Pages

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

NGUY CƠ CHƯA TỪNG THẤY TRÊN BIỂN ĐÔNG


Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc
Ngày 1/8, tờ Nhân dân Nhật báo vừa đăng bài xã luận với tựa đề khá giật gân: “Nguy cơ chưa từng thấy từ bên ngoài”. Tuy nhiên, bài xã luận này không nói rõ cái “nguy cơ chưa từng thấy” đó là gì. Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc vốn thường chỉ đăng tải các bài xã luận mang tính chủ trương-đường lối chỉ đạo về những sự kiện mà Bắc Kinh xem là cực kỳ quan trọng. Nay xuất hiện bài xã luận lấp lửng nước đôi khiến cho dư luận thêm nóng lên về vấn đề biển Đông. Người ta nghĩ ngay đến việc một tờ báo lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc tung tin về “nguy cơ từ bên ngoài” phải chăng để che khuất sự rối ren từ bên trong với sự đấu đá rất quyết liệt giữa các phe cánh giành giật ghế tại Đại hội 18 Đảng CSTQ sắp tới trong nội bộ chóp bu? Hoặc là ít nhất cũng thanh minh, bênh vực cho ai đó rằng nếu như có sai lầm gì thì do “bên ngoài “ đem lại. Điều dự cảm này của thiên hạ cũng là lẽ đương nhiên, bởi vì cái trò hề tầm thường này của Trung Quốc, con bài “kéo dư luận ra khỏi Bắc Kinh” trước mỗi kỳ đại hội Đảng đã thành lối mòn, bản cũ soạn lại thôi.

Tuy nhiên, những động thái quốc tế trong mấy ngày gần đây, cho thấy sự bối rối của Trung Quốc trước những diễn biến trên thế giới và khu vực đều là sự “nằm ngoài dự kiến” của nhà cầm quyền Trung Quốc. Mấy năm qua, khi kinh tế toàn cầu lâm vào cảnh suy thoái kéo dài, khủng hoảng tài chính lan rộng, nhưng Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Những nước tư bản kếch sù hơn hẳn Trung Quốc trước đây, nay bỗng nhiên bị lép vế trước “hiện tượng Trung Quốc”, một nước được coi là đứng vững của nền kinh tế mới nổi, đang đà phất nhanh này. Cũng có những nước tư bản đầy thế lực nhưng nay lại đang trở thành con nợ của Trung Quốc mặc dù luôn bị các nước thúc ép phá giá đồng nhân dân tệ. Vì thế, Trung Quốc đang hí hửng với “thế thượng phong”, đĩnh đạc bước vào Đại hội 18 với một khí thế hùng hổ. Giới cầm quyền Trung Nam Hải nghĩ rằng khi bước vào năm 2012 sẽ không có nước nào dám đụng đến con rồng Trung Quốc. Ngỡ rằng cơ hội đoạt vai trò bá chủ toàn cầu đã đến rồi chăng ?
Nhưng có ngờ đâu Trung Quốc bước vào năm Con Rồng này lại xảy ra nhiều diễn biến “xui xẻo” đến thế. Trước hết, mới đầu năm đã rối ren bởi vụ bạo loạn ở Tân Cương, tiếp đến lại bung xé từ nội bộ vụ Bạc Hy Lai kèm theo viêc Vương Lập Quân nhảy vào Đại sứ quán Mỹ, một thảm họa trên chính trường Trung Nam Hải. Về khu vực và quốc tế còn làm cho Trung Quốc trở thành “kẻ hối lộ” tầm cỡ khi cả hai Hội nghị ASEAN tại Phnom penh mặc dù mất tiền bồi dưỡng cho Campuchia, nhưng Trung Quốc vẫn không đạt được ý định khống chế trên thế mạnh khuynh loát và phá vỡ sự đoàn kết của các nước ASEAN. Ngược lại, trên thực tế nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tự chuốc lấy sự cảnh giác, dè chừng, né tránh và bất hợp tác của các nước ASEAN. Tưởng như quậy phá biển Đông sẽ là cú đòn hiểm hóc đe dọa được các nước Đông Nam Á nhưng tiếc thay điều Trung Quốc không thể ngờ việc vận dụng những chiến thuật tưởng như khôn khéo và mưu lược ấy đã phải trả giá quá đắt. Họ đã đẩy các nước Đông Nam Á càng nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ, những đối thủ đáng gờm của Trung Nam Hải. Và dĩ nhiên, việc sẽ đến đang đến. Mỹ và Nga xuất hiện trên vũ đài chính trị-quân sự ở khu vực Châu Á-TBD như một sự răn đe, lên tiếng hỗ trợ, tuyên bố sẽ bảo vệ các nước đồng minh (Nhật, Hàn) và các nước yếu trong tổ chức ASEAN khi có sự biến do Trung Quốc gây ra.

Tàu sân bay Thi Lang
Chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ tạm gác, nay lại được khơi ngòi một cách chính thức qua việc Mỹ tuyên bố công khai xác nhận chiến lược mới với thế giới. Mặt khác, Nhật đã công khai phê phán sự hiếu chiến của Trung Quốc qua “sách trắng về quốc phòng” vừa mới được công bố. Sự mất mặt, mất cả lợi thế của TQ còn thể hiện qua cuộc tập trận 24 nước trên Thái Bình Dương (Rimpac)Trung Quốc đã không được mời tham gia. Gần đây, Nga càng tỏ ra quan tâm mạnh mẽ tình hình trên biển Đông và với khu vực Đông nam Á tích cực hơn. Bản Tuyên bố chung Việt –Nga được đưa ra qua chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới rồi là một quả đắng cho Trung Quốc…Phải chăng tất cả những động thái ấy đang làm điên đầu nhà cầm quyền Trung Nam Hải, ngày càng cảm thấy bị bao vây, cô lập ?
Trong khi kinh tế trong nước không tránh được cơn suy thoái, nội bộ tranh giành quyền lực trong Đảng CSTQ cho nhiệm kỳ rối ren lại phải đối phó với sự thất thế trong các quan hệ đối ngoại như đã nêu trên, giới cầm quyền Bắc Kinh lúng túng đến điên đầu thì cũng không có gì là lạ.

Tàu cá TQ chuẩn bị rời bến ùa ra biển Đông
Thế nhưng, để che đậy cho những hành động leo thang ứng phó với sự đoàn kết giữa các nước trong khu vực về vấn đề tự do hàng hải trên biển Đông, Trung Quốc lên tiếng một mặt rêu rao là “sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác trong các mặt, trong đó có quan hệ an ninh-quốc phòng với ASEAN, cùng thúc đẩy hoà bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực, vấn đề Nam Hải cần phải giải quyết thông qua đàm phán giữa các nước đương sự”, như phát biểu trên đài truyền hình CRI hôm 31-7 của Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhưng trên thực tế thì lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa để quản lý hành chính các quần đảo trên biển Đông, đưa ban chỉ huy và lực lượng quân sự đến trú đóng để sẵn sàng tác chiến và tiến hành diễn tập quân sự bắn đạn thật trên vùng biển tiếp giáp với Trường Sa, không kể tổ chức đánh bắt thủy hải sản rầm rộ trong vùng biển thuộc chủ quyền VN với sự bảo vệ của đội tàu “Hải Giám” !
Rõ ràng, người ta nhận diện ra ngay cái trò “cây gậy và củ cà rốt” vốn đã quen dùng thành một thứ bài bản ngoại giao của Trung Quốc từ xưa đến nay. Trong khi “củ cà rốt” vừa giơ lên hôm trước (như phát biểu của đại tá Cảnh Nhạn Sinh trong buổi họp báo ngày ngày 31-7), thì ngay hôm sau (1-8) Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đã mạnh miệng tuyên bố rằng Trung Quốc đang đối mặt với “nguy cơ chưa từng thấy từ bên ngoài”, và Tướng Liệt cũng không ngần ngại đưa ra “con phăng teo”, công khai thúc giục quân đội tăng cường chuẩn bị cho mọi cuộc đối đầu quân sự.
Vì vậy, bên cạnh sự nhìn nhận cái trò tung hỏa mù bên ngoài, khỏa lấp những lình xình đấu đá trong nội bộ, chúng ta không nên quá chủ quan, cần đề phòng sự manh động, chiến thuật chớp nhoáng cưỡng đoạt bất ngờ theo thói quen chụp giật, ăn cướp có từ huyết thống của đế quốc Đại Hán nhằm lập thành tích chào mừng đại hội Đảng !. Những nỗ lực về hiện đại hóa quân sự của nước này cho thấy nhà cầm quyền Trung Nam Hải vẫn không từ bỏ mục đích độc chiếm biển Đông, có khả năng TQ đang huy động lực lượng hành động gấp để chủ động tạo ra “việc đã rồi” trước khi Mỹ, Nga, Nhật và các nước ASEAN chưa kịp triển khai các bước chiến lược mới trên vùng biển Đông, và cả trước khi Luật biển của Việt Nam được thực thi.

Chiếc lưỡi bò phi lý
Âm mưu này được tiết lộ qua phát biểu ngang ngược của Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh trên Nam Hải, Trung Quốc thành lập cơ quan tương ứng trên lãnh thổ của mình, là công việc nội bộ của Trung Quốc, không liên quan gì tới các nước khác”. Ông Cảnh Nhạn Sinh cũng nói bất chấp lẽ phải ,một cách không biết ngượng: “Việc thiết lập khu cảnh bị tại thành phố Tam Sa là sự sắp xếp bình thường được tiến hành theo quy định hữu quan của Trung Quốc về hoạch định khu vực hành chính và thành lập cơ quan quân sự…” trên quần đảo Hoàng Sa của VN đang bị TQ chiếm giữ.
Cùng với việc phong cấp Thượng tướng cho 6 sĩ quan quân đội, vừa chuẩn bị nhân sự với chủ đích tăng cường bộ máy của quân ủy T.Ư cho nhiệm kỳ tới, một mặt vừa cải tổ lại hệ thống cán bộ chỉ huy chủ chốt trong quân đội để chuẩn bị chiến tranh, mặt khác ráo riết đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa các loại tàu chiến như tàu sân bay, tàu khu trục, tuần dương, tàu ngầm, tàu đổ bộ loại lớn…đồng thời tăng cường trang bị vũ khí tối tân, tên lữa chống tàu sân bay của địch thủ, máy bay tác chiến trên biển, các loại tên lữa tầm trung và tầm xa cho Hạm đội Nam Hải.

Máy bay tiêm kích J-20
Bên cạnh đó, động thái ráo riết nhất là trong những ngày qua, các tàu cá Trung Quốc đã tụ tập tại cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam để chuẩn bị ra khơi, theo thông tin của Tân Hoa xã. Theo tờ Nhật báo Hải Nam, có 8.994 tàu cá với 35.611 ngư dân sẽ đổ xô xuống biển Đông trong những ngày tới. Hiện chưa rõ những khu vực mà ngư dân Trung Quốc sẽ đánh bắt tại biển Đông. Tất cả những hành động này có thể hiểu là đây là một sự chuẩn bị và sẵn sàng dùng vũ lực mạnh của Trung Quốc, rõ ràng đang là “nguy cơ chưa từng thấy trên biển Đông”.
Nhật báo Hải Nam cho biết, từ hôm 31/7, các ngư dân ở Hải Nam đã tích cực chuẩn bị cho việc đổ ra biển đánh bắt. Các ngư dân Trung Quốc đã làm sạch tàu thuyền, nạp nhiên liệu, tích trữ lương thực chờ khi lệnh cấm đánh bắt cá (mà Trung Quốc đơn phương áp dụng ở Biển Đông) được giải tỏa. Trước đó, ngày 15/5, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá, áp dụng với hầu như toàn bộ Biển Đông, lệnh cấm đánh cá có hiệu lực từ 12h ngày 16/ 5 đến 12h ngày 1/8.
Lệnh này bị các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam bác bỏ bởi không có cơ sở pháp lý nào mà là một sự áp đặt đơn phương phi lý. Thật vậy, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp đặt “lệnh” cấm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối, nói rằng quyết định của Trung Quốc là “đơn phương” và “không có giá trị”. Ông Lương Thanh Nghị nói: “Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm”. Khi đó, phía Philippines cũng đã ra tuyên bố bác bỏ lệnh cấm phi lý nói trên của Trung Quốc.
Trước hàng loạt hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian vừa qua cựu Ngoại trưởng Ấn Độ và Australia cùng một số học giả quốc tế khác đã kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng các quy tắc chung và dừng ngay những hành động vi phạm luật pháp quốc tế trước khi quá muộn. Ngay cả nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng (Hong Kong, Trung Quốc) Tiết Lý Thái cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều khó khăn và thách thức từ cộng đồng quốc tế nếu cứ khăng khăng tuyên bố về “đường lưỡi bò”.
Những hành động leo thang mới này của Trung Quốc đang đặt ra tình huống cấp bách cho các nước tiếp giáp biển Đông với Trung Quốc, trực tiếp nhất là Việt Nam mà “điểm nóng” là vùng biển quần đảo Trường Sa. Đây quả là “nguy cơ chưa từng thấy trên biển Đông”. Đã đến lúc phải xem xét lại những lời ca ngợi về tình hữu nghị, đoàn kết, về những “đối xử thân thiện” của Trung Quốc. Đừng việc gì phải cố mà giấu đi tâm trạng như trong thơ Khuất Nguyên đã viết: “Vui, vui gượng mặt ngoài hỉ hả / Đau, đau ngầm trong dạ xót xa”. Lúc này phải thực sự cảnh giác cao độ, hãy gác lại quan hệ giả tạo do Trung Quốc vạch ra cho Việt Nam mỏi sức đeo đuổi một phía, rõ nhất là “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt”. Con sói lâu nay gửi chân bằng đủ cách, nay muốn giành chiếm hang thỏ rồi.
Bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) rút tít là “Nguy cơ chưa từng thấy từ bên ngoài”, thực chất chính họ đang tạo ra nguy cơ chưa từng thấy về những thách thức đến mức xảy ra đối đầu, đối trận. Lúc này cần đặt vận mệnh Tổ quốc, chủ quyền dân tộc lên trên hết, tỉnh táo, nhạy bén và chủ động với mọi tình huống, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Việt Nam đã chịu nhường nhịn vì muốn giữ uy tín với hai con số 16 và 4 do Trung Quốc bơm thổi, lừa mị, dụ dỗ.
Biết bao sự cố đã xảy ra do Trung Quốc nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, cả việc không nói, không tuyến bố, cứ ngang nhiên làm như trên sân nhà mình. Trong khi đó, sự hạ mình của các lãnh đạo Việt Nam gần như không còn gì để có thể chê trách, nhưng không thể quá nhu nhược đến mức phải cam chịu nhịn nhục, hoặc thậm chí như Tajikistan “đổi đất lấy hòa bình” với Trung Quốc. Nước ta nhỏ, chật, và cho dù có “rộng” chăng nữa cũng không bao giờ được phép làm như thế, không bao giờ chấp nhận việc cắt xén đất đai, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc cho bất cứ ai, vứt bỏ lòng tự hào dân tộc và bóp nát lịch sử của một dân tộc kiên cường bất khuất ném xuống biển.
Chúng ta phải cảnh giác đến tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là khi Trung Quốc ỷ thế mạnh và liều lĩnh, lòng tham và sự tàn ác dâng lên cực độ, khi không còn gì để che giấu, lừa mị được nữa thì nhà cầm quyền Bắc Kinh lại lên mặt “dạy cho Việt Nam bài học”. Không thể nhân nhượng thêm được nữa, chúng ta càng nhân nhượng chúng càng lấn tới!
Đại tá Bùi Văn Bồng
8/2012

Không có nhận xét nào: