Pages

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bộ Công an đề nghị chuyển vụ EVN để điều tra

Sáng 15/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã trả lời nhiều vấn đê liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Tập đoàn EVN.

Về kết luận của TTCP chỉ rõ những sai phạm của EVN như xây nhà, biệt thự, mua siêu xe, sân tennis...với giá trị lên đến gần 600 tỉ đồng mà EVN tính vào giá bán điện.
Vẫn 'cãi' chuyện biệt thự, siêu xe tính vào giá điện
  

 
Lý giải sự chênh nhau quá lớn gấp 60 lần giữa các con số của EVN đưa ra, ông Khánh cho biết EVN giải thích đó là những công trình không thể thiếu để phục vụ cho quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
 
Trong khi đó, ông Khánh nhắc lại quan điểm của TTCP “Những biệt thự, bể bơi, sân tennis... những công trình này phải dùng nguồn vốn phúc lợi để đầu tư, xây dựng. Về mặt nguyên tắc thì được khấu hao dần vào giá điện”, ông Khánh nói.
 
Ông Khánh cho biết, trong buổi làm việc mới đây, EVN có cho rằng việc xây dựng những hạng mục công trình này là hạch toán riêng, không tính vào giá điện.
 
“Chúng tôi không đi kiểm tra chi tiết việc hạch toán khấu hao các công tình đó thế nào. EVN cho rằng những công trình này là hạch toán riêng, không liên quan đến việc tăng giá điện cũng chưa thể khẳng định có đúng như EVN nói không. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này", Phó Tổng TTCP cho hay.
 
Cũng theo ông Khánh, EVN thừa nhận việc mua sắm ô tô vượt định mức 3 tỉ đồng là sai và sẽ có biện pháp khắc phục triệt để: "hai Bộ Tài chính, Bộ Công thương sẽ đề xuất hướng xử lý. Về phía EVN, Tập đoàn này tự đề xuất, phần đúng tiêu chuẩn sẽ hoạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, phần “vượt rào”, EVN muốn sử dụng lợi nhuận sau thuế để xử lý. TTCP đã báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo xử lý trước nội dung này".
 
Mặc dù EVN khẳng định phần xây nhà, mua xe sang là hạch toán riêng và xin sử dụng lãi sau thuế để bù lại mà không liên quan đến việc tăng giá bán điện. Tuy nhiên, logic của EVN có vẻ đang đi ngược thực tế. Hạch toán riêng cụ thể là thế nào? Lãi sau thuế lấy ở đâu ra?
 
Chẳng phải, tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 11/1, EVN đã báo cáo kể từ năm 2011, giá điện bán lẻ trong nước đã tăng 2 lần mỗi năm. Tổng hai lần tăng giá đã lên tới hơn 10% so với năm trước.
 
Sau 2 năm liên tiếp báo lỗ, năm 2012 ghi nhận EVN đã có lãi trở lại ở kinh doanh điện. Theo báo cáo tổng kết do ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN công bố, doanh thu bán điện ước đạt 143,419 tỷ đồng. 

EVN giải trình những vấn đề gây nhiều tranh cãi thời gian qua
EVN giải trình những vấn đề gây nhiều tranh cãi thời gian qua
Tiết lộ bên lề hội nghị, đại diện lãnh đạo EVN còn cho biết, năm 2012 EVN lãi khoảng 6000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính, bù lỗ giai đoạn trước mà con số lãi lại vẫn lơn hơn con số 100 tỷ đồng theo kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính, Tập đoàn này sẽ có tính toán để ưu tiên lấy lãi bù lỗ trước.
 
Mặc dù thu lãi lớn từ bán điện, nhưng lãnh đạo EVN vẫn khẳng định, năm 2013 vẫn phải tăng giá bán. Đồng thời vị lãnh đạo này cũng khẳng định, tới đây, còn nhiều chi phí phải đưa vào đầy đủ trong giá bán điện nên giá có xu thế tăng cao.
 
Vậy khi ngay cả TTCP cũng chưa thể khẳng định chi phí xây nhà, biệt thự, xe sang EVN có hạch toán riêng không, hạch toán thế nào... thì cũng chưa thể nói EVN tính các chi phí này vào giá thành bán điện là "oan".
 
Giao chỉ tiêu lỗ, EVN hoàn toàn đúng
 
Trả lời câu hỏi về việc EVN giao chỉ tiêu lỗ cho một số đơn vị thành viên, ông Khánh giải thích, với đặc thù của tập đoàn, của chu trình sản xuất điện, việc giao lỗ là hoàn toàn có cơ sở và không vướng vào điều cấm nào. Tuy nhiên, tính hợp lý của hoạt động này như thế nào thì cần phải xem xét tiếp.
 
“Khi nào đạt được cơ chế thị trường điện cạnh tranh thì mới không phải tính đến chuyện giao lỗ bao nhiêu, anh nào được lãi, anh nào phải lỗ để đảm bảo cân bằng, hợp lý giữa các khâu” – ông Khánh nói.
 
Phó Tổng TTCP giải thích thêm, về con số tỉ suất lợi nhuận bằng 0 mà Thanh tra nêu ra. Đây chỉ là con số giả định để từ tỷ suất này tính toán, đề ra các chỉ tiêu khác cho tập đoàn chứ không phải chỉ số bắt buộc nhà nước giao doanh nghiệp phải đảm bảo “không bao giờ lỗ cũng không bao giờ lãi”.
 
Trả lời câu hỏi của báo chí về sự chênh lệch giữa con số kết luận thanh tra loại ra gần 6.500 tỉ đồng sai phạm của EVN so với dự thảo báo cáo của cơ quan này với Thủ tướng Chính phủ, ông Ngô Văn Khánh lý giải chênh lệch số tiền giữa dự thảo và kết luận, quá trình từ dự thảo ra kết luận thanh tra, hay từ báo cáo của đoàn đến dự thảo, có thể khác nhau và điều này là chuyện bình thường. Ông Khánh khẳng định, "khoản tiền này không liên quan đến việc tăng giá điện trong thời gian vừa qua".
 
Cũng theo ông Ngô Văn Khánh, sau khi có dự thảo kết luận thanh tra EVN và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã làm việc với các ngành có liên quan và nhận thấy còn có 17 vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ.
 
Giao cơ quan điều tra
 
Kết luận thanh tra tại EVN, Phó Tổng Thanh tra Chính thông tin, trong quá trình thanh tra TTCP đã làm việc theo quy trình, phân định trách nhiệm cá nhân rất rõ ràng. Đoàn thanh tra cũng như những người giúp việc cho Tổng thanh tra phải tuân  thủ một quy trình nghiêm ngặt. 
 
TTCP cũng xác nhận việc 2 cán bộ của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an đưa công văn do Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm ký sang làm việc với Thanh tra Chính phủ, đề nghị chuyển hồ sơ các việc tại EVN sang cơ quan điều tra. 
 
Thanh tra Chính phủ đã từ chối với lý do kết luận thanh tra không có nội dung nào đề xuất chuyển cơ quan điều tra nên không có trình tự, thủ tục chuyển hồ sơ như quy định nhưng thông tin thì rộng mở.
 
Ông Khánh khẳng định, "cơ chế thông tin giữa Thanh tra và Công an luôn thông suốt cả về chiều rộng, chiều sâu, trong tất cả các vụ việc, kể cả khi không có yêu cầu chuyển CQĐT. Nhưng phải có đầu mối, không phải thích là cung cấp, không thích thì thôi. Bản kết luận cũng đang chờ xin ý kiến Thủ tướng nên Thanh tra chưa cung chấp cho cơ quan công an", ông Khánh cho hay. 
 
 
Sớm công bố kết luận thanh tra ngân hàng Agribank
 
Trả lời liên quan đến kết luận thanh tra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Cao su, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…, Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết, về cơ bản các cuộc thanh tra tại đã hoàn tất. 
 
Tuy nhiên, do đây là những cuộc thanh tra lớn, nhiều vấn đề phức tạp cần phải xin ý kiến chỉ đạo của  Thủ tướng nên kết luận cuối cùng vẫn chưa thể cung cấp tới báo chí.
 
Đặc biệt, đối với việc thanh tra tại Agribank, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thừa nhận việc ban hành kết luận có chậm sau khi đã kết thúc từ tháng 7/2012. Tuy nhiên, dù đã hai lần báo cáo Thủ tướng, song đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức.
 
Hơn nữa, trong kết luận thanh tra tại Agribank có nhiều vấn đề phức tạp, có những món nợ từ rất lâu, nên mọi phán xét đều phải hết sức thận trọng, khách quan và chính xác.
 
“Kết luận thanh tra Agribank nếu không khách quan, chính xác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài chính, ngân hàng vì đây là cơ quan khá nhạy cảm”, Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nói.
 
Tuy nhiên, theo ông Khánh, Thanh tra Chính phủ “sẽ sớm công bố” kết luận thanh tra tại Agribank. Và dù chưa có kết luận chính thức, song ông cho biết, hiện nay Agribank đã và đang “khẩn trương khắc phục” 
 
quyết liệt các sai phạm và hạn chế mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sau khi thanh tra tại ngân hàng này.
Hiếu Lam

(Đất Việt) 

Không có nhận xét nào: