Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Con út thủ tướng VN nói về truyền thống gia đình

Image copyrightGETTY
Image captionHai con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của hai tỉnh
Con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa trả lời phỏng vấn truyền thông sau khi trở thành tỉnh ủy viên trẻ nhất của tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Minh Triết, năm nay 25 tuổi, nói với VnExpress ông "vinh dự và tự hào vì được tín nhiệm" và nói:
"Trong thời gian tới, tôi sẽ đoàn kết cùng Ban chấp hành tỉnh đoàn tiếp tục thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội Đoàn toàn quốc, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh...; cụ thể hóa hai phong trào hành động cách mạng "Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".

"Tôi cũng sẽ thực hiện một số phần việc mới như: ứng dụng sâu công nghệ thông tin vào công tác Đoàn, tương tác với Đoàn viên qua mạng di động, vận hành quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đưa Tổ hợp không gian khoa học Quy Nhơn vào hoạt động, xây dựng đảo thanh niên Cù Lao Xanh, đội tàu thanh niên đánh bắt xa bờ bảo vệ chủ quyền tổ quốc, tư vấn việc làm và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh..."
Trong phỏng vấn ông cũng nói về truyền thống gia đình:
"Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội tôi hy sinh năm 1969 - khi là Thường vụ tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông ngoại hy sinh năm 1972 - khi là huyện ủy viên, Chủ tịch mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang - do trực thăng Mỹ bắn. Còn ba tôi đã tham gia quân giải phóng miền Nam khi mới 12 tuổi, ông trực tiếp chiến đấu và 4 lần bị thương, hiện ba là thương binh 2/4."
Ông Triết nói ông đã học ngành kỹ thuật hàng không chế tạo tại Đại học Brunel của Anh và có bằng thạc sĩ cũng trong ngành học này.
Con út thủ tướng nói những gì ông học được về khoa học kỹ thuật đã giúp ông trong công việc và ứng dụng được vào các đề án như "đội tàu thanh niên đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tỉnh đoàn sẽ là cầu nối giữa ngư dân, nhà sản xuất và cấp lãnh đạo tìm ra phương pháp phát triển đội tàu sao cho hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo vệ được vùng biển ngư trường của ta tốt hơn và phù hợp với kỹ thuật đánh bắt truyền thống của thanh niên ngư dân Bình Định."
Ông nói thêm: "Năm 2020 đất nước ta sẽ cơ bản là nước công nghiệp hiện đại, muốn như vậy thì thế hệ trẻ phải đi đầu trong việc làm chủ khoa học kỹ thuật và công nghệ."

'Trả lời tự tin'

Việc hai người con của thủ tướng trở thành bí thư tỉnh và tỉnh ủy viên đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau.
Gần như toàn bộ hơn 30 bình luận về bài đăng trên VnExpress đều khen ngợi ông Triết.
Độc giả lấy tên Bach Duong viết: "Trả lời phỏng vấn rất tự tin. Chúc anh thành công trên cương vị mới, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước!"
Blackberrygold viết: "Hy vọng Ông nói là làm được, Đất nước cần những người tài! Hãy cố gắng phấn đấu!"
Trong khi đó bình về bước đường công danh của người anh của ông Triết, cây viết Trương Huy San, vẫn được biết tới với bút danh Huy Đức, viết:
"Nếu xét về bằng cấp chuyên môn, Nguyễn Thanh Nghị chỉ là một kỹ sư chuyên về kết cấu. Đâu phải cứ học về xi măng sắt thép là có thể đứng đầu ngành xây dựng. Sẽ là hợp lý nếu cho Nghị phụ trách kỹ thuật của một công trình hay trực tiếp đào tạo các kỹ sư. Đưa Nghị lên thứ trưởng là đánh đổi một nhà chuyên môn được học bài bản lấy một amateur về chính sách.
"Những người như Nghị cũng có thể từ bỏ chuyên môn để làm chính trị và không nên hỏi tuổi một người làm chính trị. Nhưng không thể không hỏi Nghị đã làm được những gì để ở tuổi ấy và chỉ trong một nhiệm kỳ lại có thể "ghế trên ngồi tót sỗ sàng" như thế.
"Một người được học hành đàng hoàng ở những nền giáo dục tiến bộ trở thành lãnh đạo dù sao cũng vẫn tốt hơn những người đi từ trong rừng ra với văn hóa lớp ba. Nhưng, không thể không hỏi vì sao những người cùng thời, tự tìm kiếm học bổng (chứ không phải đi học bằng tiền ngân sách) có nhiều thành tích cá nhân lại không thể leo lên như những người có bố làm thủ tướng hay bí thư tỉnh ủy."
Ông Huy Đức cũng dẫn ví dụ từ Trung Quốc về sự thăng tiến trong chính trường của Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai để so sánh:
"Năm 1982, từ văn phòng Quân ủy Tập Cận Bình được "luân chuyển" xuống cơ sở, làm bí thư huyện ủy. Phải mất 18 năm, leo từng bậc thang, Tập mới lên được chức tỉnh trưởng Phúc Kiến (2000).
"Bạc Hy Lai cũng mất một thời gian tương tự (1984-2001) để đi từ phó bí thư huyện ủy lên tới chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, dù cha - Bạc Nhất Ba - lúc đó là một người rất có ảnh hưởng tới Giang Trạch Dân."

'Điều rất dở'

Trong khi đó Đại biểu Quốc hội Việt Nam Dương Trung Quốc nói cần phải nhìn xuyên qua lý lịch để tới với năng lực thật của mỗi người.
Phát biểu với báo chí Việt Nam bên hàng lang Quốc hội ngày 22/10, ông Quốc nói: "Trong thời gian vừa rồi, liên quan đến công tác nhân sự, tôi thấy có 2 hiện tượng đối lập nhau. Có người trình độ giỏi, nhưng lý lịch không chính thống, cho nên bị loại ra và những người con của những người rất chính thống lại được đề bạt.
"Theo quan điểm của tôi phải chặt hai đầu đó đi. Tức là phải bỏ qua chủ nghĩa lý lịch đi, đừng vì lý lịch để đánh giá người ta mà hãy tập trung vào bản thân họ, xem có đúng chuẩn không. Đương nhiên chuẩn ở đây là phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như quy định của nhà nước, pháp luật, phương thức minh bạch hóa, tranh thủ ý kiến dân chủ.
"Quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ. Ở nước mình cứ theo một chiều hướng, đã lên thì lên mà đã xuống thì không lên nữa. Đấy là điều rất dở."

Không có nhận xét nào: