VN thuộc nhóm có năng suất lao động thấp nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Hiện tại năng suất lao động của VN chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và ngang với Lào. Để giải bài toán năng suất lao động thấp VN cần phải làm gì?
Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo cho thấy năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp hơn một nửa so với NSLĐ bình quân chung của khu vực, chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và ngang với Lào.
Trước đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đánh giá NSLĐ của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.
Nói về những nguyên nhân chính khiến NSLĐ của VN thấp, một cán bộ thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị dấu danh tính cho biết:
“Tỷ trọng lao động chúng ta đang làm trong nông nghiệp và khu vực phi chính thức còn rất lớn. Ngay cả trong công nghiệp thì chúng ta vẫn làm chủ yếu là gia công, cơ khí cũng chỉ là cơ khí lắp ráp chúng ta chưa có các ngành nghề chế tạo hoặc làm các dịch vụ lớn hơn hay có giá trị hơn như Tài chính, Ngân hàng. Cái chuỗi giữ giá trị gia tăng của chúng ta rất thấp, đây là một câu hỏi rất lớn.
Hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ của chúng ta rất lạc hậu đòi hỏi chúng ta phải thay đổi những cái đó. Rồi vấn đề con người cũng vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhưng kỹ năng làm việc thì kém. Rồi cả tác phong công nghiệp cũng vậy, chúng ta chỉ chú ý đến chuyên môn nghiệp vụ mà không giáo dục cái đạo đức nghề nghiệp và tác phong công nghiệp. ”
Trước thực tế, hầu hết người lao động thấy rằng do lương quá thấp nên không kích thích họ tăng NSLĐ.
Khi được hỏi rằng có phải khi nào tiền lương bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động thì mới nên bàn đến vấn đề NSLĐ hay không?
... chúng ta chỉ chú ý đến chuyên môn nghiệp vụ mà không giáo dục cái đạo đức nghề nghiệp và tác phong công nghiệp.
- Một cán bộ Bộ LĐ-TBXH
Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban tư vấn của Chính phủ nhận định:
“Mức lương thấp là trên cơ sở năng suất lao động thấp, trên thực tế thì mức tăng lương và tốc độ tăng lương ở VN đang nhanh và cao hơn rất nhiều so với việc tăng năng suất lao động. Đấy là nghịch lý và cũng chính là vấn đề giải bài toán tiền lương ở VN luôn là bài toán đau đầu, kể cả trong khu vực nhà nước. Bao nhiêu năm nay bàn về cải cách tiền lương nhưng không thể giải quyết nổi, bởi vì khi vẫn dùng quá nhiều người làm việc trong các khu vực khác nhau với năng suất lao động thấp thì không có cách gì để cải thiện tiền lương”
Trả lời câu hỏi về những giải pháp cụ thể nào cần được quan tâm và áp dụng để giúp việc tăng NSLĐ ở VN?
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý TW cho rằng: giải pháp trực tiếp là phải đổi mới công nghệ và công tác đào tạo nguồn nhân lực. Theo bà lực lượng lao động cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nhận thức và kỹ năng hành vi.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nói:
“Khi đánh giá tổng thể nền kinh tế thì có nhiều các khu vực khác nhau, ví dụ như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì có NSLĐ cao nhất. Nhưng yếu tố quan trọng nhất mà tác động đến NSLĐ thì là yếu tố công nghệ, bởi vì yếu tố này mới làm tăng giá trị của sản phẩm. Cái yếu tố đó ở VN hiện tại theo đánh giá vừa rồi của Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia thì công nghệ của VN được xếp ở một thứ hạng rất thấp.”
Theo báo Doanh Nhân Sài gòn, TS. Kinh tế Phạm Minh Ngọc cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi năng suất lao động của Việt Nam lại quá thấp so với những nước có GDP bình quân đầu người đều cao tới hơn chục lần so với Việt Nam. Do đó, để giảm chênh lệch về NSLĐ thì đương nhiên phải lấp đi khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người, nghĩa là phải tìm cách để tăng tốc độ tăng trưởng GDP, đó là giải pháp tốt nhất để tăng NSLĐ.
Bà Phạm Chi Lan thấy rằng để tăng năng suất lao động thông qua biện pháp sa thải số lao động và buộc số còn lại tăng cường độ làm việc là cách xử lý ở tầm các Doanh nghiệp, điều đó không phù hợp trong việc giải bài toán tăng năng suất lao động ở tầm quốc gia. Theo bà vấn đề là ở chỗ VN cần thay đổi mô hình tăng trưởng.
Bà Phạm Chi Lan khẳng định:
“Thay vì tăng trưởng dựa vào vốn, vào lao động và dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có chúng ta phải tăng trưởng dựa trên hiệu quả, trên năng suất lao động, hiệu quả cả về kinh tế và kỹ thuật kể cả vấn đề sử dụng nguồn lực.”
Thay vì tăng trưởng dựa vào vốn, vào lao động và dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có chúng ta phải tăng trưởng dựa trên hiệu quả, trên năng suất lao động, hiệu quả cả về kinh tế và kỹ thuật kể cả vấn đề sử dụng nguồn lực.
- Bà Phạm Chi Lan
Theo báo Người Lao động, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho rằng cần khuyến khích việc phát huy và áp dụng các sáng kiến, theo ông đó là: "Cần hình thành một xã hội sáng tạo, hiện nay trong nhiều ngành, nghề và nhiều ý tưởng của người dân, DN nếu cơ quan quản lý không quản được thì bị cấm ngay. Muốn tăng NSLĐ đòi hỏi phải hình thành một xã hội sáng tạo. Mọi sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần được xã hội nuôi dưỡng và trân trọng mới có nền tảng để tăng NSLĐ. Không thể chần chừ và rơi mãi vào vòng luẩn quẩn này được nữa!"
Khi được hỏi về giải pháp có thể áp dụng được ngay để giúp các Doanh nghiệp nâng cao NSLĐ?
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nói:
“Các Doanh nghiệp vừa và nhỏ có cái IND thấp như vậy thì có một cái kênh để họ có thể tăng cường năng lực của họ, đó là liên kết với các Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để làm các công việc hỗ trợ để cung cấp đầu vào cho các Doanh nghiệp lớn. Đó là điều ở VN hiện còn đang thiếu và đấy là điểm yếu, là điều cần phải tháo gỡ trong thời gian tới. Nếu không nó sẽ cô lập các khu vực với nhau, như vậy NSLĐ sẽ không có sự cải thiện như mình mong muốn. ”
Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước cái vòng luẩn quẩn, đó là NSLĐ thấp dẫn tới thu nhập thấp, từ đó sẽ không có tích lũy để đủ tiềm lực tài chính để giải quyết vấn đề đầu tư công nghệ mới để tạo cơ hội đột phá. Việc tăng NSLĐ không chỉ là giải pháp chính để tạo cơ hội đầu tư công nghệ mới hay đẩy mạnh mức tăng của GDP, mà nó còn là biện pháp trực tiếp nhằm nâng cao thu nhập của cá nhân người lao động
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét