Pages

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Tín hiệu gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 8 tháng 7 năm 2015, Tòa án Trọng tài quốc tế ở thành phố The Hague[1] đã bắt đầu thảo luận về việc liệu họ có đủ thẩm quyền hay không để giải quyết tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trong vấn đề khai thác tài nguyên biển ở Biển Đông, điểm nóng của những xung đột về chủ quyền lãnh thổ. Phía Philippines khẳng định rằng Tòa án Quốc tế này là địa điểm thích hợp nhất cho các thủ tục tố tụng. Còn phía Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của Tòa án và tuyên bố rằng những tranh chấp chỉ xoay quanh chuyện chủ quyền, không phải vấn đề khai thác tài nguyên.

Một tấm ảnh do Philippines cung cấp hồi tháng Tư cho thấy Trung Quốc đang xây cất trên các bãi đá xuanh quanh quần  đảo tranh chấp ở Trường Sa tại Biển Đông. Photo: Armed Forces of the Philippines/European Pressphoto Agency
Một tấm ảnh do Philippines cung cấp hồi tháng Tư cho thấy Trung Quốc đang xây cất trên các bãi đá xuanh quanh quần  đảo tranh chấp ở Trường Sa tại Biển Đông. Photo: Armed Forces of the Philippines/European Pressphoto Agency
Việc Trung Quốc không thừa nhận giới trọng tài quốc tế như bên thứ ba hợp cách đã tạo ra tác động tiêu cực đến tiến trình đàm phán nhằm sớm ký kết bộ Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct – COC) ở Biển Đông. Mặc dù việc thương thuyết đã được khởi sự vì sự nhu cầu bức thiết để kết thúc nhanh các cuộc đàm phán và sáng kiến “chương trình thu hoạch sớm”[2] đã được thảo luận, quá trình này vẫn diễn ra rất chậm. Kiểu đàm phán như vậy đã nhắc giới quan sát viên rằng các bên tham gia đàm phán đã phải mất 10 năm (2002–2012) để kết thúc thỏa thuận Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử (DOC) và khởi đầu của cuộc đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều khiến dư luận lo ngại nhất là COC sẽ mất hơn một thập kỷ đàm phán nữa trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Cách tiếp cận hai chiều của Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh Asean/Trung Quốc lần thứ 17 tại Nay Phi Taw, Miến Điện, diễn ra vào ngày 13 tháng 11 năm 2014, đã thống nhất về “việc thực hiện chương trình thu hoạch sớm, bao gồm cả việc thông qua Danh sách Các điểm Tương đồng Đầu tiên[3] của tham vấn COC, việc thành lập một đường dây nóng nền tảng giữa các cơ quan tìm kiếm và cứu hộ, một đường dây nóng tình trạng khẩn cấp hàng hải giữa các bộ ngoại giao, và một chương trình tìm kiếm cứu nạn nhằm thúc đẩy và tăng cường lòng tin, cũng như sự tự tin trong khu vực”.

Danh sách các điểm tương đồng này đã tái khởi động nguyên tắc về Biển Đông vốn được đề cập trong Tuyên bố năm 2002. Cách người Trung Quốc bắt đầu cuộc thảo luận với những vấn đề này đã khiến một số luồng dư luận trong ASEAN quan ngại rằng, trên thực tế, việc tập trung vào danh sách những điểm tương đồng và mục tiêu tìm kiếm cứu nạn (SAR) có thể tạo điều kiện để chính phủ Trung Quốc lảng tránh việc họ tìm cách nắm quyền kiểm soát vùng Biển Đông.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh cách tiếp cận “hai chiều”, chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước liên quan trực tiếp thông qua các vòng đàm phán và tư vấn dựa trên những sự kiện lịch sử, luật pháp quốc tế và DOC, trong khi ASEAN và Trung Quốc vẫn làm việc với nhau để duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông thông qua việc thực hiện DOC và việc tham vấn về COC. Đây chính là một cách tiếp cận khôn khéo có thể giúp Trung Quốc loại trừ giới trọng tài quốc tế, cũng là bên thứ ba, hoặc mọi nỗ lực hòa giải trực tiếp trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển.

Trước mắt, chiến lược của Trung Quốc đã tạo ra một hậu quả là làm tăng khuynh hướng ly tâm trong ASEAN về vấn đề Biển Đông. Trong số các quốc gia đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã xác định lập trường vững chắc và thường xuyên nỗ lực chống lại những động thái xâm lấn của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát. Với Malaysia và Brunei, nhìn chung, họ vẫn đang làm ngơ trước sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc, cũng như lực lượng bảo vệ bờ biển và bảo vệ thủy sản của quốc gia này trong vùng biển tranh chấp (mặc dù Malaysia đã xác lập một vị thế vững chắc hơn qua các cuộc họp với Trung Quốc trong mấy tháng gần đây).

Indonesia đã công khai tuyên bố rằng họ không xung đột về lãnh hải với Trung Quốc, mặc dù lực lượng tuần tra thường trực của Trung Quốc ở vùng biển Indonesia đã tuyên bố chủ quyền với vùng phía bắc quần đảo Natuna. Quan điểm của Singapore là trung lập và không tham gia vào những mâu thuẫn về lãnh hải, nhưng họ cũng đã tích cực hỗ trợ việc thiết lập một khuôn khổ sẽ tạo thuận lợi để giải quyết khiếu nại.

Campuchia thì thẳng thắn bày tỏ thiện cảm với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm nhẹ vấn đề, chính phủ của quốc gia này cũng đã tránh nhắc đến bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông khi họ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN hồi tháng 7 năm 2012. Kết quả là, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, các nước thành viên không thể đưa ra một tuyên bố chung. Trong các cuộc thảo luận nội bộ tiếp theo của ASEAN, Campuchia đã xác định lập trường ủng hộ Trung Quốc.
Thái Lan, Lào và Miến Điện xem cách ASEAN dàn xếp tình trạng tranh chấp chủ quyền không hơn gì một hướng giải quyết chỉ làm suy yếu nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác dựa trên lợi ích chung giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đặc biệt là về hợp tác kinh tế và những mục tiêu phát triển. Các nước Đông Nam Á đất liền này cũng đã xác lập quan điểm ủng hộ phương pháp tiếp cận của Trung Quốc trong những thảo luận tương lai về xung đột chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.

Mối liên kết không bền vững của ASEAN

Như vậy, các nước ASEAN thực sự không đoàn kết trong vấn đề Biển Đông. Khi quyết định trong ASEAN đang đến gần sự đồng thuận, quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Campuchia lại tạo thành trở lực trong những cuộc tranh luận nội bộ về chủ đề này, cũng như thái độ thiếu hợp tác của Thái Lan, Lào và Miến Điện đang cho thấy ngày càng rõ nguy cơ rằng Hội nghị Bộ trưởng ASEAN trong tương lai và thậm chí Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN có thể bị sa lầy trong cảnh không thể tìm được tiếng nói chung. Lợi ích của Trung Quốc vẫn sẽ được bảo vệ trong khi rạn nứt của nội bộ ASEAN thì ngày càng trầm trọng.

Nguy cơ này đang làm các nước ASEAN thay đổi dần thái độ với Hoa Kỳ, vốn được xem là siêu cường duy nhất có thể làm đối trọng với Trung Quốc. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN vào tháng 10 năm 2014, Tổng thống Obama kêu gọi tất cả các bên cùng kiềm chế, dù cho quan điểm này được trình bày như một “lệnh đình chỉ” hoặc là “yêu cầu thực hiện Điều 5 của DOC” hay không – Trung Quốc vẫn xem một cử chỉ như vậy là sự can thiệp từ bên ngoài đối với một mâu thuẫn phải được giải quyết bởi các quốc gia trong khu vực.

Trong khu vực Đông Nam Á, quan hệ giữa Việt Nam, cũng như Philippines, với Hoa Kỳ ngày càng phát triển. Trong một chuyến thăm mang tính đột phá, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Hoa Kỳ từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 7 và đã gặp Tổng thống Obama. Trong khi quan hệ thương mại và kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tăng mạnh, quan hệ chính trị và ngoại giao của nước này với Hoa Kỳ đã chuyển từ trạng thái nghi ngờ do những những hậu quả của chiến tranh Việt Nam sang hình thái của một quan hệ đối tác mới.

Một cột mốc quan trọng trong tiến triển về ngoại giao này là việc Việt Nam tham gia đàm phán trong Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cách Việt Nam hỗ trợ Hoa Kỳ thiết lập vai trò lớn hơn trong khu vực, vai trò mà người Mỹ xem là quyền lực Thái Bình Dương. Tương tự như vậy, Philippines đã chuyển từ thái độ kêu gọi người Mỹ rút quân ở căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic từ năm 1992 sang tinh thần hợp tác quân sự mới, bao gồm việc ký kết Hiệp ước Tăng cường Hợp tác quốc phòng (EDCA) với thời hạn mười năm, khiến nước này như trở thành một nước NATO không chính thức và cũng là đồng minh ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách xoay trục sang châu Á và tái cân bằng lợi ích an ninh của người Mỹ.

Những diễn biến này cũng chính là lời nhắc nhở rằng kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN có thể bị suy yếu bởi chính tiến trình suy thoái trong nội bộ ASEAN bởi những yêu sách về lãnh hải ở Biển Đông.

Kế hoạch vận động các nước ASEAN như một canh bạc của Trung Quốc

Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 10 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thành lập  Con đường Tơ lụa Hàng hải trong thế kỷ 21 nhằm phát triển quan hệ hợp tác hàng hải với ASEAN.

Khi ấy, ông Tập đã trình bày sáng kiến thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á[4] (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo với vốn đăng ký 100 tỷ USD.

Cuối cùng, có 50 quốc gia đồng ý trở thành thành viên sáng lập, gồm cả các đồng minh của Hoa Kỳ như Anh, Đức, Pháp và Ý, họ đã cùng ký kết các điều khoản của Hiệp định thành lập Ngân hàng trong tháng 6 năm 2015. Nhật Bản, cũng như Hoa Kỳ, đứng ngoài quá trình thành lập tổ chức mới này, bề ngoài là vì lo ngại vấn đề quản trị.

Chủ tịch Tập cũng chú trọng thúc đẩy đầu tư xây dựng cảng, phát triển dịch vụ hậu cần, xây dựng hệ thống đường bộ và đường sắt để tăng cường liên kết giữa các cảng và khu vực nội địa, cũng như hợp tác kỹ thuật và khoa học trong các vấn đề môi trường. Những đề nghị này phản ánh mô hình phát triển kinh tế theo định hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những công ty phát triển cơ sở hạ tầng đẳng cấp quốc tế của Trung Quốc.

Sáng kiến ​​của ông Tập ở Jakarta cũng gắn liền với kế hoạch của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Indonesia và đã được ủng hộ trong khu vực. Các nước ASEAN đều ủng hộ mạnh mẽ đề nghị thành lập AIIB bất chấp ý kiến phản đối từ Mỹ AIIB vì họ cho rằng liên minh tài chính hùng mạnh này có thể góp phần khắc phục sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng tài chính trong khu vực.

Khẩu hiệu “Một Vành đai, một Tuyến đường” chính là nền tảng cho kế hoạch của Trung Quốc nhằm thiết lập “con đường tơ lụa” mới nối liền Trung Á và châu Âu, cũng như Con đường Tơ lụa Hàng hải có thể nối liền Đông Á với Trung Đông và châu Âu. Những sáng kiến ​​này được triển khai để thúc đẩy phát triển thương mại, tạo cơ hội cho việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng mạng. Tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 10 năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình công bố ngân sách Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tính liên tục trong những kế hoạch chiến lược của Trung Quốc

Đề nghị thiết lập hai con đường tơ lụa đã gây chú ý đến tính liên tục trong quá trình lập kế hoạch chiến lược của Trung Quốc, cũng như sự thay đổi phản ánh những rủi ro vừa xuất hiện. Lịch sử Trung Quốc thời cổ và trung đại là lịch sử tập trung về phía tây, về phía Trung Á, nguồn gốc của mọi mối đe dọa trực tiếp trên đất liền đối với nền quân chủ Trung Hoa. Tuy nhiên, hiện giờ, mọi nguy cơ còn tiềm ẩn ở hướng tây chỉ còn xoay quanh những hỗ trợ cho nhu cầu ly khai của người Duy Ngô Nhĩ từ những tộc người cùng tôn giáo nói tiếng địa phương Turk, cũng như nhu cầu đòi độc lập cho Tây Tạng. Đây đều là những mối đe dọa trong nước và chấp nhận được, mặc dù vẫn có giả định quan ngại rằng các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo có thể kết hợp chủ nghĩa dân tộc Duy Ngô Nhĩ, trong khuôn khổ hồi giáo cực đoan, để cùng hành động vì một cuộc thánh chiến toàn cầu.

Mặt khác, khi quyền lực của Trung Quốc ngày càng tăng, giới hoạch định chính sách Trung Quốc nhận ra rằng siêu cường duy nhất có khả năng đe dọa lợi ích của quốc gia này chỉ có thể là Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ từ những quan hệ đồng minh toàn cầu. Kể từ sau Thế chiến Thứ hai, Hoa Kỳ đã triển khai thành công lực lượng quân sự trên khắp thế giới bởi ưu thế của lực lượng hải quân và không quân trong khi sức mạnh kinh tế duy trì vị thế siêu cường của quốc gia này.

Hoàn cảnh như vậy đã khiến Trung Quốc phải thay đổi lập trường và tập trung vào hướng đông, con đường tiến vào Thái Bình Dương. Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ không ngừng củng cố khả năng phòng thủ trên không và trên biển, cũng như ngày càng chú trọng xây dựng quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với các quốc gia ven biển trên Con đường Tơ lụa Hàng hải. Do đó, thái độ gây hấn và đối đầu của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông lại có thể làm suy yếu chính những liên minh chính trị và quan hệ đối tác mà Trung Quốc muốn theo đuổi với các quốc gia trong khu vực.

Barry Desker

Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía Trước

Barry Desker là Giáo sư chuyên ngành Chính sách Đông Nam Á, Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University – NTU), Singapore.

Khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), thành lập năm 2007 tại Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University – NTU) ở Singapore, là một trung tâm hàng đầu chuyên nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề chiến lược và quốc tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trung tâm này chuyên nghiên cứu về tình hình an ninh khu vực, chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực, nghiên cứu xung đột, an ninh phi truyền thống, kinh tế chính trị quốc tế và nghiên cứu các nước và các vùng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

________

[1] The Hague: là một thành phố của Hà Lan (Den Haag hay ‘s–Gravenhage trong tiếng Hà Lan), được cả thế giới biết đến như thủ đô chính trị của quốc gia này.

[2] Chương trình thu hoạch sớm (EHP – Early Harvest Program): theo thỏa thuận của chương trình này thì Việt Nam và Trung Quốc đều cắt giảm thuế quan theo hướng Trung Quốc cắt giảm nhiều hơn, Việt Nam cắt giảm chậm hơn.

[3] Để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán sắp tới nhằm hướng đến hoàn tất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

[4] Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank — AIIB) là một tổ chức tài chính quốc tế đang trong quá trình thành lập với mục tiêu là hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khởi sự như một sáng kiến của chính quyền Trung Quốc, tổ chức này đã nhận được sự ủng hộ của các Thành viên Sáng lập Dự kiến bao gồm 37 nước trong khu vực và 20 nước ngoài khu vực, 51 trong số đó đã ký Điều khoản Thỏa thuận để hình thành cơ sở pháp lý cho ngân hàng. Các nước có GDP lớn nhưng không phải quốc gia sáng lập là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada.

Một số người xem AIIB là đối thủ của IMF, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn là những tổ chức tài chính được xem là bị chi phối bởi các nước phát triển như Hoa Kỳ. Liên Hợp Quốc xem việc mở ra AIIB là sự “mở rộng quy mô tài chính cho phát triển bền vững” cho các mối quan tâm của Quản trị Kinh tế Toàn cầu.
***

© 2007-2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mộng bành trướng của Tàu cộng là rất lớn kg phải INĐO,CAMPUCHEA ,LÀO ,THÁI LAN LÀ ngoại lệ nó sẽ tha đâu mà ham ? Tàu cộng xạo xự chủ quyền lịch sử trước đây ôcha tao chưa đô hộ và ăn cướp được nay tới tao sẽ cướp và đô hộ tụi bay xem gương Đảg csvn chấp nhận làm con chó cho Tàu nó có tha đâu ? Cần liên minh mạnh hơn với Mỹ để tiêu diệt Tàu cộng là sáng suốt nhất .