Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012
Cuộc thu dọn có tính chiến lược của Mỹ tại Việt Nam
Richard S Ehrlich/Asia Times
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
BANGKOK - Tuần này, một nỗ lực trị giá 49 triệu Mỹ Kim của chính phủ Mỹ bắt đầu để làm sạch thuốc diệt cỏ Chất độc da cam tại một căn cứ không quân cũ ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam, nơi người Mỹ từng chứa, tồn kho và tẩy rửa các vũ khí hóa học khi sử dụng chất khai quang độc hại này trong chiến tranh Việt Nam. Dự án sẽ được đưa ra vào hôm thứ Năm và được Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) chỉ đạo thực hiện.
"Đây là một nỗ lực mang tính đột phá giữa chính phủ của Mỹ và Việt Nam nhằm thu dọn sạch tất cả các chất dioxin còn sót lại tại phi trường Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam, Charles Bailey, Giám đốc Viện Aspen về Chương trình chất độc da cam tại Việt Nam ở Washington cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 31 tháng 7 tại một điểm dừng chân tại Bangkok. Ông nhắc đến chuyến đi này như một "cơ hội lịch sử".
"Trong ba năm tới, khoảng 70.000 mét khối [2.5 triệu feet khối] đất bị ô nhiễm tại Đà Nẵng sẽ được làm sạch", Bailey nói. "Đây là điểm đầu tiên trong một số những điểm quan trọng khác".
Nỗ lực hợp tác này được đưa ra giữa chính sách "trục chuyển" của Mỹ đến châu Á mà Washington từng quyết định để củng cố và xây dựng các liên minh mới nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc và Việt Nam đang vướng kẹt trong một bất đồng ngoại giao về các lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông và Việt Nam được xem như đang muốn mở rộng quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, bao gồm cả việc muốn truy cập nhiều hơn đến vũ khí tinh nhuệ và thiết bị quân sự của Mỹ. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã cho phép tàu chiến Mỹ được cập bến tại các hải cảng của mình kể cả tại Đà Nẵng.
Một số người xem việc hợp tác làm sạch này như là một bước tiến đến quan hệ chiến lược song phương chặt chẽ hơn.
Từ 2007-2012, Quốc hội Hoa Kỳ đã dành 48.7 triệu USD - gồm 20 triệu vào năm 2012 - để tẩy uế lớp đất mặt, các ao hồ và phù sa tại các căn cứ cũ của Mỹ tại Việt Nam. Một khoản 13.7 triệu nữa sẽ đến từ tổ chức Ford Foundation và các tổ chức tư nhân khác, cộng với nguồn Liên Hiệp Quốc, Việt Nam và các nước khác. Sẽ phải tốn ít nhất là 43 triệu để làm sạch ở Đà Nẵng. Danh sách đầy đủ của các khu vực khác phải cần đến 107 triệu nữa, Bailey cho biết.
Người Mỹ, người Việt và những người khác được cho là đã bị bệnh, dị tật hoặc tử vong bởi chất độc da cam và các loại chất diệt cỏ khác mà Lầu Năm Góc đã dùng khai quang các khu rừng để binh lính cộng sản Việt Nam có thể dễ dàng bị phát hiện, bị đánh bom, hoặc để phá hoại mùa màng và lãnh thổ. [1]
Đà Nẵng, căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, là một trong những trường hợp tồi tệ nhất. Chất độc da cam đã được lưu trữ trong các thùng thép, chất lên máy bay chiến đấu, và các bình chứa trên những máy bay trở về căn cứ được tẩy rửa. Bailey cho biết, USAID đã giao hợp đồng làm sạch này cho công ty TerraTherm của Massachusetts.
Từ lâu, các quan chức Việt Nam đã tìm cách quốc tế hóa vấn đề và đã lên án Dow Chemical, nhà sản xuất chính của chất làm rụng lá, kể cả khi đang diễn ra Thế vận hội 2012 tại London.
"Công ty Dow Chemical một trong những nhà sản xuất chất độc Da Cam quan trọng từng được quân đội Mỹ sử dụng" Hoàng Anh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã viết trong thư gửi Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC ) vào ngày 2 tháng 5.
"Trong hơn 10 năm, từ 1961-1971, tám mươi triệu lít đã được rải xuống các ngôi làng ở miền Nam Việt Nam, phá hủy môi trường, gây thiệt hại sinh mạng hàng triệu người dân Việt Nam - và để lại hậu quả khủng khiếp trên hàng triệu những người khác đang bị bệnh nan y - cùng vài trăm ngàn trẻ em của thế hệ thứ tư đã phải sinh ra với dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, "ông viết.
"Chúng tôi cho rằng việc Uỷ Ban Olympic Quốc tế (IOC) chấp nhận tài trợ của hãng Dow Chemical là một quyết định vội vàng," Bộ trưởng tuyên bố.
Vào năm 2009, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ kháng cáo của Việt Nam muốn truy trách nhiệm cho Dow Chemical và Monsanto về các khuyết tật bẩm sinh bị cáo buộc là liên quan đến chất độc da cam.
Tuy nhiên, Ủy ban cựu chiến binh Hoa Kỳ, vẫn chi trả hàng tỷ đô la cho những người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, những người mà sau này đã bị bệnh có thể là do chất dioxin gây ra.
Năm 1994, trong một cuộc phỏng vấn, Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu, Elmo Zumwalt Jr cho biết rằng ông đã ra lệnh rải hàng triệu lít chất độc da cam tại Việt Nam và sẽ làm như vậy một lần nữa, mặc dù sau này ông tin rằng chất dioxin đã khiến con trai ông phải chết vì bệnh ung thư. Con trai của Zumwalt là hạm trưởng một tàu tuần tra ở đồng bằng sông Cửu Long gần Sài Gòn khi chất độc da cam đã được rải xuống trong khu vực.
Đề cập đến con số tử vong của Mỹ, Zumwalt nói: "Lúc đó chúng tôi không biết nó là chất gây ung thư. Các công ty hóa chất chết tạo ra thì biết. Nhưng họ nói với Lầu Năm Góc là chúng không gây bệnh tật" Zumwalt nói. "Ngay cả khi biết rằng chất ấy gây bệnh ung thư, tôi cũng vẫn sẵn lòng sử dụng chúng một lần nữa. Chúng tôi đã mất 58.000 nhân mạng. Linh cảm của tôi là chúng tôi có thể phải chết gấp đôi nếu chúng ta không phun (dioxin)".
Ngày nay, các bệnh viện và nhà bảo tàng của Việt Nam trưng bày các hũ lọ đựng những bào thai lớn cho thấy dị tật bẩm sinh như các cơ thể có hai đầu và dị biến khác.
Chế độ cộng sản Hà Nội và một số nhà khoa học Mỹ, đổ lỗi cho chất độc da cam."Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cho biết khoảng 4,5 triệu [người Việt] đã bị ảnh hưởng, trong đó có 150.000 trẻ em", nhưng các ước tính đều khác nhau, Bailey cho biết.
Mỹ đã rải xuống vùng đất, nơi ước tính có khoảng 5 triệu người Việt sinh sống, gây nhiễm độc cả đến Lào dọc theo biên giới với Việt Nam và xung quanh các căn cứ Mỹ ở Việt Nam và Thái Lan. Chiến tranh đã kết thúc vào năm 1975 khi Mỹ và những người cộng tác với họ ở Nam Việt Nam thua cuộc, cho phép Bắc Việt Nam đoàn tụ quốc gia vùng Đông Nam Á này.
Nguồn: Asia Times
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét