Pages

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Những thay đổi mới trong điều trị bệnh HIV theo hướng dẫn của WHO

Việt Hà, phóng viên RFA

Các thiếu nữ trẻ mặc đồng phục y tá hấp dẫn phát bao cao su cho hành khách trong một chiến dịch phòng chống AIDS vào Ngày Thế giới phòng chống AIDS tại một trạm tàu điện ngầm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc

Các thiếu nữ trẻ mặc đồng phục y tá hấp dẫn phát bao cao su cho hành khách trong một chiến dịch phòng chống AIDS vào Ngày Thế giới phòng chống AIDS tại một trạm tàu điện ngầm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc
 AFP




Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây công bố một bản hướng dẫn về điều trị người nhiễm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV. Những thay đổi trong điều trị mới là gì? Việt Hà có bài tìm hiểu trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này.


Chấm dứt nạn dịch HIV/AIDS
Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt sự lây lan của virut HIV và cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra một bản hướng dẫn mới về điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS với những thay đổi được các chuyên gia y tế đánh giá là quan trọng và cần thiết.
Nói về bản hướng dẫn mới so với những hướng dẫn trước đây của WHO, bác sĩ John Bladford, PHó Giám đốc văn phòng chống HIV và Lao toàn cầu thuộc cơ quan kiểm soát và phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cho biết
Bs. John Bladford: bản hướng dẫn mới của WHO rất quan trọng vì nó khuyến cáo việc điều trị bệnh ngay từ sau khi có chẩn đoán bệnh thay vì đợi đến khi có bằng chứng về những dấu hiệu suy giảm trong sức khỏe của người bệnh. Điều này rất quan trọng vì sẽ có nhiều người nhiễm bệnh được tiếp cận hơn so với trước kia.
Theo hướng dẫn mới, người nhiễm HIV được khuyên nên bắt đầu uống thuốc kháng virut là thuốc ART ngay từ lúc mới phát hiện bệnh thay vì đợi đến khi có các dấu hiệu sức khỏe giảm sút. Ngoài ra, cũng theo hướng dẫn mới, những người nằm trong nhóm có nguy cơ bị nhiễm HIV cũng được khuyên nên uống thuốc chống phơi nhiễm gọi là thuốc prophylaxis (hay còn gọi là PrEP). Hướng dẫn trước của WHO khuyến cáo người nhiễm HIV bắt đầu uống thuốc khi mức CD4 trong máu xuống tới mức 500. Hướng dẫn mới khuyến cáo người nhiễm bệnh uống thuốc ngay khi vừa phát hiện có virut không cần tính đến mức CD 4 bao nhiêu. Theo bác sĩ John Bladford, hướng dẫn điều trị mới dựa trên những nghiên cứu khoa học và các tiến bộ trong y tế gần đây trong việc điều trị HIV/AIDS
Bs. John Bladford: các nghiên cứu chỉ ra rằng việc đợi cho đến khi được điều trị là không tốt cho sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân có sức khỏe tốt là những người được điều trị ngay khi mới được chẩn đoán bệnh. Những quan ngại liên quan đến việc điều trị sớm là do những loại thuốc trước kia có công thức có những tác dụng phụ và khó uống. Thuốc bây giờ tốt hơn và người bệnh dùng thuốc sớm thì vẫn có được cuộc sống bình thường và tuổi thọ bình thường. Cho nên điều quan trọng là người bệnh nên được uống thuốc sớm. Một điều quan trọng khác nữa là khi người bệnh dùng thuốc thì họ cũng khó truyền bệnh cho người khác. Cho nên điều trị sớm không chỉ tốt cho sức khỏe người bệnh mà còn cho cả những người khác.
WHO không đưa ra con số ước đoán có bao nhiêu người có nguy cơ nhiễm HIV sẽ được tiếp cận với thuốc chống phơi nhiễm, tuy nhiên UNAIDS, cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc ước tính sẽ có thêm khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới, bao gồm phụ nữ và các em gái ở châu Phi sẽ được uống thuốc phòng chống phơi nhiễm. Đánh giá về tầm quan trọng của thay đổi mới này trong hướng dẫn của WHO, bác sĩ John Bladford cho biết:
Bs. John Bladford: đây là cách làm rất hiệu quả, ngăn chặn đến 95% khả năng lây nhiễm bệnh nếu dùng thuốc đúng cách. Đây là cách làm hiệu quả trong việc ngăn chặn HIV và chúng tôi rất vui thấy WHO ủng hộ cách này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một bản hướng dẫn mới về điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một bản hướng dẫn mới về điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS

Theo bác sĩ Bladford, đây cũng là cách tiếp cận mà Hoa Kỳ đã áp dụng từ 2 năm qua.
Hướng dẫn mới là một bước tiến tiếp theo sau hướng dẫn trước đó vào năm 2013 của WHO vốn cũng được coi là một bước tiến quan trọng. Vào năm 2013, WHO khuyến cáo các bác sĩ nên cho người nhiễm HIV uống thuốc sớm hơn những mức trước đó với mục tiêu nâng con số người uống thuốc kháng HIV lên 26 triệu người trên toàn thế giới, tương đướng với 80% số người đang nhiễm HIV tính tới thời điểm năm 2013. Mục tiêu được đưa ra lúc đó cũng nhằm giảm sự lây lan của căn bệnh và cải thiện sức khỏe người bệnh.
Theo Chương trình phòng chống AIDS của Liên hiệp quốc, trong vòng hơn 30 năm qua, kể từ khi HIV lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới, đã có khoảng 25 triệu người chết vì virut này. Tuy nhiên những năm gần đây, con số người chết do nhiễm virut HIV đã có dấu hiệu giảm. Năm 2005, con số người chết do HIV trên toàn thế giới là 2 triệu ba trăm ngàn người, nhưng đến năm 2011, con số này đã giảm xuống còn 1 triệu 7 trăm ngàn người. Nguyên nhân được cho là do các tiến bộ y học trong việc điều chế thuốc kháng virut cho người bệnh.
Mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đặt ra cho năm 2015 là giảm 50% các ca nhiễm mới HIV do quan hệ tình dục không an toàn, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, giảm 50% các ca nhiễm mới HIV trong những người tiêm chích ma túy.
Các nước đã sẵn sàng?
Với bản hướng dẫn mới, các chuyên gia về HIV/AIDS trên thế giới ước tính sẽ có thêm hàng triệu người trên thế giới cần được tiếp cận với thuốc kháng HIV và chống phơi nhiễm, phần lớn trong số họ sống ở các nước thuộc châu Phi. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí để có thêm thuốc đưa đến người dân, nhất là người dân ở những nước nghèo và đang phát triển. Trong khi đó hướng dẫn mới của WHO không nói mỗi nước phải làm gì mà để từng nước quyết định chính sách của riêng mình cho phù hợp. Hiện tại, trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu người đang dùng thuốc kháng HIV, và con số này chỉ chiếm chưa đầy một nửa số 37 triệu người được xác định là nhiễm HIV trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, con số thống kê được Bộ Y tế công bố tính đến tháng 7 năm 2015 là 227,000 ca nhiễm HIV được báo cáo. Trong số này có khoảng 100.000 được dùng thuốc ARV. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị với thuốc ARV về các trạm y tế xã. Hiện đã có 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS. Việt Nam mới đây cũng đã nâng ngưỡng điều trị ARV lên mức CD4 nhỏ hơn 500 thay vì nhỏ hơn 325 như trước kia. Việt Nam cũng đã bắt đầu tiến hành điều trị thuốc ARV ngay cho những người vừa phát hiện nhiễm HIV không phụ thuộc vào chỉ số CD4 và thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, như những người tiêm chích thuốc, hoạt động mại dâm.
Hiện tại, khoảng 95% nguồn thuốc ARV của Việt Nam là do tài trợ từ các tổ chức quốc tế và chỉ có 5% là từ ngân sách nhà nước. Dự tính nguồn tài trợ quốc tế sẽ bị cắt giảm vào đầu năm 2016 và chấm dứt vào cuối năm 2017. Theo ông Nguyễn Hoàng Long thì Việt Nam cần sớm có giải pháp tổng thể để tìm kiếm nguồn tài chính bền vững vì hầu hết người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam là người nghèo, không có khả năng chi trả các chi phí dịch vụ và thuốc. Hiện tại, Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Theo các chuyên gia về y tế cộng đồng tại Việt Nam thì đây là một hướng tiếp cận hiêu quả để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng, trong đó có HIV/AIDS.
Bác sĩ John Bladford thì cho rằng, với việc áp dụng các khuyến nghị mới của WHO, về lâu dài, các nước sẽ tiết kiệm được những chi phí đáng kể
Bs. John Bladford: chi phí cho thuốc điều trị bệnh đã giảm rất nhiều khi mà việc điều trị được tăng lên. Hiện cả thế giới có khoảng 15 triệu người được điều trị, và hiện có khoảng 22 triệu người khác cần được điều trị. Họ có HIV nhưng chưa được chẩn đoán. Điều quan trọng là chúng ta cần phải tìm ra các nguồn bổ sung để điều trị cho những người này. Nếu chúng ta có thể làm được điều này chúng ta có thể đảo ngược được tình thế, về số người bệnh cũng như chi phí điều trị, và chi phí cho cộng đồng.
Mặt khác, theo bác sĩ Bladford, do tiến bộ của khoa học, thuốc điều trị HIV mới không còn quá đắt đỏ và gây những tác dụng phụ như trước kia. Điều này có nghĩa là giảm được các chi phí thăm khám và chữa bệnh cho người nhiễm HIV, tiết kiệm chi phí để dồn nguồn lực cho những bệnh nhân chưa được tiếp cận với thuốc điều trị.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.orghoặc www.facebook.com/vietharf
a

Không có nhận xét nào: