Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Tiến Sỹ Nguyễn Quang A - Ai ngăn cản Xã Hội Dân Sự phát triển, sẽ bị lịch sử vất vào sọt rác [*]

Xuân Thọ
Xuân Thọ (XT): Được biết anh vừa tham dự hội thảo„Tự do Internet toàn cầu“ do cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tổ chức, anh nhận định như thế nào về sự phát triển Internet của nuớc nhà và vai trò của nó đối với tiến bộ xã hội ở Việt Nam:
Tiến Sỹ Nguyễn Quang A truớc tòa thị chính Thị trấn Đông Hưng, Trung Quốc, mùa hè 2011
Nguyễn Quang A (NQA): Internet đã được mở ở Việt Nam tháng 11-1997 và đến nay đã có sự phát triển đáng kể với khoảng 30 triệu người dùng. So với các nước trong khu vực, sự tiếp cận Internet ở Việt Nam khá và nó là hạ tầng cơ sở rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nó là công cụ truyền bá và tiếp cận thông tin hữu ích và có vai trò lớn với quá trình tiến bộ xã hội ở Việt Nam.

XT: Rất đồng ý với nhận định của anh về những tiền đề Internet tạo ra để mở rộng không gian cho tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng phần lớn trong hơn 30 triệu người Việt sử dụng phương tiện truyền thông này vẫn sa lầy trong rừng sâu của các loại nhiễu, của những thông tin rẻ tiền được tung lên mạng một cách vô tình hay hữu ý, do đó nhiều vấn đề cấp bách của đất nước như: toàn vẹn lãnh thổ, xung đột về đất đai, tham nhũng quyền lực, lạm dụng luật pháp v.v vẫn còn ít được quan tâm, anh có cảm thấy như vậy?
NQA: Internet, mạng truyền thông xã hội chỉ là công cụ. Hoàn toàn tuỳ thuộc vào người tạo nội dung, tạo thông tin: có nhiều rác rưởi trên mạng, nhưng cũng có nhiều viên kim cương và người sử dụng phải ý thức rõ điều đó và nên thận trọng với thông tin trên các phương tiện này. Việc xây dựng một văn hoá internet lành mạnh là điều quan trọng (không phải bằng sự cấm đoán mà bằng cách xây dựng và tuân thủ những quy định đạo đức về sự trung thực, về các giá trị nhân văn,... và lên tiếng với những sự lạm dụng) và chỉ có bằng cách ấy mới có nhiều nội dung, thông tin hữu ích hơn trên mạng, kể cả những thông tin và nội dung như anh nhắc đến. Tất cả phụ thuộc vào ý thức và thiện chí của mỗi chúng ta, Internet và mạng truyền thông xã hội chỉ là công cụ và người ta có thể dùng công cụ đó cho việc tốt, cho việc vô bổ, thậm chí cho việc xấu xa.
XT: Để có đươc một nền văn hóa Internet lành mạnh ở Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì trong hoàn cảnh không gian tự do ngôn luận bị hạn chế, trong khi nhận thức, trình độ của nhiều người sử dụng nó đang ở giai đoạn sơ khởi?
NQA: Đây là việc rất khó, khó hơn văn hoá báo chí rất nhiều vì Internet là mở và đủ loại người có thể trở thành „nhà báo“. Vấn đề này ở nước ngoài cũng khó và người ta bàn cả ở những nơi như Hội thảo trên ở Stockholm. Ở Việt Nam còn khó hơn nữa vì báo chí chính thống cũng có xu hướng trở thành báo lá cải và bản thân nhà cầm quyền nuôi dưỡng những người gọi là dư luận viên để đánh phá các nhà hoạt động trên cả các mạng xã hội lẫn ở ngoài đời. Trách nhiệm, tuy vậy vẫn thuộc những người viết lách chuyên nghiệp (kể cả các nhà báo). Bạn đọc sẽ dần dần nhận ra thông tin thực sự chính xác, thật có gía trị chỉ có từ các báo hay trang thông tin có uy tín, từ những người có uy tín và như thế vai trò của những người chuyên nghiệp làm việc cho các tổ chức như vậy hết sức quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá này. Các tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS) cũng có vai trò lớn khi họ đưa tin, dùng lời trong đời sống, trong đó có hoạt động online của họ, kể cả viêc huy động dư luận tẩy chay, phê phán các hoạt động vô văn hoá.
Rất đáng tiếc nền giáo dục của Việt Nam, trong thời gian qua đã không làm tốt việc xây dựng văn hoá ứng xử nói chung, trong đó có văn hoá ứng xử trên mạng. Internet và các mạng xã hội là các công cụ và chúng có thể bị lạm dụng để truyền bá sự vô văn hoá hoăc có thể được sử dụng hữu hiệu để xây dựng một nền văn hoá đa dạng, lành mạnh, khoan dung, chấp nhận sự khác biệt nhưng cũng mạnh mẽ phản ứng lại những sự xấu xa. Vấn đề vẫn chính là ở con người, chứ không phải công cụ và trong đó giới trí thức có vai trò to lớn.
XT: Đã có không ít ý kiến nói rằng không gian ảo đang là nơi để các anh hùng bàn phím xả bất bình. Từ đó họ dễ trốn tránh các trách nhiệm xã hội thực tại mà không coi mình là hèn. Hoặc có ý kiến cho rằng không gian ảo tạo ra quá nhiều cơ hội để giới trẻ sa vào cuộc sống vật chất và trở nên vô cảm với nỗi đau của người khác, với các tiêu cực của xã hội. Anh có nghĩ là các nhận định này có cơ sở?
NQA: Chắc chắn là có những người như anh nhắc đến. Chưa có mạng Internet cũng không thiếu những người như vậy, nay có Internet họ xuất hiện có vẻ nhiều hơn do chúng ta nghe „thính hơn“, nhiều hơn, do chúng ta nhìn „xa hơn“, nhiều hơn. Bản thân công cụ này „khuếch đại“ cái ta có thể nhìn, có thể thấy và như tác động bên ngoài, chúng ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của mỗi chúng ta. Tác động đó có thể tích cực (biết sự thật, khích lệ) hoặc tiêu cực như anh nói. Và chúng ta phải ý thức về hiện tượng này chứ không thể coi thường và coi như không có gì mới xảy ra và tìm cách tác động đến nó theo hướng tích cực hơn. Niềm tin, các thang giá trị, văn hoá càng ngày càng có vai trò lớn hơn trong một thế giới như vậy. Nói cách khác, tình hình phức tạp hơn cách nhìn thấy toàn đen (xấu) hay toàn trắng (tốt). Chỉ có nhìn từ nhiều phía, từ nhiều góc cạnh mới có thể thấy rõ hơn và có cách hành động để làm cho tình hình tốt đẹp hơn.
XT: Trong thời gian qua, „báo chí nhân dân“ đã nêu lên hàng loạt các sai lầm trong quản lý nhà nước, trong thi hành luật pháp, góp phần ngăn chặn tác hại của chúng, ví dụ: Hà Nội dừng chặt cây xanh, ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường, các vụ hành hình tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hàn Đức Long và Hồ Duy Hải đang được trì hoãn, hôm 25.10 Tòa án Nhân dân Thanh Hóa đã tạm dừng quyết định tiêm thuốc độc tử tù Lê Văn Mạnh v.v và v.v. Những vụ việc này chứng tỏ hoạt động của các tổ chức XHDS và việc công dân thực thi tự do ngôn luận đang có những đóng góp tích cực cho một xã hội văn minh, cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền. Vậy điều gì giải thích cho thái độ e dè trước một XHDS ở Việt Nam?
NQA: Các tổ chức XHDS và người dân ở VN sử dụng Internet như một công cụ hữu ích để thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình và có đóng góp nhất định trong những ví dụ anh nêu trên và nhiều việc khác nữa. Nhà cầm quyền ngại XHDS và không tạo điều kiện cho XHDS phát triển lành mạnh bởi vì họ hiểu sai về XHDS. XHDS là cần thiết nếu muốn xã hội hoạt động suôn sẻ. Đảng CSVN sợ XHDS phát triển sẽ làm xói mòn độc quyền chính trị của họ, và họ nghĩ thế là đúng. Đảng CSVN nếu muốn thật sự vì dân vì nước như họ nói thì họ phải bỏ độc quyền của mình và sự phát triển của XHDS sẽ góp phần vào sự xoá bỏ độc quyền đó. Nếu họ không bỏ độc quyền và tiếp tục ngăn cản XHDS thì XHDS vẫn phát triển dù có khó khăn và chậm hơn nhưng chắc chắn vẫn phát triển (vì đó là đòi hỏi có tính quy luật của cuộc sống) và những kẻ ngăn cản sẽ bị lịch sử vất vào sọt rác. XHDS không chống lại Nhà nước, không chống lại các tổ chức nhà nước và cũng không thù nghịch với các đảng chính trị. XHDS chỉ làm cho và buộc chúng phải hoạt động minh bạch hơn, có trách nhiệm giải trình hơn với xã hội, như thế xét cho cùng là có lợi cho nhà cầm quyền và đất nước.
Đáng tiếc nhà cầm quyền hiện nay chưa hiểu điều đó và đó là lý do của sự e dè, thậm chí sự chưa tạo điều kiện cho các tổ chức XHDS, nhất là các tổ chức XHDS độc lập chưa được nhà cầm quyền công nhận.
XT: Ý anh là ban lãnh đạo đảng CSVN sợ XHDS phát triển sẽ tiêu diệt thế độc quyền của họ trong xã hội. Từ chỗ sợ mất độc quyền họ lo sợ sẽ mất hết quyền lợi và thậm chí sợ bị trả thù, sợ cho tương lại gia đình con cái. Hậu quả của nỗi sợ vô căn cứ này là các hành động đàn áp và điều đó lúc nào đó sẽ đưa họ đến chỗ bị vứt vào sọt rác của lịch sử… Nhưng thực tế hiện tại ở các nước Đông Âu cho thấy, một khi những người cộng sản chấp nhận bình đẳng chính trị, chấp nhận kiểm soát quyền lực thì họ vẫn có cơ hội không nhỏ trong một xã hội dân chủ. Ở các nước Hungary, Bulgary, Czech các đảng cộng sản biến tướng dưới các tên mới đều đã từng nằm quyền qua phổ thông đầu phiếu. Cựu bộ trưởng cộng sản Kwasnewski đã trúng cử tổng thống Ba-lan hai nhiệm kỳ. Hiện nay đảng cánh tả Đức đang giữ ghế thủ tướng bang Thueringen… Câu hỏi là liệu có những người trong ban lãnh đạo đảng CSVN hiểu được sự thật đơn giản này?
NQA: Sự thể phức tạp hơn một chút. Rất có thể họ (ban lãnh đạo đảng CSVN) không hiểu hết điều anh nhắc đến.
Nhưng đó là trường hợp tốt đẹp (của các nước dân chủ hoá thành công như Ba Lan, Hungary, Bulgary, Czech, Đức mà anh nhắc tới). Bên cạnh đó còn nhiều thí dụ khác có thể được nhắc tới ở trường hợp tốt đẹp đáng học này như ở Mông Cổ, Phillipines, Đài Loan, Indonesia. Tôi nhóm các kinh nghiệm tốt đẹp này trong nhóm kinh nghiệm số 1.
Mông Cổ là nước mà đảng cộng sản nắm quyền từ 1921, bị kẹp giữa 2 nước lớn là Nga và Trung Quốc (ai bảo Việt Nam không thể có dân chủ trước Trung Quốc thì hãy để ý đến Mông Cổ). Những người cộng sản Mông Cổ, sau khi đổi tên đảng từ Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (MPRP) thành Đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP) và đổi cương lĩnh của đảng theo Quốc tế 2 như nhiều đảng lao động hay xã hội dân chủ châu Âu chứ không theo quốc tế 3, đã có vai trò to lớn trong xây dựng nền dân chủ Mông Cổ và được kính trọng.
Đài Loan dân chủ hoá theo chủ trương của chính lãnh đạo Quốc dân Đảng, và Quốc dân Đảng vẫn có vai trò to lớn trong nền chính trị Đài Loan (dẫu họ đã từ bỏ độc quyền).
Philipines dân chủ hoá theo cách khác (nhưng chắc chắn không phải bằng cách mạng đường phố như bề ngoài có thể khiến một số người hiểu lầm) và đã đánh đổ chế độ Marcos, song bộ máy nhà nước cũ, quân đội, cảnh sát chỉ được tiến hoá từ từ. Rất có thể con của nhà độc tài Marcos sẽ là ứng viên tổng thống sáng giá trong cuộc bầu cử tới.
Tại Indonesia tuy tổng thống Suharto bị lật đổ trong chuyển đổi dân chủ, nhưng gia đình ông vẫn còn ảnh hưởng (con rể ông, 1 tướng đặc nhiệm khét tiếng thời ông, suýt thắng tổng thống trong cuộc bầu cử vừa qua).
Có ông tướng, ông tá ở ta sợ mất chế độ thì mất sổ hưu cho thấy hiểu biết của họ ấu trĩ ra sao (trừ khi họ cố ý nói dối vì mục đích doạ nạt người về hưu ít hiểu biết).
Còn có thể kể nhiều trường hợp để thấy những người cộng sản Việt Nam có thể chưa hiểu rằng trong chế độ dân chủ họ sẽ không bị mất đầu, không mất sổ hưu, không bị đàn áp xua đuổi như họ đã làm vô cùng tàn bạo khiến nhiều triệu người phải bỏ tổ quốc ra đi sau 1975. Nếu hiểu họ sẽ không sợ bị mất quyền lợi, bị trả thù.
Tuy vậy, họ lại hay nhắc đến những trường hợp không đáng học (Thái Lan, các nước Arab,...) như lý do giữ độc quyền mà tôi sẽ nói tới ở trường hợp 3).
2) Trường hợp dở nhưng chưa phải xấu nhất, không nên học là trường hợp của nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây. Tại phần lớn các nước này vẫn là các chế độ độc tài do các cựu lãnh đạo cộng sản trị vì (Belaruss, Turmekistan chẳng hạn) hay các chế độ độc đoán (tuy có hình thức đa đảng) như Nga. Tại các nước này chưa có nền dân chủ và kinh tế kém phát triển hẳn so với các nước đã dân chủ hoá thành công.
3) Trường hợp xấu cũng chẳng đáng học, xấu có mức độ như Thái Lan nơi đảo chính liên miên đánh đổ nền dân chủ non trẻ, và tồi tệ hơn như Ai Cập (nơi cách mạng đường phố dẫn đến sự sụp đổ của Mubarak để dựng lên chế độ còn tồi hơn) hoặc tồi nhất như Lybia (hành hình Kaddafi và đất nước tan rã)
Như thế có nhiều bài học kinh nghiệm và có vẻ những người Cộng sản VN sợ kinh nghiệm 2) và 3) nhưng không (hay cố tình không) chú ý đến những kinh nghiệm đáng học 1) mà chỉ đưa ra những kinh nghiệm nên tránh để làm lý do khư khư giữ độc quyền.
XHDS chủ trương học những kinh nghiệm tốt đẹp của các nước dân chủ hoá thành công và rút kinh nghiệm để tránh của các trường hợp 2) và 3) kể trên.
Nếu những người CSVN cũng hiểu bản chất của XHDS như những người khởi xướng XHDS chủ trương thì họ chẳng có lý do gì để e sợ.
Bỏ độc quyền, ủng hộ XHDS và thúc đẩy dân chủ hoá đất nước, đó là cách duy nhất để những người CSVN có thể giữ được quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế và quyền lực văn hoá của họ, ngược lại họ sẽ bị lịch sử vất vào sọt rác (xin nhắc lại kết luận tôi đã viết ra từ 2005 và nhắc đi nhắc lại nhiều lần).
XT: Xin Cảm ơn anh Nguyễn Quang A
[*] Nhan đề do Dân Luận đặt

Không có nhận xét nào: