Pages

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Biển Đông: giờ phút của sự thật

Tàu chiến Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý của các bãi đá Trung Quốc bồi lấp trái phép chính là thời điểm Trung Quốc phải "hiện nguyên hình" 5 vấn đề cả thế giới hồ nghi. 

Luật pháp cùng các công ước quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) đang được thử thách khi khu trục hạm USS Lassen của hải quân Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý của bãi đá Xu Bi trong khu vực quần đảo Trường Sa (Việt Nam).


Tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Việc tàu Mỹ hay của bất cứ nước nào đi vào phạm vi 12 hải lý này ở bãi đá ngầm Xu Bi hay ở bất cứ bãi đá ngầm nào khác là hoàn toàn hợp pháp, đúng với nội dung của UNCLOS. Tỉ như quyền “đi qua không gây hại” (passage inoffensif) hoặc định nghĩa của các bãi cạn lúc chìm lúc nổi. Như có thể đọc được trong Công ước luật biển: 



ĐIỀU 13. Bãi cạn lúc chìm lúc nổi 


1. “Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (haut-fonds découvrants) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải. 


2. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì chúng không có lãnh hải riêng. 


Điều 60 thuộc Phần V: “Đảo nhân tạo, cơ sở và công trình kiến trúc không có quy chế hải đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa”. 


Những công trình nhân tạo này và các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ngoài biển, cách xa đất liền hay một đảo tự nhiên khác ở một khoảng cách trên 12 hải lý đều chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét. 


Đúng theo tinh thần cả điều khoản trên của Công ước luật biển, những bãi mà phía Trung Quốc, sau khi đã tự ý bồi đắp, cải tạo để biến thành điều mà Trung Quốc nay gọi là “đảo” và tự ấn định lãnh hải 12 hải lý, đều không có giá trị pháp lý để có thể giăng ra một biển cấm ở khoảng cách 12 hải lý. 


Việc tàu Mỹ hay của bất cứ nước nào khác, kể cả Việt Nam, có đi vào trong khoảng cách đó cũng là đúng theo tinh thần UNCLOS, không thể nào bị cấm cản hay gọi là “khiêu khích” … 


Khoan nói chuyện các bãi đá trên có phải là “chủ quyền lịch sử” hay không vốn cần được tài phán bởi các tòa án quốc tế, mọi phản ứng của Bắc Kinh trong giờ phút này và sau này, với tàu Mỹ hay tàu nước khác ở khu vực tự do hàng hải, hàng không đó, sẽ cho thấy Trung Quốc có: (1) nhận thức, thừa nhận và tôn trọng luật pháp quốc tế như cả thế giới hay không - (2) thực sự muốn “phát triển hòa bình” hay không như vẫn đang tự giới thiệu - (3) có không quân sự hóa biển Đông hay không - (4) có không tham vọng cưỡng đoạt biển Đông hay không - (5) có đáng tin hay không như là một nước cùng châu lục, láng giềng hay gì gì khác? Đây chính là giờ phút sự thật! 


Trong quá khứ gần, một đoàn năm tàu chiến Trung Quốc vào đầu tháng 9 đã sử dụng quyền đi qua không gây hại đó ở khu vực quần đảo Aleutian, ở Alaska. Nơi đó không xa chỗ Tổng thống Mỹ đang viếng thăm, song phía Mỹ, qua lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Bill Urbano, cho rằng hoạt động của các tàu này là không mang tính đe dọa và “chúng tôi tôn trọng quyền tự do vận hành các tàu quân sự trên vùng biển quốc tế, theo luật pháp quốc tế"./Danh Đức (ZING)

Không có nhận xét nào: