Pages

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Trao đổi với ông Võ Văn Ái: Cải cách giả vờ hay buộc phải cải cách?

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Paris, người khởi xướng chiến dịch “Chuyển lửa về quê nhà” vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước và mới đây được báo Công An Nhân Dân của Bộ Công an Việt Nam vinh danh là “kẻ đại gian hùng”, vừa nêu một cảnh báo đáng chú ý trên đài VOA Việt ngữ ngày 14/10/2013 về “Quốc tế nên cảnh giác trước những cải cách giả vờ của Việt Nam”.

Là một trong số tiếng nói hiếm hoi của người Việt lưu vong hải ngoại nêu lên điều được xem như một phát hiện liên quan đến hai động thái song trùng về đối ngoại và đối nội của đảng cầm quyền ở Việt Nam trong thời gian gần đây, rất có thể, với ý kiến này, ông Ái sẽ đóng góp không nhỏ cho chủ đề tranh luận “Việt Nam có thật sự cải cách hay không?” đang và sẽ diễn ra trong giới quan sát, nghiên cứu hải ngoại, giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam và có thể với cả những cơ quan, tổ chức quốc tế đang quan tâm đến độ mở dân chủ, nhân quyền đối với quốc gia thường bị lên án về cơ chế khép kín về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo.

Sẽ bắt bớ nhiều hơn?

Đã gần bốn tháng trôi qua kể từ ngày nhân vật số 2 trong đảng là ông Trương Tấn Sang “kính chuyển” cho người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ bản sao bức thư của ông Hồ Chí Minh đề nghị Tổng thống Harry Truman giúp đỡ, những người muốn “chuyển lửa về quê nhà” như ông Võ Văn Ái không khỏi sốt ruột khi nhận thấy tình huống đối ngoại chưa đủ để tạo nên một tác động mạnh mẽ đối với sự chuyển đổi trong chính sách nội trị của đảng cầm quyền ở Việt Nam.

Trước đó, một số cuộc vận động về dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam đã được tổ chức của ông Võ Văn Ái cùng những hội đoàn khác trình bày chủ yếu đối với Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Mỹ, sau đó là với cơ quan nhân quyền của Cộng đồng châu Âu. Dự luật HR 1897 mà Hạ nghị viện Mỹ thông qua vào đầu tháng 8/2013 là một kết quả có tính cụ thể của quá trình vận động đó.

Một an ủi bất ngờ đối với các tổ chức nhân quyền quốc nội và hải ngoại là chỉ chưa đầy nửa tháng sau khi HR 1897 được thông qua bước đầu, cô nữ sinh Phương Uyên - người bị tạm giam từ tháng 10/2013 và luôn tỏ ra “cứng đầu” với tuyên bố “Tôi chỉ chống đảng Cộng sản chứ không chống dân tộc” - đã được tòa án tỉnh Long An cho hưởng án treo và trả tự do ngay sau phiên phúc thẩm, cho dù trước đó Uyên đã bị kết án sơ thẩm đến 6 năm tù - gần bằng một phần ba tuổi đời cho đến lúc bị bắt.

Bất ngờ trên, cùng với sự kiện cựu tử tù chế độ cũ - đương kim đảng viên Lê Hiếu Đằng - phát tín hiệu về thành lập đảng Dân chủ Xã hội, đã khiến những người nóng lòng song không thiếu hoài nghi như ông Võ Văn Ái phải nhớ về thời điểm cuộc gặp George Bush - Nguyễn Minh Triết vào cuối năm 2006. Khi đó, nhà chức trách Việt Nam đã lặng lẽ bỏ qua sự kiện có đến ba chính đảng mới được thành lập.

Tuy nhiên theo cách nhìn của ông Ái, ngay sau khi kết thúc cuộc gặp trên, lịch sử đã một lần nữa lặp lại với việc nhà cầm quyền xóa sổ cả ba đảng phái độc lập, còn tất cả thủ lĩnh của những đảng phái này đều bị cầm tù.

Đó cũng là lý do để ông Võ Văn Ái quan ngại “Trong năm nay (2013), 51 nhà hoạt động tại Việt Nam đã bị bắt. Sắp tới đây, số này còn tăng cao hơn nữa”.

Hẳn nhiên, nếu chiều hướng câu chuyện bắt bớ diễn ra đúng với nỗi lo của ông Võ Văn Ái, toàn bộ cố gắng của chính phủ Hoa Kỳ và Cộng đồng châu Âu nhằm “vận động” nhà nước Việt Nam chỉ là một quả bong bóng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.

Hai thời điểm khác biệt

Không hoàn toàn giống với đánh giá của ông Võ Văn Ái, cách nhìn của một số nhà phân tích trong nước cho thấy triển vọng “nhập kho” thực ra không đến nỗi quá tồi tệ như thế.

Năm 2013 đã gần trôi qua với khá ít trường hợp bị bắt giam. Những vụ án đông người đưa ra xét xử vào năm 2013 như vụ Hội đồng công luật công án Bia Sơn ở tỉnh Phú Yên và vụ 14 thanh niên công giáo và tin lành ở tỉnh Nghệ An thực ra bị bắt giam vào năm 2012. Còn từ đầu năm 2013 đến nay, ngoài trường hợp blogger Đinh Nhật Uy ở Long An bị bắt liên quan đến màu sắc chống Trung Quốc, hai blogger khác là Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng và Phạm Viết Đào ở Hà Nội lại được xem là mang dấu ấn “nội bộ” nhiều hơn.

Tuy chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Hà Nội tiến hành cải cách về “điều kiện bắt giam” liên quan đến các điều luật chính trị trong Bộ luật hình sự như điều 258, 87, 88, 79, nhưng việc hàng chục blogger trẻ trong nhóm 258 nằm trong tình trạng bị câu lưu (tạm giữ) tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi kết thúc khóa học về xã hội dân sự ở Philippines, đã cho thấy một động thái khác hơn là chế độ bắt thẳng cánh và lôi ra xét xử như đối với 14 thanh niên Công giáo và Tin lành hồi năm ngoái.

Riêng cá nhân ông Lê Hiếu Đằng hầu như không phải chịu tác động can thiệp mang tính tiêu cực nào sau khi đề xuất thành lập đảng chưa từng có của ông được công khai hóa. Vào tháng 9/2013, một hoạt động có tên “Diễn đàn xã hội dân sự” cũng được khởi xướng trên mạng Internet, nhưng cho tới nay phản ứng của chính quyền và cơ quan tuyên giáo là rất mờ nhạt.

Câu hỏi cần nêu ra là vì sao lại có sự “nương tay” của chính quyền như thế? Liệu sự nương nhẹ này chỉ là một kịch bản tái hiện giai đoạn 2006-2007 để sau đó lại dội lên một chiến dịch “hồi tố”, hay còn được bổ sung bởi những đặc thù khác biệt với quá khứ?

Khác với cách đánh giá và dự báo của ông Võ Văn Ái, một số người bất đồng chính kiến trong nước đang phân định khá rạch ròi về hai giai đoạn 2006 và hiện thời. Đặc biệt, những nhà phân tích vẫn còn mối quan hệ nào đó với đảng Cộng sản luôn dựa vào nguyên lý “vật chất quyết định ý thức” của Các Mác, hay cụ thể hơn là “kinh tế quyết định chính trị” ứng với những điều kiện hiện tại.

Góc nhìn kinh tế - chính trị trên cho thấy vào năm 2006 - 2007, nền kinh tế Việt Nam nằm trong tình trạng đạt đỉnh sau gần hai chục năm liên tục tăng trưởng. Nhưng từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế này đã rơi vào giai đoạn suy thoái và đang có nhiều chỉ dấu về một cuộc khủng hoảng lớn lao trong tương lai không xa.

Cũng khác nhiều với giai đoạn “yên tĩnh” năm 2006, 5 năm suy thoái kinh tế vừa qua đã làm cho lòng dân xáo động và bất tuân ghê gớm. Nhiều tầng lớp từ nông dân đến trí thức đã phát sinh phản cảm và phản ứng ngày càng quyết liệt đối với đảng cầm quyền, liên quan đến nhiều chính sách đất đai, an sinh xã hội và tư tưởng. Đó cũng là lý do vì sao ngay trong đảng đang xuất hiện một số ý kiến cho rằng Việt Nam đang rơi vào “một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc”.

Sau Hội nghị Trung ương 6 của đảng và từ cuối năm 2012 đến nay, trong rất nhiểu cán bộ cách mạng lão thành ở Việt Nam đã nổi lên dư luận “chưa bao giờ nội bộ đảng bị phân hóa như bây giờ”. Vào tháng 4/2013, ngay cả một nhà ngoại giao xa xôi như đại sứ Hoa Kỳ David Shear cũng không thiếu am tường khi ẩn dụ về hiện trạng có nhiều quan điểm khác nhau trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam, và với một số động cơ nào đó, có người muốn cải cách nhưng lại có người không muốn… Rõ ràng, hình ảnh phân hóa này là một sự khác biệt rất đặc trưng so với không khí “nhất trí cao” trong nội bộ đảng vào những năm 2006-2007.

Không ai uống nước hai lần trên một dòng sông. Lịch sử đã dợm bước và thời gian không thể quay trở lại. Năm 2006 đã cách xa hiện tại đến 7 năm. Và giữa hai mốc thời điểm này là một cuộc suy thoái kinh tế trầm kha cùng những dấu hiệu ban đầu về cơn đại hồng thủy khủng hoảng xã hội sắp tràn tới.

Cùng một động thái mở cửa để cải cách, nhưng bối cảnh kinh tế - xã hội sẽ quyết định tính chất giả vờ hay thật sự của cuộc cải cách ấy.

Thay đổi hay là chết!

Với những sang chấn quá đặc biệt đang xảy đến, vị thế chính trị của đảng cầm quyền và của cả những cá nhân lãnh đạo hiển nhiên không còn ở vào cái thế muốn thay đổi hay không tùy hỉ. Mà gần như ngược lại.

Thậm chí có thể ứng với tuyên ngôn “Thay đổi hay là chết!”.

Năm 2011, người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng bắt đầu nói về “sự tồn vong của đảng”. Chỉ có điều, hai năm sau tình hình còn tệ hơn nhiều mà không có bất kỳ cải thiện nào có ý nghĩa.

Thay đổi duy nhất có ý nghĩa chỉ là cái chết theo nghĩa đen có thể xảy đến với dân nghèo và do đó với cả số phận chính khách.

Cũng bởi thế, giới phân tích độc lập và cả “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên trong nước đang nghiêng về quan điểm cho rằng đã đến lúc giới lãnh đạo Việt Nam cần phải cải cách thật sự chứ không phải là “cải cách giả vờ” nữa. Mọi con bài mà giớ cầm quyền ở Việt Nam trưng ra đều đã được nhận diện, thậm chí được soi rọi tỏ tường bởi chính giới quốc tế.

Chỉ có điều, phải thay đổi như thế nào, theo cách nào và cụ thể hơn là “theo ai” mới là vấn đề mang tính cốt tử. Ít nhất ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, không ít người công khai bàn tán từ trong nhà ra đường phố về hai phương án “Theo Trung Quốc thì còn đảng mất nước” và “theo Mỹ thì còn nước mất đảng”.

Bầu không khí có vẻ “nương tay” đối với giới bất đồng chính kiến chỉ là một trong số những động thái kín đáo đang âm thầm chuyển động ở Việt Nam. Sau cuộc gặp Trương Tấn Sang - Barack Obama vào tháng 7/2013, người ta lại nhận ra chuyến đi Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với kết quả không thể tốt đẹp hơn về “đối tác chiến lược toàn diện” cùng hợp đồng mua bán máy bay Airbus. Ít ngày sau chuyến đi này, lộ trình cho Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương bất chợt được khai thông đáng kể: thách thức mà nhà nước Việt Nam đang không biết làm sao vượt qua là rào cản kỹ thuật về xuất xứ hàng hóa và chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được nhóm các nước chủ chốt của TPP, trong đó có Mỹ, dành cho cơ chế “linh hoạt” - như từ ngữ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “kiến nghị” tại New York vào cuối tháng 9/2013.

Trục tay ba Trung - Mỹ - Việt cũng đang khởi động sự vận hành song phương Bắc Kinh - Hà Nội bởi chuyến thăm Việt Nam và ký kết hàng loạt hợp đồng lớn của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Phía sau chuyến đi này, nghe nói sẽ còn có những tỷ đô la nào đó mà Trung Nam Hải “đặc cách” dành cho Việt Nam - cơ sở rất quan yếu để duy trì tư thế “thiên triều” đối với đất nước oằn mình dưới lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc”.

Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, báo chí và giới chuyên gia nhà nước đề cập khá dồn dập về từ ngữ “khủng hoảng kinh tế” đang dần phổ cập ở Việt Nam, cũng như từ ngữ “cải cách kinh tế” lại một lần nữa được nhấn mạnh.

Một trong những hiện tượng nhỏ lẻ nhưng khá thú vị đang bắt đầu lan tỏa là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sau nhiều năm tung hoành thế đặc quyền, đặc lợi và liên tục tăng giá để “bù lỗ vào dân”, đã bất chợt bày tỏ tâm nguyện “chán độc quyền”.

Một tác nhân độc quyền khác và bị lên án nhiều nhất - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cũng đang được đưa lên “bàn mổ”.

“Cải cách kinh tế” cũng vì thế xem ra có được hy vọng, đôi chút hy vọng, hoặc bắt buộc phải hy vọng, trong tâm tưởng người dân và có thể cả trong não trạng của giới cầm quyền.

Tuy thế, cải cách như thế nào để vẫn giữ được bản sắc “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn là một ẩn số của phương trình có thể sinh ra nhiều đáp số khác biệt, thậm chí trái ngược nhau.

Những ngày gần đây, không khí ở Việt Nam như đang lắng đọng trong sự chờ đợi về một thay đổi nào đó. Và có lẽ từ phía bên kia bán cầu, người Mỹ cũng đang chờ đợi một sự thay đổi tối thiểu ở đất nước cựu thù.

Song ở bên này bán cầu, nhiều người lại tự hỏi vì sao người Mỹ không xúc tác nhiều hơn để sự thay đổi diễn ra nhanh hơn.

“Nhanh hơn” có lẽ cũng là tâm ý của người muốn “chuyển lửa về quê nhà” - ông Võ Văn Ái.

Và làm thế nào để cải cách kinh tế trở thành tiền đề cho cải cách chính trị?

Những câu hỏi trên có vẻ càng khẩn thiết trong và sau sự ra đi như một “điềm báo” của “người Cộng sản cuối cùng” ở Việt Nam - Tướng Võ Nguyên Giáp.

Phạm Chí Dũng
15.10.2013

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

(VOA)

Không có nhận xét nào: