Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Việt Nam sẽ đi về đâu với kinh tế Trọng Thương, tư bản nhà nước và xã hội thị Trường

Đỗ Kim Thêm
Việt Nam sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi chung của những người ưu tư thời cuộc khi đất nước đang đối diện với đủ loại thách thức nghiêm trọng và những thành tựu đầy ấn tượng của Đổi Mới không còn nữa. Kinh tế Trọng Thương, tư bản thân tộc và xã hội thị trường là ba đặc thù quen thuộc trong định hướng XHCN làm cho con đường đưa tới thịnh vượng thêm xa, nhưng sẽ tác động đến nhiều chuyển biến mới lạ khó lường cho tương lai bất hạnh của đất nước.

Kinh tế Trọng Thương

"Phi thương bất phú" là một câu nói của người Á Đông mà không hề gây tranh cải. Trong kinh tế học của phương Tây cũng có lý thuyết Trọng Thương của Thomas Mun với lập luận tương tự: „thương mại đem lại thịnh vượng cho đất nước“. Cụ thể là chính quyền phải đẩy mạnh xuất khẩu để thu nhập vàng bạc càng nhiều càng tốt và không coi trọng việc nhập khẩu thương phẩm phục vụ giới tiêu thụ.

Ngược lại, Adam Smith cho rằng không nên lầm lẫn giữa thịnh vượng và tích lũy của cải, vì thịnh vượng còn cần đến nhà cửa, đất đai và hàng tiêu thụ đủ loại cho mọi người. Tích lũy qúy kim cho nhà nước và không nhập khẩu hàng không thể sản xuất được để thoả mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ gây bất ổn xã hội.

Ngày nay, chính quyền các nước dân chủ thực tế hơn, cho dù phải bội chi ngân sách và có hậu quả bất lợi kinh tế trong tương lai khi nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhưng cũng là chuyện phải làm vì giới tiêu thụ là người đầu phiếu, nhất là khi muà tranh cử gần kề. Do đó, quan điểm Trọng Thương không còn thuyết phục.

Khác với Trọng Thương là lý thuyết Tự Do kinh tế, mà lập luận chính là thị trường cần có tự do vận hành, nhất là tôn trọng vai trò sáng tạo của doanh giới và quyết định của giới tiêu thụ. Doanh nhân có khả năng huy động tiết kiệm để đầu tư vào thị trường mới và giới tiêu thụ sẽ định đoạt số phận doanh nghiệp. Cả hai làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, vì không ai khác có thể đem lại một không khí năng động cho thị trường và tạo niềm tin thúc đẩy tăng trưởng. Suy luận này xem vai trò điều tiết của chính quyền là một điều xấu xa cần thiết phải có và cần phân biệt với lĩnh vực tư nhân. Chính quyền lo trị an, quốc phòng và đối ngoại trong khi doanh giới đem lại giàu mạnh cho đất nước. Nếu hai cơ chế này hợp tác tốt đẹp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội thì một tình trạng lý tưởng sẽ đạt được.

Sự dị biệt giữa hai chính sách này là Trọng Thương xem xuất khẩu là quan trọng, vì trực tiếp đưa đến toàn dụng nhân công và gián tiếp đẩy mạnh tiêu thụ, trong khi Tự Do kinh tế xem thoả mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa và ưu đãi các biện pháp nhập khẩu là cần thiết. Đó là chuyện lý thuyết.

Thực tế thì Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, một mô hình không có trong sách vở mà học giới đến nay cũng chưa thuyết phục được khái niệm này. Đó là một phương cách thực tiễn làm cho đất nước ra khỏi nghèo đói và tụt hậu do đẩy mạnh công nghiệp gia công chế biến và xuất khẩu khi thế giới đang chuyển mình trong cơn lốc toàn cầu hoá. Cơ chế độc đảng có nhiều thuận lợi, vì có ổn định chính trị và quyết tâm cao; các biện pháp kinh tế (kể cả sai lầm) không gặp chống đối. Biện pháp mạnh nên gây thu hút đầu tư quốc tế, vì doanh giới được hổ trợ về luật lệ và thuế khoá. Việt Kiều cũng có lý do đóng góp dù là muốn trực tiếp giúp gia đình hơn.


Thành tích Đổi Mới không thể che dấu thực tại bất công là công nhân và nông nhân, hai thành phần đóng góp trực tiếp, phải chịu cảnh ngày càng nghèo hơn, trong khi doanh nghiệp quốc doanh ngày càng giàu hơn nhờ cơ chế cho phép chiếm lĩnh thị trường không cạnh tranh và tận hưởng mọi ưu đãi thuế khoá. Hiện nay, kinh tế phương Tây chưa ra khỏi suy trầm và phẩm chất hàng hoá Việt xuống thấp nên mở rộng thị trường ngoại thương trong tương lai càng khó khăn hơn.

Dù không minh danh và cổ súy, nhưng Việt Nam đã áp dụng chính sách Trọng Thương trá hình với đặc thù của XHCN. Việt Nam đạt nhiều thành tích xuất khẩu, nhưng không tích luỹ ngoại tệ cho công qũy như thuyết Trọng Thương đề ra, mà ngược lại, doanh thu chia nhau cho thân tộc của lãnh đạo, một đặc thù của tư bản nhà nước.

Sau ngày gia nhập WTO, Việt Nam ý thức việc cắt gảm các biện pháp tài trợ, nhưng WTO cũng không đủ biện pháp kiểm soát các chính sách vĩ mô của Việt Nam, vì doanh nghiệp quốc doanh, dù không hiệu năng, vẫn tiếp tục đứng vai trò anh cả đỏ của chế độ.

Ai thắng và ai thua khi chính sách này tiếp tục? Vì cơ chế không thể cải cách triệt để nên nông nhân và công nhân sẽ mãi là nạn nhân và giới tiêu thụ ngoại quốc, doanh giới quốc tế và thân tộc chế độ tiếp tục thắng, mức độ có thể giảm đi, nhưng thiệt hại kinh tế trong trường kỳ như thế nào sẽ không thể lý giải cụ thể.

Để thế giới tiếp tục hưởng lợi do sản phẩm rẻ trong khi thị trường tiêu thụ nội địa bỏ ngỏ cho người lạ thao túng là một nghịch lý. Đóng góp của tư doanh cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô là tiềm năng quan trọng, nhưng không được quan tâm. Mất chủ quyển kiểm soát thị trường nhân dụng và tiếp tục xuất khẩu lao động là hiện tượng không bình thường trong kế hoạch phân công lao động nội điạ. Không nâng cao giáo dục, mà lại kỳ vọng kinh tế chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp có giá trị cao, là nuôi dưỡng một hão huyền khác.

Nền kinh tế với những bất công và nghịch lý không thể có bước đột phá cứu nguy và chưa tạo điều kiện thịnh vượng cho toàn dân vì còn trong cảnh „Trọng Thương bất phú“.

Tư bản nhà nước

Nguyên ủy của thực trạng „Trọng Thương bất phú“ là do sự vận hành của tư bản nhà nước hay tư bản thân tộc, một thể chế mà sách vở phương Tây đã có bàn đến các đặc điểm khi thảo luận về sự đa dạng của các mô hình kinh tế tư bản.

Chủ nghiã tư bản Anh Mỹ cho phép thị trường hoàn toàn tự do, tôn trọng tuyệt đối quyết định của doanh giới và giới tiêu thụ và can thiệp của chính quyền là tối thiểu. Chủ nghiã tư bản châu Âu đặt nặng sự can thiệp trong các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ công nhân và nông dân. Chủ nghĩa tư bản châu Á (Nhật và Đại Hàn) hướng về sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền, doanh giới và ngân hàng cho nhu cầu phát triển thị trường ngoại thương hơn là nội địa.

Thực ra, không mô hình nào là tối ưu, và những dị biệt về truyền thống văn hoá, lịch sử luật pháp và chính trị là trở ngại chính cho việc áp dụng mô hình mới. Do đó, không có một giải pháp lý tưởng cho các vấn đề kinh tế tư bản ngày càng phức tạp hơn, mà kiểm soát giao lưu tư bản tài chính quốc tế là thí dụ.

Tư bản nhà nước là một suy luận về mô hình tăng trưởng của Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước toàn trị khác. Tiến trình công nghiệp hoá không cần huy động tiết kiệm nội điạ để tư nhân đầu tư, phát triển thị trường là do nhà nước và những định chế quốc tế tài trợ. Du nhập kỹ thuật cho doanh nghiệp quốc doanh cất cánh là một vấn đề đầu tư và tài trợ phân bổ theo kế hoạch không cạnh tranh.

Suy luận chung cho rằng tư bản nhà nước phát sinh trong thời hiện đại sau khi các hình thức chủ nghĩa tư bản đã ra đời. Đây là một sai lầm. Sách vở văn minh tiền sử Hy Lạp chứng minh ngược lại: tư bản nhà nước là một hiện tượng chính trị có từ thời văn minh đồ Đồng.

Khi thị trường chưa thành hình và tiền tệ chưa là phương tiện trao đổi thì các nhà nước thành phố quanh vùng biển Địa Trung như Knossos, Myceane và Polos đã biết sử dụng quyền lực tư bản nhà nước để điều khiển bộ máy công quyền thô sơ bằng cách đánh thuế nông phẩm, kiểm soát sản xuất và mậu dịch. Mọi trao đổi hàng hoá, nhập và xuất cho nền kinh tế nguyên thủy đều qua biện pháp của nhà nước, một hình thức kinh tế quốc doanh và tư bản nhà nước.

Một thí dụ tương tự khác là trong thời kỳ xây dựng Đế quốc Andean trước khi bị người Tây Ban Nha chinh phục. Chính quyền Incas kiểm soát triệt để hệ thống kinh tế bằng cách xây dựng đường xá, tạo hệ thống thông tin và bưu điện cho cả nước, một hình thức kiểm soát tài nguyên và lao động buổi sơ khai.

Lý giải theo khảo hướng lịch sử, dù cổ thời hay hiện đại, cho thấy có một đặc điểm chung của tư bản nhà nước là lo thu tóm và cũng cố quyền lực chính trị, kể cả phí phạm tài nguyên và hiệu năng kinh tế. Nhà nước, dù sơ khai hay trưởng thành, xem chuyện an ninh xã hội là tiên quyết và hiệu năng kinh tế là thứ yếu, nếu có, thì cũng dùng bạo quyền để kiểm soát các tiềm năng tăng trưởng. Do đó, phát triển dân chủ và tôn trọng pháp quyền không có cơ hội. Sự vận hành không dựa theo tiêu chuẩn khách quan mà „Một người làm quan cả họ được nhờ", một lập luận quen thuộc của người Việt là thí dụ và phân phối theo kiểu „hết trong nhà mới ra ngoài đường“ thuyết phục nhiều hơn. Tư bản thân tộc thành hình và taọ một sân chơi kinh tế thu hẹp tối thiểu.

Kinh tế thị trường, ngược lại, một sân chơi mở rộng, không thể định hình và định hướng, dù vô hình và diễn biến theo tình cờ, nhưng cho phép tạo khích lệ khách quan cho doanh giới mạo hiểm hơn trong cạnh tranh và giới tiêu thụ có nhiều cơ hội hơn để quyết định tối ưu. Muốn vận hành có hiệu năng, kinh tế thị trường đòi hỏi khu vực tư nhân phải mạnh để có đủ khả năng đối trọng với quyền lực chính trị. Mạnh có nghiã là thế lực tài chính, ưu thế kỹ thuật và bình đẳng pháp luật với nhà nước. Vai trò chính của nhà nước là tôn trọng dân chủ và uy lực pháp quyền, nhưng nhà nước toàn trị không có tinh thần này và luôn tỏ ra đề kháng sự du nhập. Nếu tư nhân và chính quyền đều phải tôn trọng pháp luật theo tiêu chuẩn bình đẳng và khách quan, thì qua thời gian tiến bộ này đem lại chuyển biến thuận lợi cho xã hội, từ tổ chức sơ khai sang giai đoạn trưởng thành. Nhờ thế mà nhà nước, xã hội và thị trường trở thành ba tác nhân chính cho sự vận hành kinh tế.

Các thành tựu của tư bản nhà nước gây nhiều ấn tượng lạc quan trong thời kỳ khởi đầu của toàn cầu hoá làm cho các nước dân chủ phương Tây mơ ước noi theo. Vì cơ chế dân chủ đại nghị, tôn trọng pháp quyền, áp lực truyền thông và công luận không cho phép các nước phương Tây đề ra những giải pháp táo bạo mà hiện nay đang cần giải cứu các vấn đề khẩn cấp như suy thoái và nợ công. Nếu những biện pháp mạnh của tư bản nhà nước giải quyết đói nghèo, đem lại ít nhiều hiệu năng kinh tế trong ngắn hạn thì bất công xã hội, thiệt hại môi sinh và bất quân bình cơ cấu trong trường kỳ là hậu quả lan toả trầm trọng hơn.

Chúng ta đang ở đâu? Thị trường đã hình thành nhưng cơ chế nhà nước còn sơ khai nên không theo kịp tốc độ phát triển năng động của thị trường. Thị trường càng sinh lợi nhiều thì thân tộc càng vây chặt để chia quyền lợi. Xung đột quyền lợi xãy ra nên có động loạn xã hội và giảm tăng trưởng là tất yếu. Chính quyền tập trung giải quyết trị an và lo sinh tồn cho chế độ hơn và không còn khả năng để xây dựng một nhà nước trưởng thành và trường cữu. Sự quân bình giữa tư nhân và chính quyền không đạt được vì cả hai chưa có tinh thần trọng pháp. Xã hội dân sự đang hình thành và chưa đủ lực kiểm soát các hoạt động của thị trường và nhà nước. Công luận và phản biện, một sức mạnh chính của xã hội dân sự, chưa thể theo dõi hoạt động công quyền và thị trường là vì chưa có tự do báo chí. Không gian ảo của thế giới mạng đang định hình và khởi đầu gây tác động chuyển biến.

Chúng ta đi về đâu? Trước mắt, thân tộc còn đủ khả năng áp lực lãnh đạo và tư bản nhà nước vẫn chiếm ưu thế để không cải cách theo xu thế thời đại: kinh tế thị trường và dân chủ đại nghị của mô hình phương Tây. Phương Tây không khả năng giải quyết các thách thức mới như nợ công, suy thoái và bất công xã hội, nên chính quyền, ngoàl lý do chính trị, có thêm lý do để không cải cách theo khuôn mẩu này. Dân chúng không quan tâm chính trị, coi cải cách kinh tế và cơm áo gia đình là thực tế, và lo sợ phải đánh đổi một tương lai mờ mịt hơn.

Ngược lại, lãnh đạo tiếp tục bảo vệ chế độ bằng cách mang thành tích tăng trưởng trong thời kỳ trước suy thoái để lập luận và bảo chứng cho tương lai, nhưng không thuyết phục.

Một là nhà nước có thành tích kinh tế. Điều sai lầm. Tư bản nhà nước là một giải pháp kinh tế trong quá khứ chỉ cho thân tộc, không cho toàn dân, chủ yếu là giúp cho chính quyền cũng cố quyền lực. Tư bản nhà nước không nhất thiết sẽ là một sách lược duy nhất tốt đẹp cho tương lai, vì có nhiều mô hình tăng trưởng khác có thể kết hợp tối ưu trong một xã hội đang chuyển mình. Nhận thức tiềm năng tăng trưởng là một khởi điểm cho thay đổi tư duy mà vai trò tư doanh và Việt Kiều trong kinh tế thị trường và tinh thần phản biện trí thức của xã hội dân sự là sức mạnh cần phối hợp.

Hai là khó khăn hiện nay là do tình hình quốc tế mang lại. Đúng một nửa, vì cấu trúc kinh tế nội tại có vấn đề là chính. Tác hại của kinh tế quốc doanh, sai phạm ngân hàng, quốc nạn tham nhũng và vô pháp luật là nguyên nhân đưa tới tình trạng tư bản hoang dã. Tại các nước phương Tây, tiến trình công nghiệp hóa thành hình trước chủ nghiã tư bản ra đời. Ngược lại, tại Việt Nam tư bản nhà nước thành hình mà vẫn chưa có công nghiệp hoá toàn diện và chỉ có công nghiệp xuất khẩu. Tiếp tục nuôi dưõng doanh nghiệp quốc doanh không hiệu năng là một thất sách nghiêm trọng vì không thể tăng năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có một tiềm năng to lớn mà không thể phát huy vì thiếu chính sách cần thiết. Chuyển hướng huấn nghệ cho công nhân trẻ sang lĩnh vực công nghiệp thông tin là một mơ ước mà thành công Ấn Độ là một mô hình, nhưng không có điều kiện hổ trợ về chính sách cũng như quốc tế nên không thể thực thi. Không có thế lực thù địch hay tình hình quốc tế chịu trách nhiệm trước các thất sách này.

Ba là cho rằng không tiếp tục bảo vệ chế độ là một biểu hiện suy thoái đạo đức. Khẳng định này chỉ có giá trị phổ quát trong một xã hội sơ khai, khi chưa phân biệt hai phạm vi đạo đức và chính trị. Hiện tại cơ chế công quyền các nước tiên tiến không còn dựa trên đạo đức cá nhân hay xã hội, mà chuẩn mực vận hành phải là tuân thủ uy lực pháp quyền. Nhà nước vi phạm nhân quyền đã không bị trừng phạt mà phải được bảo vệ vì là bổn phận đạo đức, một lập luận không thuyết phục.

Tư bản nhà nước có một chính quyền ích kỷ để bảo vệ quyền lợi thân tộc, thờ ơ trước ý kiến của công luận và xem là thế lực thù địch và u tối vì đã không thể và sẽ không muốn tự khai sáng để tạo niềm tin cho dân chúng về cải cách chính trị và kinh tế. Dân chúng, dù là nạn nhân, vì muốn yên thân mà một xã hội dân sự chưa thành hình. Tất cả đưa đất nước tới một tình trạng xã hội thị trường.

Xã hội thị trường

Thị trường là nơi gặp gở giữa người mua và người bán để trao đổi qua trung gian tiền tệ. Tiền tệ là một phương tiện thanh toán khi thuận mua vừa bán về một mặt hàng. Do đó mà có kinh tế thị trường, một phương tiện hữu hiệu và cần thiết cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất để thoả mãn tối đa nhu cầu cá nhân và xã hội.

Xã hội thị trường có phải là nơi thoả mãn mọi nhu cầu xã hội không? Không, mà đích thực là chúng ta dùng tiền cho những phạm vi không thuộc về thị trường và làm cho của uy lực đồng tiền chế ngự trong tất cả sinh hoạt xã hội. Hậu quả là mọi quan hệ không có đặc tính thị trường được định bằng một trị giá trao đổi. Đời sống gia đình, quan hệ thân thiết, bảo vệ sức khoẻ, cơ hội giáo dục, định mức tội phạm, xác định trình độ và tài nguyên đất nước là chuyện mua bán, mà tiền đâu là đầu tiên.

Chưa có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, mà chúng ta chỉ có kinh tế trọng thương trá hình XNCH. Thay vì dùng tiền để thanh toán cho các trao đổi trong thị trường, chúng ta đi xa hơn bằng cách dùng tiền để mua bán cho toàn bộ hoạt động xã hội. Do đó, xã hội thị trường thành hình và tác hại đến những giá trị cao cả khác là nhân phẩm, tự do và tình liên đới xã hội và độc lập dân tộc. Cuối cùng, tham nhũng lên ngôi thành quốc nạn và đạo đức suy vi tận đáy.

Chúng ta sẽ đi về đâu với xã hội thị trường? Nguy cơ nhất là bất công xã hội. Nhà giàu phô trương thành đạt không gây ảnh hưởng nhiều mà nhà nghèo bị trầm trọng hơn, vì không đủ phương tiện, khi tất cả đều có một cái giá để phải trả, mà giaó dục và y tế là hai mặt hàng chủ yếu. Không đủ tiền cho giới trẻ đi học nên không có khích lệ và cơ hội thăng tiến xã hội. Không đủ tiền cho dịch vụ y tế thì phúc lợi chung cho toàn xã hội không còn, trong khi lực lượng lao động, muốn được khả dụng, cần có trình độ và có sức khoẻ, đó là hai điều kiện tiên quyết cho thịnh vượng.

Phương Tây đang tranh luận vấn đề tìm một giới hạn đạo đức cho kinh tế thị trường, mà cụ thể là xác định những gì mà tiền không mua được giá trị, một phạm vi thuộc giá trị cá nhân và đạo đức xã hội, một chủ đề do Micheal Sandel cổ súy và dĩ nhiên không đáng cho người Việt đang vật lộn với cuộc sống quan tâm.

Giống như Armatya Sen, Michael Sandel đề cao sự phát triển thị trường trong tinh thần tự do. Mục tiêu theo đuổi trong nền kinh tế thị trường là vấn đề hiệu năng để thoả mãn nhu cầu từ đời sống hàng ngày cho đến sinh hoạt xã hội, nhưng không phục vụ cho lãnh đạo và thân tộc mà toàn dân. Tự do, nhân phẩm và hạnh phúc có thuộc về phạm vi thị trường không? Nếu có, là cứu cánh hay phương tiện? Đó là vấn đề. Khác với Sen, Sandel tìm hiểu có nên dùng tiền cho những phạm vi không thuộc về thị trường không. Những thí dụ của Sandel cho thấy vấn đề hiệu năng kinh tế, giá trị sử dụng, ảnh hưởng tiêu thụ, hạnh phúc đời sống cá nhân, gia đình và đạo đức xã hội liên hệ nhau.

Những thí dụ trọng sĩ diện hão của người Việt là quen thuộc và có thể bổ túc cho lập luận cùa Sandel. Cụ thể là chuyện phải dùng tiền để chạy chức mua quyền tìm hư danh xã hội, nhưng lại không đưọc ai tôn trọng; dùng tiền mua bằng cấp để tiến thân, nhưng không được ai xem là trí thức; mua nhà sang trọng nhưng không đem lại cảm tưởng an toàn; mua đồng hồ đắt tiền nhưng không mua được thời gian đã mất; nằm bịnh viện cao cấp nhưng không mua được sức khỏe suy sụp.

Xã hội thị trường làm cho lãnh thổ, tài nguyên và nhân lực là một món hàng mua bán trong nền kinh tế trọng thương dành riêng cho tư bản thân tộc. Mọi vấn đề tự do, hạnh phúc và độc lập dân tộc không còn nằm trong xã hội dân sự.

Đã đến lúc xã hội dân sự trở thành là một trào lưu đóng góp cho sự thay đổi, mà bổn phận công dân trong đạo đức cá nhân để đem bình an xã hội và thịnh vượng đất nước là nội dung chính. Nhưng khẩn thiết nhất mà xã hội dân sự Việt Nam cần có là một Aung San Suu Kyi và một Tahrir Square.

Đỗ Kim Thêm

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: