Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Việt Nam cần thận trọng với gián điệp mạng Trung Quốc khi Biển Đông căng thẳng

Bất cứ khi nào vấn đề tranh chấp lãnh thổ bùng lên dư luận cũng sẽ thấy hoạt động gián điệp mạng, tấn công mạng tăng lên đột biến.

Bloomberg ngày 16/10 đưa tin, hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc nhằm vào các nước họ cho là đối thủ ở Biển Đông sẽ gia tăng nhanh chóng mỗi khi căng thẳng leo thang ngoài thực địa. Trong lúc phiên tòa xử vụ kiện đường lưỡi bò đang diễn ra và kéo dài một tuần thì trang web của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan không thể truy cập được.

                                                     Hình minh họa, ảnh: Security Affaires.

Vụ việc xảy ra trong tháng 7 năm nay khi phiên điều trần vụ án đường lưỡi bò diễn ra, nơi Philippines phản đối yêu sách vô lý, phi pháp và bành trướng của Trung Quốc đòi "chủ quyền" với hơn 80% diện tích Biển Đông. Dựa trên những phân tích phần mềm và cơ sở hạ tầng được sử dụng, website của PCA đã bị nhiễm phần mềm độc hại của một tin tặc nào đó ở Trung Quốc, theo Threat Connect Inc, một công ty an ninh Mỹ.

Cùng với việc tăng cường sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát biển (quân sự trá hình), tàu hải quân và máy bay ngoài thực địa Biển Đông, gián điệp mạng đang nổi lên như một lực lượng mới của Trung Quốc tham gia chiến dịch bành trướng Biển Đông. Trong 18 tháng qua Trung Quốc đã nhanh chóng bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 rặng san hô, bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), chống lại các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines.

Trung Quốc thường xuyên sử dụng tàu Cảnh sát biển và thậm chí là tàu cá vỏ thép (quân sự trá hình) để xua đuổi tàu thuyền các nước khác. Chính điều này đã buộc Mỹ phải lên kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng không hàng hải 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi lấp trái phép.

Tobias Feakin, Giám đốc Trung tâm chính sách gián điệp quốc tế tại Viện Chính sách Chiến lược Úc bình luận: "Bất cứ khi nào vấn đề tranh chấp lãnh thổ bùng lên dư luận cũng sẽ thấy hoạt động gián điệp mạng, tấn công mạng tăng lên đột biến. Nếu nó được sử dụng kết hợp với các hoạt động vật lý (bành trướng) của Trung Quốc ngoài thực địa, chắc chắn dư luận sẽ thấy một lợi thế chiến lược trong việc sử dụng sức mạnh đó".

Các nền kinh tế nhỏ hơn ở Đông Nam Á rất dễ bị hack do thiếu chi phí phòng thủ trên không gian mạng hoặc bảo vệ không đầy đủ. Các chính phủ và doanh nghiệp ở Đông Nam Á có nguy cơ trở thành mục tiêu của gián điệp (Trung Quốc) nhiều hơn các phần còn lại của thế giới 45%, nhà cung cấp bảo mật Fire Eye Inc cho biết.

"Người Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng hoạt động tình báo mạng của họ. Vì vậy có nhiều khả năng họ sẽ gia tăng gấp đôi hoạt động so với kênh thu thập tình báo truyền thống", Dmitry Alperovitch, đồng sáng lập và là Giám đốc Công nghệ công ty bảo mật Crowd Strike Inc nhận xét.

Cùng với mối đe dọa quân sự, bán quân sự ngoài thực địa, gián điệp mạng, tấn công mạng cũng là lực lượng và thủ đoạn nguy hiểm của Trung Quốc để bành trướng Biển Đông.

"Nó giống như bắt cá bằng lưới. Ta quăng một mẻ lưới lớn xuống đại dương và chúng ta bắt được nhiều cá chỉ trong vòng một vài giờ, sau đó chúng ta có thể chọn ra một vài loại cá 'mục tiêu' mà chúng ta muốn có", Rich Barger, Giám đốc tình báo của Threat Connec Inc cho hay.

Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng vào các website của Nhà nước với hơn 3000 cuộc tấn công phá hủy trực diện và hơn 5000 cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại trong nửa đầu năm nay. Các tin tặc được tìm thấy sử dụng địa chỉ giao thức internet ở Trung Quốc, Mỹ và Nga.

Bất cứ khi nào có một sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng ở Việt Nam, chẳng hạn như căng thẳng leo thang ngoài Biển Đông là các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ quan nhà nước, nhất là những trang có tên miền đuôi gov.vn đều gia tăng kể cả phạm vi cũng như mức độ.

Tháng 2/2013 Mỹ phát hiện quân đội Trung Quốc đứng sau một nhóm tấn công mạng ít nhất 141 công ty trên toàn cầu từ năm 2006. Tháng Tư cùng năm, Fire Eye xác định một nhóm tin tặc có tên là APT 30 dành một thập niên chuyên tấn công các website nhà nước, quân đội và các tổ chức ở Đông Nam Á. Tất cả mã phần mềm và ngôn ngữ sử dụng trong các cuộc tấn công đã được phát triển ở Trung Quốc.

Vài tháng trước Threat Connect Inc thì xác định được một nhóm tin tặc gọi là Naikon APT do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, thuộc đơn vị 78020 chuyên tấn công mạng vào mục tiêu ở Đông Nam Á. Trong khi Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ lực lượng gián điệp mạng thì các nước khác trong khu vực vẫn còn đang loay hoay. Người Trung Quốc đã chơi trò này trong 15 năm qua để bây giờ họ đang đứng trên đầu, trên vai các nước khác.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: