Pages

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Ra tuyên bố phản đối Nghị định 72

Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam cấm các cá nhân tổng hợp thông tin trên mạng đã bị một nhóm các trí thức trong và ngoài nước lên án là ‘vi phạm Hiến pháp, pháp luật và các công ước quốc tế’.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng, các nhân sỹ trí thức này cũng yêu cầu Chính phủ chỉnh sửa lại Nghị định và kêu gọi Quốc hội thẩm tra lại tính hợp hiến và hợp pháp của Nghị định.

Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9 tới. Khi đó, các trang mạng cá nhân sẽ không được phép đưa lại các thông tin được lấy lại từ các nguồn khác.

Nghị định này đã bị cộng đồng blogger trong nước và các quan sát viên quốc tế lên án là ‘xâm phạm quyền tự do ngôn luận’ của người dân Việt Nam.

Người dùng Internet ở Việt Nam
Cộng đồng mạng ở Việt Nam sẽ thích ứng ra sao kể từ ngày 1/9 tới?
‘Tác dụng phá hoại’

Trong phản ứng mới nhất này, bản tuyên bố được 108 người ký tên đã dẫn ra những chỗ mà họ cho là vi phạm luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước này có tham gia.

Theo đó, quy định trong Nghị định 72 phân loại các trang mạng ra làm năm loại trong đó yêu cầu ‘trang thông tin điện tử cá nhân’ không được tổng hợp thông tin là trái với Luật Công nghệ thông tin, bản Tuyên bố này phân tích.

Theo Bộ Luật được Quốc hội thông qua vào năm 2006 này thì ‘trang thông tin điện tử... phục vụ cho việc cung cấp trao đổi thông tin’ và cũng không hề phân chia trang thông tin điện tử ra làm các loại riêng rẽ.

Ngoài ra, trong khi Luật Công nghệ thông tin chỉ có phạm vi hiệu lực đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động về mạng Internet ‘tại Việt Nam’ thì Nghị định 72 mở rộng việc chế tài ra các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân ở nước ngoài cung cấp thông tin vào Việt Nam.

Do đó, những người tham gia vào tuyên bố này bày tỏ quan ngại Nghị định 72 sẽ ‘bị vận dụng tùy tiện để ngăn chặn công dân Việt Nam thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do tìm kiếm, thu nhận và chia sẻ thông tin’.

Các nhân sỹ trí thức nhận định rằng Nghị định này ‘chỉ có tác dụng phá hoại lòng tin của người dân đối với sự trung thực và sáng suốt của chính quyền’ và ‘phá hoại uy tín của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế’.

“Nghị định 72... đi ngược lại các tuyên bố cải thiện về dân chủ, nhân quyền... của Nhà nước Việt Nam...đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước,” Tuyên bố viết.

‘Không thay đổi’

Trao đổi với BBC, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một blogger ở trong nước, giải thích lý do Tuyên bố này không được gửi đến những nơi liên quan được nêu trong Tuyên bố như Quốc hội và Chính phủ là vì ‘những kiến nghị chúng tôi gửi đến chẳng bao giờ được phản hồi’.

“Chúng tôi đã tính trước khả năng chính quyền không tiếp thu nên không kiến nghị mà ra tuyên bố để bày tỏ thái độ,” ông nói, “Còn tiếp thu hay không là quyền của người ta.”

Khi được hỏi có chuẩn bị sẵn sàng khi Nghị định 72 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/9 tới, ông Chênh nói rằng ông ‘vẫn giữ nguyên’.

“Hồi nào mình viết như thế nào, mình thu nhận thông tin và đưa thông tin như thế nào thì vẫn tiếp tục làm,” ông nói.

“Để xem người ta nhắc nhở như thế nào để tùy theo đó mà có thái độ phản ứng,” ông nói thêm, “Bên cạnh đó tôi vẫn trông chờ phản ứng của tập thể.”

Mặc dù ông nhận định rằng Nghị định 72 này sẽ ‘khó khả thi’ nhưng sẽ tác động trực tiếp các trang blog như trang cá nhân của ông.

“Trước khi có Nghị định 72, anh em blogger vẫn bị mời lên làm việc. Bây giờ có lẽ làm việc sẽ cấp tập hơn. Người ta sẽ yêu cầu điều này điều khác nhiều hơn,” ông nói.

(BBC)

Không có nhận xét nào: