Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

TRONG VỤ ÁN XỬ CÁC BLOGGERS TẠI VIỆT NAM


Trong bài viết “‘Tự do ngôn luận’ không thể biện minh cho tội lỗi” đăng trên báo An Ninh Chính Trị vào ngày thứ Ba, 25 tháng 9 năm 2012 do V.A. tổng hợp, có viết:

“Truyền thông đóng vai trò lớn trong đời sống xã hội. Các sản phẩm truyền thông đều mang thông điệp tới xã hội, góp phần định hướng dư luận. Vì thế, mọi hành vi núp bóng "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" nhằm mục đích cá nhân, gây bất ổn xã hội đều phải bị lên án.”
 

Câu trên chỉ đúng một phần! Quyền “tự do ngôn luận” và “tự do báo chí” đúng nghĩa cho phép mọi người dân tự do phát biểu những gì mình nghĩ và tự do làm những gì mình muồn miễn là lời nói, việc làm, phải đi đôi với trách nhiệm; nếu quá trớn hoặc lạm dụng quyền tự do sẽ bị luật pháp can thiệp và toà án sẽ áp dụng luật pháp để duy trì sự ổn định xã hội. Tự do ngôn luận cho phép mọi người phát biểu công khai mà không sợ bị chính quyền giới hạn hay kiểm duyệt. Tự do ngôn luận cho phép người dân thu nhận tin tức từ nhiều nguồn, bằng nhiều phương tiện khác nhau để tìm ra quyết định tương đối tốt nhất cho sự kiện. Nó cho người dân cơ hội trao đổi nhiều quan điểm, lập luận, ý tưởng khác biệt để tìm ra một chân lý hay giải pháp tốt nhất cho sự kiện trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội và chuyển đạt quyết định đó tới người khác và cả chính quyền. Quyền tự do ngôn luận liên hệ mật thiết với quyền tự do báo chí vả được gọi chung là tự do tư tưởng (freedom of expression, freedom of thought) bởi vì quyền tự do ngôn luận bao gồm cả quyền được nói và được nghe và trở thành tâm điểm trong hệ thống chính trị của các quốc gia tự do, dân chủ.

Aristotle biện luận rằng mục tiêu đúng đắn của chính trị không phải chỉ đơn giản là duy trì đời sống mà là tìm kiếm đời sống tốt đẹp (The proper aim of politics is not simply to sustain life but to seek the good life). Quan niệm về “đời sống tốt đẹp” cũng khác nhau tùy thuộc nhân-sinh-quan của mỗi người. Karl Marx thì định nghĩa cuộc sống tốt đẹp là “hành động quân bình những đau khổ của nhân loại gây nên bởi sự bóc lột của tư bản” (a function of equality of human misery arises from capitalistic exploitation). Còn Thomas Jefferson và các vị quốc phụ khác của Hoa Kỳ lại quan niệm rằng: “Cuộc đời đáng sống gồm mọi cách tìm kiếm hạnh phúc (the good life is all about the pursuit of happiness) và tin tưởng chắc nịch rằng “tự do là điều cần thiết mang lại hạnh phúc.” Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các điều khoản trong Công Ước về Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng nhấn mạnh về các quyền tự do căn bản của con người như yếu tố cần thiết để mưu tìm hạnh phúc cá nhân và xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Nhận Xét về Quyền Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí


Tại Hoa Kỳ, Tu Chính Án số 1 (The First Amendment to the US Constitution,) viết rằng: “Quốc Hội sẽ không làm luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do báo chí…” (“Congress shall make no law...abridging (limiting) the freedom of speech, or of the press...”). Tu Chính Án này rất quan trọng, cho người dân quyền tự do nhưng cũng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm đúng độ khi sử dụng quyền tự do đó; chính vì thế, nó cũng gây nên nhiều tranh cãi khi áp dụng. Trên bình diện quốc gia, chân lý có được từ sự dung hợp nhiều nguốn ý tưởng khác biệt sẽ giúp cho chính quyền có quyết định tốt nhất cho đa số dân chúng. Trong vụ án Whitney vs California (1927), Chánh Án Louis Brandeis viết: “Tự do nghĩ và nói những gì anh muốn là phương tiện không thể chối bỏ để khám phá và quảng bá về chân lý chính trị.” (freedom to think as you will and to speak as you think are means indispensable to the discovery and spread of political truth.” Về lâu dài, những quyết định chung quyết này giúp tăng tiến cho cách giải quyết những vấn đề chính trị. Trên lãnh vực địa phương, tự do ngôn luận cho phép mỗi cá nhân tự động tham gia những hội đoàn chính trị, phát biểu ý kiến và ý kiến đó thật sự gây ảnh hưởng mang đến kết quả cụ thể cho những chương trình phát triển xã hội. Tự do ngôn luận đưa ra luật của đa số; bởi vì chúng ta có thể thâu thập từ mọi ý kiến dị biệt từ khôn ngoan đến lập dị cách mấy để rút ra một kết luận tương đối tốt nhất mà đa số đồng thuận. Đối với lãnh vực cá nhân, tự do ngôn luận là một phần của tính khí cá nhân, bắt nguồn từ quyền bẩm sinh của con người liên kết chặt chẽ với khả năng suy nghĩ, tưởng tượng và sáng tạo. Tự do ngôn luận liên hệ mật thiết với tự do tư tưởng tạo thành một trung tâm luận lý kỳ diệu hình thành phần lớn tính nhân bản của con người.

Cũng trong vụ án Whiteney vs California, chánh án Brandeis khẳng định: “Áp dụng hình phạt nặng nề đối với người vi luật làm họ khiếp sợ cũng không thể bảo đảm được trật tự xã hội; mà chính hình phạt lại gây nguy hại là làm nhụt ý tưởng, hi vọng và sức tưởng tượng. Hình phạt bất công sẽ gieo rắc nhân áp bức, áp bức gây ra thù ghét, sự thù ghét đe doạ sự ổn định của chính quyền. Các cơ hội thảo luận công khai là đường lối an toàn hơn vì nó đưa ra những điểm bất mãn và đề nghị biện pháp hoà giải thích đáng. Trong một xã hội mở rộng và đa dạng như Hoa Kỳ nếu không muốn bao nhiêu đối kháng và căng thẳng nổ tung như nồi súp-de thì phải cho quần chúng xả bớt áp suất từ những van an toàn. Tự do ngôn luận hoặc nói chung, tư do diễn đạt chính là van an toàn cho một xã hội thường trực căng thẳng vì cạnh tranh ráo riết trong mọi lãnh vực để ngoi lên địa vị cao nhất, tốt nhất như Hoa Kỳ. Chính vì được tự do phát biểu ý kiến, tư tưởng một cách cởi mở sẽ giúp người dân giảm bớt căng thẳng, bất bình tái tạo sự bình yên trong tâm hồn; tương tự, sự chống đối ôn hòa sẽ giảm thiểu bạo động và cho phép bàn cãi tự do sẽ làm tan biến thù hận chứ không làm tăng lên.

Sự Lạm Dụng Quyền Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí


Quyền tự do ngôn luận không thể sử dụng để biện hộ cho những vụ phá hoại, khiêu dâm quá độ. vi phạm nền an ninh quốc gia, xách động quần chúng hoặc âm mưu khủng bố. Nó không bảo vệ những người nói dối trá để mạ lị làm hại thanh danh người khác và cũng không cho phép bất cứ ai cản trở công vụ hợp pháp. Bài báo An Ninh Chính Trị cũng đưa ra ví dụ về trường hợp ông James Buss, giáo viên Trường Trung học Milwaukee, dưới biệt danh "Người Quan Sát" (Observer) bị bắt vì đã post trên blog “Boots and Sabers” của Tiểu Bang Wisconsin rằng: “Giáo viên Mỹ được trả lương cao nhưng lười biếng và khen vụ một thiếu niên xả súng ở Trường Trung học Columbine làm 12 học sinh và một giáo viên thiệt mạng hồi tháng 4/1999. Cảnh sát cho rằng, hành động của Buss có tính kích động bạo lực trong trường học, tương đương việc nói "có bom trên máy bay", đồng thời hạ thấp nhân phẩm giáo viên.” Vụ án này Báo An Ninh Chính Trị cũng chỉ nói đúng một phần sự thật là ông James Buss đã bị bắt và truy tố vì tội hăm dọa và khuyến khích bạo động. Thật ra, nội vụ đã xảy ra như sau: Ông James Buss đã viết trên blog rằng “mức lương cao trả cho giáo viên đã khiến ông ta muốn nôn” (“high teacher salaries made him sick”) và những lời nghe như tán thưởng kẻ sát nhân tại Trường Trung Học Columbine “Họ đã biết đối xử thế nào với những giáo viên ác ôn trong nghiệp đoàn được trả lương cao hơn khả năng thật. Mỗi lần một phát súng” (“They knew how to deal with the overpaid teacher union thugs. One shot at a time!"). Các viên chức Trường Trung Học Milwaukee đã coi lời phát biểu của ông James Buss như lời hăm dọa và báo cho cảnh sát. Cảnh sát đã theo dõi và bắt giam ông Buss một tiếng đồng hồ, rồi thả ra sau khi ông ta đóng $350 để tại ngoại. Viên chức Học Vụ Vùng đó cũng cấm ông Buss tiếp tục dạy học. Luật sư Học Vụ địa phương dự định kết tội ông Buss có hành vi gây rối và vi phạm luật lệ sử dụng hệ thống truyền thông điện toán của Wisconsin. Tuy nhiên, Toà Án Vùng đã ra phán quyết sau cùng là lời phát biểu của ông Buss được bảo vệ bởi Hiến Pháp Tiểu Bang Wisconsin vì lời phát biểu đó không khích động một hành động ngoại luật nào xảy ra cả.

Trong vụ án Procunier vs Martinez (1974), Chánh Án Thurgood Marshall tuyên bố: “Tu Chính Án số 1 phục vụ không những cho sự cần thiết của xã hội mà còn cho tinh thần con người đòi quyền tự diễn đạt” (The First Amendment serves not only the needs of the polity but also those of the human spirit, a spirit that demands self-expression). Tự do ngôn luận là sức mạnh của dân chúng (people power) rất quan trọng trong việc giới hạn độc đoán, tham nhũng và tiêu cực đối với hệ thống tam quyền phân lập, quân bình và chế tài lẫn nhau trong chế độ dân chủ. Nói chung, tự do ngôn luận, gồm cả việc biện hộ cho tội ác và cách mạng; thật ra, chỉ giúp quốc gia ổn định hơn, tăng cường thêm khả năng duy trì luật lệ và trật tự xã hội.

Trường hợp nhạy cảm liên hệ đến vấn đề tôn giáo. Cuốn “The Satanic Verses” của Salman Rushdie, xuất bản năm 1988, viết từ cảm hứng một phần từ cuộc đời của nhà tiên tri Hồi Giáo, Đức Giáo Chủ Muhammad. Cuốn sách này dựa trên những biến cố và nhân vật hiện đại để dựng nên các nhân vật trong thế giới huyền bí của Satanic Verses. Cuốn sách gồm có một nhóm thi thiên nghi là thuộc về kinh Quran nói về những nhà đồng bóng cầu nguyện với 3 nữ tà thần là Allat, Uzza và Manat; phần này dựa theo tài liệu từ các nhà sử học al-Waqidi và al-Tabari. Cuốn Satanic Verses đã được giải thưởng 1988 Whitbread Award là Tiểu Thuyêt Của Năm 1988 ở Anh Quốc. Tuy vậy, cuốn sách đã gây nên sự phẫn nộ cho một số tín đồ Hồi Giáo bảo thủ vì họ nghĩ rằng cuốn sách đã phạm thượng và chế diễu đức tin của họ. Avatollah Ruhollah Khomeini, lãnh đạo tối cao của Iran đã treo án lệnh “tử hình” cho Rushdie khiến ông này phải trốn lánh một thời gian cho tới khi án lệnh bị bãi bỏ. Tuy nhiên, dịch giả Hitoshi Igarashi thì không may mắn như tác giả, vì đã bị nhóm Hồi Giáo quá khích giết chết.

Bài báo trên An Ninh Chính Trị cũng đưa ra một trường hợp liên hệ đến tôn giáo đang xảy ra là cuốn phim “The Innocence of Muslims” (Sự Ngây Thơ Của Tín Đồ Hồi Giáo) mà nhóm Hồi giáo quá khích cho là có nội dung xúc phạm đến Muhammed, vị tiên tri và Giáo Chủ của Hồi Giáo, và đó là nguyên nhân gây ra vụ tấn công vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya, giết chết Ðại Sứ Chris Stevens cùng với ba công dân Mỹ khác.

Ngày 14 tháng 9, 2012, Bộ Trưởng Báo Chí Toà Bạch Ốc Jay Carney đã tuyên bố:

“Cuộc bạo động không nhắm vào nước Mỹ, hiển nhiên không vào chính quyền hay nhân dân Mỹ. Nó phản ứng đối với cuốn video, cuốn phim mà chúng ta nhận xét thì thấy nó đáng trách và kinh tởm. Cuốn phim đó, không cách gì bào chữa cho bất cứ phản ứng bạo động xảy ra. Nhưng đây không phải là trường hợp phản đối trực tiếp về lệnh lạc hay chính sách Hoa Kỳ mà về cuốn video đã gây tổn thương cho tín đồ Hồi Giáo”[1]

Tờ Wall Street Journal cho biết họ đã tìm ra được người làm phim có tên Sam Bacile, một nhà thầu bất động sản người Mỹ gốc Do Thái, và tường trình là khi trả lời phỏng vấn của Wall Street, ông Bacile nói thẳng là cuốn phim là một nỗ lực “lật mặt cái đạo đức giả của Hồi Giáo” và “Hồi Giáo là một chứng ung thư.” Tại sao, sự kiện đáng tiếc này lại xảy ra? Phải chăng vì các thể chế tự do, dân chủ không thể kiểm soát được tự do ngôn luận và “tự do báo chí” như báo An Ninh Chính Trị viết: “Paris không thể ngăn tuần báo đăng biếm họa. Wasington không thể cấm chiếu bộ phim và ép nhà mạng Google gỡ bỏ đoạn video dài 14 phút này trên trang Youtube. Tất cả chỉ vì quyền "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" được Hiến pháp bảo vệ. Hơn ai hết, chính quyền Mỹ và Pháp hiểu rõ hiệu ứng cũng như hệ lụy từ các "sản phẩm truyền thông" của chính công dân nước họ.”

Đây là điểm khiếm khuyết của Tu Chính Án số 1. Hành động cá nhân của công dân Pháp và công dân Hoa Kỳ đã làm liên lụy đến quốc gia Pháp và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ; nhưng hiển nhiên, dù chịu thiệt hại về sinh mạng công dân nước họ, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vẫn được tôn trọng. Lạm dụng các quyền tự do căn bản của con người hoặc những yếu tố ngoại tại ảnh hưởng đến việc thực thi quyền tự do nói chung cũng không ngoài viễn kiến của các nhà soạn Tu Chính Án số 1, nhưng được họ cân nhắc cẩn thận và chấp nhận rủi ro khi thi hành các quyền tự do. Chắc chắn sự kiện xảy ra sẽ được điều tra kỹ càng và xem xét cẩn thận về lý do thực hiện cuốn phim và động lực nào đã khích động bạo động dẫn đến cái chết của vị Đại Sứ và nhân viên Sứ Quán Hoa Kỳ để rồi chính quyền sẽ có giải pháp thích hợp. Ngoài ra, tính bảo thủ quá khích của một nhóm tín đồ Hồi Giáo qua sự giật dây của các nhóm khủng bố thù địch với Hoa Kỳ và Tây Phương đã đóng vai trò chủ động trong những biến động vừa qua. Tốt nhất, cả hai, người sử dụng quyền tự do ngôn luận hay người phản ứng lại đều nên tự chế và hành động có trách nhiệm, mới có thể tránh được những bất bình gây nên bạo động. Người đã quen với việc bàn cãi công khai về mọi vấn đề vì được hưởng quyền tự do ngôn luận không nên thử thách đức tin tôn giáo của người khác, trên vùng đất nước mà quyền tự do còn bị giới hạn hoặc cấm ngặt.

Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí Ở Việt Nam

Dĩ nhiên, muốn thay đổi một điều luật, là một công dân gương mẫu trong một quốc gia, chúng ta phài dựa theo luật mà thay đổi. Ví dụ muốn tu chính một điều luật trong Hiến Pháp, chúng ta phải tuân hành điều luật tu chính Hiến Pháp. Tuy nhiên, tiến trình thay đổi hoặc hành luật ở mỗi thể chế chính trị có thể khác nhau. Tại nước ta, thay đổi một điều luật hay lối hành luật khi điều luật đó đã trở nên khuôn phép bất di bất dịch bởi định kiến của chính quyền như Điều 4 Hiến Pháp cho phép là điều bất-khả-thi. Trong chế độ độc tài đảng trị CSVN, Nhà Nước không dung chấp các quan điểm đối lập và chà đạp các quyền tự do căn bản của con người nên luôn qui kết những người bày tỏ chính kiến khác biệt là vi phạm Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự. Toà án luôn coi người dân chống đối những sai quấy của chính quyền như hành động “lật đổ chính quyền” chứ không phải là những ý kiến xây dựng; bởi lẽ, toà án đã có thành kiến, thiết lập nên tiền lệ và hơn nữa Điều 4 cho phép Đảng đứng trên cả Hiến Pháp của quốc gia và có quyền tuyệt đối đối với mọi vấn đề. Phán quyết thật nặng nề cho các bloggers chỉ nhằm mục đích trấn áp những tiếng nói yêu nước của người dân yêu tự do, dám thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được Hiến Pháp nước CHXHCNVN xác định. Ngày 25 tháng 9, Bộ Ngoại Giao Nhà Nước lên tiếng khẳng định các bản án dành cho ba thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do là đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị của công dân. Thế nhưng, ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch, bài bác ngay: “Vấn đề căn bản là Việt Nam chưa điều chỉnh luật lệ nội bộ cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đó là quy trình mà những quốc gia phê chuẩn các hiệp ước quốc tế cần phải làm, nhưng Việt Nam lại không thực hiện. Điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam hiển nhiên vi phạm các cam kết với quốc tế về tôn trọng nhân quyền, những cam kết mà chính Hà Nội tự nguyện tham gia.”

Các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và Anh Ba Sài Gòn là tác giả của các bài viết phản ảnh quan điểm đối với vấn đề tham nhũng, bất công xã hội, chủ quyền đất nước, cổ xúy cho nhân quyền và kêu gọi dân chủ. Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát (VKS) thì Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã đăng bài, hoặc viết bởi các ký gỉả thành viên Nhà Báo Tự Do hoặc đăng lại các bài báo lấy từ các blog, trang web của các tổ chức hoạt động chống lại chế độ độc tài Nhà Nước Việt Nam. Các công-tố-viên kết luận rằng việc viết bài trên các blog, mạng xã hội… với nội dung xuyên tạc, vu cáo, chống chính quyền nhân dân là vi phạm các quy định hiện hành theo Điều 88-BLHS của luật pháp Việt Nam. Cộng đồng quốc tế lên án rằng các bản án dành cho các bloggers là vô nhân đạo chứng tỏ những lý lẽ do Toà Án đưa ra hoàn toàn ngụy biện, không đúng với thực trạng vi phạm nhân quyền đang ngày càng xuống cấp tại Việt Nam; vì rằng, khi các nhà lãnh đạo Nhà Nước CHXHCNVN muốn bám quyền bằng mọi giá thì thay đổi tiền lệ xử người yêu nước một cách công bằng, đúng luật lại càng khó khăn hơn cho họ.

Xuyên qua vụ xử án 3 bloggers Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Anh Ba Sài Gòn cũng như các vụ án liên hệ đến quyền tự do ngôn luận đã xảy ra từ trước cho đến vụ xử 3 sinh viên công giáo ở Nghệ An, chúng ta nhận thấy ngay tính chất dã man, độc tài của chế độ công an trị và hệ thống tòa án chỉ cúi đầu, áp dụng luật rừng và lệnh cấp trên đã định sẵn. Một phiên toà gọi là công khai mà thân nhân không được tham dự, dân chúng kéo đến xem cũng bị trấn áp, ngăn cản, bắt đi mất tích hoặc bị giam cầm điều tra vô cớ. Thử hỏi công lý ở đâu khi luật sư biện hộ cho bị cáo cũng không được quyền bào chữa? Đất nước này “dân chủ gấp ngàn lần” các nước tự do dân chủ trên thế giới thật ư? Sao lại bịt miệng Cha Nguyễn Văn Lý công khai trước mặt truyền hình thế giới? Nhà Nước pháp trị hay Đảng trị qua Điều 4 Hiến Pháp cho phép Đảng đứng trên luật pháp quốc gia? Chính quyền nào là “của dân, do dân và vì dân” khi chính quyền thay vì ủng hộ lại đàn áp người dân khi họ biểu lộ lòng yêu nước trước sự ngang ngược xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải của ngoại bang? Chúng ta có thể tin rằng, nếu được sống trong một xã hội lành mạnh, kỷ cương với luật pháp nghiêm minh, những người bloggers và hàng trăm tù nhân lương tâm khác hiện vẫn đang trong vòng lao lý sẽ là những công dân tốt, yêu nước và đóng góp được nhiều cho việc kiến thiết quê hương. Tuy nhiên, chính những người bloggers đó chắc chắn cũng không thể ngồi yên, “cúi đầu, gục mặt” chấp nhận cùm kẹp trong khi bao nhiêu cảnh bất công xã hội xảy ra chung quanh; bởi lẽ, họ là những công dân hiểu biết, có trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc. Chính vì họ còn nặng lòng với tiền đồ dân tộc và tương lai các thế hệ con cháu nên phải nhận trách nhiệm người dân, kẻ sĩ vì “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” nhằm thay đổi tình trạng tệ lậu hiện tại. Nơi đâu có bất công, nơi đó có chống đối!

Kết Luận 
Các quốc gia tự do, dân chủ đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo cấp độ khác nhau đôi chút. So sánh giữa hai thể chế Tự Do và Độc Tài, chúng ta nhận thấy rằng cả hai thể chế chính trị cũng còn khiếm khuyết; nhiều hay ít ưu và khuyết điểm; tuy nhiên, các quyền tự do căn bản của con người không thể do chính quyền ban cho mà đó là quyền bẩm sinh của con người. Chính quyền có bôn phận tôn trọng hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm chỉnh luật lệ quốc gia và quốc tế, sử dụng các quyền tự do đúng đắn với tinh thần trách nhiệm, chứ không thể ngăn cấm tự do, chả đạp nhân quyền. Trong thể chế tự do, bạn được tự ý nói lên những gì bạn nghĩ cả ngàn lần; họa hoằn, có một lần lời nói vô-trách-nhiệm của bạn gây nên chống đối; mặt khác, trong chế độ độc tài, bạn bị cấm phát biểu tự do ý tưởng cả ngàn lần và một lần nói trái ý với Nhà Nước là vài năm tù tội, bạn chọn thể chế nào? Trả lời câu hỏi đơn giản này, chúng ta suy ngay ra rằng được sống trong môi trường tự do, người dân được tự do phát triển tối đa khả năng và tài cán của mình, sẽ dễ nẩy sinh lắm nhân kiệt; và ngược lại, như hột giống tốt mà gieo xuống khu đất khô cằn sỏi đá, thì nó cũng khó bén rễ nổi nói chi đến nảy mầm, mọc mạnh xum xuê thành cây lành trái ngọt. Tương tự, chính quyền do dân bầu lên để lèo lái quốc gia thì phải chăm sóc cho quyền lợi quốc gia và đời sống nhân dân. Làm sao người dân có hạnh phúc khi sống trong một quốc gia mà Nhà Nước luôn coi dân như kẻ thù, cùm kẹp người dân bằng bạo lực, chà đạp tất cả quyền tự do căn bản của con người? Đối với nhiều dân tộc văn minh tiên tiến, quyền tự do căn bản không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhât vì nó là không khí, là thức ăn như Patrick Henry tuyên bô năm 1775 “Cho tôi Tự Do hay cho tôi Chết” (“Give me Liberty or give me Death”). Dân Việt chỉ cần một chế độ tương đối tốt đẹp mà không cần hoàn hảo; miễn là, chính quyền đó có thể phục vụ quyền lợi tối thượng của quốc gia và cuộc đời ấm no, hạnh phúc đúng nghĩa cho người dân để họ cảm thấy hãnh diện được đứng thẳng, ngửng cao đầu, đường hoàng sánh vai cùng dân tộc các nước văn minh tiên tiến trên thế giới.

September 25, 2012
PhamVanThanhUSA
Nguon: http://quanlambao.blogspot.com/2012/09/trong-vu-xu-cac-bloggers-tai-viet-nam.html

Không có nhận xét nào: