Pages

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Sự thật trong tranh chấp lãnh thổ

Thái Văn Cầu

Vừa qua, đã có một cuộc trao đổi về vấn đề biên giới giữa ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới chính phủ, và ông Mai Thái Lĩnh, một trí thức có nhiều quan tâm đến chủ quyền đất nước. Cuộc trao đổi được thực hiện qua một báo điện tử của Nhà nước và hai trang mạng “lề trái”.

Trong khi thiện ý của những người tham gia, tạo điều kiện cho cuộc trao đổi xảy ra là điểm tích cực, đáng khen ngợi, ý kiến của ông Mai Thái Lĩnh chưa được trình bày một cách đầy đủ, rõ ràng, trên báo điện tử của Nhà nước.

Nhiều năm trước, sau khi nhận được hai tài liệu của Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, người viết bắt đầu quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu chủ quyền đất nước, với tập trung chính vào nguồn tư liệu cổ phương Tây [1].

Để trả lời ông Mai Thái Lĩnh, ông Trần Công Trục nhấn mạnh nhu cầu “phân biệt sự khác nhau giữa CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” (mà trong dư luận hiện nay còn nhiều người lầm tưởng rằng đó là chủ trương của chúng ta trong giải quyết tranh chấp Biển Đông) với CHỦ TRƯƠNGgiải quyết tranh chấp lãnh thổ dựa trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có sử dụng các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý.

Các bằng chứng lịch sử như bản đồ, thư tịch... chúng tôi đã tham khảo khi hoạch định đường biên giới chủ trương trước lúc mang đi đàm phán, và khi trao bản đồ đường biên giới chủ trương 2 bên đã trùng nhau 70%, 30% còn lại là các khu vực tranh chấp, lúc này mới là giai đoạn đưa các chứng cứ ra chứng minh. Khi chúng ta đưa ra các bản đồ, thư tịch và bằng chứng lịch sử khác không nằm trong phạm vi nguyên tắc chung quy định, thì Trung Quốc họ cũng làm tương tự, và tài liệu của họ còn nhiều hơn ta [2].

Ông Trần Công Trục nêu một ý kiến chính xác khi nói, mọi tranh chấp lãnh thổ cần giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, qua sử dụng chứng cứ lịch sử “có giá trị pháp lý”.

Trước Toà án Quốc tế, chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý là yếu tố mạnh mẽ nhất.

Quan điểm này đã được người viết phổ biến trước đây, như trong đoạn: “Để khắc phục thiếu sót trong quá khứ, và để loại bỏ lỗ hổng trong lập luận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà nước Việt Nam nên khẩn trương hỗ trợ giới nghiên cứu (độc lập cũng như trực thuộc bộ máy chính quyền), thúc đẩy tham khảo tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và từ các nguồn khác (kể cả ngoài nước), chuyển dịch những nghiên cứu đúng đắn từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (cụ thể như tiếng Anh, tiếng Hoa), tư vấn chuyên gia ở ngoài nước về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đào tạo lớp người trẻ với chuyên môn nghiệp vụ cao, v.v.” [3].

Tuy nhiên, chuyên gia luật quốc tế nhận định, trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trên đất liền hay trên biển, khả năng để hai bên có “các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý” không cao.

Theo Nuno Sergio Marques Antunes, “tranh chấp dựa duy nhất trên lập luận pháp lý... tương đối hiếm. Tuyệt đại đa số các cuộc tranh chấp lãnh thổ thiếu lập luận pháp lý có ý nghĩa. Trong phần lớn các trường hợp, những lập luận không mang tính pháp lý nổi bật hơn”.

Nói một cách khác, mỗi bên trong tranh chấp lãnh thổ phải tận dụng tất cả chứng cứ nghiêm túc, bất kể hình thức, như Brian Taylor Sumner khẳng định, bao gồm 9 loại khác nhau, trong đó có bằng chứng lịch sử [4].

Trong khi ông Trần Công Trục cho rằng nguồn tài liệu do Nhà nước CHXHCHVN phổ biến trong giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung, 1979-1990, là “tài liệu tuyên truyền”,không thích hợp để sử dụng, hay không đáng tin cậy, thử hỏi có điều gì ngăn chặn người khác đưa lập luận rằng thực chất những bài viết, bài phỏng vấn quan chức Nhà nước về vấn đề biên giới trong hơn 10 năm nay mới chính là tài liệu tuyên truyền, không đáng tin cậy?

Một chức năng không thiếu được của trí thức là nỗ lực tìm hiểu sự thật, qua thực hiện nghiên cứu độc lập với quan điểm của Nhà nước, hay với quan điểm phổ thông trong xã hội.

Người trí thức dứt khoát không để tài liệu tuyên truyền, bất cứ từ đâu đến, bất cứ ở trong thời điểm nào, ảnh hưởng đến nhận thức của họ.

Lời nói và hành động của trí thức, trong mọi trường hợp, phải trên cơ sở tôn trọng sự thật.

Giữa thông tin do Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN công bố trước dư luận quốc tế hơn 30 năm trước và thông tin do quan chức Nhà nước cung cấp về thác Bản Giốc, ải Nam Quan, v.v., trong gần 15 năm nay, câu hỏi mọi người nên có là sự thật nằm ở đâu ?

Trong phạm vi giới hạn của bài, người viết tập trung vào chủ quyền thác Bản Giốc.

Các nguyên tắc nêu trong bài ứng dụng cho tranh chấp lãnh thổ dù nó ở biên giới cực Bắc, ở biên giới Tây Nam hay trên Biển Đông.

Sau đây là một số bản đồ khu vực thác Bản Giốc sau năm 1975:








clip_image004

clip_image005




clip_image006

Bản đồ bên trái hàng trên là do Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam trong quá trình đàm phán biên giới; bản đồ bên phải hàng trên là kết quả sau khi phân chia lại; bản đồ hàng dưới là từ google map hiện nay [5].

Trình bày quan điểm Nhà nước, ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc, nói:

"Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc...

Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác...

Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm mét... Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lý Thanh – Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện đấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được. 

Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%".

Ông Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm ủy ban biên giới, nói:

“Tại khu vực thác Bản Giốc, theo quy định của Hiệp ước 1999, luật pháp và thông lệ quốc tế, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy phía Nam cồn Pò Thoong, hai bên đã điều chỉnh đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, qua dấu tích trạm thủy văn xây dựng những năm 1960, quy thuộc 1/4 cồn, 1/2 thác chính và toàn bộ thác cao cho Việt Nam” [6].

Ông Trần Công Trục nói:

Khi cả ta và TQ không đủ chứng cứ, tài liệu pháp lý để bảo vệ yêu sách chủ quyền đối với cồn Pò Thoong, 2 bên phải dựa vào nguyên tắc chung thỏa thuận ban đầu, đối với đường biên giới đi qua sông suối tàu thuyền không đi lại được thì đường biên giới đi qua trung tuyến dòng chảy chính. Khi phân giới cắm mốc, 2 bên đo đạc xác định dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam, nếu căn cứ vào nguyên tắc pháp lý trên thì cả cồn Pò Thoong sẽ thuộc về Trung Quốc...

Cuối cùng 2 bên thống nhất đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, hai phần ba thuộc về TQ và một phần ba thuộc về Việt Nam. Đó là giải pháp đã tính đến lợi ích của đôi bên, liên quan đến tình cảm và quá trình quản lý...

Chính tôi đã từng lội sông, lội suối lên khu vực thượng nguồn sông Quây Sơn, thác Bản Giốc, tận tay sờ vào cột mốc 53 và rõ ràng cồn Pò Thoong không được mô tả trong tài liệu 2 bên dựa vào làm căn cứ. Không có chuyện mốc 53 cắm trên cồn Pò Thoong” [7].

Nhận xét của người viết:

1. Các bản đồ trích dẫn cho thấy, ban đầu, Trung Quốc đòi toàn bộ cồn Pò Thoong và 1/2 thác chính (còn gọi là thác thấp) ở Bản Giốc. Sau đàm phán, Việt Nam được chia khoản 1/4 đến 1/3 cồn Pò Thoong, 1/2 thác chính, và toàn bộ thác phụ (thác cao).

2. Kết quả phân chia thác Bản Giốc gần sát với đòi hỏi của Trung Quốc.

3. Tuyên bố của quan chức Nhà nước không minh bạch, rõ ràng: Việt Nam được 1/3 hay 1/4 cồn Pò Thoong, cột mốc 53 cắm trên cồn hay trên đất liền.

Bị vong lục do Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN công bố trước dư luận quốc tế năm 1979, có đoạn nói:

Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông, suối biên giới, phía Trung Quốc cũng lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật làm thay đổi dòng chảy của sông, suối về phía Việt nam để nhận đường biên giới có lợi cho phía Trung Quốc.

Cầu ngầm Hoành Mô thuộc tỉnh Quảng Ninh được Trung Quốc giúp xây dựng vào năm 1968. Một thời gian dài sau khi cầu được xây dựng xong, hai bên vẫn tôn trọng đường biên giới ở giữa cầu, vật liệu dự trữ để sửa chữa cầu sau này cũng được đặt ở mỗi bên với số lượng bằng nhau tính theo đường biên giới giữa cầu. Nhưng do Trung Quốc có sẵn ý đồ chỉ xây một cống nước chảy nằm sát bờ Việt nam nên lưu lượng dòng chảy đã chuyển hẳn sang phía Việt Nam, từ đó phía Trung Quốc dịch đường biên giới trên cầu quá sang đất Việt Nam. Thủ đoạn như vậy cũng được thực hiện đối với cầu Pò Hèn (Quảng Ninh), đập Ái Cảnh (Cao Bằng), cầu Ba Nậm Cúm ( Lai Châu)…

Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1976 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi,xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc...

Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung Quốc. Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong” [8].








clip_image010

clip_image011




clip_image012
Bị vong lục năm 1979 là tài liệu tuyên truyền hay không không là đề tài thảo luận. Điều quan trọng cần biết là bị vong lục có thông tin giá trị, đi gần với sự thật hay không ?
Câu trả lời phải đến từ đối chứng với chứng cứ lịch sử, không đến từ sự công nhận hay phủ nhận của quan chức Nhà nước hay của bất cứ ai khác, nhất là khi chứng cứ hậu thuẫn cho lập luận của họ không được đưa ra.
Trong hơn 100 năm nay, tư liệu cổ phương Tây nhiều lần đề cập đến thác Bản Giốc của Việt Nam, mà có tác giả gọi nó là thác bậc thềm Tụ-Tổng (cascade de Tu-Tong).





clip_image015
clip_image016

Tư liệu trên là đoạn tả cảnh và ảnh chụp khu vực thác Bản Giốc của Việt Nam trong cuốn sách của René Bourret, nhà địa chất người Pháp, đến Đông Dương năm 1900 [9].
clip_image019
Bản đồ bên trái là từ Vụ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp; bản đồ bên phải là từ Hồi ký của phó Trưởng đoàn biên giới Việt-Trung, xuất bản năm 1895, sau khi đàm phán biên giới hoàn tất [10].

Nhận xét của người viết:

1. Chứng cứ lịch sử về chủ quyền thác Bản Giốc của Việt Nam là một trong các thể loại chuyên gia luật quốc tế nhận định có thể sử dụng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

2. Hai bản đồ từ Vụ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp và từ phó Trưởng đoàn biên giới Việt-Trung, giai đoạn 1894-1895, cho thấy biên giới Việt-Trung, từ hướng Đông-Nam ngược lên Tây-Bắc, nằm trên đường trung tuyến sông Quây-Sơn (hay Quy-Thuận, Quy-Xuân) khi chưa đến hạ lưu thác Bản Giốc. Khi tiến gần đến thác Bản Giốc, đường biên giới nằm hẳn ở phía Bắc của thác, hoàn toàn không xâm phạm đến khu vực thác Bản Giốc. 

3. Cột mốc 53 cắm trên đất liền, ở thượng lưu phía Bắc của thác Bản Giốc.

4. Do cồn Pò Thoong nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam, công ước Pháp Thanh không đề cập đến nó trong văn bản.

5. Hai bản đồ ở trên trùng hợp với trích dẫn trong tư liệu cổ phương Tây, trùng hợp với lập luận chủ quyền thác Bản Giốc của Việt Nam trong bị vong lục năm 1979, và bác bỏ lập luận quan chức Nhà nước ngày nay đưa ra là Việt Nam không có chứng cứ pháp lý chủ quyền cồn Pò Thoong và Việt Nam chỉ được 1/3 thác Bản Giốc theo công ước Pháp Thanh. 

6. Cái gọi là chứng cứ lịch sử chủ quyền thác Bản Giốc của Trung Quốc chưa bao giờ được công bố.

Vào đầu năm 2011, nhân phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Thao về cuộc đàm phán và phân giới cắm mốc Việt – Trung đăng trên báo điện tử của Nhà nước, người viết có phản biện [11].

Sau đấy, trên blog cá nhân, ông Nguyễn Hồng Thao nhận định là người viết sử dụng “tài liệu tuyên truyền và Hồi ký”, không là “văn bản pháp lý chính thức có con dấu, chữ ký hai bên”.Theo ông Nguyễn Hồng Thao, Hiệp ước biên giới Việt-Trung là một “giải pháp chính trị” và “đã là giải pháp chính trị thì không phải ai cũng hiểu và còn không muốn hiểu” [12].

Trên thế giới, sử dụng giải pháp chính trị trong quan hệ quốc tế, khi cần thiết, là điều bình thường.

Cá nhân hay tổ chức vận động hay thực hiện giải pháp chính trị phải thoả mãn hai điều kiện:

1. Bảo đảm là giải pháp chính trị phục vụ quyền lợi đất nước, quyền lợi nhân dân, không để phục vụ quyền lợi cá nhân hay tổ chức.

2. Có bổn phận và trách nhiệm, trên cơ sở tôn trọng sự thật, trình bày cụ thể, minh bạch, rõ ràng với nhân dân của nước họ nguyên nhân và mục đích của giải pháp chính trị.

Mọi vướng mắc, hiểu lầm, chưa thông suốt, v.v., trong nhân dân là khiếm khuyết, thiếu sót của cá nhân hay tổ chức liên hệ đến giải pháp chính trị.

Thí dụ điển hình: Trong tranh chấp Biển Đông, mặc dù Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi cân nhắc mọi yếu tố, người viết đề nghị, “Nhằm tạo đột phá trong bế tắc và do các lý do khác nhau, từ điều kiện đảo đến nhu cầu giảm thiểu mức độ xung đột, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Việt Nam nên chủ trương quy định ngay cả đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa và Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa” [13].

Như một giải pháp chính trị, ý kiến đưa ra nhằm để Việt Nam tranh thủ hậu thuẫn của quốc tế và của ASEAN trước mối đe doạ ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đòi hỏi lãnh hải lớn hơn 12 hải lý ở Hoàng Sa-Trường Sa đào sâu hố ngăn cách giữa Việt Nam và ASEAN và kéo dài vô hạn định thời gian giải quyết tranh chấp. Tình huống này thuận lợi cho Trung Quốc nhiều hơn cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông [14].

Ông Nguyễn Hồng Thao, và ông Trần Công Trục không ít lần đề cập đến “văn bản pháp lý chính thức” hay “chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý”.

Ông Trần Công Trục cũng nói: “Ở đây, tôi xin nói thêm rằng sự khác biệt trong nhận thức ngày hôm nay chính là hệ quả của công tác tuyên truyền ngày hôm qua, khi chúng ta chưa kịp thay đổi, thích ứng theo những diễn biến mới của thời cuộc” [15].

Kể từ khi Hiệp ước biên giới Việt-Trung ký kết cuối năm 1999 cho đến nay, bằng chứng cho cái gọi là “văn bản pháp lý chính thức” hay “chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý”, cơ sở của nguyên tắc chung cho Nhà nước Việt Nam tiến hành đàm phán với Trung Quốc vẫn là tờ giấy trắng! 

Sự khác biệt trong nhận thức ngày nay giữa Nhà nước và nhân dân không phải là do “hệ quả của công tác tuyên truyền ngày hôm qua” hay do nhân dân thiếu hiểu biết về giải pháp chính trị mà do lập luận Nhà nước đưa ra về vấn đề biên giới không thuyết phục!

Trong thời đại tin học, khi mà hơn 1/3 dân số cả nước tiếp thu thông tin trên mạng từ nhiều nguồn khác nhau, tư duy thích hợp với thời đại phải là: Sự thật đi đôi với bằng chứng cụ thể, minh bạch, rõ ràng; sự thật không đi đôi với tuyên truyền!

Khi nói về chủ quyền đất nước, hơn 500 năm trước, vua Lê Thánh Tông cảnh báo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy: “Nếu người dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di” [16].

Lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam cũng tuyên bố: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước";

hoặc là, “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả" [17];

hoặc là, Nhưng trong điều hành cũng có thể chúng tôi có lỗi chuyện này chuyện nọ, không loại trừ, nhưng ý thức cũng như hành động không bao giờ tách khỏi lập trường, quan điểm: chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm” [18].

Chân lý là: Đất nước Việt Nam là của nhân dân Việt Nam!

Toàn vẹn lãnh thổ là điều cao quý nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Không một cá nhân, một tổ chức nào được tự quyền quyết định, ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ mà không nghiêm túc chứng minh tính minh bạch và không có trách nhiệm giải trình.

Ông Trần Công Trục đề cập đến Mohan Malik khi nói về thác Bản Giốc.

Trước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông mang tính lịch sử giả tưởng của Trung Quốc, Mohan Malik nêu lên hai điểm chính : bằng chứng pháp lý và bằng chứng lịch sử của Trung Quốc không thuyết phục và Trung Quốc tự mâu thuẫn giữa đòi hỏi chủ quyền trên đất liền và trên biển [19].

Nhà nước Trung Quốc tung hoả mù, đánh lừa dư luận thế giới (và đánh lừa nhân dân Trung Quốc) trong gần 30 năm khi ngang nhiên đòi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

So với các nghiên cứu trước năm 2000 của các tác giả như Dieter Heinzig, Marwyn Samuels, Daniel Dzurek, Greg Austin, v.v. đưa quan điểm thuận lợi cho Trung Quốc, sự chuyển biến trong nhận thức của học giả phương Tây gần đây cho thấy thủ đoạn lừa dối của Trung Quốc không còn hữu hiệu.

Bài học cho mọi Nhà nước là sự thật không thể bị che dấu hay bóp méo mãi mãi.

Ông Nguyễn Hồng Thao và ông Trần Công Trục, không chỉ là quan chức Nhà nước, tham gia đàm phán biên giới với Trung Quốc, mà còn thuộc thành phần trí thức, có công trình nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông [20].

Tin tưởng ông Nguyễn Hồng Thao và ông Trần Công Trục hành xử đúng chức năng của người trí thức, bảo vệ và phát huy sự thật, người viết đề nghị một cuộc thảo luận về đề tài “Sự thật trong Tranh chấp Lãnh thổ”, sử dụng phương thức hội thảo truyền hình trực tuyến (online video conference), thuận tiện cho trình bày tài liệu, văn bản, v.v., với thành phần tham dự bao gồm ông Nguyễn Hồng Thao, ông Trần Công Trục, ông Mai Thái Lĩnh, người viết, và với sự tham gia dự thính của đại diện báo điện tử vietnamnet, giaoduc (nơi thực hiện phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Thao và ông Trần Công Trục), đại diện trang mạng boxitvn, basam, diendanxahoidansu (nơi phổ biến ý kiến ông Mai Thái Lĩnh và tập thể một số nhân sĩ, trí thức quan tâm đến các vấn đề nghiêm trọng của đất nước).

Mặc dù Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc được ký kết hơn 10 năm nay, tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, với đòi hỏi đường chữ U của Trung Quốc không chỉ chiếm trọn hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa mà còn xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Việt Nam.

Đây là một thực tế.

Không ai tiên đoán được những bước đi sắp tới của Trung Quốc đối với Việt Nam: Họ có tôn trọng đường biên giới trên đất liền vừa hình thành hay không ? Họ sử dụng thủ đoạn nào khác ở khu vực chưa giải quyết ngoài vịnh Bắc Bộ, ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, v.v.

Khi những người có quan điểm khác biệt nhưng có chung quan tâm đến quyền lợi đất nước, sẳn sàng ngồi xuống, chia sẻ, trao đổi ý kiến với nhau, trên tinh thần học thuật, tôn trọng sự thật, tôn trọng người đối diện, không quy kết, rút tỉa bài học của quá khứ trong vấn đề biên giới trên đất liền, để ứng dụng vào tranh chấp Biển Đông, vào quan hệ Việt-Trung trong những năm tháng tới, sẽ không bao giờ có kẻ thua mà người thắng sau cùng chắc chắn là dân tộc Việt Nam.

Thái Văn Cầu


------------------------
Chú thích:

1.”Sự thật về Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 Năm qua”, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979
“Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979
2. “TS Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc”
Xem phản biện của ông Mai Thái Lĩnh:
"Thác Bản Giốc – những căn cứ pháp lý (Phản biện bài trả lời của ông Trần Công Trực[1])", Mai Thái Lĩnh
“Thư trao đổi giữa ông Mai Thái Lĩnh và Ban quản trị báo Giáo dục Việt Nam”
3. "Hướng đi tới cho tranh chấp HS-TS", Thái Văn Cầu, 2011
4. "Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement", Nuno Sergio Marques Antunes, 2000, p. 5
"Territorial Disputes at the International Court of Justice", Brian Taylor Sumner, 2004, pp. 1781-1782
5. “Từ Nam Quan đến Bản Giốc”, Nguyễn Ngọc Giao, 2003
“Sự thật về Thác Bản Giốc”, Mai Thái Lĩnh, 2012
6. “Phân định biên giới vì mục tiêu bảo vệ lãnh thổ và tạo môi trường hữu nghị”, Lê Công Phụng, 2002
“Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị”, Nguyễn Hồng Thao, 2009
7. “Sự thật về Thác Bản Giốc” và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử”, Trần Công Trục, 2013
8. “Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, pp. 11, 14
"Delimitation of maritime boundary between Vietnam and China in the Gulf of Tonkin", Dongdong Huang, 1992, p. 270
9. “Au Tonkin et sur la frontiere du Kwang-Si”, Pierre Paul Famin, 1895, pp. 142-143, Pl. 36
“Deux ans dans le haut-Tonkin”, Albert Billet, (Bulletin scientifique de la France et de la Belgique (XXVIII), Alfred Giard), 1896-1898, p. 165
Theses presentee a la faculte des sciences de l'Universite de Paris: Etudes geologiques
sur le Nord-Est du Tonkin (Feuilles de Bao Lac, Cao Bang, Ha Lang, Bac Kan, That Khe et Loung Tcheou), René Bourret, 1922, p. 34
L’Indochine Francaise: Les Montagnes, Album XXIV, 1934, F.C. 701: Chutes de Ban Gioc (Haut-Tonkin)
10. “Từ Nam Quan đến Bản Giốc”, Nguyễn Ngọc Giao, 2003
“Au Tonkin et sur la frontiere du Kwang-Si”, Pierre Paul Famin, 1895, Pl. 36
11. "Biên giới Việt - Trung và sức ép công tội người đàm phán", Nguyễn Hồng Thao, 2010
“Thư ngỏ gửi PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao”, Thái Văn Cầu, 2011
12. Bản chụp blog Nguyễn Hồng Thao:
clip_image021
13. “Hành động thiết thực cho Hoàng Sa - Trường Sa”, Thái Văn Cầu, 2012
14. "Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa", Thái Văn Cầu, 2013
Mặc dù Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa vững chắc hơn Trung Quốc và mặc dù trong hơn 10 năm nay, Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, ngang nhiên ban hành lệnh cấm đánh cá định kỳ mỗi năm, đánh đập, phá hủy tài sản ngư dân Việt Nam, v.v., Việt Nam vẫn bị động, lúng túng trong nỗ lực giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Trong khi đấy, vào đầu năm 2013, Philippines đã đưa đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) về đường chữ U, sử dụng Phụ lục VII nêu trong bài trên.
“Hỗ trợ ngư dân bị phá hủy tài sản ở ngư trường Hoàng Sa”
“Philippines submits South China Sea disputes with China to UNCLOS Annex VII arbitration”
“Vụ kiện Trung Quốc trên Biển Đông: Philippines lách qua cửa hẹp”
15. “TS Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc”
16. “Hãy hành động như những gì mọi người nói”, Tương Lai
17. “Ông Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa giải”, 2007
18. “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, 2012
19. "Historical Fiction: China’s South China Sea Claims", Mohan Malik, 2013
20. “Le Vietnam face aux problemes de l'extension maritime dans la mer de Chine meridionale”, Nguyễn Hồng Thao, 1998
“Le Vietnam et ses differends maritimes dans la mer de Bien Dong”, Nguyễn Hồng Thao, 2004
“Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, Trần Công Trục, 2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: