Pages

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Thư ngỏ gửi các kiểm sát viên trong vụ án Đoàn Văn Vươn


LS. Trịnh Minh Tân

Thư ngỏ gửi ông/bà kiểm sát viên đang là người tiến hành tố tụng vụ án Đoàn Văn Vươn

Tôi là luật sư Trịnh Minh Tân, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ: 22 đường 53, phường Bình Thuận quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 6262 4841. E-mail: lsminhtan@yahoo.com.vn

Thưa quý ông/bà, tôi không phải là người bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Đoàn Văn Vươn, vì thế không biết rõ các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội cho các bị cáo được thể hiện trong hồ sơ vụ án nên tôi chưa thể khẳng định những bị cáo bị truy tố có tội hay không và nếu có tội thì tội gì, mặc dù qua các phương tiện truyền thông tôi cũng có thể hình dung ra sự thật khách quan của vụ án. Nhưng để phân tích theo hướng gỡ tội hay buộc tội thì không, vì người phân tích phải nhìn thấy bản cung, nhìn thấy vật chứng và các tài liệu do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập. Tuy nhiên, bất kỳ một luật sư nào khi đọc bản cáo trạng cũng có thể hình thành trong đầu những ý nghĩ, những lập luận bào chữa, nhưng để bào chữa thật sự như người tham gia tố tụng trong vụ án thì không thể.

            Do đó, tôi viết bức thư ngỏ này gửi tới các ông/ba kiểm sát viên không với tư cách là người hành nghề luật sư, mà với tư cách là người đã từng là kiểm sát viên, đã từng được phân công thực hành quyền công tố hàng nghìn vụ án trong thời gian xấp xỉ 30 năm công tác trong ngành kiểm sát.

            Tôi biết trong vụ án này, kiểm sát viên (KSV) thực hành quyền công tố chịu rất nhiều áp lực:

-         Áp lực từ dư luận: đòi hỏi phải có công lý thực sự với người bị truy tố;

-         Áp lực từ phía lãnh đạo, từ thành ủy: đòi hỏi KSV phải bảo vệ cho được quan điểm truy tố, qua đó chứng minh việc truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Tôi hiểu những áp lực như vậy có sức nặng khủng khiếp đè nặng lên tâm lý KSV.

Là người tiến hành tố tụng trong vụ án cụ thể này, KSV không chỉ quan tâm đến các chứng cứ buộc tôi, mà phải rất chú ý đến các chứng cứ gỡ tội, thậm chỉ phải phủ nhận những tình tiết được coi là chứng cứ buộc tội được thu thập trong quá trình điều tra để quy kết các bị cáo phạm tội mà với hiểu biết, với tư duy pháp lý và với niềm tin nội tâm của mình, KSV xác định đó chỉ là ngụy chứng cứ.

Cái dũng của người KSV là phải đặt sự thật, lẽ phải lên trên hết. Người KSV, vì thế phải có sức đề kháng với những áp đặt mang tính chủ quan, để từ đó phân tích các khía cạnh của sự kiện pháp lý trên cơ sở khách quan, khoa học. Điều quan trọng nhất vẫn là phân tích các hành vi khách quan, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi bị coi là tội phạm.

Trong vụ án này, KSV không thể không phân tích các nguyên nhân dẫn đến hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế của các bị cáo. Điều này thể hiện cụ thể ở các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền ban hành đã vi phạm như thế nào, đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ra sao?

Tôi có một may mắn là làm việc ở một thành phố lớn, áp lực công việc cũng không hề nhẹ, nhưng tâm lý không quá nặng nề giữa cái đúng và cái sai, vì bản thân luôn được bày tỏ quan điểm, và đề xuất ý kiến nhiều khi trái với quan điểm của lãnh đạo, thậm chí được quyền rút ra khỏi vị trí là người tiến hành tố tụng khi quan điểm của mình không đồng quan điểm với lãnh đạo. Đặc biệt, khi tôi còn làm việc ở VKSND TP HCM, Thành ủy luôn tôn trọng ý kiến của cơ quan tiến hành tố tụng, không chỉ đạo cụ thể, không áp đặt phải truy tố thế nào, xét xử ra sao, chỉ yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải làm đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.

Mạnh dạn bày tỏ quan điểm, đặt công lý lên trên, để sự thăng tiến chức quyền xuống dưới thì người KSV mới bảo vệ được quan điểm đúng của mình trước các áp lực.

Thời gian gần đây, báo giấy cũng như các trang mạng đề cập nhiều đến vụ án Nọc Nạn xảy ra cách đây 85 năm ở miền Tây Nam bộ. Tôi cho rằng chính quyền thực dân (Pháp) không phải vì “thương” nông dân, người đã có công khai khẩn đất hoang mà nương tay tha bổng. Điều quan trọng ở đây là chính quyền không chi phối, điều khiển hệ thống tư pháp, quan tòa được độc lập đưa ra phán quyết mà không chịu một áp lực bởi quyền lực chính trị nào. Đó là đặc điểm của bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, nguyên tắc này tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận cận được với công lý.

Viện kiểm sát nhân dân với chức năng (khi Hiến pháp 1992 chưa sửa đổi năm 2001): “Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm do luật định.”

Với chức năng nêu trên, VKS địa phương có quyền kiểm sát và kháng nghị các văn bản do HĐND và UBND ban hành trái luật. Hình thức tổ chức “quyền kiểm sát” này phù hợp với nguyên tắc tổ chức nhà nước tập quyền, với nền kinh tế kế hoạch hóa. Trong nhiều trường hợp, sự lạm quyền của cơ quan hành pháp cũng bị chế ước bởi “đèn đỏ” do VKS phát ra bằng các kháng nghị để tạm dừng thi hành các văn bản trái luật, đặc biệt là các quyết định hành chính sai gây thiệt hại cho lợi ích chung cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Điều 2 Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001 quy định Nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

Điều 137 được sửa đổi năm 2001: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định.”

Kể từ khi quy định trên có hiệu lực, các văn bản của chính quyền địa phương thi nhau phạm luật mà không bị “thổi còi”, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Trong khi đó thì chế định về khởi kiện hành chính còn mới mẻ và chưa hoàn thiện, người dân không có điều kiện để tiếp cận quyền khởi kiện của mình, mà nhiều khi khởi kiện thì cũng không thắng được chính quyền, do cơ chế vận hành của hệ thống tư pháp không hoàn toàn độc lập.

Trong bất kỳ một chế độ nào, nhà cầm quyền, mà cụ thể là những con người được giao quyền cũng tiềm ẩn sự lạm quyền, chỉ chờ có cơ hội là nó sẽ bung ra.

Trong bức thư ngỏ này tôi không phân tích nhiều về thể chế, nhưng chính cơ chế vận hành bộ máy công quyền có nhiều bất cập, không tương tác với thực tiễn đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng bởi những quyết định sai trái do chính quyền địa phương ban hành.

Nội hàm của điều 137 HP năm 1992 sửa đổi năm 2001 chỉ có thể phù hợp trong một nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, không phù hợp trong một nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền. Nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, nhưng cơ sở kinh tế đã có nhiều thay đổi, nền sản xuất không “kế hoạch hóa” như trước đây, mà nó vận hành theo quy luật của thị trường. Đây là sự mâu thuẫn đang tồn tại giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng cần phải được hóa giải.

Vì vậy, nếu nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền thì VKS phải có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật (không chỉ là kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay). Còn nếu giữ chức năng như điều 137 Hiến pháp hiện hành thì nên đổi tên VKS là Viện công tố, và tất nhiên, bộ máy nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập, chế ước lẫn nhau thì mới ngăn chặn được sự quá lạm của các nhánh quyền lực.

Nếu như Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 không bỏ toàn bộ chức năng kiểm sát chung, mà giữ lại chức năng kiểm sát văn bản thì các KSV có thể không bị áp lực đè nặng như bây giờ.

Trở lại vụ án Đoàn Văn Vươn, những thiệt hại do các văn bản trái luật do UBND ban hành thì đã rõ. Đó là:

-         Thiệt hại về tài sản cho gia đình Đoàn Văn Vươn;

-         Thiệt hại về sức khỏe cho các chiến sĩ thực thi lệnh cưỡng chế.

Cả hai thiệt hại này là hệ quả của quyết định trái luật của chính quyền thành phố Hải Phòng và huyện Tiên Lãng.

Vì thế nên xem xét:
  •     Miễn trách nhiệm hình sự cho Đoàn Văn Vươn và các bị cáo liên quan đến hành vi của Đoàn Văn Vươn (nếu các luật sư có đủ căn cứ chứng minh Đoàn Văn Vươn không phạm tội giết người, và chỉ dừng lại ở hành vi chống người thi hành công vụ).
  •     Xử lý trách nhiệm, kể cả truy cứu trách nhiện hình sự đối với những cán bộ có trách nhiệm của thành phố Hải Phòng và huyện Tiên Lãng, gắn với việc bồi thường thiệt hại cho gia đình Đoàn Văn Vươn và những người bị thương.
  •     Công nhận thương binh cho những chiến sĩ bị thương nếu họ đủ điều kiện về tỷ lệ thương tật. Điều này có vẻ khôi hài nhưng đó là pháp lý và đạo lý. Những người lính thực thi lệnh cấp trên, họ không có điều kiện và cũng không buộc phải biết là hành vi của họ vào khu đầm thi hành lệnh cưỡng chế là đúng hay sai. Bởi lẽ, đã là người lính thì phải biết “quân lệnh như sơn” (mệnh lệnh trong quân đội là dứt khoát, chỉ biết có chấp hành, ví như là quả núi, không thay đổi, lay chuyển được[1]). Theo logic hình thức thì lệnh cấp trên đương nhiên cấp dưới phải thi hành và trong nhận thức của người lính thì họ đang thực thi nhiệm vụ được giao. Việc đúng, sai phải do người ra lệnh chịu trách nhiệm.
Khó lắm! Trong vụ án này, KSV khó có thể đo được bản lĩnh của mình.

“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”[2] là đức tính cần có của người kiểm sát viên.

Lịch sử tư pháp Việt Nam chắc chắn sẽ tô đậm dấu ấn vụ Đoàn Văn Vươn. Nó được tô bằng dấu son hay dấu đen còn tùy thuộc vào người tiến hành tố tụng.

Vụ Nọc Nạn cách nay 85 năm, dù là Tòa án của chế độ thực dân hà khắc, nhưng nó lại được tô đậm bằng dấu son với tinh thần: Tòa đến với dân, công lý dành cho tất cả.

Nói như vậy không có nghĩa là Tòa án nhân dân hiện nay không mang lại công lý, mà ngược lại, nhiều oan trái đã được Tòa án nhân dân minh oan. Vụ Tạ Đình Đề năm 1976 là một ví dụ.

Người dân cũng đang mong chờ phán quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng được phát ra từ những thẩm phán “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”[3]

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 4 năm 2013

Người gửi

Luật sư Trịnh Minh Tân

*LS Trịnh Minh Tân đã từng bào chữa cho bà Ba Sương

(Quê Choa)

Không có nhận xét nào: