Vụ bắt cựu cục trưởng hàng hải và cựu chủ tịch Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines Dương Chí Dũng đặt câu hỏi liệu việc xử lý tình huống này báo hiệu điều gì trong thời gian tới đây.
Trong vụ Vinashin trước đó, một nguyên trưởng phòng và một nguyên tổng giám đốc thuộc hai công ty con khác nhau hiện vẫn còn đang bỏ trốn.
Ông Dũng bị bắt chỉ hai tuần sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong một phiên họp về tham nhũng rằng phải "bắt bằng được" vị cựu lãnh đạo Vinalines.
Vị thủ tướng cũng được báo chí dẫn lời nói ông Dương Chí Dũng "từng nắm giữ nhiều chức vụ, được bầu làm đại biểu dự Đại hội Đảng XI" và nói thêm:
"Tất cả chức danh, vị trí công tác ấy đã được các cấp có thẩm quyền về cán bộ thẩm tra với thủ tục dày đặc, thế mà vẫn lọt sai phạm."
'Sức ép lên thủ tướng'
Mặc dù Việt Nam luôn bác bỏ sự liên quan của các vụ án lớn tới chính trị, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện quốc phòng Úc nói đây là điều "không tránh khỏi".
Ông nói các nước phát triển như Úc có hệ thống tư pháp độc lập và người đứng đầu ngành tư pháp có thể đưa ra các quyết định mà không cần phải nhìn ngó tới các chính trị gia.
"Những đại công ty [ở Việt Nam] là con đẻ của thủ tướng và ông là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng."
Giáo sư Carl Thayer
Nhưng điều này chưa xảy ra tại Việt Nam và cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay cũng nhuốm màu chính trị.
Giáo sư Thayer xem việc bắt ông Dũng là động thái "kiểm soát tác hại" của chính thủ tướng Việt Nam và khó có khả năng việc chống tham nhũng sẽ đi xa hơn so với trước đây.
"Những đại công ty [ở Việt Nam] là con đẻ của thủ tướng và ông là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng.
"Các nhà lãnh đạo Đảng ở Việt Nam luôn nói, mặc dù chỉ nói suông, họ sẽ truy cứu những người tham nhũng bất kể họ giữ chức vụ cao tới đâu.
"Nhưng họ luôn dừng ở các cấp thấp hơn nhiều so với ủy viên bộ chính trị, có thể là đến cấp thứ trưởng hoặc ủy viên trung ương nhưng không bao giờ lên mức cao hơn thế."
Mặc dù vậy, ông Thayer nói Thủ tướng Dũng đang chịu "sức ép rất lớn" vì đã để tồn tại một môi trường kinh doanh lỏng lẻo cho dù ở các tổng công ty hay trong ngành ngân hàng.
'Tư duy sai lầm'
Trong khi đó bình luận từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói việc ông Dũng bị bắt là tín hiệu tốt nhưng nó không có ý nghĩa quá lớn trong việc chống tham nhũng nói riêng và các thay đổi tích cực trong xã hội nói chung:
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng việc bắt được ông Dũng là một dấu hiệu tốt cho việc trừng trị những kẻ tham nhũng và dư luận trong thời gian vừa qua cũng nêu lên rất nhiều có ai bao che, vẽ đường cho ông Dũng này chạy hay không.
"Tôi nghĩ việc bắt được ông đó thì nó sẽ phanh phui ra đường dây vẽ đường cho ông Dũng như vậy nếu chuyện đó là thực.
"Và nếu làm được thế và làm được rạch ròi ra thì sẽ là điều tốt nói chung cho xã hội."
Mặc dù vậy, vị tiến sỹ cũng nói thêm: "Tuy nhiên để nói rằng một cái việc của ông Dũng mà giải quyết được một bước rất lớn để giải quyết vấn đề chống tham nhũng thì hơi quá vì đấy dẫu sao vẫn chỉ là một vụ việc, một trường hợp.
"Còn gốc rễ của vấn đề tham nhũng mà chưa đụng đến thì cũng chẳng giải quyết được nhiều lắm.
"Tôi nghĩ rằng nếu mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đường lối của mình về mặt kinh tế, vẫn coi rằng nhà nước phải trực tiếp làm kinh tế thông qua các tập đoàn, các tổng công ty và coi đó là sức mạnh vật chất của mình để điều khiển xã hội, dùng các tập đoàn, các tổng công ty như thế làm công cụ thì hết Vinashin và Vinalines thì lại đến Vinashin và Vinalines khác.
"…bản thân cái cơ chế đấy, bản thân tư duy sai lầm đấy nó đẻ ra những Vinashin và Vinalines và những ông Dũng như thế này."
'Sức ép xã hội'
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng nói ông không hy vọng Đảng Cộng sản sẽ tự thay đổi mà cần phải có sức ép lên đảng từ phía xã hội, khối doanh nghiệp và người dân nói chung.
Vị tiến sỹ cho rằng việc thay đổi và cho phép cạnh tranh chính trị là vì lợi ích của chính đảng cầm quyền hiện nay.
Ông nói điều mà ông gọi là "tham nhũng đại trà và rộng khắp" ở Việt Nam chỉ có thể được giải quyết bằng việc minh bạch hóa trong đó có đòi hỏi phải có tự do báo chí.
Trong khi đó Giáo sư Carl Thayer lại có vẻ cho rằng khối doanh nghiệp nhà nước đang bao trùm khắp nền kinh tế là chỗ dựa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đối thủ chính trị của thủ tướng sẽ phải dè chừng sức mạnh của khối này khi tấn công ông.
Ông Thayer cũng nói các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn muốn giữ ổn định và sẽ không có chuyện các quan chức chóp bu hay các ủy viên bộ chính trị phải trả giá bằng chiếc ghế của họ.
Một trong các lý do là Việt Nam không muốn các nhà đầu tư phát hoảng gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Nhưng ông cũng nói chính các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ là nạn nhân sắp tới của chiến dịch thanh lọc kinh tế hiện nay khi những khoản lỗ lớn tại các liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài bị nhắm tới.
Ông nói đối tác Việt Nam trong những liên doanh như vậy có nhiều khả năng sẽ đẩy trách nhiệm sang phía nước ngoài.
Còn Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng không nên hình sự hóa việc quản lý kinh doanh vì các doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân đều phải đối mặt với "rủi ro và lỗ lã".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét