Pages

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Nhiệt điện chạy bằng than tại VN vẫn chiếm tỷ lệ lớn dù gây ô nhiễm

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận
 RFA




Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tiếp tục chiếm đến gần phân nửa các dạng nhà máy phát điện tại Việt Nam. Lý do vì sao nhiệt điện vẫn chiếm tỷ lệ lớn như thế trong khi nó bị lên án gây ô nhiễm môi trường và những hệ quả về sức khỏe đối với người dân?

Nhiệt điện than chiếm tỷ lệ lớn

Viện trưởng Viện Năng Lượng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Phạm Khánh Toàn cho biết về cơ cấu ngành điện tại Việt Nam cho đến năm 2030 như sau:
“Hiện nay theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%. Còn lại thủy điện, dầu khí đều giảm. Còn năng lượng mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% vào năm 2030.
Bởi vì hết những nguồn khác như điện hạt nhân, Việt Nam chỉ phát triển làm từ 2 đến 4 tổ máy, thủy điện hết rồi, dầu khí thì không tìm ra mỏ mới để cấp cho nhà máy điện cho nên phải sử dụng than. Trước đây, tính toán cho thấy than rất cao; nhưng vừa rồi theo tính toán lại nhu cầu và phát triển các loại có thể khai thác được thì không cao như trước đây. Trước đây chúng tôi tính than phải dùng 300 triệu tấn than một năm, nhưng nay chừng 40 triệu tấn. Thế rồi công nghệ giúp bớt phát thải đi.”
Hiện nay theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%. Còn lại thủy điện, dầu khí đều giảm. Còn năng lượng mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% vào năm 2030.
-Ông Phạm Khánh Toàn
Thông tin cho biết tại Việt Nam sau khi thủy điện Lai Châu hoàn thành trong thời gian tới đây thì Việt Nam sẽ không còn thủy điện lớn nào nữa. Trong khi đó thì các nhà máy nhiệt điện tiếp tục được khánh thành hay xây dựng theo qui hoạch điện mà thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt.
Vào ngày 1 tháng 10 vừa qua nhà máy nhiệt điện An Khánh 1 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được khánh thành. Vốn đầu tư cho nhà máy này là 4300 tỷ đồng. Công suất nhà máy 120 MW. Nhà máy nhiệt điện An Khánh I do Tập đoàn Điện khí Nhân dân Trung Quốc làm tổng thầu EPC ( hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).
Sau khi nhà máy nhiệt điện An Khánh I hoàn thành, chủ đầu tư dự án Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh chuẩn bị để khởi công nhà máy nhiệt điện An Khánh II tãi thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên vào sang năm. Nhà máy An Khánh II có công suất 300 MW, và vốn đầu tư 10 ngàn tỷ đồng.
Cũng vào đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ( TVK), tiến hành khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tại Nghệ An. Nhà máy này có tổng đầu tư được cho biết chừng 2,2 tỷ đô la Mỹ. Dự kiến đến năm 2020, nhà máy bắt đầu phát điện và mỗi năm cung cấp chừng 6,6 tỷ KWH điện vào lưới điện quốc gia. Nhà máy Quỳnh  Lập 1 có hai tổ máy, mỗi tổ máy công suất 600MW. Đây là 1 trong 2 dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập.
Tại tỉnh Bình Thuận, vào trung tuần tháng 7, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đầu tư theo phương thức BOT ( xây dựng- vận hành - chuyển giao) cũng được Bộ Công Thương phát lệnh khởi công. Đây là 1 trong 4 nhà máy thuộc trung tâm điện lực Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Nhà máy cũng có hai tổ máy với tổng công suất 1200 MW. Tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ 800 triệu đô la Mỹ. 95% vốn của nhà máy do liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc góp, còn lại 5% do Tổng công ty Điện lực Vinacomin thuộc TVK đối ứng. Dự kiến nhà máy Vĩnh Tân 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2019.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng được phát lệnh khởi công hồi tháng 3 năm nay.
Hẳn nhiều người khi nghe nói đến Vĩnh Tân sẽ nhớ lại vụ việc vào tháng tư năm nay khi người dân địa phương phải ra chặn tuyến quốc lộ 1 bởi ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây nên khiến họ không chịu nổi.

Qui định

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung Tâm Kinh tế Môi trường - Đầu tư & Khu công nghiệp, Đại học Xây dựng, trình bày tóm tắt tác động của việc đốt than và những yêu cầu đối với một nhà máy nhiệt điện than được cơ quan chức năng Việt Nam qui định:
“Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2, NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời cũng qui định nước thải không được vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại cho các hệ sinh thái. Đối với chất thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để làm vật liệu xây dựng hay cđối với các hạt bụi có thể gây ra ô nhiễm cho các nguồn nước và các mạnh nước ngầm…”

Tham gia giám sát của cộng đồng

Đường vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Đường vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Vào ngày 29 tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức hội thảo  bàn về những tác hại do nhiệt điện than gây nên cho sức khỏe con người.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo là hằng năm có 4300 người tại Việt Nam chết yểu liên quan đến nhiệt điện than. Con số này có thể tăng lên 25 ngàn người khi mà tất cả các dự án nhiệt điện chạy bằng than theo qui hoạch của chính phủ đi vào vận hành.
Theo GreenID thì nhiều loại khí thải ra từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than như khí ozone khi phản ứng với các phân tử khác trong không khi dưới điều kiện ánh sáng mặt trời sẽ tạo thành sương mù độc hại. Con người hít vào loại sương mù này dần dần sẽ có những triệu chứng tức ngực, ho, khó thở. Đó cũng là nguyên nhân của chứng hen suyễn, sau một thời gian dài sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.
Thế rồi những hạt li ti trong xỉ than mà thành phần là các kim loại và chất hóa học khi con người hít vào có thể len tận mạch máu, gây rối loạn nhịp tim, đau tim, hư phổi…
Ngoài tác hại đến sức khỏe của con người, khói thải từ các nhà máy nhiệt điện than cũng gây tác động đến chất lượng đất, mùa màng ở những vùng chung quanh trong bán kính cả trăm kilomet.
Một thành viên của nhóm nghiên cứu Đại học Havard, ông Lauri Myllyvirta tại hội thảo đưa ra cảnh báo Việt Nam cũng sẽ chịu tình trạng ô nhiễm tương tự như thành phố Bắc Kinh nếu như cứ tiếp tục phát triển nhiệt điện than như kế hoạch hiện nay.
Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Tài nguyên Nước và thích nghi biến đổi khí hậu –CEWAREC, trụ sở tại Hà Nội, hiện tiến hành một số nghiên cứu liên quan những tác hại của nhiệt điện chạy bằng than. Ông Đặng Ngọc Vinh, phó giám đốc CEWAREC cho biết:
“Báo cáo này cũng chỉ trên nghiên cứu bước đầu thôi. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm một số trường hợp nữa để có đánh giá đầy đủ hơn. Vừa rồi mới nghiên cứu một nhà máy thôi. Hiện nay đang chuẩn bị nghiên cứu một nhà máy ở Hải Phòng.  Đối với các nhà máy nhiều khi mình đến họ cũng không tạo điều kiện thuận lợi cho mình làm. Sau khi làm chúng tôi có những khuyến cáo để xử lý và có những thiết bị để bão đảm cho nguồn nước hơn.”

Tuân thủ qui định

Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2…
-GS Phạm Ngọc Đăng
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng thì cho rằng việc phát triển bao giờ cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Các cơ quan chức năng đã đề ra những qui chuẩn về mặt công nghệ, vận hành nhà máy cũng như xử lý các thất thải của nhà máy nhiệt điện. Vấn đề là việc thực thi pháp luật:
“Cơ quan chức năng kỹ thuật môi trường đã qui định mức qui chuẩn nhằm bảo đảm không gây ra những suy thoái cho môi trường chung quanh. Nếu thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc cũng không có những vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng thực tế một số nhà đầu tư, kinh doanh người ta muốn giảm chi phí giải quyết ô nhiễm thì người ta lợi dụng thời cơ ít kiểm tra, kiểm soát …Họ hứa hẹn xử lý nhưng trong thực tế thì không xử lý gì. Có một số nhà máy gây ra ô nhiễm môi trường chung quanh khiến dân kiện cáo căng thẳng.
Theo tôi nếu thực hiện đúng luật pháp, những qui định, qui chuẩn môi trường thì ảnh hưởng có khả năng chấp nhận được. Chứ cơ bản là việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn yếu kém; do cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực cũng như chưa làm tròn trách nhiệm cho nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện.  Tất cả các dự án phát triển đều có mặt tiêu cực và mặt tích cực về sản xuất cà; nếu như thực thi đúng những qui định về quản lý và kỷ thuật thì đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường thôi.”
Theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng khả năng của những quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay vẫn phải sử dụng nguồn nhiệt điện. Ông nói rằng ở Hoa Kỳ hiện vẫn còn nhiệt điện than; tuy nhiên các qui định về môi trường của họ rất nghiêm nhặt.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện có 12 nhà máy nhiệt điện than trên cả nước. Trong thời gian tới có chừng 50 nhà máy được xây dựng mà chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tập đoàn Toyo Ink của Malaysia đang trong giai đoạn hoàn tất 4 thỏa thuận cuối cùng để triển khai thực hiện dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 của Toyo Ink được cho biết sẽ có công suất 2000MW, vận hành theo hình thức BOT trong vòng 25 năm kể từ năm 2021
Mục Khoa học -Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệ
t

Không có nhận xét nào: