Gần đây, làn sóng thuyền nhân tầm trú đến xin tị nạn ở Úc đã có phần lắng dịu sau khi “Hiệp định Định cư trong khu vực” ngày 19/7/2013 được ban hành. Một số thuyền nhân Việt Nam còn trong các trại tị nạn lần lượt được hưởng quy chế tạm định cư để hòa nhập với cộng đồng. Cuộc sống của họ hiện giờ và tương lai của họ sẽ ra sao? Một thanh niên chia sẻ với thông tín viên Tường An của đài Á Châu Tự Do cảm giác của anh khi được rời khỏi trại tạm trú Yongah Hill:
“Quả thực khi nhận được quyết định ra khỏi trung tâm tạm giam người tầm trú thì em rất chi là vui, cũng như mọi người rất chi là vui. Bên cạnh đó cũng có những nỗi buồn cho những người ở lại.”
Đó là chia sẻ của anh Paul Nguyễn, một trong khoảng 100 thuyền nhân may mắn của trại Yongah Hill được ra tạm định cư tại Melbounre ngày 15 tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, anh Paul Nguyễn cũng không dấu được sự lo lắng về tương lai:
Được ra hòa nhập cũng là một may mắn cho bọn em, nhưng mà họ (chính phủ) chưa có một chính sách nào nhất định cho bọn em nên bọn em rất chi là lo lắng. Mặc dù là mình ở ngoài, hạnh phúc và may mắn hơn những người ở trong trại.
-Paul Nguyễn
“Thực ra, bây giờ được ra hòa nhập cũng là một may mắn cho bọn em, nhưng mà họ (chính phủ) chưa có một chính sách nào nhất định cho bọn em nên bọn em rất chi là lo lắng. Mặc dù là mình ở ngoài, hạnh phúc và may mắn hơn những người ở trong trại nhưng mà thực chất thì bọn em cũng không biết tương lai của bọn em sẽ như thế nào.”
Sau hơn 2 năm lênh đênh từ Indonesia, đến đảo Manus rồi trại Yongah Hill, nay được ra hòa nhập với Cộng đồng, anh Jos Nguyễn cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, anh nói:
“Tụi em mới ra thì thật sự cũng còn nhiều khó khăn. Mình chưa hiểu biết lối sống cũng như cách làm việc của các tổ chức cũng như chính phủ ở đây. Nhưng mà em thì được ra hai tháng, em thấy bây giờ mọi thứ cũng đã ổn định, mình đã thuê được nhà, và tiền trợ cấp cũng đủ để chúng em trang trải.”
Từ năm 2010 đến giữa năm 2013 đã có 759 thuyền nhân Việt Nam đến Úc. Số liệu của Bộ Di trú cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2012 tới năm 2013, con số thuyền nhân vượt biển sang Úc tăng đến 30 lần. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Kevin Ruud và Thủ thướng Papua New Guinea ký “Hiệp định Đinh cư trong khu vực” ngày 19/7/2013 thì con số này giảm đi đáng kể. Hiệp định này quy định “bất kỳ thuyền nhân nào đến Úc để xin tỵ nạn sẽ không được tiếp nhận định cư ở Úc…”
Từ năm 2013, một số thuyền nhân bị trả về Việt Nam, một số bị đưa sang các đảo Manus, Neru. Theo anh Paul Nguyễn, chỉ còn khoảng trên dưới 150 người kẹt lại trong các trại tạm cư. Phần lớn đã được cho ra ngoài hòa nhập với cộng đồng. Anh nói:
“Về bên cộng đồng thì bọn em cũng tham gia các hoạt động cộng đồng, tham gia các cuộc biểu tình. Các cuộc gây quỹ của cộng đồng thì bọn em cũng giúp. Các buổi họp khi họ mời thì bọn em cũng có tham gia trong các buổi họp của Cộng đồng Tự do tại tiểu bang Victoria.”
Cách đây vài ngày, lại có thêm gần 70 thuyền nhân đến tạm cư tại Melbourne. Cộng đồng người Việt tại đây đã lại mở rộng vòng tay đón tiếp những thuyền nhân mới này. Những nạn nhân của chế độ Cộng sản đã lập lại hành trình của họ cách đây gần 40 năm. Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Công đồng người Việt Tự do Victoria cũng nhìn thấy sự cố gắng để hội nhập vào cộng đồng của họ qua những sự tham gia vào các sinh hoạt tại địa phương. Về phía Cộng đồng cũng đã giúp đỡ những thuyền nhân này về mặt vật chất và tinh thần trong khả năng của họ. Ông nói:
“Sự gần gủi với cộng đồng ở đây, tôi thấy có sự gắn bó. Và tôi cũng tin rằng, mục đích của họ cũng không khác gì với mục đích của chúng ta tức là đi xin tị nạn chính trị. Họ không thể nào sống dưới chế độ Cộng sản Việt Nam. Đó là lý do tại sao họ bỏ nước ra đi.”
Anh Paul cho biết, trước khi ra khỏi trại, họ phải ký bản cam đoan thi hành luật pháp của Úc và các điều khoản quy định trong visa E, tức Bridging visa:
“Hiện bây giờ tụi em được nhận visa Bridging 1 năm, visa loại E. Bọn em được học tiếng Anh, được hòa nhập cộng đồng, rồi bọn em nhận được trợ cấp từ chính phủ nhưng bọn em không được đi làm. Không được đi làm, được hòa nhập cộng đồng rồi được tham gia các công việc thiện nguyện chứ còn lại thì không được làm bất cứ một thứ gì cả.”
Lo lắng
Visa E, tức Bridging visa chỉ có giá trị 1 năm và visa này không cho phép làm việc trên nước Úc. Trong thời gian đó, các thuyền nhân phải xin visa 866, tức Protection visa, visa này công nhận quy chế tị nạn, cũng như được quyền sống và làm việc trên nước Úc vô thời hạn. Ông Nguyễn Văn Bon cho biết các giai đoạn cần phải thực hiện để có visa này:
“Trong vòng một năm này thì họ cần phải liên lạc với luật sư. Muốn cho họ có cái visa ở lại Úc thì họ phải xin quy chế tị nạn trước. Mỗi một người, mỗi một hoàn cảnh khác nhau, tuỳ theo cái đơn, cái lời khai của quý anh chị đó như thế nào, và Bộ Di trú sẽ xét duyệt lại cái đó và họ có một số steps: Thứ nhất là họ xin qua Tòa Di trú. Tòa Di trú mà fail (thất bại) rồi thì họ có thể đưa ra tòa high court ở đây để mà xin ở lại. Nếu mà họ vẫn fail thì có thể xin Bộ trưởng Di trú để ổng lấy cái đặc quyền của rông để mà ổng cho mấy người này ở lại. Cái giai đoạn đó cũng tốn một vài năm.”
Trong vòng một năm này thì họ cần phải liên lạc với luật sư. Muốn cho họ có cái visa ở lại Úc thì họ phải xin quy chế tị nạn trước. Mỗi một người, mỗi một hoàn cảnh khác nhau, tuỳ theo cái đơn, cái lời khai của quý anh chị đó như thế nào, và Bộ Di trú sẽ xét duyệt lại.
-Nguyễn Văn Bon
Mặc dù chỉ được làm việc thiện nguyện, nhưng cũng không hẳn là bất cứ công việc thiện nguyện nào cũng có thế làm được với visa E. Ông Bon kể lại một bất đồng đã xảy ra giữa các ứng cử viên khi các thuyền nhân này tham gia làm việc thiện nguyện trong một văn phòng bầu cử:
“Vừa rồi tại tiểu bang Victoria, trong Hội đồng chính mạch có bầu cử, họ có nhờ thiện nguyện, thì những anh chị này cũng sốt sắng mà đứng ra làm cái việc đó. Thì ứng cử viên đối lập họ đã plaint.
Tư cách tị nạn mình chưa có mà tham gia sinh hoạt dòng chính thì tôi nghĩ về lâu về dài sẽ có vấn đề. Chúng tôi cũng giải thích cho họ hiểu là những người này ở Việt Nam họ chưa bao giờ được tham gia những sinh hoạt Dân chủ như thế này nên họ muốn tham gia vào. Khi tôi giải thích như vậy thì những người ứng cử viên hoặc Dân biểu họ hiểu được hoàn cảnh đó thì họ cũng không có nặng nề lắm. Tôi nghĩ là làm việc thiện nguyện, từ thiện thì được, còn sinh hoạt chính trị trong dòng chính thì họ phải cẩn thận trong tương lai.”
Người dân Úc đã mệt mỏi với hàng tỷ Úc kim đổ ra cho làn sóng thuyền nhân mới. Họ chọn thái độ im lặng trước chính sách gắt gao của lưỡng đảng chính phủ. Sau khi thành công trong việc ngăn chặn làn sóng thuyền nhân. Nhiều người, trong đó có Cộng đồng người Việt Úc châu đã không khỏi bẽ bàng khi nghe Thủ tướng Tony Abbott vui mừng thốt “Cám ơn trời chuyện đó đã xảy ra!”. Sau hơn 2 năm sống trong hoang mang về số phận của mình, anh Jos Nguyễn chỉ mong muốn:
“Cái mong muốn đầu tiên là chúng em được chính phủ Úc chấp nhận như một công dân của Úc, và chúng em cũng mong muốn đóng góp như là một công dân Úc thực sự chứ không phải là ăm bám chính phủ hay là nhờ vào đồng tiền trợ cấp của chính phủ mà chúng em muốn chứng tỏ năng lực của mình để cống hiến cho đất nước Úc.”
Để tạm kết thúc một đoạn đường cam go trên con đường tìm Tự do. Thay mặt những người cùng số phận, Anh Paul Nguyễn gửi lời cám ơn đến tất cả mọi người:
“Em cũng muốn gửi lời cám ơn Cộng đồng, tổ chức, cá nhân đã vận động, hỗ trợ cho bọn em trong thời gian qua. Và con đường chúng em đang đi còn rất dài, xin quý vị tận tình nâng đỡ chúng em. Nhưng quý vị cũng đừng quên những người đang còn bị kẹt trong các trại tạm giam trên đất nước Úc này và xin quý vị cũng quan tâm đến những người còn bị tù tội trên quê hương Việt Nam. Nhân dịp Noel và năm mới sắp về thì em xin chúc toàn thể quý vị một mùa Giáng sinh an lành và hạnh phúc và năm mới đầy thành công.
”
”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét