhân viên công lực này tỏ ra tàn ác như thế? Tôi
nghĩ những người cầm dùi cui, súng, hay hung khí nói chung trong tay cũng là
những con người bình thường. Bình thường hiểu theo nghĩa cũng có gia đình, có
cha, có mẹ, có anh chị em. Một số người chắc cũng có vợ con. Họ nghĩ gì nếu đồng
nghiệp của họ ra tay đánh người thân của họ? Chắc chắn họ sẽ giận dữ và không
chừng đòi trả thù. Nếu thế thì họ cũng chỉ là những con người có tình cảm, nhận
thức được cái đúng, và biết căm ghét cái sai, cái ác. Vậy thì tại sao chính họ
lại hành xử với người đồng hương mình như là những kẻ thù, và ra tay đánh đập
một cách không nương tay, đánh để sướng tay?
Tôi nghĩ câu trả lời có lẽ nằm trong kết quả của
một thí nghiệm tâm lí rất nổi tiếng vào năm 1971. Đó là thí nghiệm nhà tù
Stanford (Stanford Prison Experiment). Kết quả thí nghiệm này có thể
giải thích tại sao các quản giáo Mĩ hành xử một cách độc ác với các tù nhân ở
trại giam Abu Ghraib. Và, theo tôi, kết quả cũng có thể giải thích tại sao những
người công an tham gia cưởng chế đất đai ở Văn Giang hành xử tàn bạo với người
dân.
Phương pháp và diễn tiến của thí nghiệm nhà tù
Stanford có thể đọc ở đây. Một cách ngắn
gọn, Giáo sư Philip Zimbardo (lúc đó là một giáo sư trẻ) tuyển chọn 24 sinh
viên, và chia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên: nhóm 1 gồm 12 người được giao
nhiệm vụ quản giáo, và nhóm còn lại đóng vai tù nhân. Một nhà tù giả được thiết
kế phía ở tầng trệt của khoa tâm lí thuộc Đại học Stanford. Quản giáo được trao
toàn quyền, muốn làm gì thì làm, nhưng không được huấn luyện cách hành xử. Còn
tù nhân, khi vào nhà tù, bị quản giáo khám xét, “bắt rận”, thậm chí bắt
cởi truồng.
Nhưng thí nghiệm phải ngưng trước thời hạn vì
những hành xử tàn bạo của quản giáo và rối loạn tâm thần của tù nhân. Thời gian
thí nghiệm dự kiến là 2 tuần, nhưng đến ngày thứ 6 thì phải ngưng. Thật ra, chỉ
sau một ngày rưỡi, một tù nhân có triệu chứng rối loạn cảm tính, như la khóc, tỏ
ra mất bình tĩnh, và suy nghĩ bất bình thường. Tất cả tù nhân đều tỏ ra ngoan
ngoãn tuân theo lệnh của quản giáo. Trong khi đó, các quản giáo càng ngày càng
tỏ ra hung dữ, tàn ác, và có hành động sadistic (tức tỏ ra thích thú với những
đòn tra tấn tàn ác). Đến ngày thứ năm thì gia đình của các tình nguyện viên đặt
vấn đề với Gs Zimbardo, và luật sư cũng doạ sẽ kiện ra toà, thì công trình
nghiên cứu phải ngưng. Phần lớn những đối tượng tham gia nghiên cứu, quản giáo
cũng như tù nhân, đều tỏ ra có vấn đề về tâm lí và tâm thần sau khi tham gia thí
nghiệm.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy người thường có
thể trở nên ác ôn vì môi trường chứ không phải vì bẩm sinh. Con người có xu
hướng tuân thủ, ngay cả sẵn sàng tuân thủ làm những việc ác ôn. Các nhà nghiên
cứu diễn giải kết quả nghiên cứu rằng người bình thường có thể trở nên những kẻ
ác ôn nếu được trang bị bằng một ý thức hệ hay giáo điều nào đó. Họ kết luận
rằng tình huống và môi trường là nguyên nhân làm cho người tốt trở nên người ác.
Kết quả nghiên cứu này không bao giờ được công bố trên một tập san khoa học nào
cả, vì nhiều người chỉ ra rằng nghiên cứu có vấn đề về y đức. Không tập san nào
dám công bố kết quả nếu nghiên cứu không đáp ứng những tiêu chuẩn về y đức.
Sau công trình nghiên cứu lịch sử (và có thể nói
là khá “tai tiếng”) trên, Gs Zimbardo nổi tiếng trong giới tâm lí học
như là người tiên phong trong việc giải thích những biến chuyển trong hành động
của con người. Có người gọi ông là “evil scientist”, vì đã tạo ra một
thí nghiệm để “chứng minh” rằng con người bình thường có thể trở nên ác
ôn, và cái ác có thể thắng cái thiện nếu được trang bị bằng một ý thức hệ. Sau
này, ông còn được Quốc hội Mĩ mời để điều trần về những bạo loạn trong nhà tù.
Những hành động tàn ác với tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib cũng có thể giải thích
qua kết quả thí nghiệm của Zimbardo.
Quay lại sự việc các nhân viên công lực hành xử
tàn ác với người dân ở Văn Giang, tôi nghĩ cũng có thể giải thích qua kết quả
thí nghiệm tâm lí của Gs Zimbardo. Những người công an này cũng như bất cứ ai
trong chúng ta (tức cũng biết phải trái, nhận thức được cái đúng cái sai), nhưng
theo Zimbardo, vì ở trong môi trường giáo điều và được trang bị bằng ý thức hệ
địch – ta, nên họ nhìn người dân mất đất như là những kẻ thù, và tự họ biến
thành những người ác ôn mà có lẽ chính họ cũng không nhận ra ngay lúc vung tay
hành hung người khác. Nói cách khác, những người công an này bị “phơi
nhiễm” (exposed) bởi những giáo điều độc hại nào đó, nên cái ác thắng thế
cái thiện và dẫn đến những hành động mà chúng ta thấy trong các clip video mang
tính lịch sử.
Trong
những năm cuối đời, Zimbardo cố gắng làm một thí nghiệm khác có ý nghĩa tích cực
hơn. Ông muốn biến người bình thường thành những anh hùng. Ông lập ra dự án có
tên là Heoric Imagination Project (HIP), với khung khái niệm rằng anh hùng không
phải là những người phi thường; họ chỉ là những người bình thường nhưng làm việc
phi thường, họ bước ra khỏi cái bình thường để làm điều có ích cho xã hội. Ông
lập một lớp học để dạy những đức tính anh hùng (hay chủ nghĩa anh hùng –
heroism) cho học sinh. Trong lớp học này, ông muốn dạy học sinh tách ra khỏi
những đám đông hành xử ác ôn. Tôi nghĩ hành động anh hùng đó có thể tìm thấy
ngay ở người lính thầy thuốc của trại giam Thanh Hà khi anh tuyên bố “Hãy để
cho anh đưa Bùi Minh Hằng về nhà một cách an toàn rồi anh sẽ cởi bỏ bộ quân phục
đang mặc” (xem “Văn
giang khôn nguôi”). Có lẽ một dự án HIP cũng cần thiết cho giới công an và
các quản giáo của các trại giam trên toàn quốc.
Theo: Blog Nguyễn Văn Tuấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét