30 tỷ đô la trong 10 năm để phát triển giao thông giữa các nước vùng sông Mêkông / RFI - Trọng Nghĩa
Sau hai ngày họp tại Bangkok, Hội nghị Thượng đỉnh của 6 quốc gia vùng lưu vực sông Mêkông, đã kết thúc vào hôm nay, 20/12/2014. Một trong những quyết định quan trọng được thông qua, là ngân sách 30 tỷ đô la trong vòng 10 năm dành cho các dự án phát triển, chủ yếu trong lãnh vực giao thông, nhằm kết nối các nước trong khu vực.
Đây là lần thứ năm mà 6 nước tập hợp trong cơ chế mang tên Tiểu vùng Mêkông mở rộng – Greater Mekong Subregion GMS – họp hội nghị thượng đỉnh. Thành viên của nhóm báo gồm 5 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Miến Điện, cùng với Trung Quốc, mà cụ thể là tỉnh Vân Nam và vùng Quảng Châu).
Liên kết lại với nhau từ năm 1992 với sự bảo trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, sáu nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng trong thời gian qua đã đẩy mạnh các chương trình hợp tác trong đó hạ tầng cơ sở nắm một vị trí quan trọng.
Theo báo Thái Lan Bangkok Post, trong khuôn khổ kế hoạch chi tiêu 30 tỷ đô la, sẽ có 7 lãnh vực được chú ý, từ việc thiết lập các đặc khu kinh tế hỗn hợp dọc theo biên giới các thành viên, xây dựng các tuyến đường sắt thiết yếu, cho đến việc cải thiện luật lệ về giao thông, sản xuất năng lượng để bán ra ngoài khu vực, khuyến khích đầu tư tư nhân …
Trong khối Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, Trung Quốc ngày càng vươn lên thành một thế lực đi đầu, nỗ lực lợi dụng thế mạnh của mình với những mục tiêu cụ thể là phá vỡ tình trạng bị cô lập về mặt địa lý của vùng Vân Nam, đồng thời mở rộng cửa ngõ các nước Đông Nam Á cho hàng hóa Trung Quốc.
Như để phô trương thế mạnh của mình, vào hôm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường, trưởng đoàn Trung Quốc tại Hội nghị, đã loan báo cấp 3 tỷ đô la tín dụng cho năm nước Đông Nam Á để cải thiện hạ tầng cơ sở, nâng cao sản xuất và xóa đói giảm nghèo.
Trong số ba tỷ đô la nói trên, tuy nhiên đã có đến hơn một nửa, cụ thể là 1,6 tỷ đô la dành cho việc hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét