Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Việt Nam 'chờ Obama đón Tập Cận Bình'

Image copyrightAFP
Image captionTổng thống Obama trong chuyến thăm đến Indonesia năm 2011
Trái ngược với nhiều dự đoán, Tổng thống Mỹ Barack Obama không ghé thăm Việt Nam trong dịp ông tới Philippines và Malaysia tháng 11 này.
Với chuyến thăm Philippines và Malaysia sắp tới, Tổng thống Obama sẽ có đến chín chuyến công du ở châu Á – trong đó ông đã một lần đến Singapore (2009), Cambodia (2012), Thái Lan (2012) và hai lần tới Indonesia (2010, 2011), Myanmar (2012, 2014), Malaysia (2014, 2015), Philippines (2014, 2015).

Như vậy, chỉ có ba nước trong ASEAN – Brunei, Lào và Việt Nam – ông chưa thăm.
Xoay trục châu Á là một ưu tiên của Tổng thống Obama và ông có nhiều chuyến công du tới khu vực này cũng vì ưu tiên ấy.
Xét về địa chính trị, lại là một nước khá lớn về dân số, kinh tế so với nhiều nước ASEAN khác, Việt Nam là nước tương đối quan trọng trong chính sách xoay trục của Mỹ.
Nhưng ông đã không thăm Việt Nam trong những lần đến châu Á một phần vì giữa Mỹ và Việt Nam có nhiều khác biệt, bất đồng – đặc biệt về vấn đề nhân quyền, dân chủ, tự do.
Với Mỹ và Tổng thống Obama nói riêng những vấn đề đó đóng một vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao.
Ông đến thăm Indonesia, Malaysia và Myanmar cũng vì muốn ghi nhận, khuyến khích tiến trình dân chủ hóa đã và đang xảy ra tại đây.
Trong khi đó, tuy có những cởi mở nhất định, Việt Nam đã không tiến hành những cải cách đáng kể về chính trị.

Chờ phản ứng của Việt Nam?

Vì thái độ khá hung hăng, mạnh bạo của Trung Quốc gần đây, Hoa Kỳ và Việt Nam đã cố gắng giảm và vượt qua những khác biệt để củng cố quan hệ song phương.
Trong một chừng mực nào đó Washington đã nhún nhường trước Hà Nội trong vấn đề nhân quyền và công khai thừa nhận thể chế chính trị của Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tới Mỹ và được chính Tổng thống Obama tiếp đón nồng nhiệt, trang trọng ngay trong phòng Bầu Dục chứng tỏ điều đó.
Trước, trong và sau chuyến thăm lịch sử ấy, phía Mỹ luôn nhấn mạnh rằng nước này không có mục đích chống phá chế độ hay gây phương hại gì cho Việt Nam như một số lãnh đạo, quan chức Việt Nam thường nghi ngờ.
Trái lại, Mỹ chỉ muốn Việt Nam thực sự độc lập, vững mạnh và thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.
Mỹ khuyến khích – nếu không muốn nói là đồng ý để – Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) cũng chỉ vì muốn Việt Nam trở thành một quốc gia như vậy.
Trước sự nhún nhường, thiện chí ấy của Mỹ, giới lãnh đạo Việt Nam bớt nghi ngại Washington và nhờ đó, quan hệ Việt-Mỹ đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua.
Cũng vì thế, giới quan sát cho rằng một chuyến thăm của Tổng thống Obama dịp ông đến Đông Nam Á lần này sẽ là một cơ hội tốt để ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quan hệ Mỹ-Việt cũng như đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới.
Chuyến thăm của ông Obama cũng chứng tỏ chính quyền của ông coi trọng quan hệ với Hà Nội.
Image copyrightAFP
Image captionHoa Kỳ khuyến khích Việt Nam gia nhập TPP
Image copyrightU.S. Navy photo
Image captionUSS Lassen của Hoa Kỳ đang đóng vai trò quan trọng tại Biển Đông
Nhưng ông lại không thăm Việt Nam tháng tới.
Trong một lần trả lời BBC gần đây, ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC cho rằng ông Obama không ghé Việt Nam vì không có thời gian, trong khi ông muốn ở lại Việt Nam ‘vài ngày’.
Chuyên gia này cũng cho rằng ông Obama sẽ đi Việt Nam năm 2016.
Ít hay nhiều nhận định như vậy cũng có lý vì trước khi đến Philippines và Malaysia để tham dự Hội nghị APEC và Hội nghị Đông Á tại Manila (18-19) và Kuala Lumpur (21-22), ông Obama sang Thổ Nhĩ Kỳ dự Hội nghị nhóm G-20 (14-16).
Nhưng một chuyến thăm hai hoặc ba ngày tại Việt Nam sau khi ông rời Malaysia không phải là không thể, nếu ông thực sự muốn điều đó.
Chuyến đi châu Á đầu tiên của ông năm 2009 kéo dài bảy ngày (13-19/11) và ông đã thăm Nhật, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc trong thời gian ấy.
Năm 2014, ông cũng có chuyến thăm kéo dài bảy ngày (23-29/04) tới Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Ngoài chuyện hạn hẹp thời gian, có thể còn có những yếu tố khác làm Tổng thống Obama không ghé thăm Việt Nam dịp này.
Một trong những lý do ấy là Mỹ đã làm những gì có thể – như đã có những nhượng bộ, thiện chí, cố gắng – để củng cố quan hệ với Việt Nam nên ông Obama thăm lúc này cũng không còn quá cần thiết cho quan hệ Mỹ-Việt.
Hơn nữa, vì đã làm những điều đó, có thể giờ Washington đang chờ một phản ứng rõ ràng hay thái độ tích cực nào đó từ Hà Nội.
Việc Hoa Kỳ đưa tàu USS Lassen vào tuần tra tại một khu vực chỉ cách các đảo do Trung Quốc tự xây trên Biển Đông 12 hải lý – một giới hạn mà luật pháp quốc tế cho phép – chứng tỏ Mỹ đã công khai thách thức, đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo.
Nên có thể cũng đã đến lúc Washington muốn các nước trong vùng như Việt Nam rõ ràng bày tỏ lập trường của mình.
Phản ứng chậm chạp và mập mờ của Việt Nam về động thái đó của Mỹ sẽ không giúp gì cho quan hệ Mỹ-Việt.

Nhân sự Việt Nam chưa ngã ngũ?

Một lý do khác có thể khiến ông Obama không ghé Việt Nam dịp này – và rất có thể ông chỉ tới Việt Nam sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản vào năm tới – là vấn đề nhân sự chóp bu ở Việt Nam vẫn chưa được quyết định.
Không ít người nhận định rằng chuyện lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc thăm Việt Nam trước Đại hội XII sẽ tác động rất lớn đến việc bầu chọn nhân sự chóp bu cũng như đường lối đối ngoại của Việt Nam trong những năm tới.
Image copyrightAFP
Image captionTrung Quốc có cách tiếp cận Việt Nam khác Hoa Kỳ
Image copyrightAFP
Image captionViệt Nam không có thay đổi cơ bản về chính trị
Có thể nói dù biết rõ việc ai hoặc thành phần nào trong Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu vào các vị trí chủ chốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc, Washington không muốn – và cũng không cần – gây áp lực gì với Việt Nam trong vấn đề bầu chọn lãnh đạo.
Bằng quyết định không đến Hà Nội thời điểm này, Tổng thống Mỹ muốn cho giới lãnh đạo, quan chức Việt Nam cũng dư luận nói chung thấy Washington không can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam.
Trong mắt một số lãnh đạo Việt Nam, Mỹ có âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ nhằm chống phá chế độ độc đảng ở Việt Nam. Hà Nội cũng thường cho rằng Washington can thiệp vào chuyện nội bộ của mình mỗi khi Mỹ đề cập đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Nhưng đến giờ chưa thấy ai nói hay có bằng chứng nào cho thấy Mỹ can thiệp vào bầu chọn lãnh đạo ở Hà Nội.
Đây là một điểm khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hoa Kỳ chỉ nêu những bất cập, giới hạn của Việt Nam trong một vài vấn đề như nhân quyền để Việt Nam cải thiện.
Còn Bắc Kinh luôn tìm cách tác động lên nhân sự Việt Nam để hướng Hà Nội đi theo hay thậm chí lệ thuộc vào mình.
Image copyrightSAUL LOEB AFP Getty Images
Image captionCác nguồn tin suy đoán rằng ông Obama sẽ thăm Việt Nam vào 2016
Chẳng hạn, như cố Đại sứ Trần Quang Cơ và một số nguồn khác tiết lộ, Bắc Kinh đã gây áp lực lên lãnh đạo cao cấp ở Hà Nội, buộc họ phải loại ông Nguyễn Cơ Thạch khỏi Bộ Chính trị và chức Bộ trưởng Ngoại giao tại Đại hội VII năm 1991.
Thiếu vắng một nhà ngoại giao rất thức thời, cởi mở, nhạy bén như cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, trong những năm 1990 – khi Việt Nam đang tìm cách hội nhập với thế giới – giới lãnh đạo Việt Nam đã hướng theo và lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và như vậy cũng bỏ lỡ nhiêu cơ hội để tiến hành cải cách và giúp đất nước phát triển.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam tuần tới cũng nhằm mục đích đó – đặc biệt khi thành phần cởi mở, thân Mỹ trong giới lãnh đạo Việt Nam càng chiếm ưu thế và Hà Nội đang xích lại gần với Washington sau chuyến Mỹ của ông Trọng.
Đây cũng là lý do tại sao sự có mặt của ông Tập ở Hà Nội lúc này khiến dư luận Việt Nam thấy lo ngại.
Nhưng trước những hành động bành trướng ở Biển Đông của Trung Quốc và với thái độ cương quyết của một số lãnh đạo Việt Nam gần đây – trong đó có tuyên bố rất rõ ràng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi ông đến New York tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng Chín vừa qua – có thể giới lãnh đạo Việt Nam không còn dễ dàng để Bắc Kinh chi phối.
Nếu có một thái độ như thế, sau Đại hội XII Việt Nam sẽ có một giàn lãnh đạo mới tự tin, cởi mở, có xu hướng cải cách. Và đó có thể cũng là thời điểm tốt để Việt Nam đón Tổng thống Obama.

Không có nhận xét nào: