Pages

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Szilard, Cha Đẻ Và Cũng Là Đối Thủ Của Bom Nguyên Tử


Lê Hoàng Thanh 
(Phóng dịch theo tài liệu của M.C. Schulte; v. Drach und B. Oswald)
Thay lời mở đầu: Người viết không phải là khoa học gia, cũng chẳng là nhà vật lí học nên với khả năng hạn hẹp của mình, chắc chắn không tránh khỏi những sơ sót khi dùng những từ chuyên môn trong bài này. Kính mong quí vị thức giả, chuyên gia trong ngành lượng thứ và chỉ giáo cho. Xin trân trọng cám ơn.
Vài ngày trước đó và đặc biệt hôm nay, 06.8, giới truyền thông và truyền hình loan tải và chiếu lại những hình ảnh thảm thương liên quan đến cuộc dội bom nguyên tử của Mỹ cách đây 65 năm ở Hiroshima, làm chết hơn 240 ngàn người Nhật, buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện sau đó. 

Nói đến bom nguyên tử (A-Bom), hầu như người ta chỉ biết hay nhắc đến 3. Robert Oppenheimer là người hình thành A – Bom và Albert Einstein là khoa học gia chủ xướng sự nghiên cứu, lí do dễ hiểu vì Openheimer là giám đốc đề án này. Nhưng người cha đẻ có sáng kiến của loại vũ khí hạnh nhân là nhà vật lý học Leo Szilard, ít ai biết đến. Tuy là cha đẻ của loại A-Bom nhưng Szilard lại là người đã chống đối vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật, chống kịch liệt so với những khoa học gia khác. Đời sống của Szilard là một lịch sử bao gồm khoa học, trách nhiệm và thất bại.
Tên tuổi của Szilard ít người nhắc đến liên quan đến loại vũ khí hạnh nhân. Leo Szilrad sinh năm 1898 tại Hung ga Ri (Ungarn) và đúng ra mới là người khá phá ra loại vũ khí nguy hiểm này. Szilrad là một nhà ảo tưởng và có sáng kiến chế tạo bom nguyên tử và đây cũng là nguyên nhân chính đưa đến một bi kịch cho chính bản thân ông ta. Ngay từ tháng 9.1933, Szilard đã tiên đoán là có thể có một sự phản ứng dây chuyền về hạt nhân nguyên tử. Tuy nhiên nhiều khoa học gia đương thời đã tranh luận dữ dội và bác bỏ giả thuyết của Szilard.
Các nhà nghiên cứu hàng đầu lúc bấy giờ như Lord Rutherford, Enrico Fermi và Otto Hahn không tin rằng “hạt nhân“ có thể bị tán nhỏ ra được. Tuy nhiên, Szilard là nhà vật lý hạt nhân có tiếng nói khá mạnh trên phương diện này. Ông ta là người có đầu óc, từng làm ngạc nhiên đồng nghiệp qua những giả thuyết của ông nhưng ít khi theo dõi rốt ráo những giả thuyết này, phần đông dành sự nghiên cứu cho người khác. Dầu vậy, sự suy nghĩ của Szilard làm cho người ta phải lưu ý và thận trọng, một phần cũng nhờ cuốn tiểu thuyết với nhan đề “A World Set Free“ của H.G. Wells. Chính Wells, tác giả cuốn “Krieg der Welten“ (War of the World) đã diễn tả một thế giới vào năm 1914 trong đó con người sẽ sử dụng năng lương nguyên tử là nguồn năng lượng rất phong phú, vô tận và có thể gây nên một cuộc chiến tranh nguyên tử!
Cũng vào năm 1933, Szilard, vốn gốc người Do Thái và đã theo học tại Bá Linh di dân sang Anh quốc, sau khi Quốc Hội Đức bị cháy, ông đã nhìn thấy được là nước Đức muốn gì trong thời gian kế tiếp. Tài sản và tiền bạc ông ta đã chuyển vào trương mục tại Thụy Sĩ năm 1930. Trong thời gian sống tại London ông ta can thiệp cho các khoa học gia cùng cảnh ngộ (dạng di dân) có công ăn việc làm trong khi chính bản thân ông ta lại thất nghiệp. Năm 1934 ông ta nộp giấy đăng kí phát minh của mình tại phòng cấp và quản lý bằng phát minh Anh quốc, trong đó lần đầu tiên ông đề cập đến sự phản ứng dây chuyền hạt nhân (nuklare Kettenreaktion) và trình bày ý niệm về sự nguy kịch của khối lượng (Idee der kritischen Masse= Idea of critical mass). Nhưng vì không muốn công khai phổ biến những tài liệu cuả mình nên Szilard đã nhượng quyền phát minh cho chính quyền Anh.
Trong những năm kế tiếp, Szilard luôn lên tiếng cảnh giác rằng chiến tranh sẽ bùng nỗ. Ông ta tuyên bố: “Tôi sẽ di dân, một năm trước khi Hitler gây ra chiến tranh“. Và khi Đức quốc Xã chiếm cứ phần lớn nước Tiệp Khắc vào năm 1938 thì Szilard đã không trở về Âu Châu trong một chuyến du lịch sang Mỹ. Cũng tại Mỹ, đầu năm 1939 ông ta nghe được một hiện tượng mới từ Bá Linh do hai khoa học gia Otto Hahn và Fritz Strassmann khám phá ra là qua sự bắn phá Uran với trung nguyên tử (Neutron= nơtron) sẽ hình thành được Barium. Lần đầu tiên vật lý gia đã tán nhỏ ra được hạt nhân nguyên tử (Atomkern= atomic nucleus). Điều này cho thấy giả thuyết của Szilard trước đây là đúng.
Liền sau đó Szilard lui vào phòng thí nghiệm tại Đại Học Columbia ở New york, kiểm chứng lại giả thuyết thứ hai của ông ta là qua sự tán nhỏ nơtron sẽ được tự do (free), tiền đề cho sự phản ứng dây chuyền (Kettenreaktion=series of reactions). Ngày 03.3.1939, cùng với người bạn đồng nghiệp là Walter Zinn ông đã chứng giả thuyết thứ hai của mình cũng đúng nốt. Ngay trong đêm đó, chính Szlard đã tiên đoán là thế giới bắt đầu đi vào một tai hoạ không tránh được. Ít ngày sau, những khoa học gia được giải Nobel như Enrico ở Newyork và Frederic Joliot ở Paris đã xác nhận kết quả thí nghiệm của Szilard. Và theo Szilard, cuộc thí nghiệm thành công nói trên đã tạo nên cơ hội chế tạo ra bom nguyên tử (A-Bom).
Nhưng Szilard lại hy vọng với sự giúp đở của những đồng nghiệp ông ta có thể ngăn chận được sự chế tạo loại bom nguy hiểm này. Ông ta yêu cầu các bạn đồng nghiệp phải tuyệt đối giữ bí mật kết quả các cuộc thử nghiệm nói trên, đặc biệt là ông yêu cầu Joliot đừng phổ biến những kết quả của ông. Tuy nhiên Joliot không thèm để ý đến lời yêu cầu của Szilard. Sau khi Joliot phổ biến kết quả nghiên cứu thì Fermi thấy là sự giữ bí mật không cần thiết nữa nên cũng cho phổ biến luôn kết quả thí nghiệm của mình. Đầu hè 1939, tất cả kết quả đều được công bố, trong đó có cả kết quả của Szilard. Qua đó, những khoa học gia Đức như Heisenberg và von Weizsaecker có đầy đủ lí thuyết để có thể chế tạo được A-Bom như Szilard tiên đoán, nếu họ có đầy đủ Uran.
Szilard vốn biết rằng, Albert Einstein, người đã cùng ông ta đăng bạ vài phát minh mới lại là chỗ quen biết với Nữ hoàng Bỉ Elisabeth nên đã cùng với Eugene Wigner (cũng xuất thân từ Ungarn như ông ta) đến thăm Einstein trong khi ông này nghỉ hè tại Long Island. Sau khi bàn thảo xong ba người này đồng ý để Einstein viết thư cho Tổng Thống Mỹ Roosevelt, nhằm mục đích cảnh giác Rosevelt nên đề phòng Đức quốc Xã sẽ chế bom nguyên tử. Cuối thư, họ đề cập Mỹ cũng nên tìm cơ hội tự chế loại A-bom này! Lá thư được Szilard trao chuốt lại và gởi cho TT Rosevelt ngày 02.8.1939 do Einstein ký tên.
Lá thư nói trên đến tay TT Rosevelt khi mà chiến tranh Âu Châu vừa bắt đầu bùng nỗ, chẳng một phản ứng, xem như không có gì xảy ra từ phiá Mỹ. Mãi đến mùa thu 1940, khi Fermi và Szilard có đủ tiền thì hai người mới bắt đầu làm việc, phần lớn Fermi thì lo việc chế tạo A-bom trong khi Szilard lãnh nhiệm vụ suy nghĩ, không muốn nhọc thể xác nhiều. Qua sự thành công của Fermi-Szilard, chính quyền Mỹ mới nảy ra ý định là việc chế tạo A-Bom có thể thực hiện được, cho dù Đức đã bắt đầu rồi. Lần này thì hai bên Mỹ, Fermi và Szilard đồng ý giữ bí mật kết quả do hai người đạt được, như chính Szilard mong muốn.
Từ đó, tất cả những việc liên quan đến năng lượng hạt nhân được thực hiện dưới đề án chung mang tên “Manhattan Project“, dưới sự điều hành của nhà Vật lý Học J. Robert Oppenheimer. Lúc đầu, các công viện chính được thực hiện tại trung tâm thí nghiệm kim loại của Đại Học Chicago. Mãi tới tháng 12 năm 1942 sự phản ứng dây chuyền (Kettenreaktion=chain reaction) lần đầu tiên mới thành công tại lò phản ứng trung nguyên tử của Fermin và Szilard.
Năm 1943, khi mà Oppenheimer, Fermi và nhiều vật lý gia khác chuyển về Los Alamos thuộc vùng New Mexicos thì Szilard vẫn ở lại Chicago, tiếp tục phát triển và hình thành lò nguyên tử lực tại đây.
Tuy nhiên, tất cả đi ngoài ý muốn của Szilard. Ý định của ông muốn thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống một trung tâm nguyên tử lực Đức cũng như lên đầu Hitler bất thành vì đầu năm 1945, đồng minh đã đánh bại Đức quốc Xã làm cho Szilard không còn đối tượng để thả bom nữa. Thay vào đó, Szilard lần nữa liên lạc với TT Rosenvelt yêu cầu quốc tế kiểm soát, đừng cho chế tạo và sử dụng A-bom. Szilard lại cần đến sự hổ trợ của Einstein và có cơ hộ được gặp gở với phu nhân TT Rosenvelt là bà Eleanor. Nhưng không đạt được ý nguyện vì Rosenvelt, người đã ừng nghe theo lời Einstein, bị chết thình lình vào ngày 12.4.1945.
Lúc bấy giờ Harry S Truman là Phó Tổng Thống nhưng không nắm vững vấn đề đối ngoại của Mỹ. Mãi đến ngày 25.5.1945, Truman mới nghe nói đến vũ khí hạnh nhân, vị chi 13 ngày sau khi đã nhậm chức thay thế cố TT Rosenvelt. Szilard được giới thiệu với James Bymes, một người rất thân cận của TT Rosenvelt, hiện giữ vai trò cố vấn cho TT Truman. Ngày 28.5.1945, Szilard gặp Bymes (sau trở thành ngoại trưởng Mỹ) nhưng Bymes chẳng thiết tha gì đến đề nghị và con người “khó tính“ Szilard. Chính Bymes đã nhìn thấy sự lo ngại đến với Mỹ từ Nga Sô và nhìn thấy rằng qua vũ khí nguyên tử, Mỹ có thể làm áp lực đối với Stalin. Sau đó Mỹ bỏ ra 2 tỉ Dollars để phát triển và chế tạo bom nguyên tử.
9 ngày trước khi thông báo cho TT Truman biết, Tướng Groves, giám đốc Pentagon và Đại Tá Tibbets cũng như vài sĩ quan cao cấp khác và khoa học gia đã nhóm họp và đã ấn định vài trọng điểm sẽ bị dội bom nguyên tử (A-bom). Cuối tháng 4.1945 một ủy ban cố vấn về vũ khí nguyên tử gồm chính trị gia, các nhà quân sự và khoa học gia, trong đó có Oppenheimer và Fermi ra đời. Và trong cuộc họp có tính cách quyết định vào ngày 31.5.1945, ủy ban nói trên với sự tham dự của ngoại trưởng Bymes và Tổng trưởng chiến tranh Henry Stimson đã khuyên TT Truman nên sử dụng ngay A-Bom để chống lại Nhật trong thế chiến thứ hai, không cần phải cảnh cáo trước. Sau cuộc họp nói trên, Bymes đến gặp Truman và cho Truman biết là theo sự ước tính của Bymes sẽ có khoảng 500 ngàn người Nhật bị chết vì A-bom.
Dựa vào dữ kiện này, Truman đồng ý đề nghị của ủy ban. Tuy nhiên có nhiều người cộng tác trong đề án “Manhattan Project“ ở Chicago không đồng ý với quyết định của Truman. Bài tường trình “Frank-Report“ vào ngày 11.6.45, trong đó Szilard tham gia hết mình, yêu cầu tổng trưởng chiến tranh Stimson nên công khai trình diễn một cuộc thí nghiệm loại vũ khí nguyên tử với sự tham dự cuả đại diện các quốc gia khác trên thế giới. Sau đó nên gởi tối hậu thư cảnh cáo Nhật. Nhưng Stimson không thay đổi ý định, quyết sử dụng A-bom trên lãnh vực quân sự. Szolard vẫn chưa chịu thua, trong khi Tướng Groves tìm bằng cớ để buộc tội phản quốc đối với Szilard là một di dân nhập tịch Mỹ năm 1943 thì ông ta đã thảo một lá thư khác vào ngày 17.6.45, trong đó yêu cầu ít ra phải cảnh cáo Nhật và phải tạo cơ hội để cho Nhật đầu hàng. Có 70 nhà nghiên cứu về nguyên tử lực ký tên ủng hộ thư này, trong đó có cả Eugene Wigner. Szolard gởi văn thư này đi Washington nhưng về sau người ta nghĩ rằng chắc Tổng Thống Truman không đọc.
Một tuần lễ sau, 25.7.45. TT Truman đã ghi trong nhật ký của ông ta nhân cuộc hội nghị tứ cường tại Postdam (Đức) là Mỹ đã khám phá ra một vũ khí rất khủng khiếp trên lịch sử thế giới. Truman còn viết thêm, yêu cầu Stimson là “vũ khí này chỉ sử dụng nhằm mục đích phá huỷ những căn cứ quân sự và lính cũng như thuỷ thủ, không được phép sát hại đàn bà và trẻ con“! Trong cùng ngày, Chỉ huy trưởng lực lượng United Statea Army Strategic Air Forces, tướng Groves đã ra lệnh cho tướng Carl Spaatz, thả trái A-Bom đầu tiên vào các mục tiêu đã ấn định sau ngày 3.8.45 khi thời tiết quang đảng cho phép: Hiroshima, Kokura, Niigata và Nagasaki. Hầu như không đề cập đến chuyện mục tiêu sẽ là các cơ sở quân sự mà chỉ nói là các thành phố. Dầu rằng các khoa học gia nghiên cứu và chế tạo ra loại vũ khí hạnh nhân nhưng có thể nói là chưa ai biết rõ được tầm hủy diệt của loại vũ khí này. Mục đích chiến lược của Tổng Thống Mỹ đã rõ ràng. Mỹ muốn sử dụng vũ khí tối tân này buộc Nhật phải đầu hàng ngay lập tức. Vì thế Mỹ phải tấn công bất ngờ.
Ngày 06.8.1945, trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima. Ngày 09.8.45, thành phố Nagasaki lãnh thêm trái bom nữa làm hàng trăm ngàn người bị vong mạng, trong số đó có đàn bà và trẻ con. Cùng ngày, Giám đốc “Manhattan Project“, Oppenheimer từ chức.
…. Szilard nhìn biết được thảm cảnh do A-Bom tại Hiroshima và Nagasaki qua truyền thông. Ngày hôm sau, Szilard tuyên bố:“ Việc sử dụng bom nguyên tử chống Nhật là một lỗi lầm lơn nhất trong lịch sử. Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể để ngăn cản, nhưng tôi đã thất bại“. Qua sự việc thả thêm trái bom thứ 2 vài ngày sau đó tại thành phố Nagasaki, theo Szilard là một sự tàn nhẫn! Ông ta cũng biết, Nga Sô chế tạo loại vũ khí nguyên tử nói trên. Vì thế, một năm sau thế chiến, năm 1946, cùng với Einstein ông ta thành lập một Ủy Ban gọi là Emergency Commitee of Atomic Scientists, mục đích cảnh giác quần chúng trước sự nguy hiểm của vũ khí hạnh nhân và yêu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân cho những nhu cầu hoà bình. Mục đích xa của những khoa học gia này là duy trì nền hoà bình thế giới. Năm 1947, ông ta viết thư cho Josef Stalin và vì thế, bộ tư pháp Mỹ hăm doạ sẽ tống giam ông ta. Trong thư viết cho Stalin, Szilard đề nghị là Stalin và Truman nên cùng nhau lên tiếng với thế giới qua Radio nói về vũ khí hạnh nhân (mãi đến năm 1988 đề nghị này mới được Reagan và Michael Gorbatschow thực hiện).
Năm 1948, Szilard từ bỏ ngành vật lý học, theo đuổi ngành sinh vật học khi ông đã 48 tuổi. Năm 1958, ông ta bị ung thư bọng đái nhưng khỏi được nhờ phương pháp chữa trị bằng những tia sáng quang tuyến do ông ta phát minh. Năm 1950, chính Szilard cũng muốn ngăn chận người bạn cũ là Edward Teller ngưng phát minh loại bom khinh khí (gọi là H-Bom) nhưng bị thất bại.
Ngày 30.4.1964, Szilard, cha đẻ của vũ khí hạnh nhân (A-Bom) đã ngủ thiếp đi vì chứng nhồi máu cơ tim, chết lúc vừa tròn 66 tuổi.
Thay lời kết:
Người viết chỉ muốn nói là thế chiến thứ ba cho đến nay chưa xảy ra như Szilard đã lo sợ khi chính ông ta biết được sự tàn phá ghê gớm của vũ khí hạnh nhân. Vào giữa thế kỷ 20, thay vì Đức như Szilard nghĩ, Mỹ là nước đầu tiên có bom nguyên tử nên đã chiếm được ưu thế trong đệ nhị thế chiến, sau đó là các cường quốc Nga, Anh, Pháp và Trung Cộng, được gọi là ngũ cường. Với thời gian những nước như Do Thái, Ấn Độ hay Pakistan cũng chế tạo được loại vũ khí nguy hiểm này.
Gần đây, Bắc Hàn nói là cũng có A-Bom và I-Ran đang tìm mọi cách để trở thành một quốc gia có bom nguyên tử. Có thể ngũ cường biết “kẻ tám lượng người nửa cân“ nên tuy chiếm thượng phong trên lãnh vưc này họ đã cân nhắc hơn khi sử dụng vũ khí hạnh nhân. Tuy vậy, mặc dầu thế giới đã sợ chiến tranh, sợ bom đạn nhưng nhiều quốc gia vẫn không ngừng nghỉ chế tạo ra đủ loại vũ khí tối tân khác không ngoài mục đích củng cố thế lực quốc qia mình trên chính trường thế giới.
Có thể nói Nga và Mỹ dẫn đầu trên phương diện vũ trang. Ba mươi bảy năm trước đây (1975), Mỹ bỏ Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó lý do chính trị, dư luận thế giới qua các phong trào phản chiến đóng vai trò rất quan trọng. Theo thiển ý người viết, Mỹ không thất bại vì thiếu bom đạn, điển hình là Mỹ đã đánh bại A Phú Hãn và gần nhất, thôn tính I-Rắc chỉ trong thời gian rất ngắn, nếu Mỹ muốn. Điều này cũng đã xảy ra tại Hiroshima 67 năm về trước, khi Truman còn là Tổng Thống Mỹ, dùng vũ khí buộc Nhật đầu hàng.
Cho đến nay, người ta chưa biết những gì sẽ xảy tại các nước thuộc Á Châu trong trường hợp nếu bị Nhật thống trị trong kỳ đệ nhị thế chiến (?) nhưng có điều không thể phủ nhận được là chính nước Mỹ sau khi đánh bại Nhật đã giúp Nhật tái thiết quốc gia để ngày nay Nhật Bản trở thành một cường quốc về kinh tế và kỹ nghệ.
Việt Nam thống nhất kể từ 30.4.1975 nhưng hiện tại kinh tế vẫn còn èo uột. VN bây giờ vẫn còn nằm trong số 50 quốc gia nghèo nhất thế giới với lợi tức khoảng 500 US-Dollars/năm cho mỗi đầu người. Phải chăng đây là kết quả của chính sách ngoại giao khi Việt Nam đã bỏ tư bản Mỹ và chỉ “chơi“ với các nước đàn anh theo Xã Hội Chủ Nghĩa? Tuy nhiên sau khi khối Đông Âu bị sụp đổ, VN từ từ thay đổi chính sách đối ngoại, đang bắt đầu tìm cách đến gần với các quốc gia tư bản Âu Mỹ, đặc biệt gần đây muốn liên hệ với Mỹ gắn bó hơn trên phương diện kinh tế và thương mại.
Phải chăng CSVN vừa mới nhìn được ra căn bản của vấn đề là “đi chơi với Âu-Mỹ“ vẫn có nhiều lợi điểm hơn là làm bạn lâu đời với mấy anh em Xã Hội Chủ Nghĩa còn lại? Dầu trễ còn hơn không vậy! Nhật Bản 20 năm sau chiến tranh đã trở thành một cường quốc ở Á Châu nói riêng từ thập niên 60, trong khi đó VN 37 năm sau 1975 nếu so sánh chẳng biết bao giờ mới được như Nhật ngày nay? Bài học tương tự là ngay cả Đông và Tây Đức cũng thế. Bốn mươi lăm năm sau đệ nhị thế chiến cho đến khi chế độ độc tài đảng trị bị sụp đổ, Cộng Sản Đông Đức nghèo nàn và chậm tiến thấy rõ so với Tây Đức.
Phải chăng tại những nước dân chủ vì người dân được hưởng đầy đủ mọi quyền tự do: từ sự tự do đi lại, thương mại cho đến tín ngưỡng, ngôn luận, học vấn…. và… khi mà người dân có một đời sống thoải mái, không bị kìm kẹp thì họ mới hứng thú làm ăn, luôn tìm cách trau dồi thêm khả năng và từ đó quốc gia có thể phát triển nhanh, so với các quốc gia theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa?
Và qua sự so sánh trên chúng ta có thể khẳng định một điều là ba mươi bảy năm sau biến cố 30.4.1975, nếu nhìn về tương lai, người Việt nói chung có quyền tin tưởng và hy vọng rằng rồi đây đất nước chúng ta sẽ có tự do, dân chủ, đa văn hóa, đa nguyên đa đảng, điều mà tất cả người Việt hằng mơ ước. Tuy nhiên muốn được như thế thì toàn bộ hiến pháp của CSVN phải được hủy bỏ để thành lập một thể chế mới: đa nguyên đa đảng, dựa trên căn bản dân chủ và nhân bản thật sự. Nếu vì lý do nào đó chưa thực hiện được điều này thì CSVN dù có đưa ra hàng chục nghị quyết sửa sai, đổi mới hay có nói gì chăng nữa thì đó cũng chỉ là những đòn phép bịp bợm, gian manh do bản chất của đảng và đám cò mồi tay sai ngụy tạo ra nhằm ru ngủ người dân mà thôi.
Bài học của các nước cộng sản thuộc khối Đông Âu còn đó, tình trạng phát triển về kinh tế và dân sinh dưới một chế độ độc tài, đảng trị rất èo ụt, nó không thể là động cơ thúc đẩy người dân đem hết khả năng ra làm việc để góp phần vào sự phát triển quốc gia. Muốn phát triển thì dân chúng của một quốc gia phải có đầy đủ các yếu tố căn bản: đa nguyên đa đảng, được hưởng mọi quyền tự do dựa trên tinh thần dân chủ thật sự và đây chính là „chìa khóa“ đã giúp cho Nhật sau chiến tranh nói riêng và các nước Đông Âu một thời từng theo Xã Hội Chủ Nghĩa đã và đang phát triển mạnh trên mọi lãnh vực. Toàn khối Đông Âu cũ nay đã tạo cơ hội cho người dân của họ có một đời sống tốt đẹp, an lành hơn so với hơn 22 năm trước đây.
Hy vọng ngày đó sẽ không còn bao xa nữa đối với người Việt chúng ta!
* Lê Hoàng Thanh (Thượng tuần Tháng 8.2012, bản có hiệu đính cho phù hợp ngày tháng)

Không có nhận xét nào: