Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Thượng bất chính, hạ tắc loạn


Trong khi Quốc hội VN đang thảo luận sôi nổi về các vấn đề lớn và chuyện lấy phiếu tín nhiệm chưa diễn ra, người dân vẫn lặng lẽ chờ đợi xem cái gì sẽ xảy ra với những chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của mình như nhà đất của mình có thật sự là của mình không hay chỉ là của… nhà nước, chuyện hộ khẩu và nhập cư vào thành phố được giải quyết ra sao, chuyện tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí là những quyền căn bản của con người sẽ được quy định rõ ràng như thế nào…

Những buổi họp quan trọng của các ông bà đại biểu sẽ được truyền hình trực tiếp cho dân chứng kiến, chắc chắn sẽ có nhiều ông bà “nghị” phát biểu rất hăng, rất “hùng hồn” để chứng tỏ năng lực và tài “kinh bang tế thế” của mình. Tuy nhiên những ý kiến “hùng hồn” đó có được thực hiện hay không lại là việc khác, phải chờ đến cuối kỳ họp mới biết được. Người dân bây giờ khôn lắm, họ tin vào kết quả chứ không tin vào lời hứa dù cho có “hùng hồn” đến đâu cũng cần phải xem sự thực hiện thế nào.
Trong khi đó, hiện tượng xã hội có quá nhiều thứ để người dân hãi hùng, trước hết là chuyện thực phẩm nào cũng bị tẩm chất độc, điều đáng nói là những thứ hàng độc đó không chỉ là hàng của Trung Quốc mà là của chính bà con ta sản xuất ra, buôn bán tràn lan từ thành phố đến đồng quê. Đó chính là thứ bà con ta đầu độc lẫn nhau, mình tự hại mình.
Những chuyện đó xin để nói sau. Có một chuyện tưởng như là “chuyện tất nhiên”, người dân ai cũng biết, nhưng… may quá, mãi đến nay mới thấy một “cơ quan nghiên cứu” công bố rộng rãi cho nhân dân được biết! Thôi thì “có còn hơn không”, hãy tạm căn cứ vào những số liệu này để thấy được tình hình quan chức và doanh nghiệp (DN) bắt tay nhau “chặt chẽ” như thế nào.
Những mối “quan hệ đen”
Lần đầu tiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về mối quan hệ không bình thường của cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi. Những cú bắt tay đó được gọi là “quan hệ đen”.
Theo thống kê, từ năm 1986 đến nay, nạn tham nhũng của quan chức tăng lên rất nhanh, trong đó có hơn 31,5% liên quan đến doanh nghiệp (DN). Chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập, tình trạng quan chức thông đồng với DN vụ lợi xuất hiện ngày càng nhiều, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực.
Các ông chủ DN tạo quan hệ 2 chiều trong việc quan chức dàn xếp để DN nhận được ưu đãi. Ngược lại, DN đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của quan chức hoặc là cung cấp cho bản thân quan chức các phương tiện để có thể leo cao hơn hoặc để lo lót, chạy chọt khi DN phạm sai lầm và cung phụng cho những người thân thiết của quan chức.
Kết quả khảo sát của Thanh tra nhà nước trong năm 2012 cho thấy:
Những con số đáng giật mình
- 24,7% cán bộ công chức được hỏi thừa nhận có hiện tượng quan chức nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, quà.
- 20,3% thừa nhận có chuyện DN mời quan chức đi du lịch, vui chơi, ăn uống để vụ lợi.
- 13,6% thừa nhận có hiện tượng bao che, bảo lãnh cho người có hành vi sai phạm để vụ lợi.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì trong năm 2012, có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, 50% DN được hỏi cho rằng nhóm các DN có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến hoạch định chính sách. Nói rõ hơn là DN bàn kế để quan chức có quyền lực ban hành những chính sách, những nghị định, lệnh lạc có lợi cho DN và nhóm cùng làm ăn với mình.
Cuộc khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy khi được hỏi trong 12 tháng qua, DN có nhận được các dạng yêu cầu vụ lợi của cán bộ công chức hay không, 5% số DN thừa nhận là có nhận được đề nghị bán, cho thuê và chi tiêu cá nhân; 15% DN gặp tình trạng cán bộ công chức lợi dụng quyền lực để gợi ý DN tặng quà.
Đó là những con số đã được “kiểm chứng”, tất nhiên còn những con số chưa được kiểm chứng bằng các cuộc “nghiên cứu”, “hội thảo” nằm ở phía sau, con số chắc còn cao hơn nữa.
Bảo kê và buôn lậu
Bảo kê của những người có chức, có quyền cho DN buôn lậu cũng khá phát triển trong thời gian qua thể hiện không chỉ qua các vụ án đã xét xử (như vụ Tân Trường Sanh, vụ án hang Dơi, vụ án Nguyễn Thị Ngọc Liên ở Công ty Thiên Lợi Hòa…) mà còn chứng minh bằng thực tế hàng lậu được bày bán trong nước. Việc bảo kê có khi rất công nhiên (như trường hợp Nguyễn Ngọc Kiên, nguyên phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, ký 14 văn bản cho phép các DN nhập khẩu thuốc lá lậu vào Việt Nam), có khi rất tinh vi như che giấu dưới hình thức tạm nhập tái xuất. Theo cơ quan phòng chống buôn lậu, hằng năm, Việt Nam thất thu ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng do nạn buôn lậu. Đây là một thí dụ điển hình:
Xe biển xanh chở hàng ngàn gói thuốc lá lậu của VP tỉnh ủy Bến Tre
Mới trong tuần này, ngày 28-5 vừa qua, Công an TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã tạm giữ hình sự tài xế lái chiếc xe biển xanh (số xe của nhà nước) chở thuốc lá lậu.
Xe biển xanh chở hàng ngàn gói thuốc lá lậu của VP tỉnh ủy Bến Tre
Công an TP. Cao Lãnh phối hợp cùng lực lượng CSGT trên QL30, đoạn đi qua xã Mỹ Tân, (TP. Cao Lãnh) đã kiểm soát chiếc xe hơi mang bảng số: 71A – 000.13 do tài xế Trần Trúc Lâm (SN 1983, ở tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) lái xe.
Trên xe, CA đã phát hiện chở hơn 6.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Ngay trong đêm, cảnh sát đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên. Tài xế Lâm đã thừa nhận vận chuyển thuê số thuốc lá lậu này từ Thị xã Hồng Ngự về tỉnh Bến Tre tiêu thụ.
Sáng 28-5 vừa qua, xác nhận với PV báo chí, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, chiếc xe biển xanh 71A – 000.13 bị Công an Đồng Tháp bắt giữ khi chở thuốc lá lậu có nguồn gốc từ cơ quan này. Tất nhiên anh tài xế chỉ là người lái thuê hoặc thừa lệnh một quan chức nào đó trong VP tỉnh ủy. Cho đến giờ này chúng ta chưa biết vị quan chức nào sử dụng chiếc xe này hoặc có quyền ra lệnh cho chiếc xe này “đi công vụ”.
Có lẽ nhiều bạn nghĩ rằng quan chức nào chơi bạo như thế. Thật ra chuyện này không phải là chuyện lạ, nó có thể xảy ra ở nhiều nơi nên nó trở thành “chuyện bình thường”.
Nhưng lại cũng có thể anh tài xế hoặc một anh cấp lằng nhằng nào đó sẽ trở thành “kẻ hy sinh” cho “chính chủ”. Đó cũng là “kịch bản” vẫn thường xảy ra. Cho nên chúng ta thường chỉ thấy mấy anh “vớ vẩn” phạm trọng tội chứ ít khi thấy quan lớn phạm tội.
Trần Thị To nhờ quen biết lớn đã lừa được 13 tỉ đồng
Một thí dụ khác ngày 30-5 vừa có thông tin: Trần Thị To ở Tiền Giang lừa đảo 11 tỷ đồng của 13 người cùng tỉnh. Các nạn nhân đã trình báo: “Trong hầu hết các vụ lừa đảo của Trần Thị To bao giờ cũng có sự xuất hiện của một vị cán bộ lãnh đạo cao cấp tỉnh Tiền Giang. Vì tin tưởng vào uy tín của người này, nhiều người dân đã giao tiền và tài sản của mình cho Thị To vay mượn để rồi lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.  Chưa biết rõ danh tính vị “lãnh đạo” này. Chỉ cần quan to có mặt đã đủ cho bà chủ DN lừa được rồi. Thế mới biết quen quan to có lợi như thế nào.
Trên đây là vài hình ảnh điển hình cho những vụ quan buôn lậu lẻ tẻ, chưa nói tới những vụ hợp tác làm ăn quy mô lớn với các tay tổ DN kết thành những “nhóm lợi ích” ăn chia còn đậm hơn.
Ba nhóm lợi ích phá hoại kinh tế
Ông Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho rằng tác hại của “mối quan hệ không bình thường” là vô cùng lớn, nó không chỉ làm chậm phát triển kinh tế, làm giảm sút lòng tin mà còn là cội nguồn, là cái gốc của tham nhũng. Ông Bình cũng chỉ ra 3 nhóm “quan hệ không bình thường” mà ông cho rằng rất nguy hiểm.
- Thứ nhất là nhóm chung lợi ích. Nhóm này thực chất họ đã bắt tay với DN để biến lợi ích của Nhà nước, nhân dân thành lợi ích của nhóm. Nhóm này gây ra tác hại vô cùng lớn, sẵn sàng bỏ đi hàng chục ngàn tỉ đồng để mua tàu cũ nát như trong vụ án Vinashin, Vinalines…
- Nhóm thứ 2 là nhóm nhũng nhiễu, gây khó cho DN để trục lợi, buộc DN phải bôi trơn, đưa hối lộ như vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ trong dự án đại lộ Đông Tây.
- Nhóm thứ 3 là nhóm đe dọa trắng trợn, có tính chất cưỡng đoạt tài sản của DN. Tài sản tuy không lớn bằng 2 nhóm trên nhưng nó gây phẫn uất của DN và xã hội.
Những chuyện này không xa lạ với người dân Việt và cả với bạn đọc ở nước ngoài. Nó chỉ “mới” khi một “Ủy Ban ” bây giờ mới “nghiên cứu” và công bố những con số cụ thể, người dân chẳng có cách nào thống kê được tuy rằng họ biết từ lâu và biết rất rõ. Biết mà chẳng làm gì được, những cảnh ấy vẫn ngang nhiên tái diễn.
Thế nên “thượng bất chính, hạ tắc loạn” là chuyện tất nhiên. Quan tham buôn lậu, kết bè kết nhóm thì dân buôn bán cũng “học tập” theo đó mà lộng hành.
Chúng ta đang giết lẫn nhau
Trong phần này, tôi chưa nói đến những mưu kế cùng sản phẩm độc hại của Trung Quốc ồ ạt tung vào thị trường VN trong thời gian vừa qua, không từ một thủ đoạn nào họ không dám làm. Đó chính là một cuộc xâm lăng, từ việc dùng tàu sắt đâm thẳng vào tàu đánh cá của ngư dân đến việc xuất sang VN những thứ đồ chơi của trẻ em nhiễm độc gây ung thư… Phải một bài dài mới phân tích hết được thủ đoạn ngày càng tàn độc của “người bạn láng giềng bốn không tốt, 16 chữ đen xì” này, chúng ta sẽ bàn đến vào một bài khác.
Ở đây tôi chỉ nói đến những thủ đoạn của chính đồng bào chúng ta hạ độc người dân VN mình.
Các cụ ta đã dạy “thượng bất chính hạ tắc loạn”, nôm na là người trên không liêm chính thì người dưới tất phải loạn. Loạn ở đây có nghĩa là loạn về đạo đức, về nhân cách. Cho nên những con buôn bất lương ở VN ngày càng nhiều cũng vì thế. Tôi không dám nói tất cả con buôn đều như vậy, nhưng sự thật là ngày càng nhiều người buôn bán có muốn lương thiện cũng không được, bởi lương thiện lấy tiền đâu “bôi trơn”, lấy gì “cống nộp” cho các quan hàng tháng chỉ để kiếm một chỗ ngồi, chỉ mong được yên thân, chưa nói đến chuyện được buôn gian bán lận. Vả lại nhà anh hàng xóm bỗng chốc xây lên bốn năm tầng, con đi xe hơi, du học Mỹ, Úc, Canada. thế mà nhà mình cứ cái xe gắn máy cà tàng đi miết, không đủ tiền đóng học phí cho con. Và hàng trăm thứ xa hoa khác xung quanh quyến rũ mời gọi. Tất cả những thứ đó bào mòn sự lương thiện của con người. Một người buôn gian bán lận rồi mười người, hai mươi người không hoặc chưa bị trừng phạt, nên cấp số cứ nhân lên thành một xã hội loạn. Người ta thản nhiên dùng mọi cách để kiếm tiền, không từ một thủ đoạn gian manh nào không làm, dù làm để hại ngay bà con  anh em mình. Một phần cũng do anh bạn láng giềng làm cho hư thân mất nết, chỉ cho chúng ta cách giết lẫn nhau mộc cách “ngọt ngào”.
Ăn gì cũng có thể chết
Những ngày gần đây, người dân Sài Gòn trở nên hoảng sợ với những tin tức hàng ngày về đồ ăn thức uống, cái gì cũng có độc. Người ta tưởng như ăn cái gì cũng có thể lăn đùng ra, không chết cũng ngắc ngư giống như hàng trăm công nhân ngộ độc nằm lăn lóc trong bệnh viện. Chính tôi và gia đình tôi và nhà hàng xóm cũng phát hoảng khi đọc hàng tin trên hầu hết các báo VN với cái tiêu đề “Người Hà Nội: Sáng phở thịt thối, trưa bún chả hóa chất”.
Như thế người Sài Gòn và các tỉnh thành cũng “được thừa hưởng” phở và bún chả chẳng khác gì dân Hà Nội. Mời bạn xem qua cách chế biến món ăn của thời đại ngày nay:
- Nước phở chế biến từ thịt ôi thiu
Khi ăn những bát phở thởm ngon, ít người biết rằng nhiều quán phở, quán bún tại Hà Nội chỉ cần bỏ ra 50.000 là có vài chục lít nước phở chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc.
Nước rửa chảo cũng có thể làm nước phở!
Nước phở loại này được lấy từ nước luộc các loại thịt ôi, thối được chế làm ruốc. Các loại thịt ôi, thối được đưa vào luôc, rồi ép để lấy bã làm ruốc, các loại nước ép luộc thịt, nước ép thịt, thậm chí là loại nước rửa chảo xào thịt được tận dụng đế bán làm nước phở.
Cuối mỗi ngày, các loại thịt nhập về chế biến, hầu hết là các loại thịt ế, ôi thiu tại các chợ lớn nhỏ tại Hà Nội, rồi thịt lợn xề, lợn bột, lợn ốm, lợn chết được mang về, luộc lên là có các loại thịt trắng muốt, làm ruốc trông rất bắt mắt. Loại nước luộc chỉ cần để lắng, gạn ra là có thể bán cho các cửa hàng phở ngon lành.
Thậm chí, những hôm khách đông tiệm bán phở còn không có hàng để bán, họ phải pha với đường hóa học, thêm gia vị để tạo mùi vị.
- Bún chả vàng thơm nhờ tẩm hóa chất
Tại khu vực quầy hương liệu trong chợ Đồng Xuân, Hà Nội có thể dễ dàng để mua được loại hương liệu mà các hàng bún chả thường dùng để để tạo mùi, tạo màu cho món chả nướng giúp chả có màu đẹp và thơm ngon, cuốn hút. (Ở Sài Gòn và tỉnh lân cận có thể tìm mua các loại hóa chất này ở chợ  Kim Biên)
Để làm món nướng như vịt nướng, thịt nướng các hàng quán không thể thiếu 2 loại phụ gia đó là một lọ hỗn hợp như dạng sa tế và một gọi bột màu trắng. Những lọ phụ gia như thế chi chít chữ Trung Quốc, không có lấy một dòng phụ đề nào bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, chất bột trắng được đựng trong túi nilon, không nhãn mác. Mỗi lọ có thể dùng cho 30kg thịt. Chỉ cần ướp qua thịt trước khi nướng là chả có màu vàng ngon, thay vì màu trắng nhờ nhờ. Hầu hết các quán bún chả đều phải dùng đến loại này vì thịt họ dùng để làm chả toàn là thịt ế, thịt ôi từ hôm trước hoặc thịt lợn bệnh và chất này sẽ loại bỏ hết mùi ôi, thiu của thịt”.
Chưa hết, còn  vô số nhửng tin tức “lặt vặt” cũng kinh hoàng không kém như:
Nem chua Thanh Hóa làm từ bì heo bẩn; biến thịt thối thành thịt tươi; heo bệnh thành thịt quay;
thịt thối thành lạp xưởng; trứng bẩn trứng thối tràn ngập các chợ.
Ngay cả những loại trái cây hàng ngày người dân thường dùng cũng bị tẩm độc.
Đu đủ tẩm hóa chất Trung Quốc chín nhanh rất đẹp
Đu đủ sau khi hái xuống, được nhỏ một chút dung dịch của Trung Quốc vào phần cuống, chỉ sau 1 ngày quả chín vàng, ruột đỏ rất bắt mắt đánh lừa hầu hết mọi gia đình bình dân VN.
Dùng hóa chất Trung Quốc làm đu đủ chín vàng đều, ruột đỏ rất bắt mắt.
Loại thuốc có khả năng “phù phép” này có giá bán 5.000 đồng/1 lọ 5ml. Trên bao bì ghi hạn dùng 2 năm, nhưng không ghi ngày sản xuất và chỉ có vài dòng chữ tiếng Trung Quốc. Tìm mua loại hóa chất này rất khó, chỉ những chủ buôn hoa quả lớn hoặc dựa vào mối quen mới mua được. Loại hóa chất Trung Quốc này ban đầu các chủ buôn dùng cho chuối, nhưng giờ được sử dụng cho cả đu đủ.
Những chủ buôn sau khi thu mua đu đủ về sẽ dùng hóa chất nhỏ trực tiếp lên phần cuống của quả, việc nhỏ phải hết sức tỉ mỉ, nếu không đúng phần cuống thì quả sẽ héo quắt hoặc thối nhũn. Đu đủ sẽ chín 1 ngày sau khi dùng hóa chất nên sau khi được nhỏ thuốc, đu đủ được bọc báo và đặt vào trong thùng xốp dán kín băng dính rồi chở đi tiêu thụ. Chuối cũng được “chế biến” tương tự nên trái nào cũng chín mọng, vàng ươm.
- Dừa tẩy trắng độc hạiHóa chất tẩy trắng dừa có thể là một loại axít gốc phốt pho và lưu huỳnh, chỉ được dùng với liều lượng phù hợp. Nếu sử dụng vô tội vạ sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Dừa được tẩy trắng bằng hóa chất
Chị Tiên, chủ một vựa dừa, cho biết chỉ cần ra chợ Kim Biên, ghé vào bất cứ tiệm hóa chất nào hỏi mua chất tẩy trắng dừa sẽ được giới thiệu 2 loại bột màu trắng, không bao bì, nhãn mác với giá bán khoảng 125.000 đồng/kg. Mỗi thùng nước khoảng 20 lít pha trộn với 6 muỗng bột (3 muỗng loại này, 3 muỗng loại kia) rồi ngâm dừa vào, chờ nước thấm hết vào là xong.
Một bác sĩ chuyên về an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết hóa chất tẩy trắng dừa có thể là một loại axít gốc phốt pho cộng với lưu huỳnh, chỉ được dùng với liều lượng phù hợp, có kiểm soát. “Sử dụng chất tẩy trắng vô tội vạ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Chỉ cần thường xuyên chạm tay vào lớp vỏ bên ngoài cũng đã có hại rồi, nói gì đến việc hóa chất đó thấm vào ruột và nước dừa. Dùng hóa chất này rất dễ dẫn đến các bệnh liên quan đường tiêu hóa, hô hấp, nếu tích trữ trong người nhiều và lâu dài sẽ gây ra các bệnh lý khó lường.
Rượu pha bằng… thuốc sâu và phân lân bán khắp Hà Nội
Tại hầu hết các quán cơm bình dân, quán nhậu trên địa bàn các quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm (Hà Nội)… rượu độc sau khi được đưa về sẽ được giới thiệu là “rượu quê cực êm, cực phê”, bày bán tràn lan giá 20 – 30 ngàn đồng/lít.
Khi tìm hiểu từ một số nhân viên chuyên chở rượu, chất mà người phụ nữ trên dùng để pha với rượu là… thuốc sâu và phân lân. Vậy là rượu cồn đã độc, lại càng “phê” thêm vì thuốc trừ sâu và phân bón. Theo một nhân viên, mỗi ngày quán này tiêu thụ hết khoảng bốn thùng phuy rượu độc.
Do uống phải rượu độc, không ít “đệ tử Lưu Linh” đã hôn mê bất tỉnh nhập viện, thậm chí phải vào bệnh viện tâm thần điều trị. Theo thống kê từ bệnh viện tâm thần Hà Nội, mỗi tháng có ít nhất 40 người loạn thần nhập viện. Người điều trị nhanh nhất cũng mất 2 tháng, nhiều người phải nằm viện điều trị cả năm. Nguyên nhân lớn do các bệnh nhân uống quá nhiều rượu có độc.
Đồ chơi Trung Quốc đang tràn ngập thị trường VN bởi mẫu mã đa dạng, màu sắc rực rỡ và trên hết là giá rẻ. Những loại đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ nhỏ , khi sản xuất thường không thể thiếu phthalates – chất được dùng làm phụ gia tăng độ dẻo cho nhựa. Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội – nếu chất phthalates theo đường tiêu hóa vào cơ thể sẽ làm rối loạn hoạt động của các tuyến nội tiết như: Bé gái bị dậy thì sớm, còn nam thì cơ quan sinh dục bị teo lại… Đặc biệt, nếu trẻ ngậm đồ nhựa trong miệng, phthalatses nhanh chóng hòa tan trong nước bọt và chất này sẽ trực tiếp đi vào cơ thể.
Đồ chơi Trung Quốc độc chiếm thị trường và chứa chất độc hại
Ngoài ra, theo một số kết quả giám định gần đây của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học kiểm tra, hầu hết đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như: Súng gươm, lựu đạn, kể cả lồng đèn… đều sản xuất bằng các loại nhựa tái chế, trong đó có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Đây là một trong ba kim loại độc hại đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi…
Không liều thì… sang Tây mà sống
Thưa bạn đọc, tôi không kể hết những đồ ăn thức uống có pha “hóa chất độc hại” hiện nay đang có mặt ở hầu hết các tiệm ăn, quán nước khắp các tỉnh thành cho đến quận huyện tại VN. Toàn là những thứ bà con mình hại nhau. Kể nhiều quá e rằng có nhiều vị về VN phải mang sẵn các thứ đồ hộp từ nước ngoài về. Chắc có vị thắc mắc tại sao dân VN vẫn ăn mà không chết? Xin thưa là chết nhiều rồi nhưng chết vì các loại bệnh lâu ngày tích tụ lại nên không thể kết luận là tại đồ ăn. Chất độc âm thầm tàn phá cơ thể sinh ra đủ loại bệnh. Vì thế, bệnh viện ở VN lúc nào cũng đầy ắp, phải nằm 3-4 người 1 giường và nằm cả dưới gầm giường là chuyện tất nhiên.
Vả lại là dân VN sống ở thời này là phải liều mới sống được. Không liều thì… sang Tây mà sống!
Văn Quang

Không có nhận xét nào: