Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

VNTB - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: "Mất đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất"

Đinh Liên (VNTB) "Nội bộ mất ổn định thì bên ngoài sẽ thừa cơ lật đổ chế độ. Mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất", Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói trong phần phát biểu dài tại tổ Quốc hội chiều 22/10. Ngoài ra, ông nhấn mạnh sự phức tạp của tình hình Biển Đông, đặc biệt, Bộ Chính trị từng họp 12 phiên 23 ngày để xử lý vụ việc.

Ông khẳng định quan điểm, không "đứng về một nước lớn nào đó rồi quay lưng lại nước lớn khác sẽ gây phức tạp cho đất nước". Riêng vấn đề về diễn biến hòa bình, ông cho hay, "Đảng và Nhà nước đang tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tạo ra sự đồng thuận, giữ ổn định từ bên trong".

Ngoài ra, ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng còn cho biết thêm một vấn đề liên quan đến không gian mạng, riêng tại Việt Nam, theo ông, là gần như bị bỏ trống.

"Không phải bỏ trống 100% nhưng gần như vậy. Bình thường đã không nên như vậy, nhưng nếu xảy ra chiến tranh, xung đột thì rất nguy hiểm. Bên ngoài có thể dùng tác chiến điện tử để khống chế đất nước, đánh sập các hệ thống dữ liệu điều khiển giao thông, điện lực, ngân hàng, điều khiển bay dân dụng…," Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bày tỏ trong bài phát biểu.

Trước đó, tại hội nghị của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 ngày 29/12/2014. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tâm tư về hiện tượng "ghét Trung Quốc": "Ta với Trung Quốc, hai nước láng giềng còn va chạm, còn mâu thuẫn trên biển, thể nào lúc này, lúc kia sẽ có va chạm, có mâu thuẫn, bất đồng nên lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khi gặp tình hình như vậy thì hết sức bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối vào Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nếu chúng ta không vững vàng thì rất dễ bị phân hóa".
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Việt Dũng
Những nội dung chính trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh do báo Tuổi Trẻ đăng tải:

Chúng ta phải giữ hòa bình, ổn định

Chúng ta nhìn lại trong 5 năm qua, tình hình thế giới có những diễn biến rất mau lẹ, có những vấn đề chúng ta không lường trước được. Ví dụ như tình hình chính trị ở Ukraine, tình hình ở Syria, nổi lên Nhà nước Hồi giáo tự phong IS, rồi người di cư rất lớn…

Tình hình chung ở khu vực chúng ta có vấn đề Biển Đông, diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là hoạt động diễn biến hòa bình, gây bạo loạn lật đổ cũng diễn biến phức tạp. Ở khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tăng lên, diễn ra việc tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước nhỏ, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến mất ổn định. Trong 5 năm qua, về tình hình trên biển, riêng vụ giàn khoan thì Bộ Chính trị họp đã họp 12 phiên để xử lý, dành rất nhiều thời gian, công sức.

Chúng ta đặt ra mục tiêu phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ hòa bình ổn định để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Đây là mục tiêu mà chúng ta đặt ra. Điểm lại có đạt được không? Trong 5 năm qua, chúng ta đã đạt được.

Về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý vẫn bảo vệ tốt, không ai xâm phạm được, các điểm đóng quân của ta ở quần đảo Trường Sa vẫn được đảm bảo, không mất điểm nào. Khu vực thềm lục địa, chúng ta có các nhà giàn dầu khí, vẫn đảm bảm tốt. Ta có sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mới thêm một số nhà giàn. Góp phần đảm bảo giữ chủ quyền, không để cho nước ngoài đến đóng xen kẽ vào…

Chúng ta đảm bảo chủ quyền trên biển, các hoạt động kinh tế như mấy chục giếng khoan dầu vẫn hoạt động tốt, chúng ta bảo vệ để không giếng nào bị ngừng hoạt động. Khai thác nghề cá của ngư dân không bị ảnh hưởng, trong 200 hải lý thì bà con vẫn đánh cá bình thường, những âu tàu mà chúng ta làm được càng khuyến khích ngư dân bám biển, kết hợp với bảo vệ chủ quyền.

Quản lý trên biển đã giữ được hòa bình, ổn định, trên thực địa thì phải bảo vệ rất quyết liệt nhưng tuyệt đối không dùng vũ lực, đúng với quy định của luật pháp quốc tế.

Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra rất nhộn nhịp, nếu trên biển xảy ra xung đột thì không thể tàu bè nào ra vào được, trên không máy bay cũng không thể hoạt động được, và như vậy thì làm gì có chục triệu khách du lịch mỗi năm. Kinh tế mà khó khăn, ngoài biển mà mất ổn định thì trong bờ cũng sẽ mất ổn định. Nếu mà xảy ra xung đột, xảy ra chiến tranh thì không cẩn thận ở Việt Nam di tản chẳng kém gì Syria, mà có khi những người có điều kiện lại bỏ đất nước ra đi. Chính vì vậy chúng ta phải giữ hòa bình, ổn định.

Đàm phán tuần tra chung với Malaysia, Philippines

Trên vùng trời chúng ta quản lý, bảo vệ tốt. Mỗi ngày có hàng nghìn chuyến bay quốc tế qua vùng trời Việt Nam. Về phía Bộ Quốc phòng đã chủ động báo cáo Thủ tướng đồng ý cho điều chỉnh 23 đường bay. Trước đây để tránh các khu vực không quân huấn luyện thì các chuyến bay dân sự phải bay dài hơn, tốn kém hơn, nay điều chỉnh lại giúp bay ngắn hơn. Tiết kiệm mỗi năm 40.000 giờ bay cho các chuyến bay dân dụng nói chung.

Chúng tôi cũng chủ động báo cáo với Thủ tướng có ba sân bay dùng chung là sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng, mỗi sân bay có một sư đoàn không quân, nay điều chỉnh đi chỗ khác để dùng cho dân sự. Đất của không quân ở sân bay Tân Sân Nhất được cắt ra cho hàng không dân dụng, nếu cần chỗ nào khác thì Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục “lùi hàng rào”…

Về biên giới Việt - Trung chúng ta đã phân giới cắm mốc. Hai bên phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền của mỗi bên, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, chống vượt biên trái phép. Quan hệ biên giới là rất tốt, thật sự hòa bình, hữu nghị, ổn định hợp tác, cùng nhau phát triển chung. Biên giới Việt - Lào, ta với bạn đã tăng dày cột mốc, ổn định.

Biên giới Việt Nam - Campuchia hiện nay còn 7 điểm nữa là sẽ hoàn thành phân mốc cắm giới. Hiện 7 điểm có ý kiến khác nhau. Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ, đoàn đàm phán cấp Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đàm phán để tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa để trở thành biên giới hữu nghị ổn định. Sau sẽ tiến tới đàm phán để phân định trên biển, giữa ta và Campuchia chưa phân định biên giới biển.

Ta và Campuchia khi đàm phán đều trên cơ sở luật pháp quốc tế, những hiệp định mà hai bên đã ký kết, và cũng phải dùng bản đồ Bonne mà hai bên đã thống nhất. Vừa rồi đảng đối lập ở Campuchia đã tố cáo Chính phủ dùng bản đồ không đúng, nhưng Chính phủ Campuchia đã mượn bản đồ của Pháp, của Liên Hiệp Quốc về đối chiếu thì thấy khớp 100%. Campuchia đã xử lý vấn đề theo luật pháp Campuchia.

Trên vịnh Bắc bộ, hải quân và cảnh sát biển của ta và Trung Quốc thường xuyên tuần tra chung để đảm bảo an ninh trật tự. Chúng ta cũng đã tuần tra chung với Campuchia và Thái Lan, tới đây đang đàm phán để tuần tra chung với Malaysia, Philippines…

Phát triển công nghiệp quốc phòng

Về công nghiệp quốc phòng, Nhà nước đã đầu tư và chỉ đạo xây dựng công nghiệp quốc phòng tiến tới sản xuất được các loại trang bị, vũ khí cho quân đội. Nếu chúng ta phụ thuộc vào bên ngoài có cái khó là khi có tình huống, trong quan hệ quốc tế có diễn biến xấu thì có khi có tiền không mua được.

Ví dụ như Nga và Ukraine có trục trặc thì ảnh hưởng đến chúng ta. Vì có những mặt hàng ta đặt mua của Nga, nhưng không phải Nga làm trọn gói mà có những cái đặt ở Ukraine, cho nên nếu Ukraine không cung cấp cho Nga nữa thì ảnh hưởng đến ta.

Hiện nay chúng ta cơ bản sản xuất được các loại vũ khí, trang thiết bị cho cấp sư đoàn bộ binh trở xuống. Vấn đề là muốn sản xuất thì phải có ngân sách, phải mua vật tư, nguyên liệu của nước ngoài, những loại thép chất lượng cao là phải mua ở nước ngoài.

Chúng ta đã đóng được các loại tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu tuần tiễu… Chúng ta cũng sản xuất được các loại thuốc phóng, thuốc nổ, các loại súng bộ binh, súng chống tăng. Vừa qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm từng bước hiện đại hóa các lực lượng như hải quân, không quân, thông tin... Hiện đại mới được một bộ phận nhỏ thôi, nếu xây dựng một quân đội hiện đại thì đòi hỏi ngân sách lớn mà chúng ta chưa có khả năng.

Về hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, chúng ta giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ là vô cùng quan trọng, nếu mà lệch lạc, đứng về một nước lớn nào, quay lưng lại một nước lớn khác thì cái đó sẽ phức tạp cho đất nước.

Trong quan hệ, chúng tôi coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, có chung biên giới, như là Trung Quốc, Lào, Campuchia… Đặc biệt quan hệ với Lào, Campuchia, chúng tôi quán triệt cho anh em là phải tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của bạn, thật sự thấy rằng giúp bạn là tự giúp mình.

Trong quan hệ hợp tác, phải hết sức chú ý quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Để làm sao quan hệ hữu nghị, tốt với cả Trung Quốc và Mỹ. Về an ninh của nước ta, quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ là hết sức quan trọng, nếu mà quan hệ hữu nghị tốt với cả hai nước thì chúng ta sẽ giữ được thế cân bằng, giữ quan hệ độc lập, tự chủ, không đi với nước lớn này để chống lại nước lớn khác.

Chúng ta phải giữ được trong ấm ngoài êm. Bên trong mà ổn định, Đảng đoàn kết, thống nhất, nhân dân đoàn kết, ổn định, không để xảy ra điểm nóng, không có biểu tình, không có bạo loạn, không có ly khai, không có khủng bố, không có xảy ra những xung đột sắc tộc, tôn giáo, không phải dùng đến lực lượng chức năng để giải quyết thì bên ngoài không có cớ gì để can thiệp vào.

Nếu mà trong nội bộ đất nước để xảy ra bạo loạn, biểu tình, ly khai, xảy ra tổ chức đối lập, để xảy ra lực lượng vũ trang đối lập (như một số nước đã có), mà lại phải dùng lực lượng chức năng trấn áp, để xảy ra thương vong, đổ máu thì bên ngoài sẽ lấy cớ vi phạm dân chủ, nhân quyền, dùng biện pháp này, biện pháp khác để bao vây, cấm vận, cô lập chính trị, chia rẽ nội bộ, thừa cơ đó lật đổ chế độ. Nếu mà mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất.

Chúng ta phải thêm bạn bớt thù, không thể khác được. Phải tăng cường đối thoại, tăng cường hợp tác, nhất là giao lưu cấp cao, ở cấp cao mà hiểu biết nhau, tin cậy nhau thì có lợi cho đất nước. Quan hệ với nước ngoài thì chúng ta luôn lấy lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, hết sức tránh kích động tinh thần dân tộc cực đoan.

Tăng cường năng lực tác chiến điện tử

Trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã nêu việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn thách thức. Đúng là có khó khăn lớn. Vì tranh chấp trên biển liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, không riêng gì ta với Trung Quốc. Rồi có cạnh tranh của các nước lớn ở khu vực. Ta với Trung Quốc đã có thống nhất, cái gì song phương thì giải quyết song phương với nhau, ví dụ như cửa vịnh Bắc bộ, về quần đảo Hoàng Sa cũng giữa ta và Trung Quốc. Còn với quần đảo Trường Sa thì phải đàm phán đa phương vì liên quan đến nhiều bên, nhiều nước.

Một vấn đề khó khăn nữa là về diễn biến hòa bình. Đảng và Nhà nước đang tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tạo ra sự đồng thuận, giữ ổn định từ bên trong.

Vấn đề nữa là về không gian mạng. Hiện nay trên biển chúng ta có nhiều lực lượng, trên không và trên đất liền cũng có nhiều lực lượng và có toàn dân. Nhưng không gian mạng gần như là bỏ trống, không phải bỏ trống 100% nhưng gần như vậy. Bình thường đã không nên như vậy, nhưng nếu xảy ra chiến tranh, xung đột thì rất nguy hiểm. Bên ngoài có thể dùng tác chiến điện tử để khống chế đất nước, đánh sập các hệ thống dữ liệu điều khiển giao thông, điện lực, ngân hàng, điều khiển bay dân dụng…

Các cường quốc đều có lực lượng tác chiến điện tử hết sức mạnh. Chúng ta phải đầu tư về đội ngũ và trang thiết bị, trước hết để bảo vệ hệ thống dữ liệu, bảo vệ mạng của chúng ta, khi cần thì mới được lệnh tấn công đáp trả.

Chúng ta chỉ phòng thủ bảo vệ đất nước, không bao giờ đi xâm lấn, tấn công bất kỳ một ai. Nhưng phải có thực lực để bảo vệ đất nước.

Không có nhận xét nào: