Pages

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Dân Quảng Ngãi biểu tình chống hút cát sang ngày thứ 3

QUẢNG NGÃI (NV) .- Hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi vụ hút cát xuất cảng ở Quảng Ngãi đã biểu tình tới ngày thứ ba và chỉ giải tán sau khi được nhà cầm quyền địa phương cam kết.

Hàng ngàn người ở xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, đi biểu tình chống hút cát xuất khẩu dãn đến xâm thực, biển thì bồi lắng, vuông tôm thì bị sóng kéo xuống biển. Họ ngồi nghe đám quan chức đầu tỉnh trấn an, hứa hẹn. (Hình: Dân Trí)
Theo tin nhiều báo ở Việt Nam, hàng ngàn người dân thuộc xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tiếp tục biểu tình ở khu vực Cửa Đại, vùng cửa biển bị các công ty hút cát xuất khẩu gây ra hiện tượng bồi lắng khiến tàu thuyền của ngư dân mắc kẹt, hết đường đánh cá.


Trục lộ giao thông bắc nam trên quốc lộ 1A đã bị tắc nghẽn vì cuộc biểu tình kéo dài nhiều cây số. Công an đã phải “thông luồng” và hướng dẫn xe chạy vòng vào các đường làng tránh chỗ kẹt.

Ngày Chủ Nhật 27 tháng 10, hàng ngàn dân địa phương đã kéo tới trụ sở UBND huyện Tư Nghĩa biểu tình, dẫn theo 3 công nhân của công ty hút cát bị họ bắt giữ vào tối hôm trước để làm áp lực.

Theo sự tường thuật, các công ty Trường Phát Lộc và Ngọc Việt đã được nhà cầm quyền tỉnh cho phép “nạo vét, thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa và xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh”.

Đến tháng 9/2013, hai công ty vừa nói mới khai thác được hơn 3 triệu tấn cát trên tổng số 40 triệu tấn được cho phép thì xảy ra tình trạng sạt lở nặng. Nhiều hồ nuôi tôm, thủy sản của người dân bị biển xâm thực, kéo xuống biển. Cây trồng dọc biển cũng bị kéo xuống biển. Trong khi đó thì cửa biển lại bị bồi lắng nghiêm trọng hơn dù dự án mang danh nghĩa “thông luồng”, giúp “tàu thuyền của bà con ra vào được”.

Người  nuôi thủy sản thì mất nghiệp, người ra khơi đánh cá thì bị bít lối nên dân đã khiếu nại nhiều lần cái chính sách “thông luồng” nhưng thực chất chỉ là lợi dụng để “tận thu” để xuất khẩu cát kiếm ăn.

"Hiện tại cửa biển đã bị bồi lấp tàu thuyền ra vào không được, dự án nạo vét thông luồng nhưng cửa biển chưa thông thì bờ biển đã sạt lở nghiêm trọng khiến người dân lo ngại, bức xúc". Báo Đất Việt thuật lời ông Đỗ Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An.

Cây dừa trồng dọc theo biểu bị sóng đánh bật rễ trên bờ biển thuộc xã Nghĩa An, hậu quả của "tận thu cát" xuất cảng ở Cửa Đại. (Hình: VNExpress)

Chiều tối ngày Chủ Nhật, bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã phải tới trấn an, xoa dịu nhưng phải sang tới sáng Thứ Hai mới thuyết phục được người dân ngưng biểu tình. 

Người dân đòi nhà cầm quyền tỉnh “xây dựng kè chắn sóng, thông luồng và xác định thiệt hại để hỗ trợ, bồi thuồng cho dân”, theo tờ Dân Trí tường thuật. Ông Võ Văn Thưởng (trước đây từng là bí thư Đoàn Thanh Niên Cộng Sản) đã phải “hứa danh dự” là “khi nào tôi còn ngồi đây thì tôi không cho phép bất kể việc khai thác nào gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân”. Còn ông chủ tịch UBND tỉnh tên Cao Khoa thì cam đoan sẽ 'từ chức nếu thất hứa”.

Theo sự tường thuật của VNExpress cuộc họp của ông Thưởng với dân Nghĩa An buổi tối Chủ Nhật thì “Đối với các hồ tôm bị triều cường gây sạt lở, chính quyền địa phương huyện Tư Nghĩa cần lập danh sách cụ thể để bồi thường công bằng cho người bị thiệt hại. Riêng các tàu cá của ngư dân không thể ra khơi do cửa Đại bị bồi lấp, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ (tùy theo công suất) từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi tàu.” (TN)

Không có nhận xét nào: