Pages

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Bài báo đã bị xóa trên Thanh Niên Online: ‘Rửa’ vàng bằng cơ chế



Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: “Rửa” vàng bằng cơ chế ?

Nguyên Hằng (Thanh Niên) – Những bí mật của thị trường vàng Việt Nam đã được ‘kể’ ra từ những con số thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới.
Hàng tỷ USD nhập vàng lậu? 
Theo Hiệp hội Vàng thế giới, chỉ trong hai năm 2011 và 2012, tổng nhu cầu vàng Việt Nam đã lên đến gần chục tỷ USD. Trong đó, giá trị vàng nữ trang nhập đã lên đến con số gần 1,3 tỷ USD.
Cụ thể, lượng vàng nữ trang Việt Nam nhập khẩu năm 2011 là 13 tấn, trị giá 634 triệu USD. Sang năm 2012, ngoại tệ nhập vàng nữ trang còn nhiều hơn.
Quý 1 nhập 5 tấn, trị giá 269 triệu USD, quý 2 nhập 3 tấn, trị giá 156 triệu USD, quý 3 nhập 2,5 tấn trị giá 130 triệu USD và quý 4 là 2 tấn, trị giá 111 triệu USD.
Tổng cộng, năm 2012 VN đã nhập 12,5 tấn, trị giá 666 triệu USD. Chỉ tính riêng vàng nữ trang, trong 2 năm qua Việt Nam đã bỏ ra gần 1,3 tỷ USD để nhập khẩu.
Đáng nói, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào nhập vàng nữ trang và nếu đúng thì số vàng nữ trang với khối lượng lên tới trên 25,5 tấn này là nhập lậu hoàn toàn.
Lượng vàng VN nhập khẩu:
Nguồn: Hiệp hội vàng thế giới – Đồ họa: Hồng Sơn
Nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu USD.
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới, trong 2 năm này số lượng vàng thỏi nhập vào Việt Nam còn lớn hơn nhiều.
Cụ thể, trong năm 2011 vàng thỏi nhập vào VN tổng cộng là 87,8 tấn, trị giá 4,561 tỷ USD.
Năm 2012, con số này cũng không kém với tổng cộng là 75,2 tấn, tương đương trên 4 tỷ USD. Riêng với vàng thỏi, trong năm 2011 và 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng không cấp phép công ty nào được nhập loại vàng này.
Vì vậy, vàng thỏi chỉ có thể vào thị trường nội địa theo 2 con đường. Thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại mua trạng thái nước ngoài và thứ hai là vàng thỏi nhập lậu.
Những con số trên nói lên rằng, vàng lậu đã, đang và sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân gây biến động tỷ giá trong suốt thời gian qua.
Điều này hợp lý và lý giải vì sao cầu ngoại tệ “chính thống” của nền kinh tế mấy năm nay không tăng, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh nhưng “sóng tỷ giá” vẫn thỉnh thoảng lại nổi lên.
Ngay tại thời điểm này, khi khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị đẩy cao lên mức kỷ lục, trên 6 triệu đồng/lượng, thì tỷ giá ngoài thị trường tự do lại bị hun nóng một cách đáng ngờ.
Hợp pháp hóa vàng lậu?
Với những biến động tại thị trường vàng, các chính sách xuất – nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để “rửa” số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào VN.
Bởi như phân tích trên, ngoài “chui” vào kênh vàng nữ trang, vàng lậu còn có thể được dập thành vàng miếng giả thương hiệu SJC, vàng nữ trang dưới tên gọi phi SJC.
NHNN đã chính thức quản lý việc dập vàng miếng thương hiệu độc quyền SJC nên nếu muốn hợp pháp hóa số vàng lậu chỉ có con đường duy nhất là xuất ra rồi nhập trở lại. Và cũng trùng hợp NHNN “bỗng dưng” (nói bỗng dưng là bởi trước đó, NHNN công bố có khoảng 500 tấn vàng đang nằm trong dân và lên phương án huy động. Với lượng vàng trong dân nhiều như vậy, không có lý do gì để nhập vàng) cho phép tạm xuất vàng phi SJC để tái nhập 11 tấn vàng khối về dập vàng miếng SJC.
Sự “trùng hợp” này rất dễ tạo điều kiện cho vàng lậu được đưa vào diện phi SJC, sau đó xin phép xuất ra để nhập vào để hợp thức hóa thành vàng chính ngạch. Hay nói cách khác là “rửa vàng” kiếm lợi khủng. Nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu USD.
Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Số vàng lậu nhập vào VN trong 2 năm qua, như thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới, là 25,5 tấn (chỉ tính riêng vàng nữ trang). Đợt “tạm xuất, tái nhập” vừa rồi được 11 tấn vàng và đã được NHNN bán hết sau phiên đấu thầu ngày hôm qua.
Như vậy, còn khoảng gần 15 tấn vàng lậu vẫn đang “ẩn” trên thị trường chờ cơ hội hợp pháp hóa.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có xảy ra thêm một cuộc tạm xuất – tái nhập để chuyển thể về vàng miếng SJC một cách chính danh nữa hay không?
Câu trả lời vẫn phải chờ, nhưng những biểu hiện của thị trường vàng hiện nay đang cho thấy điều đó hoàn toàn có thể tiếp tục được thực hiện. Cụ thể, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (lý do lớn nhất để phải bình ổn) đang ở mức kỷ lục, khoảng 6 triệu đồng/lượng, lượng vàng NHNN nhập khẩu trước đó đã bán hết sau 11 phiên đấu thầu… Khả năng tạo những cơn khan hiếm giả gây áp lực xuất – nhập để hợp pháp hóa vàng lậu là rất lớn.
Giá vàng VN trong quá khứ có cao có thấp hơn giá thế giới, nhưng mấy năm trở lại đây luôn cao hơn vàng thế giới rất nhiều. Trong quá khứ, VN có xuất khẩu vàng, nhưng mấy năm gần đây vàng xuất hầu như không có mà vàng nhập thì rất lớn. Đặc biệt, là nhập lậu. Đây là kết quả từ chính sách quản lý thị trường vàng yếu kém, tạo cơ hội cho các đơn vị, giới đầu nậu, giới đầu cơ… thao túng, trục lợi từ ngay trên cơ chế.
Thị trường vàng như thùng không đáy
Phiên đấu thầu sáng ngày 23.4, 26.000 lượng vàng mà NHNN đem ra đấu thầu đã được 8 đơn vị mua hết.
Đây là phiên đầu tiên lượng vàng đưa ra được các đơn vị mua hết. Giá trúng thầu thấp nhất 42,04 triệu đồng/lượng, cao nhất 42,12 triệu đồng/lượng, cao hơn giá sàn mà NHNN đưa ra 41,97 triệu đồng/lượng.
Như vậy, qua 10 phiên đấu thầu, NHNN đã đưa ra thị trường 11 tấn vàng nhưng giá vàng miếng SJC vẫn duy trì mức cao hơn giá thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Thanh Xuân
Vàng là thủ phạm làm tăng giá USD
Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cũng khẳng định, diễn biến kinh tế vĩ mô chưa cho thấy áp lực căng thẳng quá lớn về đồng USD. Nhưng vừa qua, sự nóng lên của đồng ngoại tệ này chính do các đầu nậu tranh thủ nhập vàng đế “kiếm lời”.
Ở các địa bàn như TP.HCM, Hà Nội nhu cầu tiêu thụ vàng bao giờ cũng rất lớn, với mức chênh lệch giá như vừa qua, dễ hiểu giới buôn lậu vàng chắc chắn đã vào cuộc.
Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trên thị trường tài chính cũng nhận định, trong tình hình khó khăn hiện nay, cầu USD cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực sự chưa cao, trong khi đó nhập siêu quý 1 không quá lớn để gây áp lực lên cán cân thương mại, thì có thể thấy nhiều khả năng vàng chính là thủ phạm khiến USD đã tăng giá so với VND.
Anh Vũ (ghi)
Nguyên Hằng

Không có nhận xét nào: