Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Không tránh khỏi gián điệp mạng giữa các nước

DR.
Trong bối cảnh bê bối nghe trộm điện thoại của tình báo Hoa Kỳ ngày càng trầm trọng hơn với các thông tin liên tục được công bố, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, hoạt động gián điệp mạng là điều không thể tránh khỏi đối với nền quốc phòng của một quốc gia, khi thế giới mạng đã trở thành một « không gian » quân sự. Các quốc gia bè bạn cũng không thoát khỏi tầm ngắm của nhau trong cuộc chiến này.


Công chúng ngày càng biết đến quy mô vô cùng lớn của Prism - chương trình nghe trộm của Mỹ tại nhiều nước Châu Âu và cả tại trụ sở Liên Hiệp Quốc của NSA (Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ) – qua các tiết lộ của cựu nhân viên tư vấn an ninh của NSA Edward Snowden mới đây. Ngày thứ Hai 21/10, báo Pháp cho biết hơn 70 triệu cuộc đàm thoại điện thoại ở Pháp bị gián điệp Mỹ nghe trộm chỉ trong vòng một tháng. Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào Washington, nhiều giới chức và chuyên gia cho rằng, hoạt động gián điệp mạng giữa các nước là điều không tránh khỏi, và đặc biệt kể từ mùa hè này, thế giới nhận ra rằng chuyện tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm vào các đồng minh là một thực tế phổ biến, như nhận định của một lãnh đạo tập đoàn tin học Nhật Trend Micro.
Tổng giám đốc Cơ quan Pháp về an toàn tin học (ANSSI), Patrick Pailloux, khẳng định cho dù các hoạt động của Cơ quan tình báo Mỹ NSA bị chỉ trích, nhưng « hoạt động gián điệp có khắp mọi nơi ».
Về vấn đề này, giám đốc các chiến lược an ninh mạng của tập đoàn tin học Symantec Laurent Heslaut nhận xét, cho dù các quốc gia tiến hành các hoạt động gián điệp vì mục tiêu cạnh tranh, kinh tế hay mục tiêu chính trị, hoặc chỉ vì mục tiêu kỹ thuật, thì « các phương tiện được sử dụng trong lĩnh vực này là tương tự nhau ». Lãnh đạo Symantec khẳng định, hiện tại mọi xung đột đều dẫn đến đối đầu về tin học và không gian mạng là một môi trường quân sự mới, bên cạnh các không gian truyền thống là hải quân, không quân, lục quân và không gian.
Một lãnh đạo của công ty an toàn mạng Mỹ FireEye giải thích : « Không gian mạng là một vùng chiến tranh, các đòn tấn công diễn ra tại đây trước khi các hoạt động quân sự trên thực địa bắt đầu ». Giám đốc kỹ thuật của tập đoàn tin học Nhật Bản Trend Micro, Loic Guezo, cho biết thêm ngày càng có nhiều cuộc tấn công tin học của các nhóm nhỏ hoạt động độc lập, được các quốc gia bảo trợ, như trường hợp đội quân điện tử của chính quyền Syria, hay các nhóm tin tặc Trung Quốc, hoạt động theo điều hành của chính quyền Bắc Kinh. Theo báo cáo của công ty Mỹ FireEye, có khoảng 200 nhóm như vậy hoạt động dưới sự chỉ huy của chính quyền Trung Quốc. Nga cũng được nhận định là nơi xuất phát của các cuộc tấn công mạng thuộc loại phức tạp nhất và hoàn thiện nhất.
Nhưng không chỉ đối đầu trong cuộc chiến tin học, giữa các quốc gia đồng minh còn có sự hợp tác. Các chuyên gia ghi nhận một thực tế là Cơ quan tình báo nước ngoài của Pháp (DGSE) thu nhận các thông tin qua mạng internet, dù hệ thống này có quy mô nhỏ hơn Mỹ rất nhiều. Về mặt chính thức, DGSE thừa nhận tiến hành các hoạt động thu thập tin tình báo qua mạng, nhưng không bao giờ công bố quy mô, cũng như loại thông tin thu được. Ông Erard Corbin de Mangoux, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Pháp (DGSE), trong một cuộc nói chuyện đầu năm nay với các nghị sĩ, ghi nhận rằng DGSE phát triển một hệ thống quan trọng nhằm thu thập tin tức, có sự cộng tác chặt chẽ với « 10 quốc gia thân thiết nhất », để xử lý các thông tin và tiến hành các tìm kiếm chung. Mặc dù, cựu lãnh đạo DGSE không nói rõ 10 nước này là nước nào, nhưng rõ ràng là đây là các quốc gia đồng minh truyền thống của Pháp, mà đứng đầu là Hoa Kỳ với 16 cơ quan tình báo, trong đó có cơ quan NSA.
Vấn đề là, theo một chuyên gia tình báo Pháp, mục tiêu hoạt động của DGSE chỉ tập trung vào việc thu thập tin tức chống khủng bố và chống tội phạm. Ông Alain Juillet, cựu lãnh đạo tình báo của DGSE, nhận định, nếu tất cả các nước đều có các hoạt động gián điệp, và hoạt động nghe lén quy mô lớn của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, vì lý do an ninh, là điều « không có gì phải bàn cãi », thì việc nghe trộm các lãnh đạo chính trị, như NSA bị cáo buộc, không còn nằm trong lĩnh vực hoạt động chống khủng bố nữa./Trọng Thành (RFI)

Không có nhận xét nào: