Vụ khiếu nại của nhân dân Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội kéo dài đã 5 năm. Trong suốt 5 năm qua, nhân dân khiếu nại từ phường lên quận, rồi đến thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ nhưng không được giải quyết đúng pháp luật, hợp tình hợp lý. Vì vậy, nhân dân một mặt tiếp tục khiếu nại, mặt khác kiên quyết đấu tranh giữ đất.
Cuộc đấu tranh kéo dài đã đưa đến nhiều hệ lụy không mong muốn cho nhân dân. Diện tích đất bị nhà nước thu hồi vốn là ruộng lúa, đất bờ xôi ruộng mật nuôi sống nhân dân. Từ khi bị thu hồi, nhân dân mất nguồn sinh sống, nhiều gia đình lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, trong khi đó đất thu hồi bỏ hoang, cỏ mọc ngập lút đầu. Bà Bùi Thị Hảo, 52 tuồi, cho biết: Bà có 3 con thì 2 con đang đi học, chồng bà đã chết nên bà phải ra chợ tìm đủ mọi cách kiếm tiền nuôi con, nuôi mình. Nhiều gia đình khác trong hoàn cảnh tương tự, phải gửi đơn đến thành phố Hà Nội xin trợ cấp cứu đói nhưng không ai giải quyết. Có gia đình hết sạch gạo, không có nghề phụ mà nhiều miệng ăn, được bà con giúp đỡ nhưng không thể giúp mãi được, vì chính những người đi giúp cũng đang rơi vào hoàn cảnh túng thiếu gay gắt. Sau khi bàn bạc, các hộ dân quyết định tạm thời chia đất cho từng hộ để trồng rau, cứu đói. Thay mặt cho 356 hộ gia đình chưa nhận tiền đền bù đất, bà Cấn Thị Thêu gửi đơn đến chính quyền công bố việc các hộ dân sẽ chia đất, đề nghị chính quyền các cấp giúp đỡ về thủ tục. Trong thời gian 10 ngày, nếu chính quyền không trả lời thì nhân dân sẽ đứng lên thực hiện quyền làm chủ, tự chia đất cho các hộ.
Qua 10 ngày, thấy phía chính quyền không có ý kiến, các hộ dân đã tự chia đất để sản xuất. Bà Cấn Thị Thêu cho biết: Đây chỉ là chia đất tạm thời, không phải chia cố định. Các hộ sau khi nhận đất sẽ tiến hành tăng gia sản xuất, giải quyết một phần khó khăn trước mắt. Đến khi nào chính quyền ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại của bà con hợp lý, hợp tình, đúng pháp luật thì bà con sẽ trao lại phần đất được chia và nhận tiền đền bù cũng như đất tái định cư theo quy định của pháp luật.
Những ngày cuối tháng 5-2013 là ngày hội của các hộ dân Dương Nội. Các hộ dân cử người ra gắp thăm nhận đất, mỗi suất có diện tích khoảng 150m2. Khi gắp thăm cũng có nhiều ý kiến hơn thiệt, tranh chấp nhạu về vị trí và diện tích sử dụng, nhựng sau rốt bà con vẫn chia đất thành công, mọi người đều vui vẻ. Một vài gia đình phải nhận phần đất ở nghĩa địa, không sản xuất được vẫn vui vì cái chung. Về phía chính quyền, thoạt đầu UBND phường cho phát trên loa nói việc chia đất là trái pháp luật, đề nghị nhân dân không tham gia, nếu không chấp hành chính quyền sẽ cưỡng chế. Hàng ngày loa đọc thông báo của công an thành phố Hà Nội do Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Thiếu tướng Trần Thùy ký, nói công an sẽ xử lý theo pháp luật đối vời những người chống đối, vi phạm pháp luật. Chính quyền phường và công an cử người đến khu đất, tại đây nhân dân phản đối quyết liệt, sẵn sàng chuẩn bị gậy nhỏ, chất rơm rạ để nếu công an đến cưỡng chế thì mọi người dân sẽ ra "chiến đấu", bảo vệ quyền sống. Bà con nói: Nếu bị chết đói thì thà chết trong chiến đấu, đằng nào cũng chỉ có một lần chết. Lớp thanh niên thì kiên quyết: Đời người ta ai cũng phải chết. Hãy biết chọn cái chết để không bao giờ phải hổ thẹn với người đang sống, Dù chết nhưng có thể tự hào nói; Tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giữ đất cứu người. Rồi thì chính quyền thay đổi cách nói, loa ngừng phát thông báo của thiếu tướng Trần Thùy, cán bộ phường đến đề nghị dân chia đất xong gửi bản vẽ về cho phường ghi vào sổ địa chính. Ngày 3/6/2013 phường lại thông báo sẽ cưỡng chế vào lúc 9h ngày 4/6. Nhân dân tập trung sẵn sàng "chiến đấu". Sáng 4/6, chính quyền phường và công an đến yêu cầu dân dỡ bỏ lều trên hè, Nhiều người dân ra phản đối với tinh thần "thề quyết tử cho con cháu quyết sinh". Sau khoảng 20 phút tranh luận giằng co, chính quyền và công an đã rút lui, không lập được biên bản.
Thế là bà con Dương Nội đấu tranh giữ được đất, tạo điều kiện để tăng gia sản xuất, tạm thời duy trì cuộc sống trong lúc khó khăn này. Những người nhiều tuổi nhất nói: Trước kia, lúa chín chỉ còn mười ngày nữa là gặt mà quân Nhật bắt phải nhổ lúa trồng đay, gây ra cái chết thảm khốc cho hơn hai triệu người. Ngày nay, trong thời bình mà chính quyền Hà Nội thu hồi đất của dân rồi bỏ hoang, đẩy nhiều hộ nông dân vào cảnh cận kề chết đói. Không còn con đường nào khác, chỉ còn cách phải tự đứng lên làm chủ ruộng đất, tự cứu mình trước khi Trời cứu, như lời căn dặn của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Dương Nội bất khuất đã đứng lên, làm chủ đất của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét