Pages

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Dầu khí trên thương trường và chiến trường


Nhân chuyến thăm viếng Liên bang Nga vừa kết thúc của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, giới quan sát quốc tế đã đồn đoán về nội dung thảo luận giữa Việt Nam và Nga liên quan đến việc sử dụng Cam Ranh, như một căn cứ hải quân của Nga hay chỉ là một cơ xưởng bảo trì tầu bè của quốc tế.

AFP photo
Giàn khoan dầu nước sâu của tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc đang rời cảng Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc tiến ra Biển Đông. Ảnh chụp hôm 21/5/2012


Hồ sơ CNOOC-Nexen

Cùng lúc đó, tại Hoa Kỳ đã có cuộc tranh luận về việc tập đoàn dầu khí hải dương CNOOC dạm mua công ty Nexen của Canada để làm chủ nhiều giếng dầu của Mỹ nằm trong Vịnh Mexico và việc Ấn Độ sẽ không rút khỏi dự án thăm dò lô dầu 128 với Việt Nam và gây mâu thuẫn với Trung Quốc vì địa điểm thăm dò lại là một trong chín lô mà tập đoàn CNOOC vừa mời quốc tế vào khai thác.

Giữa bối cảnh đầy căng thẳng tại vùng biển Đông Nam Á do thái độ gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc, dường như các quốc gia đang có một phản ứng về các hồ sơ có vẻ kinh tế mà lại có nội dung liên hệ đến an ninh. Diễn đàn Kinh tế sẽ tổng hợp và phân giải các yếu tố phức tạp này.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Trên thương trường quốc tế, trong tuần qua ta thấy nổi lên hàng loạt hồ sơ về năng lượng giữa các tập đoàn dầu khí và các chính quyền mà điểm đồng quy của ngần ấy chuyện đều liên hệ đến Trung Quốc và tập đoàn dầu khí hải dương CNOOC. Với tin tức dồn dập và khá phức tạp như vậy, chúng ta có thể khó nhìn ra mối nhân quả, cái gì là nguyên nhân và cái gì là kết quả, của các hồ sơ cứ tưởng như thuộc lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, xin ông tổng kết về toàn cảnh trước khi ta phân tích nội dung đích thực của các hồ sơ này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng chúng ta quả là đứng trước một thứ mê hồn trận với cả chục yếu tố chằng chéo về cả kinh tế lẫn an ninh, cho nên nếu có trình bày lại toàn cảnh thì cũng là điều có ích. Từ đó, may ra mình mới có thể phân tích hay phân giải nội dung để phăng ra một chuỗi tương quan nhân quả như ông vừa hỏi.
Trước hết, có một chuyện tưởng là đã cũ mà đang thành mới. Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh có nhiều dự án thăm dò năng lượng với Việt Nam, như khí đốt tại Nam Côn Sơn và hai lô dầu 127 và 128 được ký kết từ năm 2006. Cách đây hai tháng, khi thấy đầu tư tốn kém mà chưa có triển vọng, tập đoàn Videsh quyết định rút khỏi lô 127 và cân nhắc lại về lô 128 và hai lô đó nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 25 Tháng Sáu, tập đoàn CNOOC của Trung Quốc lại mời quốc tế vào thăm dò để sẽ khai thác chín lô dầu ngay tại khu vực này và thực tế còn đưa hải quân vào hỗ trợ quyết định ngang ngược đó. Lô 128 mà Việt Nam và Ấn Độ đang thương thuyết lại cũng bị dìm vào một phần của lô Danwan 22 mà CNOOC vừa rao bán. Tuần qua, phía Ấn Độ liền có phản ứng, là chưa chắc đã rút khỏi lô 128 mà còn kêu gọi các nước không chỉ tôn trọng quyền lưu thông ngoài biển mà phải bảo vệ quyền khai thác tài nguyên theo luật lệ quốc tế. Đấy là một chuyện cho thấy kết quả của việc CNOOC đòi khai thác tài nguyên trong một khu vực của Việt Nam.
Vũ Hoàng: Tức là Trung Quốc vừa gây ra một phản ứng trên thương trường và phản ứng đó của Ấn Độ không chỉ thu gọn vào tính toán kinh doanh lời lỗ mà còn có nội dung ngoại giao nữa. Hồ sơ thứ hai cũng liên quan đến tập đoàn CNOOC này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cùng lúc với việc Ấn Độ cân nhắc lợi hại về kinh tế và ngoại giao trong dự án liên doanh với Việt Nam, hôm Thứ Hai 23 Tháng Bảy, tập đoàn CNOOC dạm mua tổ hợp dầu khí Nexen của Canada với giá cao hơn giá trị trường đến hơn 60%.
Đề nghị này nhắm vào nhiều mục tiêu kinh tế, xin được tóm lược như sau. Nếu CNOOC làm chủ Nexen, Trung Quốc sẽ thụ đắc trình độ kỹ thuật gần như các tổ hợp số một của quốc tế như Shell hay ExxonMobile. Thứ hai, nhờ kiến năng hiện đại của các doanh nghiệp Bắc Mỹ để gạn đá ra dầu và khí đốt, Trung Quốc có thể khai thác được tiềm năng này của mình ở nhà. Thứ ba, từ nay Trung Quốc có thể bung ra thụ đắc các giếng dầu hay khí đốt trên toàn cầu và làm chủ nhiều giếng dầu khí của thế giời. Và thứ tư, nhờ đó họ có thể chi phối sản lượng và ảnh hưởng tới giá dầu trên thế giới, thay vì thụ động chấp nhận cái giá lên xuống của thị trường.
Nhưng tính toán đầy tham vọng đó của CNOOC cũng lại gây phản ứng, lần này là từ phía Hoa Kỳ. Hôm Thứ Sáu 27 vừa qua, các giới chức trong Quốc hội Mỹ yêu cầu chính quyền cứu xét đề nghị này. Lý do cứu xét là vì Nexen hiện đang khai thác nhiều giếng dầu của Mỹ nằm trong Vịnh Mexico và nếu tổ hợp này được bán cho CNOOC thì Trung Quốc sẽ là chủ đầu tư và khai thác các giếng dầu đó của Hoa Kỳ. Hai cơ quan là Hội đồng Kiểm soát Chứng khoán SEC và Ủy ban Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Ngân khố Mỹ đang chú ý về hồ sơ CNOOC-Nexen đó.

Quân cảng Cam Ranh


pb-120604-panetta-vietnam-ps1-250.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta thăm cảng Cam Ranh tháng 6/2012. AFP photo
Vũ Hoàng: Xin hỏi thêm một câu thưa ông, vì sao Canada có thể cho một tập đoàn Trung Quốc mua tổ hợp Nexen? Hiển nhiên là CNOOC và Nexen đã thỏa thuận trước khi thông báo việc dạm bán đó, trong lúc ấy, chính quyền Canada nghĩ gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khác với tập đoàn Videsh của Ấn Độ là một công ty quốc doanh, Nexen của Canada là doanh nghiệp tư nhân có hội sở tại tỉnh Alberta. Luật lệ Canada cho phép tư doanh và các địa phương thẩm quyền quyết định về các dự án có lợi cho kinh tế. Ban đầu, Canada đã muốn bán dầu khí ở Alberta và ngoài thềm lục địa cho Hoa Kỳ và dự án thiết lập một mạng lưới những ống dẫn dầu và khí đốt của Canada cho các tiểu bang Mỹ đã được nghiên cứu.
Không may là dự án Keystone Pipelines này lại bị Chính quyền Barack Obama bác bỏ vì e ngại về môi sinh. Quyết định bất ngờ ấy của Mỹ khiến Canada thất vọng trong khi CNOOC đang dạm mua dầu khí Canada và tổ hợp Nexen. Bây giờ, nếu CNOOC lại làm chủ các giếng dầu Mỹ thì Hoa Kỳ có khi tính lại, hoặc sẽ đặt ra điều kiện với Trung Quốc để tìm mối lợi khác. Ta không quên là năm 2005, CNOOC đòi mua tổ hợp dầu khí UNOCAL của Mỹ mà sau cùng phải kín đáo rút lui vì sự phản đối của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài và của Quốc hội Mỹ. Lần này, họ đi đường vòng để không chỉ mua dầu mà còn mua công nghệ thăm dò và khai thác dầu khí dưới đáy biển.
Vũ Hoàng: Bây giờ đến chuyện Liên bang Nga và dự án Cam Ranh. Chúng ta có thấy một viên tướng Hải quân Nga nói đến việc sử dụng hải cảng này như một quân cảng cho Hải quân Nga. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga lập tức điều chỉnh lời tuyên bố và ông Trương Tấn Sang xác nhận rằng đôi bên nghiên cứu việc lập ra một cơ xưởng bảo trì tầu bè mà thôi. Cách đây hai tháng, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm viếng Cam Ranh là nơi mà một tầu vận chuyển dân sự của Mỹ do Hải quân sử dụng đang được bảo trì. Bây giờ, đến lượt Nga lại chú ý và nghĩ đến việc trở lại căn cứ này. Tất nhiên là dư luận thế giới đã theo dõi và nghĩ đến sự hiện diện đầy đe dọa của Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vị trí địa dư và hình thể của Cam Ranh có tính chất chiến lược về quân sự nên hải cảng này đã được thực dân Pháp chú ý từ thế kỷ 19. Cam Ranh thực tế đã là căn cứ của Nga trước cuộc chiến Nga-Nhật năm 1905, rồi của Nhật trong Thế Chiến II, rồi là căn cứ hải quân và chủ yếu là không quân của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Sau đó, Cam Ranh cũng trở thành bàn đạp cho Hạm đội Xô viết trong khu vực Đông Nam Á. Kết cuộc thì Việt Nam có một báu vật trời cho mà nhiều nước thèm thuồng vì những mục tiêu riêng của họ.
Tôi thiển nghĩ đáng lẽ Việt Nam nên tân trang căn cứ này thành một trung tâm kinh tế hiện đại, mở ra cho các nước cùng khai thác về cả dân sự lẫn quân sự. Khi ấy, vì quyền lợi của họ, các nước đều phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và hợp tác trong tinh thần bình đẳng. Nhưng lãnh đạo Việt Nam đã lỡ cơ hội và theo đuổi ưu tiên khác, thí dụ như quả đấm thép Vinashin và những lỗ hổng khổng lồ trong hệ thống phòng thủ, trong khi Cam Ranh cứ thế mà tụt hậu.
Bây giờ, có lẽ Việt Nam đang tính lại và nhìn vào Cam Ranh như một lợi thế để mời người này hay can gián người kia và đung đưa giữa hai mục tiêu kinh tế và an ninh. Nhưng sau khi Hà Nội nộp Liên hiệp quốc tấm bản đồ đầy bất lợi về chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào Tháng Năm năm 2009, tơi nghĩ rằng lãnh đạo Hà Nội đã cho Trung Quốc nắm dao đằng chuôi nên e là Cam Ranh cũng chẳng cứu được Hoàng Sa hay Trường Sa. Bây giờ họ mới nghĩ đến Mỹ, đến Nga, đến Ấn Độ hay Nhật Bản...
Vũ Hoàng: Chúng ta có thể đi qua phần hai là phân tích lại mục tiêu chính và phụ, kinh tế hay an ninh, của ngần ấy hồ sơ phức tạp. Ông nhận xét như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta cứ nói về triển vọng kinh tế lớn lao của vùng biển Đông Nam Á với khả năng tìm ra mấy chục tỷ thùng dầu hay mấy ngàn tỷ thước khối khí đốt ở dưới đáy. Thật ra mối lợi kinh tế về năng lượng mới chỉ là dự đoán và đòi hỏi đầu tư rất tốn kém, như Vudesh của Ấn Độ đã mất 45 triệu đô la mà chưa thấy kết quả nên mới tính đến chuyện bỏ cuộc.
Chuyện thứ hai, rất quan trọng cho Việt Nam chính là nguồn thủy sản cho mấy chục triệu dân sống tại vùng duyên hải. Người ta cứ nghĩ đến những dàn khoan đào dầu mà chưa thấy dầu trong khi lại quên số phận ngư phủ và khu vực sản xuất thủy sản rất thiết thực của quốc gia.
Chuyện thứ ba, nói về việc khai thác dầu khí dưới đáy biển thì yếu tố sinh lời và an toàn tất nhiên nằm trong sự cân nhắc của mọi đối tác. Trung Quốc đang chiếm ưu thế về công nghệ và tài chính để chiêu dụ các nước và đẩy Việt Nam ra ngoài. Nhưng mục tiêu của họ chưa hẳn là lấy dầu dưới biển mà là nhờ các doanh nghiệp quốc tế vào tìm dầu sẽ mặc nhiên hợp thức hóa việc chiếm đóng phi pháp của ắc Kinh. Họ bổ xung thế yếu về pháp luật nếu chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển bằng mối lợi kinh tế sẽ chia chác với các nước.
Nhưng vì chủ quan với sức mạnh hải quân ngụy danh hải giám để hỗ trợ việc ăn cướp, lãnh đạo Bắc Kinh lại khiến các nước cân nhắc lại sự lợi hại của an ninh và kinh tế. Bắc Kinh đang biến thương trường thành chiến trường nên có thể gặp phản ứng dội ngược của quốc tế.

Ứng xử ra sao


000_Del512725-250.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Ấn Đô Manmmohan Singh tại New Delhi hôm 12 tháng 10 năm 2011. AFP photo
Vũ Hoàng: Thưa ông, trong hoàn cảnh đó thì các nước trong cuộc sẽ tính sao, nên làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói theo lối dí dỏm kiểu Mỹ thì việc đó vượt quá mức lương của tôi! Thực tế thì chỉ có thể suy đoán theo cái nhìn hạn hẹp của mình mà thôi.
Trước hết, những đòn phép kinh tế của Trung Quốc mà chúng ta đã phân tích kỳ trước trong bài "Võ khí Kinh tế" lại dẫn tới hậu quả ngược. Trên vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc gặp các đối thủ nhỏ yếu và dùng kinh tế để mua chuộc và sức mạnh để hăm dọa từng nước theo kiểu bẻ đũa từng chiếc. Nhưng kết quả của đòn ly gián này đang khiến Hiệp hội ASEAN của 10 Quốc gia Đông Nam Á thấy ra sự bất lực của tập thể nên ta mới có phản ứng khá mạnh của Indonesia và Philippines với Cam Bốt, bị quy trách là quân cờ của Trung Quốc trong cục diện Đông Nam Á. Khi Ấn Độ cũng nhảy vào cuộc qua dự án Videsh, mình thấy ra nhiều trở ngại sắp tới cho Trung Quốc. Các nước nhìn ra bàn tay cầm súng và chi tiền của Bắc Kinh.
Khi dùng thủ thuật CNOOC, Trung Quốc đặt các nước đối thủ như Việt Nam hay Philippines trước hai chọn lựa. Một là hợp tác với CNOOC trong chín lô dầu đó và đành chịu mất chủ quyền để còn được chia chác một mối lợi nhỏ hơn, thay vì mất hết cả chì lẫn chài. Hai là mời một quốc gia đệ tam vào cùng khai thác để phần nào được bảo vệ. Có lúc Philippines thiên về giải pháp thứ nhất là liên doanh với CNOOC. Nhưng bây giờ thì họ sẽ ngần ngại và dân chúng sẽ phản đối rất mạnh. Việt Nam thì thiên về giải pháp thứ hai, qua liên doanh với Ấn Độ và có thể là nhiều xứ khác, như Nga, Mỹ, Âu, Nhật. Giải pháp đó bị Bắc Kinh tìm cách phá vỡ, thí dụ như qua việc phản đối và hăm dọa Ấn Độ. Kết quả hình như xảy ra trái ngược như ta đã thấy.
Sau cùng và nhìn trên toàn cảnh, các doanh nghiệp quốc tế đều đang cân nhắc về triển vọng đào dầu trong tương lai, sau những đầu tư rất tốn kém mà kết quả thì chưa đảm bảo. Chuyện có lời sau này thì chưa thấy đâu nhưng ngay trước mắt, họ lại e ngại về sự an toàn vì thái độ hung hăng của Trung Quốc. Khi biến thương trường thành chiến trường như vậy, Trung Quốc đang mời các chiến hạm đi vào vùng nước đục, trong khi các doanh nghiệp đứng ngoài chờ đợi.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, Việt Nam nên ứng xử ra sao trong hoàn cảnh đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thật chẳng biết là lãnh đạo Việt Nam có muốn ứng xử hay không vì những mâu thuẫn sâu xa trong nội bộ của họ là nên theo voi hít bã mía hay nên trở lại với quyền lợi dân tộc. Lý do là họ vẫn đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc. Nếu Việt Nam lại muốn bọc xuôi như Căm Bốt thì mình có nói gì cũng thừa. Có lẽ ta nên đợi xem lãnh đạo Hà Nội bày tỏ được một chút đởm lược khi các nước đều đang nghĩ lại đối sách với Trung Quốc và muốn biết rằng Việt Nam đứng ở đâu.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào: