Công luận ngày càng chỉ trích cả chính phủ lẫn phe đối lập ở Úc về những biện pháp mới nhất nhằm kiềm hãm số người xin tỵ nạn tới Úc bằng thuyền.
Các tổ chức nhân quyền quan ngại về các cuộc tranh luận về người xin tỵ nạn ở Úc. (Credit: ABC)
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ nạn (UNHCR) kêu gọi các bên tham gia cuộc tranh luận về vấn đề người xin tỵ nạn hãy thảo luận về những nguyên tắc pháp lý và vấn đề lòng trắc ẩn. Trong khi đó các giáo hội, nhiều tổ chức nhân quyền và luật sư công kích cả chính quyền lẫn phe đối lập. Họ nói rằng việc chăm sóc cho người xin tỵ nạn và cuộc tranh luận về vấn đề chính sách tỵ nạn nay đã giảm sụt.
Chính phủ và phe đối lập cũng bị chỉ trích về cách họ đáp ứng với những đề nghị của một hội đồng chuyên gia về vấn đề người xin tỵ nạn.
Mới đây chính phủ loan báo sẽ đưa hàng ngàn người tỵ nạn hòa nhập vào cộng đồng bằng cách cấp cho những người này các bridging visa (visa chuyển tiếp); tuy nhiên những người này sẽ không được phép làm việc hoặc được bảo lãnh cho gia đình đoàn tụ.
Trong khi đó phe đối lập nói rằng một chính phủ Liên đảng trong tương lai sẽ cắt giảm việc nhận người tỵ nạn vào Úc đồng thời buộc người có ‘visa chuyển tiếp’ phải làm việc để giúp vào các chương trình an sinh xã hội.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ nạn nói họ rất quan ngại về việc các cuộc tranh luận về người xin tỵ nạn nay đang chuyển thành tranh luận về chính sách nhằm ngăn không cho những người này tới Úc.
Chủ tịch Hội đồng Tỵ nạn Úc Phil Glendenning kêu gọi mọi người hãy tranh luận về “những vấn đề cốt lõi của chính sách tỵ nạn”.
Ông Glendenning phát biểu: “Giải pháp Thái Bình Dương Mark II rất tương tự với Giải pháp Thái Bình Dương Mark I và rõ ràng là nó không hiệu quả. Nó không chặn được các tàu thuyền tới Úc. Các chính trị gia Úc phải làm việc với các nước láng giềng để giúp cho người xin tỵ nạn có đầy đủ các quyền, từ quyền làm việc cho tới giáo dục, chăm sóc sức khỏe trong lúc họ chờ đợi để quy chế tỵ nạn của họ được cứu xét”.
Hội đàm tan vỡ
Giới ủng hộ người xin tỵ nạn nói những người xin tỵ nạn tại Nauru đã ngưng họp với Ngoại trưởng Nauru đồng thời họ phản đối vấn đề liên quan tới chuyện phỏng vấn.
Liên minh Hành động Người Tỵ nạn nói những người bị giam giữ ở Nauru được đề nghị rằng họ sẽ được phỏng vấn ngay lập tức. Tuy nhiên những người này cũng được thông báo phải chờ tới năm tới mới được phỏng vấn toàn diện.
Những người xin tỵ nạn đã chấm dứt các cuộc thảo luận và khoảng 30 người đã quay trở lại tuyệt thực, không chịu ăn và uống.
Phát Ngôn viên Liên minh Hành động Người Tỵ nạn Ian Rintoul nói những người này xem đề nghị này là “vô nghĩa”. Người ta không chịu đưa đề nghị về việc tái duyệt xét lời khai của người xin tỵ nạn xin được bảo vệ”.
Trong khi đó Phát Ngôn viên Bộ Di trú xác nhận một số người xin tỵ nạn hiện đang tuyệt thực. Bộ cho biết đang theo dõi rất sát tình hình.
Hoạt động của một số tổ chức về người xin tỵ nạn
Hội Chữ thập Đỏ sẽ quyết định về vấn đề hiện diện của Hội ở Nauru.
Các đại diện Hội Chữ thập Đỏ đã tới Nauru để xem xét tình cảnh của người xin tỵ nạn đang bị giam giữ tại Nauru.
Hội đã trao phúc trình mô tả chi tiết các quan ngại của Hội cho chính phủ Úc.
Phát Ngôn viên Michael Raper nói Hội hiện vẫn đang cứu xét việc liệu nhân viên Hội có sẽ hiện diện thường trực ở Nauru hay không.
Trong khi đó Ân xá Quốc tế nói các điều kiện sinh sống tại trung tâm giam giữ Nauru thật “kinh khủng”.
Một trong những thanh tra của Ân xá Quốc tế, Tiến sĩ Graham Thom, nói tình trạng chật chội và cảm giác tuyệt vọng khiến tạo ra những vấn đề về thể lý và tinh thần cho người bị giam giữ.
Cùng lúc đó tổ chức Đạo quân Cứu tế công bố phúc trình tương đối lạc quan về tình cảnh tại trung tâm giam giữ trên đảo Manus của Úc ở Papua New Guinea.
Ân xá Quốc tế là tổ chức chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội tại trung tâm này cũng như tại Nauru.
Ông Paul Moulds, Giám đốc bộ phận hải ngoại của Ân xá Quốc tế nói tình hình ở đảo Manus rõ ràng là khá hơn ở Nauru./Tin tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét