(LĐ) M.H thực hiện
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng việc tàu khu trục Mỹ USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý từ các Đá Xu Bi và Vành Khăn đã vô hiệu hóa các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
* Liệu việc tuần tra của Mỹ có cản trở TQ mở rộng hoặc quân sự hóa các đảo không, thưa ông?
Với TQ, nếu nghĩ rằng Mỹ đưa tàu vào gần các đảo nhân tạo mà TQ dừng việc cải tạo hay rút đi thì khó xảy ra. Song Mỹ làm như vậy là không thừa nhận yêu sách của TQ, vì yêu sách đó hoàn toàn đi ngược lại hoàn toàn luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Luật Biển 1982 của LHQ (UNCLOS). TQ có ý đồ biến bãi cạn thành các đảo, từ đó tạo vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, để chứng minh yêu sách lưỡi bò trên Biển Đông là có cơ sở. Chính đây mới là yếu tố pháp lý mà TQ hướng đến.
Mỹ hành động như vậy để vô hiệu hóa, không thừa nhận yêu sách vô lý của TQ về mặt pháp lý. Mỹ nói không đứng bên nào trong tranh chấp chủ quyền, mà chỉ kêu gọi mọi người tôn trọng luật pháp, đặc biệt bảo vệ mục tiêu tự do hàng hải. Ngay chỉ với mục đích đó thôi chúng ta nên chia sẻ, hoan nghênh mong muốn hành xử trên cơ sở pháp lý, đừng tạo ra phức tạp,bất ổn, lợi dụng yêu sách vô lý đó để tranh chấp, gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích của các nước khác trong đó có Việt Nam.
* Vậy ngược lại, liệu TQ có nhân cơ hội này chiếm thêm hoặc quân sự hóa các đảo, bãi cạn?
Còn nếu nói TQ nhân cơ hội này kiếm cớ chiếm thêm và quân sự hóa bãi cạn, thì cần thấy TQ trước giờ TQ đã làm rất mạnh rồi. Trong bước tiến của họ, TQ cũng đã tính chiếm tiếp bãi cạn nào, thậm chí các bãi cạn gần các nước khác như Malaysia, nếu không cảnh giác TQ sẽ chiếm như đã làm các bãi cạn ở tây bắc quần đảo Trường Sa của VN. TQ kiếm rất nhiều cớ, có thể đấy là một cái cớ. Nhưng không phải đây là cớ để họ đẩy mạnh chiếm thêm hay quân sự hóa các bãi cạn. TQ đã vấp phải phản ứng quốc tế, cả trên dư luận và thực tế, nên lần này họ phải nghĩ đến hậu quả khi các nước lên tiếng phản đối.
* Trung Quốc sẽ phản ứng đến mức nào sau việc tuần tra của tàu Mỹ?
Sau sự cố này, theo nhận định của tôi, TQ có thể có phản ứng ngoại giao, tiếp tục nhắc lại quan điểm của họ mà không cần biết thế giới có nghe không. TQ cũng có thể có một số hành động gây khó khăn nếu Mỹ tiếp tục tuần tra, như dùng tàu cá để cản trở, có tính răn đe. Nhưng đụng độ mạnh thì khó xảy ra. So sánh thì sức mạnh hải quân TQ không thể vượt trội sức mạnh hải quân của Mỹ trong khu vực.
Về pháp lý, như mọi người đều biết, TQ cải tạo để mở rộng thềm lục địa là hoàn toàn phi pháp, không đúng quy định UNCLOS. Xung quanh các bãi cạn chỉ có vùng an toàn 500m, không thể đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý. Đó là điểm yếu nhất mà TQ phải thấy. Chỉ có nếu TQ làm liều, bất chấp tất cả, đặc biệt bất chấp sức mạnh của các cường quốc họ quan tâm đến vùng biển này thì họ mới ra tay, nhưng chắc chắn TQ không thể giành thắng lợi nếu họ làm như vậy.
* Việc tuần tra này có ảnh hưởng thế nào đến các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam?
Với Việt Nam, ngoài 500m vùng an toàn quanh bãi cạn là vùng biển quốc tế; tàu bè, máy bay đi lại bình thường không ai có quyền ngăn cấm. Điều đó hoàn toàn phù hợp luật quốc tế. Mỹ không nhằm vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa nên chúng ta tôn trọng ứng xử của Mỹ phù hợp với UNCLOS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét