Pages

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

KHI BÚA VÀ LIỀM NỔI GIẬN



Thùy Linh - Những ngày này ai còn có lương tri đều hướng về gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn với những căm phẫn, lo âu, thương yêu, chia sẻ…Nhiều người nhắc đến vụ án Nọc Nạn, mà tính đến ngày 17/2 vừa qua đã tròn 85 năm.
Sự thật, tính chất vụ Nọc Nạn không khác gì vụ Tiên Lãng. Anh Đoàn Văn Vươn giống người nông dân yêu đất đai và là anh hùng chống lại một chính quyền có đầy đủ sức mạnh và quyền lực là Biện Toại.

ditichNocNan_870b7
Khu tưởng niệm sự kiện Nọc Nạn ở Bạc Liêu
Có thể xem vụ anh em Đoàn Văn Vươn nổ súng vào cường quyền, áp bức như một sự mở đầu cho một cuộc “Khởi nghĩa của Liềm” – một “nòng cốt” của chuyên chính vô sản.
Trước đó, nhiều năm đã qua, các cuộc “Khởi nghĩa của Búa” năm nào cũng nổ ra, càng về sau càng gia tăng số lượng và chất lượng. Không ít những người trẻ tuổi dấn thân cho cuộc cách mạng này đã chịu nhiều đau khổ, bị tù đầy. Tiêu biểu nhất là Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Văn Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng hiện vẫn còn trong nhà tù.
Có lần Hạnh đã khóc nói với với mẹ khi bà vào thăm con gái rằng, làm sao cô có thể nhận tội để xin giảm án 7 năm tù khi cô không làm gì sai trái, khi cô giúp những người công nhân đình công để buộc giới chủ không được bóc lột và phải tôn trọng họ? Hạnh còn nói, đó không chỉ đòi lại quyền lợi mà còn đòi sự tôn trọng nhân phẩm cho người Việt khi bị giới chủ ngoại quốc chà đạp. Ngày 12/3 năm nay, Hạnh mới tròn 28 tuổi. Em còn quá trẻ nhưng em đã thực sự trưởng thành để làm nên nhân cách của một nhà cách mạng tiêu biểu. Dù không có Hạnh, Chương hay Hùng thì các cuộc đình công của công nhân khắp cả nước chưa hề có dấu hiệu giảm bớt, mặc dù các cuộc đình công đó luôn luôn bị các ông chủ bắt tay với chính quyền chia rẽ, đàn áp.
Trở lại các cuộc “Khởi nghĩa của Liềm” đang ngày càng nổ ra rất nhiều trên cả nước. Sau vụ Tiên Lãng quật khởi là vụ nông dân Văn Giang kiên quyết chống lại sự cưỡng chế bất công của nhóm lợi ích được bảo vệ bởi cả hệ thống hành pháp, hành chính, và ngày 2/4 tới đây là hệ thống tư pháp vào cuộc. Tiếp đó là nông dân Vụ Bản, Dương Nội…
Và hàng ngày có ai đếm được những tốp nông dân khắp cả nước kéo về Hà Nội khiếu kiện, đòi công lý?
Nhiều người ngậm ngùi than thở, quay mặt đi và cảm thấy bất lực, vì họ cho rằng, cuộc đấu tranh của những nông dân nghèo đói, tay trắng với một chính quyền “duy nhất đúng” được bảo đảm bởi bạo lực và sự đàn áp bằng mọi giá sẽ là vô nghĩa. Dù vậy, những người nông dân chưa bao giờ lùi bước cho dù cuộc khởi nghĩa của họ khá chông chênh như chính cuộc sống hiện nay của họ vậy.
Bất luận trong gian đoạn nào, thời kỳ nào thì các cuộc cải cách (cách mạng) là cần thiết để một xã hội phát triển. Thực sự ở Việt Nam chưa bao giờ có một cuộc cách mạng theo đúng nghĩa, là, xóa bỏ chế độ cũ đã trở nên lạc hậu không thể tiếp tục tồn tại, để xây dựng một xã hội mới, có sự thay đổi căn bản, sâu sắc về quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được bắt đầu sau khi cuộc đấu tranh giành độc lập thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, cũng chỉ là cuộc khởi nghĩa. Và để kêu gọi các lực lượng xã hội đông đảo tham gia cùng với mình, những người cộng sản đã đưa những khẩu hiệu hấp dẫn về sở hữu ruộng đất như “ruộng đất về tay dân cày”; “người cày có ruộng”; đưa tầng lớp tư sản vào mặt trận để họ đóng góp tài vật cho cuốc đấu tranh…
Những người cộng sản đầu tiên đưa lý thuyết CNCS về Việt Nam và lãnh đạo giành độc lập, chắc chắn chưa hề có ý tưởng gì về xã hội họ sẽ xây dựng trong tương lai, bởi phần lớn họ đều xuất thân từ tầng lớp ông dân thất học. Thực tế cho đến lúc này, họ vẫn đang lúng túng về lý thuyết sở hữu. Vẫn kiên định về sở hữu đất đai, tư liệu sản xuất là của toàn dân, cho dù sau hơn 83 năm nắm quyền, tính sở hữu đó đang bộc lộ gay gắt những mâu thuẫn không thể giải quyết. Và, việc xây dựng nền công nghiệp hóa là hết sức ảo tưởng. Vì công nghiệp hóa phát triển sẽ kéo theo sự phát triển giai cấp tư sản thực sự, độc lập với chính quyền. Đó chính là tư hữu. Hiện tại vẫn có giai cấp tư sản, nhưng là “tư sản đỏ”, không giúp gì cho việc cải cách xã hội theo hướng dân chủ.
Tính sở hữu toàn dân là chủ trương của các nhà cách mạng XHCN, cho rằng thay đổi tận gốc tính tư hữu của chế độ phong kiến cũ chỉ diễn ra ở bề mặt. Thực chất, sở hữu này tập trung vào nhà nước, hay nói cách khác, tập trung vào nhóm lợi ích, tức là tư hữu. Càng sai lầm, họ càng tập trung quyền lực vào nhà nước chuyên chế thông qua bạo lực.
Trong các cuộc cách mạng tư sản ở các nước phương Tây trước đây, lúc nào cũng bảo lưu tính sở hữu tư nhân. Và sau khi dành thắng lợi thì các cuộc cách mạng đó tiệm cận dần đến một xã hội phát triển văn minh và dân chủ. Nhưng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thì luôn kêu gọi tiêu diệt giai cấp thống trị, địa chủ, tư bản “ngồi mát ăn bát vàng”, mà về thực chất, chính quyền hiện nay không khác gì các triều đại vua quan ngày trước, dù được che đậy hay tuyên truyền áp đặt thế nào đi chăng nữa. Vẫn là sự kế thừa đặc quyền đặc lợi vào tay một nhóm người cầm quyền và theo xu hướng truyền thừa từ đời cha ông đến đời con cháu.
Nếu nói những người cộng sản đã lợi dụng, phản bội giai cấp nông dân sau cuộc chiến tranh giành độc lập thì cũng chưa hẳn đúng. Bản thân họ khi ấy cũng ảo tưởng về một xã hội không còn giai cấp, xóa bỏ bóc lột và chia đều sự công bằng. Nhưng làm thế nào để có được xã hội đó thì họ không biết, hoàn toàn không biết…Chính vì không biết nên họ đã áp đặt sự điều hành xã hội, vốn không bao giờ tồn tại và phát triển được qua cương lĩnh, nghị quyết đảng, chuyên chính của giai cấp vô sản. Nhưng lúc này bảo họ không biết thì lại là nhầm lẫn lớn. Hơn ai hết họ hiểu, con đường họ đang đi bế tắc không lối thoát. Nhưng nếu bảo họ từ bỏ con đường này để bước sang con đường khác là không thể vì đã rất lâu, họ quen hưởng đặc quyền từ quan hệ sản xuất “sở hữu toàn dân” rồi. Xã hội ngày càng méo mó dưới quan hệ sở hữu này.
Đừng bao giờ nghĩ rằng, “liềm” và “búa” là lực lượng chủ yếu của chính quyền “vô sản” hiện nay.
Công nhân vốn luôn luôn là giai cấp vô sản trong mọi xã hội. Ở xã hội tư bản thì giai cấp vô sản này sẽ biểu hiện sức mạnh của mình thông qua nghị trường. Họ có thể đình công, bãi công nếu giới chủ không thỏa mãn nguyện vọng và quyền lợi của họ, có đại diện ở nghị viện. Còn người nông dân thì sở hữu ruộng đất là điều kiện sống còn nếu họ muốn sống bằng chính mảnh đất của mình.
Ở Việt nam, chưa bao giờ hai lực lượng “nòng cốt” này được bảo vệ và tôn trọng, dù họ được “tuyên dương” thông qua biểu tượng trên lá cờ của người cộng sản. Nông dân sẽ bị tước bỏ tư liệu sản xuất bất cứ lúc nào nhà nước (thực ra nhóm lợi ích) cần đến mà không thể đàm phán. Còn công nhân thì vẫn là làm thuê như bất cứ ở đâu, nhưng họ bị tước quyền được lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của mình. Gần như họ bị lệ thuộc vào giới chủ hoặc trong nước, hoặc nước ngoài thông qua sự kiểm soát của chính quyền mà không có nghiệp đoàn độc lập dấu tranh giúp họ. Thực chất chính quyền hiện nay giống như thời kỳ đầu xây dựng nhà nước tư bản (chỉ có máu và nước mắt), quyền lợi tập trung vào các “tư bản đỏ” – nhóm đặc quyền. Vậy thì ngay từ đầu công cuộc xây dựng CNXH, “liềm” và “búa”, trên thực chất, bị đẩy ra ngoài cuộc cách mạng này.
Vậy tiếng súng hoa cà hoa cải rất nhỏ của người nông dân dũng cảm Đoàn Văn Vươn, hay các cuộc biểu tình của nông dân các tỉnh thành hiện nay báo hiệu chuyện gì đang xảy ra? Liệu có xảy ra các cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại chế độ phong kiến như trong quá khứ?
Chủ nghĩa cộng sản đã mắc sai lầm khi cho rằng họ độc quyền các cuộc cách mạng xã hội. Bởi họ ảo tưởng (hay giả vờ ảo tưởng) để cố thuyết về một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” mà chỉ có họ mới xây dựng được. Nhưng bất cứ một xã hội nào, nếu không có sự vận động (làm cách mạng) của mọi tầng lớp dân chúng thì xã hội đó sẽ dần tiêu vong. Những người cộng sản Việt Nam đã khởi nghĩa giành độc lập, không ai phủ nhận điều đó. Nhưng kết quả cuối cùng của việc giành độc lập bằng bạo lực chưa hẳn là đáp số duy nhất đúng, nếu chỉ khẳng định bằng kết quả.
Ví dụ cụ Phan Châu Trinh chủ trương giành độc lập theo lối Duy tân, đấu tranh nghị trường, không dùng bạo lực. Do đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp nên cụ bị bắt, rồi giao cho Nam triều kết án, bị đày ra Côn lôn, Côn đảo. Tuy bị kết án nhưng cụ lại được chính phủ Pháp trọng đãi và kính nể. Chính viên Thống đốc Nam kì ra tận Côn đảo tìm hiểu lập trường đấu tranh của cụ. Sau đó cụ được Hội nhân quyền Pháp can thịêp ráo riết với chính phủ Pháp nên được thả, sau đó được sang Pháp cùng con trai…Ở Pháp cụ lại tiếp tục đấu tranh về tội tham nhũng của chính quyền Pháp ở Đông dương…Cụ Phan chủ trương bắt tay với người Pháp, đấu tranh thông qua nghị trường và đi theo con đường khai sáng: Khai dân trí; Chấn dân khí; Hậu dân sinh.
Cụ Phan quan niệm: ”So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và và chủ nghĩa dân trị thì chủ nghĩa dân trị hay hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà trị nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người ta giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nổi phải đè đầu khốn nạn làm tôi một nhà một họ nào. Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường”…
Khi vua Khải Định mất, cụ Phan đánh điện tín cho Khâm sứ Trung kỳ Pasquier nói rằng cụ sẽ ra Huế để lo cải tổ triều chính và lập dân đảng. Nhưng chưa kịp thực hiện ước mơ của mình thì cụ mất vì trọng bệnh, khi mới 55 tuổi (cái tuổi có thể trụ được 2, có thể là 3 “nhiệm kì” bây giờ…). Có thể đây là cơ hội quan trọng mà đất nước đã bị bỏ lỡ? Rất đáng tiếc.
Giờ là lúc đặt ra câu hỏi: chắc chắn đất nước cần và phải thay đổi. Nhưng thay đổi bằng cách nào? Thông qua các cuộc “khởi nghĩa của Liềm và Búa” như cái cách anh Đoàn Văn Vươn đã làm chăng? Hay thông qua đấu tranh nghị trường như cụ Phan hằng mong muốn? Nhưng đấu tranh nghị trường bằng cách nào khi quốc hội (mang tiếng đại diện cho dân chúng) vẫn đặt dưới sự “lãnh đạo không thể chối bỏ” của đảng cộng sản? Mà chính quyền độc đảng thì vốn không bao giờ chấp nhận đấu tranh nghị trường, vì như vậy sẽ mất tính đặc thù là không chấp nhận đa nguyên của họ. Hay còn con đường nào khác? Có ai tự đào hố chôn mình?
Còn những người nông dân khởi nghĩa thì thiếu đủ các phương diện tài, lực, đường lối, tư tưởng, người dẫn dắt…Họ chỉ có biết dùng tiếng súng yếu ớt, bất lực bắn thẳng vào cường quyền được che chắn bằng đủ thứ áo giáp bạo lực và đặc quyền, như tiếng súng hoa cà của anh nông dân Đoàn Văn Vươn. Tiếng súng này không giết được ai, chỉ có thể lay động tâm thức của một bộ phận người bị trị, tê liệt, vô cảm, vị lợi…
Nhớ lại tiểu thuyết “Chùm nho nổi giận” của nhà văn Mỹ John Steinbeck viết về những người nông dân Mỹ vào những năm đầu thế kỷ 20 đã bị bần cùng hóa trước sự trỗi dậy của nền sản xuất mới – tư bản. Sự hoài thai một xã hội tư bản thời kỳ dã man đã trả giá bằng rất nhiều số phận những người nông dân mất đất sống, bị bần cùng hóa. Nhưng là sự trả giá tất yếu (dù đau đớn) của một cuộc cách mạng thay đổi tận gốc rễ đi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang công nghiệp tư bản. Bởi thế mới có một nước Mỹ như hiện nay.
Tương đồng vào thời điểm đó, ngày 13/2/1927, người nông dân Biện Toại ở Bạc Liêu đã dũng cảm chiến đấu với kẻ cướp đất của mình nhân danh chính quyền. Dù anh em Biện Toại giết chết viên cò Pháp là Tournier thì sau đó anh ta vẫn được tòa án thực dân tha bổng, khi có hai luật sư người Pháp bào chữa miễn phí. Công tố viên người Pháp cũng cho rằng tình cảnh gia đình Biện Toại rất đáng thương: họ bị những kẻ tham lam vô cảm được tiếp tay bởi quan chức cường hào ác bá đến cướp đất của họ. Công tố viên đề nghị tòa tha bổng cho những người trong gia đình Biện Toại. Còn luật sư người Pháp cũng hết lời ca ngợi tinh thần lao động quên mình, đấu tranh với thiên của gia đình họ để xây dựng quê hương. Khi ấy, Biện Toại có lẽ may mắn hơn anh nông dân Tom của John Steinbeck.
Sau gần một thế kỷ xây dựng “thiên đường CNXH”, những nông dân bị bần cùng hóa và đẩy vào ngõ cụt như Biện Toại, Đoàn Văn Vươn ngày càng nhiều hơn. Hậu duệ của Tom trong “Chùm nho nổi giận” cuối cùng cũng được mãn nguyện với cuộc sống tốt đẹp sau đó. Còn hậu duệ của Biện Toại đau khổ hơn ông nhiều.
Nếu Biện Toại được tha bổng thì Đoàn Văn Vươn và các anh em của anh sẽ không được chính quyền “của anh, do anh và vì anh” tha bổng. Đó là chính là điểm khác biệt căn bản của các cuộc cách mạng tư sản trước đây (ở các nước TBCN) với cuộc cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nghĩ về vụ án Nọc Nạn, rồi liên hệ chủ trương đấu tranh nghị trường với người Pháp của cụ Phan, ta có quyền nuối tiếc về cơ hội của đất nước đã tuột mất.
Đọc Steinbeck, sẽ càng thấy sự khác biệt giữa quan niệm đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nhân thông qua các nghiệp đoàn, phổ thông đầu phiếu để có tiếng nói trong Nghị Viện, nơi lập pháp sẽ bảo vệ lợi ích cho họ. Và ngược lại, đó là những người cộng sản chủ trương dùng bạo lực để lật đổ chính quyền tư sản, thiết lập một trật tự xã hội mới – xã hội đó bất công, đặc quyền đặc lợi, độc đoán như thế nào thì không còn ai ảo tưởng…
Nếu đường lối đấu tranh bất bạo động của Mahatman Gandhi với tầm nhìn xa rằng: “Các bạn nhầm rồi, mục đích của chúng ta không chỉ là đòi độc lập cho Ấn Độ. Cái cao cả lâu dài hơn là phải rèn luyện cho người dân Ấn Độ xứng đáng sống trong nền độc lập đó. Mà cuộc đấu tranh lâu dài này của chúng ta chính là môi trường để rèn luyện cho người dân đủ phẩm giá sống trong nền độc lập của mình”, khi các đồng chí của ông nôn nóng muốn dùng vũ lực giành độc lập khỏi thực dân Anh, thì cách mạng chuyên chính vô sản làm ngược lại. Khi chủ trương dùng bạo lực để giành chính quyền và duy trì bạo lực để bảo vệ chính quyền chuyên chính bằng mọi giá, thì chính quyền “vô sản” đã thủ tiêu mọi phẩm giá làm người của công dân.
Sau cách mạng xã hội chủ nghĩa là gì? Ai dám nói chắc về một điều tốt đẹp sẽ đến?
Nguồn Blog Thuy Linh

Không có nhận xét nào: