Pages

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Hà Nội “rất nóng” trước ngày xử Lê Quốc Quân

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, công an Việt Nam đang rất vất vả để đối phó với những người ủng hộ ông Lê Quốc Quân.

Ông Quân, 42 tuổi, được xem là một trong những nhân vật tiêu biểu cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam, đồng thời còn là một người tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội của Công giáo Việt Nam. Ông Quân sẽ ra tòa vào ngày 2 tháng 10, vì bị cáo buộc là “trốn thuế”.

Việc bắt giữ ông Quân và đưa ông ra xử vì “trốn thuế” đã bị cả cộng đồng quốc tế lẫn dân chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt.
Một buổi cầu nguyện cho Lê Quốc Quân tại Giáo xứ Phúc Lộc, Giáo phận Vinh. (Hình: chuacuuthe.com)

Hôm 1 tháng 10, Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW), mới phát lời kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ cáo buộc có động cơ chính trị đối với ông Lê Quốc Quân. HRW đề nghị các quốc gia, tổ chức trước nay vẫn tài trợ cho Việt Nam, hãy lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn, về việc Việt Nam tiếp tục đàn áp những người cổ súy cho nhân quyền và hãy lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích vô điều kiện những người đang bị cầm giữ, chỉ vì họ chỉ trích chính quyền Việt Nam một cách ôn hòa.

Cuối tuần trước, ông Edward Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ và chín dân biểu khác cũng đã gửi thư cho Chủ tịch Nhà nước Việt Nam, đề nghị trả tự do cho ông Lê Quốc Quân. Trong thư gửi ông Trương Tấn Sang, mười dân biểu của Hạ viện Hoa Kỳ cũng nhận định, cáo buộc ông Lê Quốc Quân “trốn thuế” có “động cơ chính trị và các bằng chứng chống lại ông Quân được chính quyền ngụy tạo". Mười vị dân biểu này bày tỏ sự lo ngại khi “trường hợp của ông Quân không phải cá biệt”.

Tại Việt Nam, công an đang tìm nhiều cách để ngăn chặn những người ủng hộ ông Quân đổ tới trụ sở Tòa án thành phố Hà Nội để dự phiên xử ông Quân.

Trang web của Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam tường thuật, tối 1 tháng 10, có khoảng 200 người, cư trú tại nhiều nơi, ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đã tìm đến Tu viện Thái Hà nghỉ qua đêm, chờ trời sáng để cùng đến trụ sở Tòa án thành phố Hà Nội, dự phiên xử ông Lê Quốc Quân. Tính đến rạng sáng 2 tháng 10, có khoảng 30 nhân viên an ninh mặc thường phục và lực lượng dân phòng đã vây kín cổng Tu viện Thái Hà.

Dù đường đang ngập do ảnh hưởng của bão Wutip, nhiều giáo dân Giáo phận Vinh vẫn lên đường về Hà Nội để bày tỏ sự ủng hộ ông Lê Quốc Quân. Trước đây, hồi tháng 7, Ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Vinh đã từng công bố một văn bản đề nghị:  “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do vô điều kiện cho luật sư Lê Quốc Quân và những người liên quan, đồng thời buộc những người có trách nhiệm bồi thường xứng hợp cho họ và gia đình”.

Hàng rào sắt đã được sắp sẵn để cô lập khu vực có trụ sở Tòa án thành phố Hà Nội vào sáng 2 tháng 10. (Hình: chuacuuthe.com)

Trong văn bản vừa kể, Ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Vinh khẳng định, ông Lê Quốc Quân được nhiều người biết như một luật sư trẻ, một blogger năng động, một người tranh đấu không mệt mỏi cho nền dân chủ ở Việt Nam. Ông có nhiệt huyết giúp đỡ người nghèo, khao khát đóng góp cho công bằng xã hội, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội, cổ xúy đa nguyên – đa đảng để giúp đất nước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ và tham nhũng, chấn hưng nền giáo dục đang bị khủng hoảng, phản đối xâm lược của Trung Quốc để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất liền, không phận và biển đảo của quốc gia. Đây được coi là nguyên nhân làm cho luật sư Lê Quốc Quân luôn bị chính quyền Việt Nam theo dõi và tìm cách hãm hại.

Ngoài các tín đồ Công giáo, ông Quân cũng là người được nhiều giới khác ủng hộ. Sự ủng hộ này rộng rãi này khiến công an Việt Nam thêm vất vả. Trang web của Dòng Chúa Cứu thế kể rằng, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội, vừa tiết lộ, trường này đã yêu cầu “các thầy cô chủ nhiệm khoa” thông báo tới các giảng viên chủ nhiệm lớp, sáng mai có mặt tại trường, khi thấy có những biểu hiện bất thường trong sinh viên, phải thông báo kịp thời tới nhà trường vì “ngày mai, 2 tháng 10, tại Hà Nội có sự kiện xét xử Lê Quốc Quân” và “an ninh PA83 đã đề nghị trường quản lý sinh viên, theo dõi diễn biến tư tưởng sinh viên”.
Lời kêu gọi tham dự phiên xử Lê Quốc Quân để bày tỏ sự ủng hộ người tù này. (Hình: Internet)
Một số blogger, facebooker vừa loan báo trên trang tin điện tử cá nhân của họ, chuyện họ được an ninh và chính quyền địa phương tới nhà “vận động”, đừng tới trụ sở Tòa án thành phố Hà Nội vào ngày 2 tháng 10.
Có lẽ nên nhắc qua về ông Lê Quốc Quân. Ông Quân từng là một luật sư. Năm 2007 từng bị bắt với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”. Do bị chỉ trích kịch liệt, đặc biệt, do sự phản đối quyết liệt của chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam đành trả tự do cho ông sau khi tạm giam ông ba tháng. Tuy nhiên, sau đó, ông Quân bị tước quyền hành nghề luật sư. Năm 2011, ông Quân bị tạm giữ thêm một lần nữa khi tới trụ sở Tòa án Hà Nội, bày tỏ sự ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ – một tiến sỹ luật, bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Lần này ông Quân bị tạm giữ ba ngày. Ngoài hai lần bị tạm giam và tạm giữ, ông Lê Quốc Quân còn bị hành hung nhiều lần. Thỉnh thoảng văn phòng của ông bị khám xét. Một vài tờ báo của chính quyền Việt Nam đã chỉ trích ông Lê Quốc Quân vì “tham gia tụ tập đông người”, “kích động gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại tài sản”, “chống người thi hành công vụ”. Đây cũng là lý do mà chính quyền thành phố Hà Nội sử dụng để phạt ông Quân “vi phạm hành chính” và giao ông cho địa phương “giáo dục” trong sáu tháng.

Tháng 12 năm ngoái, ông Quân bị bắt thêm một lần nữa với cáo buộc “trốn thuế”. Sau đó, Tòa án thành phố Hà Nội loan báo sẽ đưa ông Quân ra xử vào đầu tháng 7. Thông báo này bị cả công chúng Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt. Ngay vào ngày diễn ra phiên xử ông Quân, Tòa án thành phố Hà Nội loan báo hoãn xử vì chủ tọa phiên xử sơ thẩm “bị bệnh đột xuất, phải vào bệnh viện điều trị”.

Hồi đầu tháng 9, luật sư của ông Quân gửi thư cho Viện kiểm sát Hà Nội và Tòa án Hà Nội yêu cầu thả ông quân vì thời hạn tạm giam đã quá hạn luật định. Sau đó, Tòa án thành phố Hà Nội thông báo sẽ đưa ông Quân ra xử vào ngày 2 tháng 10.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: