Việc Quốc hội Việt Nam sắp thông qua Hiến pháp sửa đổi sẽ gây thất vọng lớn trong nhân dân, theo một số nhà quan sát từ Việt Nam.
Lý do của sự thất vọng là hầu như những điều người dân góp ý kiến không được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc và và đã bị bác bỏ, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên ban tư vấn Thủ tướng Chính phủ.
"Thí dụ như Hội đồng Hiến pháp không được lập, hay lại đưa lại câu kinh tế nhà nước là chủ đạo, mặc dù rằng kinh tế nhà nước bao gồm những gì, doanh nghiệp nhà nước hiện nay như thế nào, cơ chế quản lý như thế nào."Trao đổi với BBC hôm 27/10/2013 từ Hà Nội, Tiến sỹ Doanh, người cũng là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
"Có nước nào quy định như vậy hay không và quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo có phù hợp với quy định rằng các thành phần kinh tế là bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật hay không?"
Tiến sỹ Doanh cho rằng không chỉ có người dân băn khoăn về lần sửa đổi Hiến pháp này, đặc biệt về chất lượng và cách thức, mà ngay trong các đại biểu quốc hội có trách nhiệm cũng có những tâm tư tuy không thể nói ra công khai.
Ông nói: "Hiện nay có thể nói trong rất nhiều đại biểu Quốc hội, họ đang âm thầm phát biểu ý kiến ở tổ, chứ ở hội trường, họ cũng dè dặt, và trong chỗ riêng tư, họ cũng trao đổi."
"Và người dân rất quan tâm nếu như thông qua Hiến pháp như hiện nay, những vấn đề đang đứng trước Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam, xã hội Việt Nam, sẽ được giải quyết như thế nào."
'Không tiếp thu'
Tiến sỹ Doanh nói thêm rằng việc sửa đổi Hiến pháp đã gây rất thất vọng còn vì đã lãng phí lớn về mặt ngân sách nhà nước và thời gian trong xã hội nếu tính tới yếu tố hiệu quả.
Về các tổn phí trong đợt lấy ý kiến và thảo luận sửa đổi Hiến pháp, ông nói:
"Các cuộc họp ấy tốn ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, không kể chi phí thời gian, cũng như không kể chi phí của các cấp, các ngành tự chi ra, để dẫn đến là hầu như không có ý kiến nào đóng góp đã được tiếp thu cả."
"Các cuộc họp ấy tốn ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, không kể chi phí thời gian, cũng như không kể chi phí của các cấp, các ngành tự chi ra, để dẫn đến là hầu như không có ý kiến nào đóng góp đã được tiếp thu cả."
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Mặt khác, theo Tiến sỹ Doanh, việc kêu gọi một đằng, tiếp thu một nẻo mà hầu như không tiếp thu gì có thể gây nên sự phân vân trong niềm tin của dân với Đảng và chính quyền.
Ông nói: "Khi đưa ra lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp không có bất kỳ sự hạn chế nào, người dân và rất nhiều các giới, kể cả các giới tôn giáo đều đóng góp ý kiến một cách rất chân thành và xây dựng."
"Sau đó lại bị kết án là suy thoái về đạo đức và suy thoái chính trị và đến bây giờ thì bị bác bỏ hoàn toàn những ý kiến đóng góp đó."
"Ngay cả dự thảo đầu tiên không có mục, không có câu 'kinh tế nhà nước là chủ đạo', thì ngày nay lại được đưa lại nữa, làm cho sự thất vọng của người dân và những người chân thành đóng góp ý kiến là hết sức to lớn."
Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội nói với BBC trong quần chúng và các giới chuyên môn đã có sự giảm sút sự quan tâm với lần sửa đổi Hiến pháp trong vòng gần một năm qua.
Ông nói: "Hiến pháp sửa đổi không khác gì so với Hiến pháp cũ, mặc dù cũng có một vài điểm sửa đổi có thể bình luận thế này, thế khác, nhưng nói chung đó không phải là những điểm quan trọng với một bản Hiến pháp."
'Không còn quan tâm'
Về sự quan tâm của cộng đồng và người dân với dự thảo sửa đổi và lần sửa đổi hiến pháp, luật sư Hải nói:
"Có thể người ta thấy không khác gì mấy hoặc ý kiến của người ta không được chú ý, nên cũng không quan tâm so với cách đây khoảng nửa năm."
Luật sư Trần Vũ Hải
"Gần đây người ta cũng không quan tâm lắm nữa, bằng chứng là những bài viết về hiến pháp không được độc giả quan tâm, bình luận nhiều. Có thể người ta thấy không khác gì mấy hoặc ý kiến của người ta không được chú ý, nên cũng không quan tâm so với cách đây khoảng nửa năm."
Hôm Chủ Nhật, trao đổi với BBC, luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, từ Hà Nội, cho rằng người dân Việt Nam có thể sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa để có thể có được một bản hiến pháp do chính họ làm ra.
Ông nói: "Theo tình hình chính trị hiện nay, chúng ta không thể trông chờ vào những người cộng sản tự nguyện để xây dựng nên một bản hiến pháp phục vụ cho lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam, mà cái này hoàn toàn trông chờ vào người dân Việt Nam thôi."
"Khi người dân chưa hiểu biết hết về quyền lợi của họ và họ cũng chưa dám đứng lên để đòi hỏi quyền lực của mình, thì đây là một tiến trình rất xa."
Tuy nhiên, luật sư Đài bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ hội đủ điều kiện để tiếp cận một bản Hiến pháp như ý dân.
"Hy vọng trong tương lai không xa người dân sẽ hiểu mình cần phải làm gì để đất nước Việt Nam có thể phát triển, có thể giàu mạnh cũng như có thể hội nhập quốc tế được."
"Lúc đó mới hy vọng có được một bản Hiến pháp đáp ứng được đòi hỏi tự do, dân chủ của dân," ông nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét