Pages

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Senkaku/Điếu ngư : Tuần duyên Trung Quốc duy trì sức ép

Tàu Trung Quốc và Nhật Bản gườm nhau gần khu vực quần đảo
 Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông. Ảnh do hãng Kyodo
chụp ngày 10/09/2013.  
REUTERS/Kyodo
Tú Anh
Tàu tuần duyên Trung Quốc lại xâm nhập hải phận 12 hải lý của quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư vào sáng nay 28/10/2013 trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Tranh chấp biển đảo giữa hai cường quốc châu Á đã có dấu hiệu leo thang trong những ngày qua : Cả Tokyo và Bắc Kinh đều gián tiếp đe dọa nhau sẽ dùng đến vũ lực.

Một ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dùng lời lẽ cứng rắn nhất từ trước đến nay để cảnh báo Bắc Kinh, sáng nay Trung Quốc đưa bốn tàu tuần duyên vào vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku gần hai tiếng đồng hồ mới rút đi.
Hôm qua, nhân lễ diễn binh của quân đội Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa một thông điệp mang nội dung cảnh cáo Trung Quốc : Không dung thứ bất cứ hành động vũ lực nào nhằm thay đổi nguyên trạng liên quan đến quần đảo Senkaku. Để bảo vệ quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư và đòi chủ quyền, Thủ tướng Nhật cho biết sẽ « tăng cường biện pháp canh giữ và tình báo ». Lần đầu tiên quân đội Nhật phô diễn loại xe lội nước đổ bộ tối tân nhất.
Từ thái độ nhún nhường trong quá khứ, Tokyo đã bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn khi thấy Trung Quốc càng ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự và thường xuyên cho tàu và máy bay vãng lai đến Senkaku.
Căng thẳng đã leo thang thêm một nấc khi không quân Nhật cho chiến đấu cơ túc trực trên không trong ba ngày liên tiếp từ thứ sáu đến chủ nhật vừa qua vì bốn máy bay Trung Quốc đang bay lượn trong không phận quốc tế gần Senkaku.
Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo Mỹ Wall Street Journal hồi cuối tuần, thủ tướng Nhật đe dọa nếu Trung Quốc « chọn vũ lực để làm thay đổi nguyên trạng tại Senkaku thì họ sẽ không thực hiện được một cách yên bình ».
Theo AFP, thủ tướng Abe cũng chấp thuận kế hoạch bắn hạ máy bay dọ thám không người lái của Trung Quốc nếu bất tuân cảnh cáo xâm nhập không phận Senkaku.
Bắc Kinh phản ứng lại cũng bằng lời lẽ đe dọa. Bộ quốc phòng Trung Quốc cho rằng « một động thái thù nghịch với máy bay Trung Quốc sẽ bị xem như hành động gây chiến ».
Trong không khí căng thẳng này, Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc tập trận qui mô từ 01-18/11, huy động 34.000 quân với nhiều khu trục hạm và chiến đấu cơ mà theo thẩm định của AFP nhằm chứng tỏ với Trung Quốc là Tokyo đang tăng cường phòng thủ.
Nằm cách Đài Loan 200km và đảo Okinawa 400km, quần đảo Senkaku đươc xem là có giá trị chiến lược kinh tế vì có nhiều hải sản, khí đốt và gần đây nhất, vào năm 2011, các nhà địa chất Nhật Bản khám phá sự hiện diện của kim loại hiếm không thể thiếu cho lãnh vực điện tử.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc , quần đảo Senkaku còn có giá trị quân sự được xem là sinh tử. Theo chuyên gia địa chính trị Jean Bernard Pinatel, biển Đông Nam Á mà Trung Quốc đang tranh giành với Việt Nam hay với Philippines chỉ có độ sâu trung bình chừng 200 mét.
Trong bài phân tích công bố vào tháng tư năm nay (*) trong bối cảnh lần đầu tiên Trung Quốc đưa một hạm đội 8 tàu hải giám vây quanh Senkaku, cựu thiếu tướng tình báo chiến lược Pháp nhận định độ sâu của biển « Hoa nam » không đủ bảo vệ an toàn cho đội tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc ra khơi Thái Bình Dương.
Để an toàn, đội tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa Trung Quốc, hiện có ba chiếc, phải sử dụng hai hành lang khác là eo biển giữa Đài Loan và Philippines hoặc eo biển giữa Đài Loan và Okinawa. Nhưng hai eo biển này bị Hoa Kỳ và Nhật Bản theo dõi chặt chẽ bằng một mạng lưới phao có máy thăm dò.
Do vậy, bằng mọi giá Trung Quốc phải kiểm soát Senkaku để có thể « xây dựng » một hành lang an toàn « mỗi bên 200 hải lý », mở con đường ra Thái Bình Dương, thực hiện chiến lược « cường quốc hải dương » mà lãnh đạo Tập Cận Bình thông báo khi nhậm chức.
Quần đảo Phù tang cũng không thụ động. « Diều hâu » Shinzo Abe đã liên tục đưa ra những biện pháp quân sự xuyên suốt : gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường vệ tinh gián điệp, lập thêm đơn vị đổ bộ, vận động và viện trợ cho các nước Đông Nam Á bị Trung Quốc đe dọa.
Trong chuyến thăm viếng Nhật Bản hồi đầu tháng 10, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhắc lại là quần đảo Senkaku nằm trong khuôn khổ hiệp định liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

Không có nhận xét nào: