Pages

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Liệu dân có còn tin vào ngân hàng?



Sau khi ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên và nguyên tổng giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải bị bắt, người dân có còn lòng tin vào hệ thống ngân hàng ở Việt Nam?
AFP photo
Nhân viên ngân hàng ACB chuẩn bị tiền để khách hàng rút hôm 23/8/2012

Nhà nước cam kết ...

Biểu hiện đầu tiên của người dân ngay sau khi báo chí đăng tải tin ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ hôm 20/8 là ùn ùn đi rút tiền ở tất cả các chi nhánh của ngân hàng ACB. Dù ngân hàng ACB giải thích với khách hàng là ông Kiên chỉ nắm giữ dưới 5% cổ phần và không còn giữ chức vụ gì nhưng do tâm lý không cảm thấy an tâm nên tính cho đến chiều tối ngày 24/8 ngân hàng ACB phải đối mặt với việc rút tiền ào ạt của khách hàng, ít nhất là khoảng 384 triệu đô la. Không chỉ vậy, tổng giá trị cổ phiếu giao dịch ở cả 2 sàn Hà Nội và TP. HCM đã giảm xuống hơn 5 tỉ đô la.

Trước vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên và nguyên tổng giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải, thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình lên tiếng là vai trò và nhiệm vụ của ngân hàng nhà nước lúc nào cũng phải đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng cũng như trấn an tâm lý của người dân trong nước trước vụ bê bối tài chánh vừa mới xảy ra, ngân hàng nhà nước đã bơm vào thị trường mở số tiền 18.000 ti đồng. Chia sẻ ý kiến của riêng mình trước hành động cứu nguy này của chính phủ, bạn Quý, sinh viên trường Đại học Kinh Tế tại TP. HCM nói:
“Ngân hàng nhà nước cũng đã bơm vào thị trường mở hơn 18.000 tỉ để hỗ trợ thanh khoản. Quý nghĩ số tiền bơm ra ồ ạt bất chấp quy luật cung cầu tiền tệ như vậy thì nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy mà trước tiên là lạm phát. Người dân bình thường họ không quan tâm nhiều đến vấn đề vĩ mô mà họ quan tâm đến cơm áo gạo tiền.”
Hãng thông tấn AFP trích dẫn nhận định của một chuyên gia không muốn nêu tên trong lãnh vực ngân hàng hôm 24/8 rằng Việt Nam phải đối diện với nguy cơ lớn hơn là người dân mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng và đây là nguy cơ cho hệ thống kinh tế ở Việt Nam. Trong khi đó, thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết nếu trong cương vị là người gửi tiền ở ngân hàng ACB thì có 2 lý do để ông không rút tiền. Thứ nhất, ngân hàng ACB là ngân hàng tốt. Và thứ hai, ngân hàng nhà nước cam kết không để các ngân hàng thương mại phá sản trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Trả lời câu hỏi vì sao là một trong những khách hàng thân tín của ngân hàng ACB trong nhiều năm mà vẫn “bình chân như vại” trước vụ bê bối tài chánh gây rúng động dư luận trong 1 tuần qua, giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn ở quận 7, TP. HCM cho biết:
“Tôi không sợ. Tâm lý vẫn còn tin tưởng nhưng mà tin tưởng ở một mức nào thôi. Nói chung cũng được, không thành vấn đề. Tại nhà nước đứng ra bảo lãnh hết rồi mà. Đối với tôi khi đến ngân hàng, nhân viên đều nhiệt tình và niềm nở. Chi, xuất, chuyển cho ai bao nhiêu đều làm đầy đủ hết. Mình không nghĩ là bị gì đâu. Riêng bầu Kiên thì tiền của ổng thì như “quân Nguyên” mà. Tại bị quánh do những nguyên nhân khác, do đấu đá với nhau, “chơi” nhau thôi.”

... nên dân yên tâm

Là một khách hàng trước đây của ACB, bạn Thảo gặp rất nhiều khó khăn trong hợp đồng vay tiền ở ngân hàng này do lãi suất tăng vùn vụt cứ mỗi 3 tháng trong khi hợp đồng cho vay ban đầu ghi là lãi suất tăng giảm theo lãi suất của nhà nước qui định trong mỗi 6 tháng. Sau 2 năm vay tiền, tỉ suất cho vay đã tăng hơn 20%/năm. Tuy rất thất vọng với dịch vụ cho vay ở ngân hàng ACB nhưng bạn Thảo vẫn tin tưởng vào các ngân hàng thương mại khác ở Việt Nam trước “một tuần rúng động”. Bạn Thảo chia sẻ:
“Thấy bình thường, không có gì lo lắng hết. Nói chung tôi nghĩ các ngân hàng giao dịch thì đây chỉ là một sự cố nhỏ rồi sẽ quay trở lại bình thương thôi. Tuy là đối với ACB, tôi không thích giao dịch do chính sách không hài hòa với mình. Còn những ngân hàng khác, mình vẫn giao dịch bình thường. Cũng có một số ngân hàng tư nhân khác giao dịch vẫn tốt.”
Đa phần những người dân chúng tôi tiếp xúc sau một tuần xôn xao dư luận về vụ ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ đều cho rằng “đâu rồi sẽ vào đó” mà thôi. Anh Hưng, một người dân ở TP. HCM xác nhận chắc chắn với đài RFA rằng cứ gửi tiền vào các ngân hàng nhà nước là an tâm dù lãi suất không cao vì anh Hưng cho rằng nhà nước còn thì ngân hàng còn và tiền của mình cũng sẽ còn. Anh Hưng nói:
“Tôi gửi thì gửi cho nhà nước chứ tôi không gửi cho công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, ngân hàng nào hết. Tuy là lãi ít nhưng tôi có quan niệm chậm mà chắc là được.”
Có thể không am hiểu về các chính sách vĩ mô, không hiểu rõ quy luật cung cầu tiền tệ như các chuyên gia kinh tế và ngân hàng, dường như “một tuần lễ rúng động” vẫn không làm mất sự tin tưởng của người dân vào hệ thống ngân hàng hiện nay. Tuy vậy, điều mà người dân quan tâm là không biết sẽ có thêm bao nhiêu “tuần lễ rúng động” nữa sẽ xảy đến và ngân hàng nhà nước có đủ tiền để bảo đảm thanh khoản như lời thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố.

Không có nhận xét nào: