Pages

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Nên để ai làm lãnh đạo TP Hà nội?

           Ảnh: Ngày đầu ông Nguyễn Thế Thảo về nhậm chức ở Hà Nội. Nguồn: VnExpress.net

Tám năm ùn tắc ở Thủ Đô

Cũng chỉ còn chưa trọn một năm nữa là ông Nguyễn Thế Thảo kết thúc hai nhiệm kỳ làm chủ tịch Hà Nội. Tuy chưa phải là lúc ông Thảo rời sở nhiệm để về vui thú điền viên, vẫn còn nhiều việc phải làm cho đến thời điểm bầu cử mới.

Nhưng tổng kết lại một quá trình dài cũng có nhiều điều để suy nghĩ.

Nhớ ngày nào từ Bắc Ninh được chỉ định về Hà Nội ông hừng hực đầy tâm huyết. Với hiểu biết của một kiến trúc sư ( học ở Ba Lan) và những thành công ấn tượng ở Bắc Ninh ông muốn „ một Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, xứng ngang tầm đô thị lớn trong khu vực…“.

Hà Nội xưa nay vẫn là đô thị đầu đàn của Việt Nam. Hà Nội đất chật người đông. Lại là nơi cơ quan công quyền đóng đô. Tuy đứng đầu Hà Nội, nhưng người điều hành cũng phải lụy cơ quan cao hơn. Không phải muốn làm theo ý chí riêng của mình mà được. Vì thế quản lý Hà Nội không hề đơn giản một tí nào. Người Hà Nội khá nhạy cảm với mọi phán quyết của chính quyền. Làm tốt chưa chắc đã được khen, nhưng làm dở thì ngay lập tức bị chê nhiều. Đó là một điều khó đầu tiên.

Điều thứ hai là Hà Nội mở rộng lãnh địa. Tỉnh Hà Tây bị giải thể, nhập vào Hà Nội. Do địa bàn lớn hơn, dân số đông lên nhiều, thành phần xã hội phức tạp hơn thì quản lý cũng khó hơn.

Phải công nhận rằng trong tám năm qua Hà Nội cũng có nhiều cố gắng đáng khen, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của ông Thảo. Thế nhưng Hà Nội vẫn luẩn quẩn đóng khung trong một đô thị lớn ồn ào, hỗn loạn và ùn tắc.

Dân Hà Nội hình như không thích tính cách của ông Thảo. Thời kỳ đầu mới về Hà Nội và chỉ đạo lát đá Bờ Hồ ông thể hiện tính quyết đoán. Ông cho rằng lãnh đạo không nhất thiết phải hỏi dân. Người Hà Nội đã nhảy tưng tưng về phát ngôn này.

Đỉnh điểm cao trào sự nghiệp của ông Thảo chắc là thời điểm 1000 năm Thăng Long. Vị chủ tịch rất mạnh mẽ và xông xáo. Hà Nội mạnh tay đầu tư cho sự kiện này. Thế nhưng ngay sau đó thì hàng loạt công trình đã bộc lộ thi công ẩu, lãng phí công quỹ. Đến nay nhiều công trình vẫn còn chưa được sử dụng.

Mặc dù thành phố Hà Nội đầu tư khá nhiều ngân quỹ cho hạ tầng cơ sở, nào điện nước, nào giao thông, nào chống ngập lụt…thế nhưng khi vận hành thì hiệu quả không mang lại như trông đợi.

Những quy hoạch hoành tráng cho tầm dài của Thủ Đô rất hoành tráng, khoảng 80 tỉ đô, trong khi nguồn thu của thành phố chỉ vỏn vẹn 4 tỉ đô thì mới thấy rằng nó không thực tế. Vì thế Hà Nội vẫn chỉ nằm trong khuôn khổ lấy ngắn cắn dài mà không bài bản thiết thực.

Tổng kết xếp hạng các tỉnh và đô thị lớn, Hà Nội tụt nhiều hạng, nhiều chỉ tiêu không đạt mặc dù có nhiều tiềm năng. Có nghĩa nó chỉ ra điều, ông Nguyễn Thế Thảo không mấy thành công ở Hà Nội.

So với hai vị tiền nhiệm là ông Hoàng Văn Nghiên và ông Nguyễn Quốc Triệu thì vai trò chủ tịch của ông Nguyễn Thế Thảo có phần mờ nhạt bên vị trí Bí thư thành ủy. Thời ông Nghiên và ông Triệu có nhiều quyền lực hơn. Bí thư ít can thiệp vào công việc của Thành phố. Nhưng trong hai nhiệm kỳ vừa qua ông Phạm Quang Nghị có nhiều chỉ đạo cụ thể, thậm chí là trực tiếp vào công việc hành chính của thành phố vì thế ông Thảo có phần nào đuối.

Một thành phố lớn đang trên đà phát triển thì ùn tắc và hỗn loạn cũng là một điều dễ hiểu. Dân số tăng nhanh, các công trình xây dựng nhiều, các công trình hạ tầng giao thông và các dịch vụ bùng nổ là một thách thức lớn. Điều này cần có thời gian. Nếu chưa làm được thì đấy còn có yếu tố khách quan.

Nhưng chủ quan mà có các chính sách do mình lập ra mà sai lầm thì thật đáng tiếc. Vụ thay thế cây xanh ở các phố Hà Nội là một sai lầm mà người Hà Nội không thể tha thứ được. 

Dân Thủ đô ngày đêm đang lo ngay ngáy mất nước vì đường ống dẫn nước từ sông Đà luôn bị vỡ. Họ đang oán các ông quản lý ở thành phố.

Nay lại thêm vụ „ pháo đài“ trong trung tâm hành chính chính trị của Thủ đô nữa thì uy tín của ông Thảo cũng chẳng còn gì nữa.

Một đô thị lớn như Hà Nội quản lý không hề đơn giản. Người đứng đầu phải thuyết phục được dân, phải được lòng dân và cũng phải hết sức thông minh sắc sảo.

Mẫu hình một lãnh đạo như ông Bùi Quang Vinh ( bộ Kế hoạch-Đầu tư) là dễ chấp nhận nhất. Ông Vinh vừa là người Hà Nội, hiểu văn hóa Hà Nội, sắc sảo và lịch lãm. 

Thế nhưng mẫu người như thế thì quả là hiếm hoi. Ông Vinh cũng hết tuổi làm việc. Tiếc thật.

Một Hà Nội hỗn loạn ùn tắc lại nhiều „sứ quân“ thì một người quyết liệt và có tính cách mạnh như ông Đinh La Thăng cũng được.

Dân Choa

(FB Dân Choa)

Không có nhận xét nào: