Pages

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Chủ nghĩa toàn trị trong cơn khủng hoảng: Liệu có thể chuyển biến êm thấm để đến với dân chủ? (I)


Vladimir Bukovsky
Mọt Sách Già chuyển ngữ
Để có thể định nghĩa thế nào là toàn trị thường người ta phải viết cả một tập sách lý thuyết dầy về cấu trúc chính quyền, xã hội của một nhà nước toàn trị. Đó là một công việc cực nhọc nhưng lại hay không được đánh giá cao, bởi vì ngoài việc những cuốn sách đó luôn là quá khó hiểu đối với những người bình thường không có hiểu biết nhiều về chính trị mà còn vì những định nghĩa mang tính hàn lâm (về toàn trị) không thể chỉ ra được những đặc điểm mang tính bản chất của chế độ toàn trị đó là tính phi nhân tính của nó, sự nguy hiểm của nó đối với nhân loại, mức độ sợ hãi và tuyệt vọng của người dân trong những chế độ đó phải trải qua. Không những thế việc định nghĩa hay xác định khái niệm về chế độ toàn trị thường dễ trở nên rối rắm và phức tạp do thường được đem ra so sánh với chế độ dân chủ tự do. Với cách tiếp cận kiểu như vậy thường dẫn con người ta đến sự bế tắc. Sự khác biệt là quá lớn đến độ mọi sự so sánh sẽ dẫn đến đơn giản hoá, bóp méo, và dẫn tới kết luận “như nhau về mặt đạo lý” mà có thể tóm tắt bằng kiểu lập luận thông thường như thế này:”Bọn chúng là quân ăn thịt, nhưng chúng ta cũng có phải những người ăn chay ngoan đạo đâu?”.

Cách tiếp cận tốt hơn để định nghĩa một chế độ toàn trị là so sánh nó với một chế độ độc tài thông thường (authoritarianism - ND). Mặc dù sự khác biệt vẫn rất lớn, nhưng có lẽ dễ chấp nhận và nắm bắt hơn. Lấy ví dụ, dưới một số chế độ độc tài thông thường (như độc tài quân sự –ND), công đoàn bị cấm hoạt động và đó là việc vi phạm quyền tự do lập hội đoàn của công dân. Trong những chế độ toàn trị thì còn tệ hơn nữa, họ luôn có 100% công nhân tham gia công đoàn, nhưng công đoàn chỉ là “cánh tay nối dài” của Đảng nhằm kiểm soát chặt chẽ gắt gao lực lượng lao động và ngăn cản không cho những hoạt động công đoàn nghiêm chỉnh và chính đáng diễn ra. Điều đó có nghĩa là đối với bất kỳ ai muốn đứng ra đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân, họ không những phải đối mặt với chủ lao động, mà bản thân việc này đã là khó rồi, mà còn phải đối đầu với một tổ chức khổng lồ những kẻ mánh khoé chuyên nghiệp và có trong tay quyền lực không giới hạn. Nhưng nếu chúng ta tiếp cận bằng cách so sánh “công đoàn” trong các chế độ toàn trị với công đoàn trong các chế độ dân chủ tự do, thì sự khác biệt sẽ bị xoá nhoà và đánh lạc hướng bởi một loạt so sánh chi tiết về cấu trúc, thủ tục,… dễ gây khó hiểu, khó nắm bắt cho những người không có chuyên môn. Hệ quả của việc so sánh “thấy cây không thấy rừng” như vậy dễ dẫn đến một cảm tưởng sai lầm là cả hai hệ thông công đoàn đều giống nhau, và nếu có khác gì thì là chế độ toàn trị không giống như các chế độ độc tài thông thường ở điểm nó cho phép công đoàn hoạt động.
Điều tương tự như vậy cũng xảy ra nếu chúng ta so sánh bất cứ tổ chức, xã hội nào trong chế độ toàn trị với những bộ phận “tương ứng” trong các chế độ tự do dân chủ. Chính vì vậy chế độ toàn trị có thể xem là chế độ độc tài mà đã tiến thêm một bước dài trên con đường độc tài. Thay vì đóng cửa, xoá bỏ những tổ chức xã hội dân sự (như đối với một số chế độ độc tài quân sự – ND), chế độ toàn trị thay thế chúng bằng các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu có vẻ giống như trong các chế độ tự do dân chủ, nhằm ngăn cản bất cứ một hành động độc lập nào ngoài vòng kiểm soát của Đảng trong xã hội. Chính vì thế chế độ độc tài toàn trị còn tồi tệ và độc tài hơn rất nhiều so với những chế độ độc tài thông thường. Không giống như những chế độ độc tài thông thường, chế độ độc tài toàn trị luôn kiểm soát mọi mặt của cuộc sống trong xã hội. Nó không những buộc con người trong chế độ phải sống như những nô lệ (của nhà nước toàn trị –ND) mà còn buộc họ phải sống thường xuyên trong những sự giả dối. Trên hết nó làm cho toàn xã hội băng hoại đến mức độ việc quay trở lại với tự do và dân chủ là gần như không thể.
Quả vậy, trong khi chưa có một chế độ độc tài toàn trị nào chuyển đổi trong hoà bình sang dân chủ (trừ phi do có sự can thiệp và chiếm đóng quân sự của nước ngoài), rất nhiều các chế độ độc tài thông thường đã làm được như vậy trong vòng mười, mười lăm năm qua. Hơn nữa sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ ở các nước này thường diễn ra rất nhẹ nhàng, nhanh chóng và hoà bình, thường bắt đầu bằng cái chết của nhà độc tài (như ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), hay bằng một cuộc đảo chính (ở Paraguay), hoặc do không thể đàn áp nổi lực lượng đối lập (ở Philipine), do sức ép của cộng đồng quốc tế (Nam Triều Tiên, Chilê), thậm chí đôi khi do chính những nhà độc tài tự nguyện từ bỏ quyền lực độc tài của mình (như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina). Nhưng đối với những quốc gia toàn trị, những chuyện trên hoàn toàn không thể xảy ra. Lãnh tụ tối cao chết (diễn ra thường xuyên) hay bị hạ bệ, nhưng hệ thống chính trị vẫn không đổi, vẫn sẵn sàng nghiền nát mọi sự đối lập, chống đối với mức độ tàn bạo vốn có. Các chế độ toàn trị không những không chịu sức ép quốc tế mà thậm chí còn được ủng hộ, được đối xử đặc biệt bởi các nước tự do dân chủ. Chẳng có một quốc gia tự do dân chủ nào dám áp đặt sức ép lên chế độ toàn trị ở quốc gia láng giềng của mình.
Phần lớn trong những xã hội độc tài chuyển sang dân chủ kể trên, những ảnh hưởng của thời gian nằm dưới chế độ độc tài còn tồn tại, kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ. Như Plato đã nói mọi chế độ dân chủ đều có mầm mống độc tài và mọi chế độ độc tài đều có mầm mống dân chủ. Bởi độc tài và dân chủ đều là sản phẩm của văn minh nhân loại.
Nhưng điều đó có lẽ không đúng lắm đối với một chế độ độc tài toàn trị. Cái xã hội orwen (Orwen là nhà văn Anh có những kiệt tác văn học về các chế độ toàn trị như Animal Farm, 1984 – ND) đó được xây dựng trên nền tảng một học thuyết, như một thứ tôn giáo, được cài đặt vào mọi tế bào trong cấu trúc xã hội. Cho dù đến lúc mà cả xã hội không còn ai tin tưởng vào cái học thuyết ấy nữa, thì hệ thống chính trị của nó vẫn tồn tại cho đến khi nó vắt cạn của xã hội “toàn bộ của cải, tài nguyên, đất đai, và nguồn lực” (1)

I. Xem xét dưới góc độ chính trị

Với những sự kiện diễn ra trong thập kỷ qua, không nghi ngờ gì nữa chúng ta đang chứng kiến ngày tàn của các chế độ xã hội chủ nghĩa, các chế độ toàn trị được xây dựng trên công thức “chủ nghĩa xã hội khoa học” này đang đi vào cơn khủng hoảng. Bản thân khái niệm “chủ nghĩa xã hội khoa học” đã là khái niệm gây tranh cãi, phản khoa học ngay từ đầu thế kỷ này, nó cũng chỉ như những giấc mơ Utopia khác của nhân loại (Utopia là xã hội lý tưởng trong tác phẩm cùng tên của Sir Thomas Moore ở thế kỷ 16. Trong lịch sử triết học của nhân loại trường phái dựa vào các xã hội lý tưởng (utopia dream) gồm có Plato (Utopia là xã hội Athen cổ đại), Khổng Tử (Utopia của ông là xã hội nhà Chu (đời Chu Công)), và Marx –Angel (Utopia là “chủ nghĩa xã hội khoa học”)… – ND). Những kết quả của khoa học tự nhiên hiện đại về Gene và Thần kinh học đã chứng minh rằng việc tạo ra những “con người mới” hoàn hảo bằng cách tạo ra môi trường sống hoàn hảo là không thể, những kết quả mà Stalin đã phải gọi là “khoa học dởm của bọn tư bản”. Trái ngược với lý thuyết Marxit, hệ thống “lao động tập thể” đã tỏ ra vô cùng kém hiệu quả so với hệ thống lao động khuyến khích cá nhân. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ, những dự đoán về “chủ nghĩa xã hội khoa học” đều đã sai, trong khi việc “tư bản dãy chết trên toàn thế giới” vẫn chưa thấy xảy ra.
Mặc dù vậy hệ thống xã hội toàn trị vẫn còn tiếp tục tồn tại và gây ảnh hưởng. Những động lực bên trong, sự thiếu hụt cơ chế kiểm soát ngược (trừ cơ chế tự động đàn áp đối lập), sự bám chắc lấy quyền lợi của tầng lớp thống trị, vẫn giữ cho chúng tiếp tục hiện diện. Tuyên truyền thay thế cho những thành tựu, cưỡng bức thay thế cho niềm tin, sự sợ hãi và lãnh cảm thay thế cho những nhiệt tình cách mạng. Về mặt đối nội, hầu như không thể có sự thách thức đáng kể từ phía nhân dân vì nhà nước toàn trị quá mạnh mẽ và tàn bạo. Về mặt đối ngoại các nhà nước toàn trị nhận được sự cảm thông về mặt tư tưởng và nỗi ám ảnh chiến tranh hạt nhân giúp chúng không bị thách thức trên trường quốc tế.
Tuy nhiên có hai yếu tố sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ toàn trị đó là sự hữu hạn của tài nguyên trong nước và gánh nặng cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng. Cho dù các chế độ toàn trị có cố tỏ ra hiền từ đến bao nhiêu đi nữa thi sự tồn tại các chế độ dân chủ phú cường và khả năng tự bảo vệ của họ sau chiến tranh cũng đã là thách thức đáng kể cho việc giành quyền bá chủ thế giới của hệ thống toàn trị độc tài. Thêm vào đó, sự mở rộng ảnh hưởng của các chế độ toàn trị ra thế giới thứ ba tạo ra những quốc gia sản xuất không hiệu quả (theo lối XHCN –ND), không thể tồn tại nếu không có sự trợ giúp từ các quốc gia lớn hơn trong hệ thống toàn trị. Tất cả những chi phí để trợ giúp các nước toàn trị nghèo hơn cộng với những sự lãng phí ghê gớm của những nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tại nội địa cuối cùng cũng đã làm cạn kiệt tài nguyên của thế giới toàn trị. Hệ thống toàn trị không còn có thể tồn tại theo dạng truyền thống để mà “một mình thực hiện nhiệm vụ lịch sử cao cả là giải phóng nhân loại khỏi bóng đêm tư bản” được nữa.
Một điều đáng chú ý ở đây là sự khủng hoảng của chủ nghĩa toàn trị trùng hợp với sự hồi sinh kinh tế của thế giới phương Tây và điều đó lại càng làm cho tuyên bố về “sự dẫy chết của tư bản” khó xảy ra. Hơn thế nữa sự hồi phục kinh tế này lại đạt được nhờ biết đảo ngược các xu thế xã hội chủ nghĩa trong lòng các nước này bằng việc thắt chặt chính sách quản lý tiền tệ, giảm thuế thu nhập, tư hữu hoá một loạt các ngành công nghiệp mà trước đó còn là công hữu, cũng như đưa ra những biện pháp nhằm giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của nhà nước lên nền kinh tế. Sự thành công đáng kể của đường lối phục hồi kinh tế này của một số quốc gia tư bản phương Tây là sức lôi cuốn khó cưỡng lại đối với những nước khác. Thậm chí ngay tại những quốc gia như Pháp, Australia, New Zealand, những nơi mà các đảng dân chủ xã hội đang nắm quyền, họ vẫn buộc phải từ bỏ những nguyên lý xã hội chủ nghĩa và tiến hành những chính sách tương tự nhằm giữ được sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Thật không có gì ngạc nhiên khi các chế độ toàn trị – nơi mà chủ nghĩa xã hội không những chỉ là một lý tưởng mà còn được thể hiện vào từng cấu trúc nhỏ của xã hội – chính là những kẻ bại trận thảm hại nhất. Đột nhiên khoảng cách giữa họ với các nước phát triển trở nên khổng lồ. Trong khi các nước phát triển đang đi vào giai đoạn phát triển hậu công nghiệp thì những quốc gia toàn trị vẫn còn đang phải vật lộn để hoàn thành giai đoạn công nghiệp hoá. Trong khi nền kinh tế của thế giới tự do đang mở rộng, thì nền kinh tế của những quốc gia toàn trị trao đảo, chẳng còn tài nguyên thiên nhiên và con người cho họ thực hiện những bước “đại nhảy vọt” nữa. Do đó có thể tóm tắt lại rằng sự lựa chọn hiện nay đối với những chế độ toàn trị chỉ còn bó hẹp lại hai đó là: hoặc là phải tự thay đổi hoặc là bị sụp đổ. Thế cho nên không có gì là lạ khi phần lớn trong số đó đang tiến hành cải cách, tái cấu trúc, tái hiệu chỉnh.
Mặc dù vậy không rõ là những kẻ cai trị ở các chế độ toàn trị đã hiểu được hoàn toàn sự khủng hoảng này chưa và sẽ sẵn sàng cải cách, thay đổi đến mức nào. Như chúng ta đã biết một vài quốc gia toàn trị đã bắt đầu quá trình này khá sớm so với những quốc gia khác và đến lúc này đã tiến được xa hơn. Ví dụ như Hungary, Nam Tư, Ba Lan đã phá bỏ chế độ hợp tác xã từ những năm 50, trong khi đó sự chấm dứt của các công xã ở Trung Quốc chỉ diễn ra sau cái chết của Mao, còn Liên Xô hiện nay mới đang dự tính phá bỏ các nông trang. Tuy nhiên ngay ở các nước Đông Âu hiện nay, ngoại trừ Hungary, các đảng CS nắm quyền vẫn chưa đánh giá hết được mức độ khủng hoảng của hệ thống chính trị toàn trị, vẫn cố nắm vững quyền lực và bắt mọi cải cách phải vào cái “khuôn khổ của chủ nghĩa xã hội” (giống như cụm từ “định hướng XHCN” –ND). Tại Đông đức, sự phản kháng của công chúng đã giúp lật nhào một chế độ toàn trị cứng rắn và bảo thủ. Trong khi đó Liên Xô và Trung Quốc vẫn hy vọng rằng chế độ có thể tiếp tục tồn tại với những hiệu chỉnh bên trong, nhất là Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn đang cố củng cố thành luỹ. Mô hình cải cách ở Liên Xô và Trung Quốc hoàn toàn bỏ qua những bài học thực tế ở Đông Âu, mô hình Đông Âu đã từng được thử và thất bại dẫn đến hai nước này phải tiến hành những cải cách cơ bản hơn với tốc độ mỗi nước khác nhau.
Thật mỉa mai, ngay cả khi lực lượng đối lập đủ mạnh như ở Balan, cũng chấp nhận theo “khuôn khổ chủ nghĩa xã hội” và do đó đánh mất tư cách là một lực lượng chính trị thực sự có thể đưa ra một con đường đi hoàn toàn mới. Cho dù đây chỉ là chiến thuật “lùi một bước tiến hai bước” của lực lượng đối lập hay thực sự họ tin vào một “loại chủ nghĩa xã hội khác” thì kết cục cũng giống nhau mà thôi. Một lực lượng đối lập mà thay vì đưa ra một con đường mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng lại chỉ cố gắng giành quyền lực từ một chính quyền thối nát đã mất hết lòng tin của nhân dân thì sớm hay muộn cũng sẽ đánh mất lòng tin của nhân dân (điều này thì tác giả đã đoán đúng vì Công đoàn đoàn kết hiện đã thất bại và mất quyền ở Balan –ND). Những kiểu lực lượng đối lập như vậy có lẽ chỉ có tác dụng để đối lập với sự độc quyền lãnh đạo của đảng toàn trị hơn là niềm hy vọng của nhân dân.
Chính vì vậy tình hình Balan hiện nay cho thấy cả hai phía cùng đang rất thoả mãn với vai trò mới của mình trong cuộc mua bán mặc cả. Những người cộng sản, những người rõ ràng không còn có thể độc quyền cai trị được nữa, thì cho rằng họ đã tìm ra một lối thoát lý tưởng để có thể vẫn giữ được quyền lực của mình mà không phải dùng đến quân đội để đàn áp bằng cách tham gia làm đối tác cao cấp trong công ty với 65 phần trăm cổ phiếu trong tay; trong khi đó phe đối lập nghĩ rằng họ có thể làm quyền lực của đảng cộng sản giảm dần cho đến độ nó chỉ còn là hình thức và lúc đó sẽ giải thể chủ nghĩa xã hội mà không cần phải đối đầu với chính quyền và do đó không phải đổ máu.
Quá để ý đến đối tác của mình nên cả hai bên đều không thèm để ý đến câu trả lời cho những câu hỏi: thái độ của người dân đối với hợp đồng của họ là như thế nào? Liệu những người dân có đáp ứng lại bằng việc nhiệt tình tăng năng xuất sản xuất và hiện đại hoá nền kinh tế mà không lo lắng đến cuộc sống trước mắt? trong khi cả thế giới đang vỗ tay với những gì gọi là “cách mạng nhung” diễn ra ở Balan thì không ai hỏi liệu thoả ước mới giữa hai bên này là một lời giải hay chỉ là kéo dài cơn đau?
Những “thoả thuận bàn tròn” vừa được ký, người dân đã phản đối nó. Hậu quả là chúng ta phải chứng kiến một tình huống chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Bên đối lập đang thắng cuộc phải đi thuyết phục quần chúng đang ngại ngùng để bỏ phiếu cho bên chính quyền đang thua để tránh không giành chiến thắng. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng ra hài kịch tương tự diễn ra trong những cuộc bầu cử có Marcos ở Philipine hay những cuộc trưng cầu dân ý ở Chile? Liệu những động thái kiểu như vậy của phe đối lập mà diễn ra ở các quốc gia trên thì thế giới có vỗ tay?
Tình huống còn có thể xấu hơn nữa: người dân Balan sẽ bầy tỏ sự khinh thị của mình với bản hợp đồng giữa phe đối lập và chính quyền cộng sản. Sự suy sụp và khủng hoảng về kinh tế sẽ dẫn đến những làn sóng đình công và lộn xộn. Liệu lúc đó công đoàn đoàn kết có tay trong tay với cảnh sát để “làm cho công nhân bình tĩnh trở lại” hay họ lại tham dự vào phong trào đấu tranh của công nhân và do đó mất quyền lãnh đạo chính phủ? Tóm lại, bằng việc ký “thoả thuận bàn tròn” với chính phủ công đoàn đoàn kết đã tự đưa mình vào tính huống không thể thắng; do đó trong tương lai không xa công đoàn đoàn kết sẽ bị mất uy tín đã được gây dựng của mình hoặc sẽ phải đối mặt trực diện với những người cộng sản theo cái cách mà ngay từ đầu họ đã muốn tránh.
Mặc dù có cố tỏ ra thật lạc quan, tôi vẫn phải cho rằng kịch bản đáng buồn này sẽ có nhiều khả năng xảy ra (thực tế đã xảy ra đúng như tác giả dự báo –ND). Tháo dỡ chế độ xã hội chủ nghĩa không phải là một việc đơn giản và dễ dàng. Magret Thatcher đã phải mất 10 năm để làm được điều đó ở Anh quốc, cho dù chủ nghĩa xã hội ở đó chưa bám rễ sâu như ở các nước Đông Âu. Ngay cả như thế, quá trình diễn ra ở Anh quốc cũng khá trắc trở, lúc đầu nó làm cho nhiều người dân hết sức khó chịu, và nhiệm vụ này vẫn còn đang phải tiếp diễn. Dó đó nếu quá trình này diễn ra ở các nước xã hội chủ nghĩa thuần tuý, thì những gì mà người dân phải chịu đựng còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần. Quá trình thoát khỏi chủ nghĩa xã hội càng diễn ra từ từ, xã hội càng phải chịu đựng nhiều hơn. Hơn nữa, như kinh nghiệm của Hungary cho thấy, cải cách càng từ từ, mức độ thành công càng thấp. Do đó sự chuyển đổi thoát khỏi chủ nghĩa xã hội càng diễn ra chậm rãi bao nhiêu, kết quả kinh tế càng thấp và sự phản kháng của xã hội càng cao bấy nhiêu. Điều này đặc biệt đúng với Liên Xô, nơi tình hình tồi tệ hơn các nước Đông Âu rất nhiều, đối với họ không còn thời gian cho những thử nghiệm và lần mò nữa.
Nếu như người dân Anh quốc sẵn sàng chấp nhận một giai đoạn khó khăn trong lúc tháo dỡ chủ nghĩa xã hội, thông qua một cuộc bầu cử tự do, dân chủ và công bằng, và sau đó cùng nhau bình thản đón chờ khó khăn, thì sự khó khăn do một chính phủ cộng sản bị căm ghét áp đặt lên toàn xã hội, không bao giờ được toàn xã hội xem như là một loại “thuốc đắng giã tật” họ giành cho mình, ngay cả khi điều đó được phe đối lập ủng hộ. Một đảng đã đè nén, bóc lột người dân đến hàng thập kỷ (và cuối cùng cũng chính vì họ mà có sự khủng hoảng) không còn đáng được người dân tin cậy nữa. Đặc biệt người ta không thể mong những nhà tư sản, những nhà thầu khoán, đối tượng bị công kích và đàn áp ghê nhất của những người cộng sản trong thời gian họ nắm quyền, và là những thành phần đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – lại có thể bắt đầu đẻ những quả trứng vàng vào cái tổ của cộng sản. Những người dân Xôviết hiện nay hẳn không thể quên được số phận của những người đã tin vào những khẩu hiệu của chính quyền cộng sản trong những năm 20 để “tự làm giầu bản thân”, để trở thành những chủ nông trại, những nhà kinh doanh tư sản. Hàng triệu người trong số đó đã kết thúc cuộc đời của mình trong những trại tập trung ở Siberia sau khi chính sách tân kinh tế (NEP) bị Stalin đóng cửa (xem thêm cuốn Sách Đen Chủ Nghĩa Cộng Sản – Phần về Liên Xô - ND). Những kinh nghiệm kiểu như vậy cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần tại các nước đông Âu, các chính quyền cộng sản nhanh chóng chấm dứt các sở hữu tư nhân. Do đó, như lãnh đạo đảng cộng sản Hungary Imre Pozegay phát biểu gần đây, hệ thống cộng sản không thể chuyển đổi được mà chỉ có thể bị giải tán.(2)
Tuy nhiên kết luận này thậm chí được coi là không thể chấp nhận được ngay cả ở Vaxava chứ đừng nói đến ở Maxcơva hay Bắc Kinh. Đảng cộng sản cầm quyền, như ta vẫn thấy ở Trung quốc trong mùa xuân năm nay, vẫn sẵn sàng giết chóc và đàn áp “vì chủ nghĩa xã hội” (hay vì để cố nắm vững lấy quyền lực độc tôn – cũng vậy cả thôi). Và tất nhiên họ có lý khi làm việc đó, bởi cái “giai cấp mới” (từ của Milovan Djilas) này ngay từ khi ra đời đã phạm không biết bao nhiêu tội ác với dân tộc và một khi không còn quyền lực trong tay họ sẽ bị nhân dân đưa ra toà để phán xét. Hiếm có một gia đình nào dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà không bị ảnh hưởng bởi sự đàn áp từ phía đảng cộng sản nắm quyền qua các giai đoạn lịch sử, sự thù hận trong các xã hội xã hội chủ nghĩa chất cao như núi. Giai cấp thống trị ở các nước này dĩ nhiên không có con đường nào khác là phải bằng mọi giá bám vào quyền lực và để làm như vậy họ lại càng tạo ra thêm tội ác.
Cũng chính vì vậy mà các lực lượng đối lập ở các nước xã hội chủ nghĩa thường không giám kêu gọi đối đầu trực diện với chính quyền hay đứng lên làm cách mạng. Không giống như trong một chế độ độc tài thông thường, nơi mà nhóm thống trị chỉ là một dúm người, chế độ độc tài toàn trị tạo ra hẳn một giai cấp những kẻ thống trị. Tại Liên Xô, Gorbachov đã ước tính số lượng thành viên của đẳng cấp quan liêu này là 18 triệu, kèm theo một bộ máy đàn áp khổng lồ. Người ta có thể đầy Ferdinan Marcos (nhà độc tài của Philipine – ND) và mấy cận thần của ông ta ra Hawai, hay tống ngục mấy viên tướng độc tài ở Achetina, nhưng 18 triệu người thì biết đuổi đi đâu? và hãy luôn nhớ rằng 18 triệu con người đó sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ mạng sống và đặc quyền, đặc lợi của mình. Cho nên một cuộc cách mạng nếu nổ ra ở một chế độ toàn trị thì kết quả sẽ là cái gì nếu không phải là một bể máu?
Vì vậy một sự dịch chuyển dễ dàng và êm thấm từ toàn trị sang dân chủ là điều gần như không thể xảy ra. Bởi vì chế độ toàn trị đã tái cấu trúc lại toàn bộ xã hội đến từng chi tiết theo hệ tư tưởng của mình, nó đã thay thế tất cả những tổ chức chính quyền và xã hội bằng những tổ chức giả hiệu. Bằng việc làm đó nó đã tạo ra cả một giai cấp những kẻ tổ chức, giám sát, và cai trị chuyên nghiệp nhưng không có khả năng làm việc gì khác (có nghĩa là chỉ biết làm chính trị, làm công tác đảng hay hội đoàn (của đảng) mà không hề biết làm chuyên môn – ND). Những kẻ này không chỉ gắn với chế độ toàn trị do những đặc quyền đặc lợi mà nó đem lại cho họ mà còn bởi vì chính mạng sống của họ gắn liền với sự tồn vong của chế độ do chế độ toàn trị thường kéo cả một bộ phận con người trong xã hội cùng tham gia vào các hoạt động tội ác của nó. Trong các nước cộng sản, cũng giống như trong tác phẩm “những kẻ bị ma ám” của đại văn hào Dotoievski, một công nghệ xã hội phức tạp (“đấu tranh giai cấp”) được xử dụng để gắn giai cấp thống trị vào cái vòng sinh sát. Những kẻ cai trị ngoài việc “quản lý nhà nước bằng các mệnh lệnh” ra không biết cách quản lý nào khác thực sự đã trở thành trở ngại của sự tiến bộ của xã hội, nhưng vẫn là một lực lượng mạnh không dễ gì bị tước bỏ quyền lực. Họ là nhà nước trong nhà nước, họ như là lực lượng chiếm đóng nhưng lại không thể bị lật đổ bằng đảo chính hay bị buộc phải thoái lui vì họ chẳng có chỗ nào mà lui cả. Trong kỷ nguyên của vũ khí nguyên tử, khó có thể tưởng tượng được sự chiếm đóng của lực lượng ngoại bang đối với các quốc gia toàn trị (như trường hợp Đức quốc xã -ND), do đó chế độ toàn trị chỉ có thể bị sụp đổ hoàn toàn bằng một cuộc nội chiến hay sự sụp đổ của nền kinh tế (hoặc cả hai). Một lực lượng đối lập có tổ chức tốt và đủ mạnh có thể giúp giảm thiểu bạo lực, nhưng những lực lượng đối lập như thế khó có thể tồn tại trước sức mạnh của các chế độ toàn trị.
Tuy thế, tôi cũng phải thừa nhận rằng có những điểm khác biệt giữa các chế độ toàn trị đang tồn tại và sự khác biệt này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng. Vì vậy Hungary sẽ có cơ hội để chuyển sang dân chủ một cách êm thấm và hoà bình hơn so với các nước khác vì ít nhất ba lý do sau đây. Thứ nhất chế độ cộng sản ở đây, trong vòng 30 năm qua, có tự do hơn so với các nước khác; do đó giai cấp thống trị ở đó – những người không dính tay nhiều vào các cuộc đàn áp – có thể buớc xuống khỏi vũ đài chính trị mà không sợ bị nhân dân đưa ra toà. Lý do thứ hai là khi cơn khủng hoảng ập đến đối với các chế độ toàn trị, thì Hungary đã tiến trước các nước khác từ rất lâu trong việc cải cách nền kinh tế và tháo dỡ chủ nghĩa xã hội. Lý do thứ ba là dường như giai cấp thống trị tại Hungary nhận thức được mức độ của cuộc khủng hoảng hiện tại và chấp nhận khả năng nhường lại quyền lực.
Các nước Đông Âu nói chung sẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn so với Liên Xô. Không hẳn bởi họ thực hiện cải cách kinh tế trước Liên Xô mà do họ đến với chủ nghĩa xã hội chậm hơn nhiều so với Liên Xô và chưa tiến quá xa trên con đường chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hơn thế nữa sự thù hận đối với cộng sản và chủ nghĩa cộng sản ở đó thấp hơn nhiều so với ở Liên Xô, bởi đối với họ xét cho cùng chủ nghĩa xã hội là do “người Nga” mang đến. Tuy vậy, nếu ai đó hy vọng sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ cộng sản sau cái chết của “học thuyết Bredơnhev” thì họ có lý do để thất vọng. Chỉ cần nhìn vào Afganistan sau khi quân Liên Xô đã rút hết cũng có thể thấy tầm quan trọng của cái “giai cấp mới” kia trong chế độ toàn trị là như thế nào. Sự khác biệt giữa một quốc gia truyền thống và một quốc gia cộng sản là vô cùng lớn, cũng giống như sự khác biệt giữa độc tài toàn trị và độc tài thông thường, giữa chiếm đóng và tự chiếm đóng vậy. Điểm mấu chốt ở đây không phải là ai đã mang chủ nghĩa cộng sản hay bằng cách nào mà nó vào được một quốc gia, một khi nó đã cắm rễ ở đó. Cho dù đã có rất nhiều đổi thay gần đây trong các chế độ toàn trị, quá trình chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ còn lâu nữa mới được hoàn thành.
Không cần phải nói cũng có thể biết, sự dịch chuyển khó khăn nhất sẽ diễn ra tại Liên Xô, cái nôi của chủ nghĩa xã hội, nơi mà đã có ít nhất 3 thế hệ sinh ra và lớn lên dưới sự cai trị của chế độ toàn trị. Những vấn đề về sắc tộc sẽ càng làm cho vấn đề thêm phức tạp. Đất nước này chậm chân hơn nhiều các quốc gia láng giềng trong việc đổi mới kinh tế những đã tiến xa hơn rất nhiều trong việc đàn áp. Nhưng ngay cả khi có một phép lạ xảy ra khiến tất cả những người cộng sản biến mất hoàn toàn trong các nước xã hội chủ nghĩa thì chúng ta cũng đừng ngây thơ mà tin rằng khủng hoảng đã được giải quyết, bởi không như một chế độ độc tài thông thường, chế độ toàn trị để lại một xã hội tổn thương và biến dạng, một nền kinh tế bị phá huỷ, những nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, và một sự thoái hoá tổng thể.
(còn tiếp)
__________________________
Đây là Chương I (Totalitarianism in Crisis: Is there a smooth transition to democracy?) của cuốn sác Chủ nghĩa toàn trị giữa ngã ba đường (Totalitarianism at the crossroad) - Chủ biên Ellen Frankel Paul (Giáo Sư chính trị học tại đại học Oxford), Nhà xuất bản: New Brunswick, 1990).

Không có nhận xét nào: