Trả lời Zing.vn, giáo sư Carl Thayer lý giải việc Mỹ điều tàu đến đá Xu Bi và Vành Khăn trước tiên, đồng thời dự đoán Trung Quốc sẽ phản đối bằng việc cử tàu Hải cảnh hoặc tàu cá.
Tàu khu trục USS Lassen (trái) cùng các tàu của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận CARAT ở Singapore hồi tháng 7. Ảnh: US Navy
Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.
- Trung Quốc bồi đắp trên nhiều khu vực nhưng vì sao Mỹ cử tàu đến hai đá Xu Bi và Vành Khăn trước tiên?
- Đá Xu Bi và đá Vành Khăn ở điểm cuối phía bắc của quần đảo Trường Sa, nằm ở ngoại vi quần đảo chứ không phải nằm ở trung tâm. Hai bãi đá này cũng tương đối nổi hơn trên mặt biển so với các bãi còn lại (các đá Ga Ven, Chữ Thập… trước khi được cải tạo thì hoàn toàn chìm dưới biển - PV).
Tuy nhiên, đây chỉ mới là sự bắt đầu trong những kế hoạch tuần tra của Mỹ. Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu đến gần những khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
Bản đồ các đảo mà Trung Quốc cưỡng đoạt và bồi lấp trái phép. Đồ họa: Wall Street Journal.
- Tàu USS Lassen được hộ tống bởi nhiều máy bay do thám. Hải quân Trung Quốc sẽ đối phó thế nào để ngăn tàu Mỹ tiếp cận các đảo nhân tạo?
- Hải quân Trung Quốc không thể đối đầu với một tàu chiến uy lực như USS Lassen. Việc Mỹ cũng điều thêm máy bay do thám P-8A là nhằm giúp chỉ huy trên tàu Lasssen và các chỉ huy hải quân khác có bức tranh toàn cảnh về những nỗ lực đáp trả của Trung Quốc.
“Sau một thời gian dài, cuối cùng Mỹ đã thực sự hành động để khẳng định quyền tự do hàng hải (FON) bằng việc triển khai tàu chiến, tàu USS Lassen vốn là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường. Trong lần tuần tra này, tàu Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi và Vành Khăn nhằm khẳng định rằng, theo luật pháp quốc tế, những đảo nhân tạo bồi đắp từ các đảo đá ngầm sẽ không được hưởng vùng hàng hải xung quanh nó”,
ông Carl Thayer trả lời Zing.vn.
Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ chủ yếu phản đối bằng lời nói, thông qua Bộ Ngoại giao nước này hoặc từ liên lạc vô tuyến từ các đảo nhân tạo.
Trung Quốc cũng có thể phản đối bằng việc cử tàu Hải cảnh hoặc thậm chí cả tàu cá. Tuy nhiên, các tàu này chủ yếu chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền của Bắc Kinh.
- Việc Mỹ điều tàu diễn ra vài tuần trước khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhau trong nhiều sự kiện cao cấp của châu Á từ tháng 11. Tình thế này gây khó khăn thế nào đối với Trung Quốc?
- Phản ứng của Trung Quốc là điều có thể đoán trước được. Họ sẽ lớn tiếng chỉ trích Mỹ gây rắc rối mà không vì mục tiêu gì, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình và an ninh trong khu vực. Trung Quốc có thể đáp trả tương tự như khi họ đơn phương công bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, họ sẽ có nhiều tuyên bố chủ yếu trên mặt trận tuyên truyền, nhưng không thể làm thay đổi các quyết tâm hành động của Mỹ.
Nếu Trung Quốc tiếp tục phản ứng, chắc chắn rằng vấn đề đảo nhân tạo sẽ là chủ đề được bàn tán nhiều nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Trung Quốc sẽ bị cô lập về mặt ngoại giao.
Cuối tuần qua, tàu Lassen đã cập cảng Kota Kinabalu ở Malaysia trong một chuyến thăm sau khi nó kết thúc đợt tuần tra trên Biển Đông. Tờ The Diplomat nhận định, các sĩ quan và chỉ huy trên tàu Lassen dường như đã có nhiều kinh nghiệm tương tác với tàu hải quân của Trung Quốc dựa trên Quy tắc ứng xử khi bất ngờ chạm trán Mỹ - Trung trên Biển Đông (CUES).
Trong cuộc tuần tra mới đây, sĩ quan phụ trách truyền thông trên tàu Lassen ngày 19/10 cho biết, họ đã gặp hai tàu chiến nhỏ lớp Jiangkai-2 và một tàu lớp Jianghu của Trung Quốc. Thuỷ thủ đoàn trên tàu Lassen đã vận dụng những quy chuẩn liên lạc theo CUES để bảo đảm an toàn hàng hải.
(Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét