Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Khi Nữ thần Công Lý "tan chảy"



Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Ngày xưa, chốn công đường khi “quan” xét xử thực thi công lý mà thiên vị cho người nhà, bên trọng, bên khinh, thiếu quang minh chính trực, người đời hay mai mỉa ví von “Phủ bênh Phủ, Huyện bênh Huyện”. Ngày nay gần với cái nghĩa “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nó tương phản với “Pháp bất vị thân”, không công bằng trong xét xử.

Nếu không hóa giải những hành vi động cơ cố tình thiếu trong sáng trong việc xét xử ấy, công lý sẽ như bị mạ lỵ sỉ nhục, đôi khi có thể dẫn đến “quan tòa” phải thay thế vào vị trí của bị can hay bị cáo để thành tội phạm vô trách nhiệm, lạm dụng chức vụ trong một xã hội văn minh dân chủ, thượng tôn luật pháp ngày nay. 

Nữ thần công lý Dike
Để công bằng trong xét xử, Công Lý đòi hỏi người “cầm cân nảy mực” phải tuyệt đối chí công vô tư, quang minh chính trực, gạt bỏ mọi yếu tố làm ảnh hưởng có thể khiến tư duy không còn khách quan, gây nên thiên lệch trong phán đoán các tình tiết, luận tội khi phán xét .

Không phải ngày hôm nay người ta mới đặt nặng vần đề này, mà lâu lắm rồi từ thời cổ đại Hy Lạp, con người đã nâng lên tầm cao nhân bản bằng sự “vô tư công bằng trong xét xử với tất cả mọi người” coi đó là nguyên tắc khẳng định như “chân lý”, một trong những yếu tố quan trọng để bất cứ triều đại nào cũng phải nghĩ đến, nếu muốn mọi người tâm, khẩu phục để “bình thiên hạ”.

Hãy nhìn xem tượng Nữ Thần Công Lý. Trong thần thoại Hy Lạp Nữ thần Dike (nay đã phổ biến như hình ảnh biểu tượng cho công bằng trong việc xét xử thực thi luật pháp tại nhiều quốc gia dân chủ văn minh) - Được cách điệu hóa: Tay cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền uy thực thi nghiêm khắc, tuyệt đối của Công Lý, tay kia cầm một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, cái phải cái trái, cái đúng cái sai, thể hiện sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị, chính xác như thời gian, có hiệu lực cả ngày và đêm.

Đặc biệt là một chiếc khăn bịt đôi mắt nữ thần, tượng trưng cho ý tưởng công lý sẽ hoàn toàn “mù loà” trước những áp lực ảnh hưởng, đến bất cứ từ đâu, Công lý không căn cứ vào những điều nhìn thấy, nếu nó không phải từ trên bàn cân.

Tượng Nữ Thần Công Lý Hy Lạp
Từ đó, chúng ta - Đồng bào nhân dân trong và ngoài nước - Soi rọi lại cái cách mà “nhà nước đảng này” đã xét xử những công dân mình vì “bất đồng quan điểm, chính kiến” với chế độ, đã lên tiếng trong ôn hòa, bằng tri thức, bằng phản biện, bất bạo động, trong cái quyền tự do ngôn luận của con người mà ngày nay nhân loại khẳng định là đương nhiên, bất khả xâm phạm.

Liệu có là điều “mạ lỵ, sỉ nhục công lý” khi quan tòa là “đảng viên cộng sản” lại ngồi xét xử người dân “bị cáo buộc” phạm tội chống lại chính cái “nhà nước, cộng sản”, lãnh đạo cấp trên của quan tòa ấy, trong khi “bị cáo” người dân lại chứng minh được, không phải là mình, mà chính “nhà nước của đảng cộng sản” này đang vi phạm công pháp quốc tế về Nhân Quyền, vi phạm Hiến Pháp luật pháp quốc gia? 

Ai là Nữ thần Công Lý “bịt mắt” để cầm cân đong đo trong những trường hợp như thế này nếu không có một cơ chế chính trị “Tam quyền phân lập”? Mà điều này lại là điều “tối kỵ”, đảng cộng sản độc tài toàn trị Việt Nam rất “sợ” vì trong thể chế “tam” quyền ấy đảng cộng sản không còn độc tài, độc tôn muốn xét xử ai với bản án nào tùy thuộc đảng lãnh đạo quyết định chứ không phải do công lý độc lập theo chuẩn mực của pháp luật. 

Và vì vậy dù nguyên lý tốt đẹp của Pháp Luật là giáo dục chứ không phải là trừng trị, các cánh cửa Pháp Đình công khai, thường xuyên rộng mở khi xét xử để mọi người dân tự do tiếp cận, mở mang kiến thức, gián tiếp hoàn thiện cá nhân mình để “sống và làm việc theo Hiến Pháp, Pháp Luật”, mọi chính phủ các quốc gia trên thế giới đều khuyến khích điều này. 

Ngược lại, tại Việt Nam dưới chế độ CS/XHCN từ trước đến nay các phiên toà xét xử những công dân “bất đồng chính kiến” bị qui kết theo điều 88 luật hình sự, tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” đều không cho phép người dân được tự do vào tham dự, dù thông báo trước công luận là xét xử công khai. Trong khi đó cũng không có bất cứ đạo luật nào cấm như vậy. Tại sao họ lại “sợ” để hành động như “lừa bịp” trắng trợn công luận và nhân dân như vậy trong tư cách là cơ quan thực thi luật pháp và nhà nước của, do, và vì dân? 

Rất đơn giản, hầu như mọi phiên tòa như vậy qua tranh luận của các luật sư và toát lên từ nội dung cáo trạng, thì “chân lý và chính nghĩa” đa phần đều thuộc về các “bị cáo”. Tất cả những bản án áp đặt cho các công dân bị khép tội này đều do các quan tòa cộng sản toa rập tưởng tượng “bịa ra” từ trước khi xét xử mà thôi. Bởi hơn ai hết, họ biết chế độ cộng sản này đã lỗi thời không còn hợp lòng dân nên thường trực lo sợ sẽ bị nhân dân lật đỗ bất cứ lúc nào như các chế độ độc tài tham nhũng ở Trung cận Đông gần đây! Vì vậy mọi cơ quan của “nhà nước, đảng” gần như được chỉ đạo, không từ nan bất cứ “thủ đoạn, thủ thuật” nào để “việt vị” hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ “bị lật đổ” mà không nhất thiết phải quan tâm đến pháp luật và công lý (cái đó có nhà nước và đảng lo). 

Trong khi những công dân “bất đồng chính kiến” bị bắt vào tù tội và đưa ra tòa ấy chẳng những hoàn toàn vô tội, mà còn như là: Những “Hiệp Sĩ” xả thân trừ gian diệt bạo cứu giúp dân lành, nhà nước này không muốn cho nhân dân vào tham dự sợ người dân “phấn khích bắt chước” hưởng ứng theo làm cho xã hội cộng sản độc tài bất công này, xuất hiện thêm lên nhiều “Hiệp Sĩ” khác như vậy. Đơn giản, chỉ mỉa mai thế thôi ! Mà sắp tới đây các “Hiệp Sĩ” bất đồng chính kiến: Điếu Cày nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, Nhà báo tự do Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn - Luật gia Phan Thanh Hải là các trường hợp điển hình mới nhất giống như vậy. Tin mới nhất vụ xét xử này bị đình chỉ lần thứ 3 - một kỷ lục đình chỉ trong xét xử của Công Lý XHCN/VN. Do mẹ của Nhà báo tự do Tạ Phong Tần vừa phẫn uất “tự thiêu”, họ sợ mang ra xét xử Tạ Phong Tần trong thời điểm này sẽ bùng nổ phẫn uất trong công luận đồng bào nhân dân (mà đôi khi họ có thể không kiểm soát nổi).

Pháp luật nào, công lý nào biện minh cho 2/3 thế kỷ (gần bảy mươi năm) gọi là “giải phóng” nước nhà độc lập tự do dân chủ dưới chế độ CS/XHCN?

Khi nói về chế độ thực dân, ông Nguyễn Ái Quốc (HCM), trong tác phẩm “Bản án Chế độ thực dân Pháp” (xuất bản năm 1946 gồm 12 chương) Chương VIII nói như vầy, về công lý của thực dân Pháp: “Làm gì có pháp luật, công lý với người bản xứ?” Mà “Chỉ có ba toong, súng ngắn, súng dài, đấy mới là thứ xứng đáng với lũ ròi bọ ấy!”“An nam mit đâu phải là là người! Đó là bọn “nhà quê” bẩn thỉu, Cần quái gì công lý đối với những giống ấy”. (nguyên văn) .

Khi so đo sao mà gần trăm năm thực dân Pháp cuốn gói đi rồi, nhưng đối chiếu với vụ việc “cưỡng chế đất đai Tiên Lãng Hải Phòng” đã diễn ra chẳng những nó giống hệt như là copy theo lời ông Hồ mô tả thực dân, mà còn hơn thế nữa có thêm binh chủng hợp đồng tác chiến, cả quân khuyển đặc chủng có mặt để ba mũi giáp công và đúng là “Đó là bọn “nhà quê” bẩn thỉu, Cần quái gì công lý đối với những giống ấy” cho nên đến nay bao oan ức Tiên Lãng Hải Phòng vẫn “yên lặng như tờ”? Anh em ông Đoàn Văn Vươn vẫn đếm ngày tháng trong tù, mà ai phá sập căn nhà thì “Đại ca ca” là đạo diễn chính, người trong cuộc, dù đang là giám đốc công an Hải Phòng vẫn điều tra chưa ra? Phi nhân tính, phi pháp quyền có hơn thời “Thực dân Pháp” chưa? 

Ông Hồ còn vạch trần nền “công lý thực dân” giả tạo như sau: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam. Thường thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả mặc dù tên này ăn cướp hay giết người…” (nguyên văn)

Thật ngạc nhiên, nó cũng gần giống hệt với hiện trạng nước nhà hiện nay: Ở CS/XHCN/VN hiện tại gần như nó cũng có 2 thứ công lý. Một cho những người cộng sản có liên quan và một cho dân thường, điển hình vụ án Trung tá Công an, đảng viên CS cố tình đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng (bố Trịnh Kim Tiến). Cố ý giết người tay không bằng gậy đặc chủng, nhưng chỉ 4 năm tù? Và nhiều vụ Công an đánh chết dân thường khác mà phần thiệt thuộc về nạn nhân xấu số - Các phiên tòa mang tiếng là có luật sư, nhưng qua tòa không thèm tranh luận, lời luật sư tranh biện đối với quan tòa như “gió vào nhà trống, đàn khảy tai trâu” mà các bản án thì như có sẵn từ trong túi móc ra? Nếu có kiện cáo giữa đảng viên cộng sản và dân thường, bao giờ đảng viên CS cũng có lý cả dù là giết người rất phổ biến tương tự như vụ ông Trịnh Xuân Tùng nói trên, nhưng nếu một cô gái học sinh vị thành niên lỡ tát tai một công an cộng sản thì tức khắc sẽ ra tòa một năm rưỡi tù ngay (v/v cô nữ sinh bênh mẹ tát tai CSGT phải ra tòa, quận Bình Thạnh/TP/HCM). 

Và cũng thú vị vô cùng “Bác Ta” hình như cũng có “quen biết” với Nữ thần công lý Hy Lạp, khi nói về sự cai trị hà khắc tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam thông qua biểu tượng nữ thần Công lý. “Bác” ví von như thế này: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”(nguyên văn).

Lại cũng rập khuôn y như vậy, tượng “nữ thần công lý” từ Hy Lạp qua tới Việt Nam đường xa quá đến nỗi mất thăng bằng hai đĩa cân tròn trịa bị cái nắng nhiệt đới làm chảy ra hình tròn bốn cục ráp lại thành hai cái còng số 8 cũng là điều 88 hình sự, sẵn sàng tặng cho bất cứ ai nói ngược lại những “ý đảng nhưng không phải lòng dân” dù họ không có tội tình gì.

Tới đây thì chúng ta có thể hình dung được “pháp chế CS/XHCN ” nó làm nên công lý và pháp luật tại Việt Nam hôm nay thực tế có bộ mặt như thế nào - Khi không còn bất cứ lý do nào để “bịt miệng” đe doạ nhân dân nữa thì “công lý pháp chế XHCN” đã có mắm tôm, trứng thối, nước giải, phân người và đủ các thứ đồ ô uế trộn lẫn với côn đồ, du côn, các thành phần bất hảo của xã hội thay thế.


Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Hải Phòng (trước khi ở tù và được chính phủ Mĩ can thiệp tiếp nhận) - Nhà riêng Bùi Hằng mới đây ở TP Vũng Tàu, Sinh nhật Trịnh Kim Tiến Q.Bình Thạnh và mới nhất Mẹ của blogger Công lý Sự thật Tạ Phong Tần (đang bị cầm tù) vì uất hận “tự thiêu” ở Bạc Liêu. Trong lúc gia đình đang bối rối chuyện tang gia, những kẻ thủ ác"giang hồ tự phát" vẫn không từ nan, đang tiếp tục vào nhà của Tạ Phong Tần, đứng hai bên cửa nhà cầm hung khí đe dọa. Tất cả những người quen và bạn bè đến phúng viếng…v.v, vô vàn những hành vi trấn áp hành hung khủng bố không thua gì xã hội đen chẳng thể nào kể hết, mà không có một nước văn minh dân chủ tự do nào trên thế giới dám tận dụng, thật đúng với - “Trong chính trị không có đạo đức mà chỉ có thủ đoạn. Một thằng du côn cũng có thể có giá trị cho chúng ta chỉ vì nó là thằng du côn.” ( tuyển tập Lenin).

Máu và nước mắt đồng bào nhân dân thấm vào đất đai do nhà nước chủ trương cưỡng chế phi pháp trái đạo lý trải khắp ba vùng miền, “cán bộ chủ chốt” nhà nước, tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng mồ hôi nước mắt nhân dân rồi thơ thới “quất ngựa truy phong” - Lãnh đạo làm “thất thoát” vài tỷ đô-la nhưng xét thấy “không cần kỷ luật một ai” …v.v.. nhiều lắm những vụ việc lớn nhỏ như vậy.

Chúng ta trông đợi Công Lý nào ở một “nhà nước, đảng” này? Khi họ không trân trọng lấy Công Lý làm phẩm hạnh tốt nhất để hiệu chỉnh lòng tham quyền lực và quyền lợi cá nhân đảng phái và cực kỳ nguy hiểm hơn nữa khi họ sẵn sàng “kết án bỏ tù” bất cứ người dân nào yêu nước, yêu lẽ phải, đòi hỏi công bằng, nhân quyền cho xã hội nhưng đe doạ sự tồn tại của chế độ và quyền lực họ. 

Không phải là không có lý khi ngẫm lại lời St. Augustine, nhà triết học có ảnh hưởng lớn đầu tiên thời trung cổ đã nói: Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức? 

Không có nhận xét nào: