Pages

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

TQ: 'Báo Đảng tống tiền và chi tiêu sai'

Image copyrightscreenshot
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, bị tố cáo là để cho các chi nhánh và văn phòng dùng tin tức để tống tiền và dùng sai công quỹ.
Cơ quan báo chí này cũng bị Ủy ban Thanh tra và Kỷ luật của Trung ương Đảng Cộng sản cho rằng đã sử dụng sai trái quỹ công trong một số dự án xây dựng, theo Reuters hôm 19/10/2015.
Dù được khen là "làm đúng theo đường lối chống tham nhũng" của lãnh tụ Tập Cận Bình, một số quan chức Nhân dân Nhật báo cũng bị phê phán là dùng tiền công để chi tiêu cho các kỳ nghỉ, và khi vấn đề bị phát hiện thì đã được ỉm đi.

Nghiêm trọng hơn, một số văn phòng tại Trung Quốc của Nhân dân Nhật báo đã "dùng nguồn lực của báo để tìm lợi nhuận trong các dự án xây cất".
"Một số chi nhánh còn ăn tiền để đưa tin hoặc ỉm tin tức đi, hoặc thậm chí còn dùng tin để tống tiền."
Theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong, báo chí Trung Quốc đăng lại một số vụ phóng viên Nhân dân Nhật báo phỏng vấn sau rồi tống tiền chính những người đó.
Tuy vậy, không có biện pháp nào nghiêm ngặt được đưa ra từ trên tại tờ báo này.
Image copyrightAFP
Image captionTòa nhà trụ sở của Nhân dân Nhật báo trong quá trình xây dựng
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích lời Tổng biên tập Dương Chấn Vũ cam kết sẽ ghi nhận bản báo cáo của Ủy ban Thanh tra và Kỷ luật Trung ương Đảng.
Ông Dương cũng nói báo sẽ thực hiện mọi nỗ lực chống tham nhũng.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhân dân Nhật báo gặp vấn đề.
Hồi tháng 8 năm nay, tổng biên tập trang điện tử của báo, ông Liêu Hồng và cấp phó của ông, bà Trần Trí Hà đã bị điều tra.
Báo chí Trung Quốc nói hai người đã bị "cưỡng chế" theo lệnh của cơ quan công tố.
Theo Reuters, chính quyền Trung Quốc đã có chiến dịch chống lại nạn phóng viên ăn tiền để che đậy tin xấu hoặc nhận tiền 'đặt hàng' để viết bài ca ngợi.
Image copyrightPeoples Daily
Image captionBà Trần Trí Hà thuộc trang Nhân dân Nhật báo điện tử bị điều tra hồi tháng 8/2015
Tờ Nhân dân Nhật báo ra đời năm 1946 khi Trung Quốc rơi vào nội chiến Quốc - Cộng và luôn được các lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quan tâm.
Năm 1989, khi xảy ra biến cố tại quảng trường Thiên An Môn, tờ báo này lên án các hoạt động "biểu tình, tuần hành bất hợp pháp".
Ngoài bản tiếng Trung, báo có các ấn bản Anh, Pháp, Nga và nhiều ngôn ngữ châu Á.
Nhiều tổng biên tập các thế hệ trước là những người thân tín của lãnh đạo cao cấp nhất, còn ông Dương Chấn Vũ hiện nay cũng là một quan chức Đảng và đại biểu Quốc hội.

Không có nhận xét nào: