Quốc hội VN lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo
Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung được quan tâm nhất tại kỳ họp Quốc hội thứ 5
Gần 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tiến hành ‘lấy phiếu tín nhiệm’ các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền do Quốc hội bầu vào chiều thứ Hai ngày10/6.
Trong số này có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và toàn bộ các bộ trưởng thuộc nội các của ông Dũng.
Kết quả cuộc bỏ phiếu này, theo truyền thông trong nước, sẽ được ‘công bố công khai với đồng bào cử tri cả nước’ vào sáng ngày mai 11/6, theo truyền thông trong nước.
Bỏ phiếu kín
Tổng cộng có 47 vị phải trải qua thử thách này vốn là lần đầu tiên diễn ra trong nền chính trị độc đảng của Việt Nam.
Đối với mỗi vị được đưa lên bàn cân tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội sẽ chọn lựa một trong ba mức độ là ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’ ghi trên lá phiếu.
Đây là quy trình bỏ phiếu kín nên dư luận sẽ không biết mỗi đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ như thế nào đối với các chức danh được lấy phiếu.
Trong một lần trả lời BBC hôm Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 5 hôm 20/5, đại biểu tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc từng bày tỏ quan ngại việc bỏ phiếu kín khiến người dân không thể giám sát được các vị đại biểu do họ bầu lên.
Ông Quốc cũng cho biết Quốc hội cũng có lo lắng về tình trạng ‘chạy phiếu’, ‘mua phiếu’. Bản thân ông cũng thừa nhận rằng ‘quan hệ xã hội gắn liền với lợi ích’ có thể ‘chi phối phần nào lá phiếu’.
Ông Quốc giải thích rằng bỏ phiếu kín là để giúp cho các vị bị bỏ phiếu không biết ai đã tín nhiệm thấp mình nên các đại biểu Quốc hội có thể bỏ phiếu khách quan.
Tuy nhiên, nếu quả thật có tình trạng ‘chạy phiếu’ như ông Quốc quan ngại thì việc bỏ phiếu kín càng tạo điều kiện cho việc này xảy ra.
Trong tổng số 47 chức danh được Quốc hội xác định phải đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, có hai vị được miễn trong đợt này vì mới được bổ nhiệm chưa được bao lâu. Đó là tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn.
Riêng ông Vương Đình Huệ mặc dù đã làm việc lâu trên cương vị bộ trưởng Tài chính nhưng vừa được Quốc hội miễn nhiệm để nhận công tác mới bên Đảng nên cũng được miễn lấy phiếu tín nhiệm.
Các ông Sang, Hùng, Dũng đều nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm |
Căn cứ bỏ phiếu
Phát biểu trong buổi sáng trước khi lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nhắc nhở với các đại biểu Quốc hội một số căn cứ giúp họ quyết định, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Đó là báo cáo tự đánh giá kết quả làm việc của tất cả những vị được đưa ra bỏ phiếu gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, ông Hùng cũng yêu cầu các đại biểu Quốc hội cân nhắc tình hình mọi mặt của đất nước để biết các vị có chức trách có làm tròn trách nhiệm của mình hay không.
Ông đề nghị các đại biểu cũng nghĩ tới kiến nghị của cử tri cả nước trên mọi lĩnh vực đã được báo cáo trước Quốc hội trước khi bỏ phiếu.
Ông yêu cầu các đại biểu phải ‘khách quan, thận trọng, chính xác và hết sức công tâm’.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có phát biểu cảnh báo kết quả không chính xác của cuộc lấy phiếu tín nhiệm này.
“Có khi người tốt bị loại, anh cơ hội lại có phiếu cao,” ông Trọng nói với cử tri Hà Nội hôm 13/5.
Quy trình phức tạp
Mặc dù một trong những mục đích của việc đánh giá tín nhiệm này là để loại bỏ những vị chưa làm tròn chức trách, nhưng để làm được điều này không phải dễ mà phải trải qua nhiều công đoạn.
Sau vòng lấy phiếu tín nhiệm, phải cần đến 2/3 đại biểu Quốc hội đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hoặc bị hơn một nửa Quốc hội đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hai năm liên tục, một vị nào đó mới đứng trước nguy cơ mất chức.
Tuy nhiên, vị bị tín nhiệm thấp này không mất chức ngay mà còn phải trải qua thêm một vòng nữa là ‘bỏ phiếu tín nhiệm’, nhưng không phải tại kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội mà phải đến kỳ họp sau.
Trong vòng này các đại biểu Quốc hội chỉ chọn lựa hoặc ‘tín nhiệm’ hoặc ‘không tín nhiệm’. Nếu vị đó bị quá nửa các đại biểu ‘không tín nhiệm’ thì lúc đó Quốc hội mới xem xét miễn nhiệm, cách chức.
Với quy trình như trên, khả năng một chức danh nào đấy có thành tích yếu kém phải ra đi sớm là rất thấp.
Trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp trung ương này, Hội đồng nhân dân các thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng tiến hành lấy phiếu trong phạm vi quyền hạn nhưng kết quả là ‘hòa cả làng’.
Nói với BBC hôm 9/6, với tư cách cử tri, nhà văn, blogger Phạm Viết Đào bày tỏ quan ngại liệu các đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin về các chức danh mà họ đánh giá hay không.
Ông Đào cũng lo ngại ảnh hưởng của các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đối với các đại biểu riêng rẽ.
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét