Hai trong số các sự kiện đang nằm ở tâm điểm chú ý của dư luận Việt Nam là vụ một Giám đốc sở 30 tuổi mới nhậm chức ở tỉnh Quảng Nam và tòa cao ốc đang gặp rắc rối ở số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội hàm chứa nhiều vấn đề và dấu hỏi phía sau, trong đó có vấn đề 'quy trình' và câu hỏi liệu có 'tranh chấp nội bộ'.
Đó là ý kiến của một số vị khách xoay quanh cuộc Tọa đàm Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với chủ đề "Giám đốc trẻ và nhà vượt Lăng" với sự tham gia của các khách mời là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, các nhà báo, bloggers từ Hà Nội và Đà Nẵng là các ông Nguyễn Xuân Diện, Trần Tiến Đức và Trương Duy Nhất.
Trước hết, từ thành phố Đà Nẵng, blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất bình luận về việc vì sao sự kiện ông Lê Phước Hoài Bảo, người vừa ngồi vào ghế Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư ở tỉnh này ở tuổi 30 lại được dư luận quan tâm chú ý đến như vậy.
Ông Trương Duy Nhất nói: "Nó quan tâm là như thế này, nó hơi ngược, đáng lý đúng xu thế người ta cần, người ta chờ mong ở một đội ngũ quan chức trẻ, được học hành bài bản, lớp lang như thế, thì đó đáng lý là phải mừng, chờ đón chứ.
"Nhưng đây người ta có những phản ứng, thậm chí người ta phản đối, thì cái đó nghe có vẻ ngược, nhưng nó xuất phát bởi cái gì? Bởi đó là những ông quan được xuất thân từ những gia đình mà (là) quan chức cấp cao.
"Nếu họ không phải là những cậu ấm thì sự việc đó rất bình thường, được người ta chờ đón chứ không đến nỗi gì để dư luận phải rung lên, nóng đến như thế cả."
Khó lật lại?
Tin cho hay, Bộ Nội vụ của nhà nước Việt Nam đã quyết định điều tra vụ bổ nhiệm với vị tân giám đốc sở ở Quảng Nam, mà theo tờ báo mạng VietnamNet cho biết, thì Bộ này đã ' thành lập tổ công tác làm việc với Quảng Nam, kiểm tra hồ sơ xem xét việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Phước Hoài Bảo'.
Bình luận với BBC ngay sau cuộc Tọa đàm bàn tròn cùng ngày 01/10/2015, blogger Trương Duy Nhất cho rằng 'khó thay đổi' vị trí của vị quan chức trẻ ở địa phương này.
Ông nói:
"Bây giờ bảo xem lại trường hợp ông (Lê Phước Hoài) Bảo có đúng không để bây giờ cho ông nghỉ, để cho người khác làm, thì tôi không thích giải quyết theo kiểu đó.
"Mà tôi nghĩ cách giải quyết là xem lại cái cơ chế bổ nhiệm sau này của chúng ta (Việt Nam), xem lại cơ chế của Chính phủ, của quốc gia để sau này nó khỏi lặp lại những trường hợp như thế.
"Chứ bây giờ nói xem lại, bổ nhiệm lại những ông này khó lắm, không được đâu, đất nước nào (chứ) đất nước này khó lắm," ông Trương Duy Nhất nói với BBC.
'Vô trách nhiệm'
Liên quan vụ việc rắc rối với tòa cao ốc ở 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội, một vấn đề nóng khác đang ở trung tâm của dư luận tại Việt Nam, khách mời Tọa đàm, nhà báo tự do Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Giáo dục và Truyền thông của một Ủy ban Dân số thuộc Chính phủ Việt Nam, bình luận:
"Thành phố Hà Nội hôm nay, tôi có đọc trên báo, thì thấy rằng đã có kết luận và nói rằng chủ trương như vậy là đúng, đã được thông qua, và cũng lại nhắc lại ý của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (một khách mời tại Tọa đàm), là đã theo đúng tất cả các quy trình, đã trình tất cả các Sở.
"Thậm chí cuối cùng trình lên Bộ Xây dựng và được Chính phủ cho phê duyệt. Và cuối cùng lại thấy 'tại sao nó sai'?
"Lại nói rằng là bởi vì chủ đầu tư làm không đúng theo bản thiết kế và quy hoạch đã được phê duyệt.
"Tôi chỉ muốn nói một câu như thế này. Cái nhà không phải là một cái xe rác, không phải là một đống rác.
"Và tôi biết ở địa bàn, ở mỗi phường, nếu anh xây nhà, anh đổ đống gạch ra trước cửa nhà anh trên vỉa hè, lập tức có đội quản lý trật tự về xây dựng người ta đến và người ta phản ánh ngay.
"Thế còn đây là một tòa nhà (cao) mấy chục mét, xây vi phạm như thế, mà có lẽ nó không phải là nằm sâu ở đâu cả, nằm trên trục đường mới được hoàn thành, thì tại sao không ai để ý đến?
"Hay là tất cả đều bảo rằng: 'Ừ, đúng quy trình rồi! Chắc làm thế này đúng quy trình rồi. Chắc được duyệt rồi!'
"Tôi thấy đó là tinh thần vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm đối với Thủ đô này," ông Đức, con trai của Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội (bác sỹ Trần Duy Hưng), nêu quan điểm.
Thế lực lớn
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, tiếp tục nêu quan điểm tại Tọa đàm về vụ Cao ốc 8B Trung Trực. Ông nói:
"Tôi chỉ thấy hơi lạ là tại sao lại có một chỗ hình như không đúng quy trình lắm, tức là khi lãnh đạo Chính phủ đã chấp thuận năm 2013, thì có nghĩa là tất cả văn bản chấp thuận ấy phải lưu ở Văn phòng Chính phủ. Thế đến bây giờ thì Thủ tướng Chính phủ lại yêu cầu Hà Nội báo cáo, thực ra nó nằm ngay ở trong hồ sơ của Văn phòng.
"Thứ hai nữa là hôm nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội lại ra một thông báo, mà tôi đọc thấy tinh thần là thấy nó khác với điều mà tôi biết hôm qua. Tức là Ủy ban Nhân dân có nói cái nhà này đã được ký giấy phép xây dựng, nhưng mà xây vượt quá 17 mét, tức là tính ra là 5 tầng. Thế thì tôi không làm sao mà hiểu được là ở giữa một Thủ đô, mà ở Trung tâm Chính trị của Thủ đô như thế mà lại có một cái nhà lại xây vượt lên 5 tầng như thế.
"Tôi không biết tại sao nó lại như thế mà hàng ngày bao nhiêu người đi qua, đi lại, và nói như nhà báo Trần Tiến Đức, ở Hà Nội này, chúng ta chỉ cần xe một xe cát về, xây một cái tường bên trong nhà mình thôi, chẳng ảnh hưởng gì đến mỹ quan thành phố cả, là lập tức có những nhà chức trách người ta đến làm việc ngay.
"Thế thì tại sao cả một tòa nhà to như thế mà lại trôi lọt, tức là con voi nó có thể chui qua lỗ kim như thế?
"Thế thì tôi có một ngờ vực thế này. Cái người mà người ta mua cái đất này, cái người mà người ta làm công trình này, mà danh chính ngôn thuận hiện nay là Công ty may Lê Trực, thì nó phải là một người rất có thế lực, rất là có thông tin.
"Bởi vì có thông tin thì anh mới mua ở chỗ đất ấy, hay mới làm nhà cái chỗ đất ấy, bởi vì chỉ sau khi họ làm nhà, thì lập tức con đường được mở ở ngay sát, ngay trước cửa nhà họ, con đường khá là to, thế thì họ phải có thông tin. Và hai nữa là cũng hiếm khi có một cái nhà nào mà phải xin ý kiến lên tận Chính phủ như thế," nguyên Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội Việt Nam nói với BBC.
Thời điểm nhạy cảm
Trao đổi tại Tọa đàm, blogger, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhận xét về vụ Tòa nhà đang gặp rắc rối ở Hà Nội, ông nói:
"Tôi đồng ý với nhà báo Trần Tiến Đức là qua việc này thấy rõ trách nhiệm của những người cầm quyền, nhà cầm quyền của thành phố Hà Nội, mà đặc biệt là một người mà có liên quan rất nhiều đến kiến trúc, đó là Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch của thành phố.
"Khi được biết tin là Trung ương sẽ đưa ông Nguyễn Thế Thảo về làm Chủ tịch Thành phố Hà Nội, lúc đó tôi mừng lắm.
"Tôi nghĩ ông ấy là kiến trúc sư thì thể nào ông cũng đem lại một trật tự cho quản lý và xây dựng đô thị thành một Hà Nội đẹp, vuông vắn, thẳng thớm, ít nhất cũng phải như tỉnh Bắc Ninh mà ông ấy đã làm.
"Nhưng mà từ ngày ông ấy về đây, thì tôi không thấy ông làm được bất cứ một việc gì làm cho Hà Nội đẹp, tốt lên và vuông vắn, thẳng thớm hơn.
"Thông qua việc này, người ta nhìn thấy trách nhiệm của ông Chủ tịch của Thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo.
"Thế và việc này được đưa ra vào lúc này thì cũng đúng là một thời gian nhạy cảm.
"Hơn nữa nó lại cộng với một sự nhạy cảm nữa là lại liên quan đến một khu trung tâm đầu não, mà ở đấy có Lăng của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội, rồi các cơ quan quan trọng khác nữa.
"Vì vậy, dư luận lại càng quan tâm nhiều hơn," Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói với Tọa đàm.
Chương trình Tọa đàm Bàn tròn được phát vào lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam hôm thứ Năm, 01/10/2015.
Quý vị có thể theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm tại đây: http://bit.ly/1RfFlBn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét