Pages

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Сhiếm Biển Đông, Trung Quốc muốn gì?

 
(VnMedia) - Những động thái gây hấn, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua được xem là một chiến thuật của cường quốc hàng đầu Châu Á nhằm tranh giành khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.

Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông khi đòi chủ quyền đối với 80% vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông này. Tham vọng của Trung Quốc đã gây lo ngại không chỉ với các nước có tranh chấp với còn “đánh động” một loạt nước có nhiều hoạt động giao thương trên biển như Mỹ, Australia và Nhật Bản. Những nước này coi Biển Đông là một “con đường cao tốc hàng hải quốc tế” tự do – nơi mà các giao dịch trên biển hay hoạt động của các tàu hải quân không bị cản trở.


Người ta tin rằng Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông chủ yếu là để tranh giành nguồn cá dồi dào cùng với các nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, ở khu vực biển này. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây trong chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc lại cho thấy rằng, còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến Bắc Kinh tăng cường tranh giành chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Nguyên nhân là, Trung Quốc muốn bảo vệ một thế hệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị đầu đạn hạt nhân của họ. Những chiếc tàu ngầm hạt nhân tối tân này của Trung Quốc đang đóng tại căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam.

Chuyên gia đặc biệt thuộc Viện Okazaki ở Tokyo – ông Tetsuo Kotani cho rằng, “nếu không hiểu về khía cạnh vũ khí hạt nhân trong các tranh chấp ở Biển Đông thì chúng ta sẽ không hiểu hết được tham vọng bành trướng hàng hải của Trung Quốc”.

Một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc đã lần đầu tiên được phát hiện bởi một vệ tinh thương mại ở căn cứ Du Lâm năm 2008. Khi đó, chiếc tàu ngầm này đang neo đậu tại một cảng mà các nhà phân tích tin rằng đó là cơ sở đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của Trung Quốc được khử từ cho các tàu ngầm hạt nhân. Hoạt động khử từ được tiến hành trước khi triển khai bất kỳ tàu ngầm hạt nhân nào. Mục đích của hoạt động này là để xóa bỏ hết những từ trường còn đọng lại trong các bộ phận kim loại của tàu ngầm nhằm giúp nó khó bị phát hiện hơn bởi các tàu ngầm, tàu nổi và máy bay chống tàu ngầm của đối phương.

Những thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc với các tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân có thể phóng đi dưới mặt nước, nhằm mục tiêu vào các đối thủ tiềm năng của Trung Quốc ở Châu Á -Thái Bình Dương và các căn cứ của Mỹ trong khu vực.

Đặc biệt, với các tên lửa có tầm bắn xuyên lục địa, những chiếc tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc có thể tấn công cả nước Mỹ từ khu vực phóng thuộc vùng nước sâu ở Biển Đông, mà không cần phải đi quá xa khỏi các đường hầm đá được xây dựng sâu trong lòng núi. Đây là một phần của căn cứ hải quân Du Lâm của Hạm đội Nam Hải. Với khả năng trên, Trung Quốc sẽ có được khả năng răn đe hạt nhân hiệu quả hơn.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng được một kho vũ khí tương đối nhỏ nhưng rất ấn tượng gồm khoảng 140 tên lửa đạn đạo hạt nhân. Những tên lửa này được giấu trong các hầm hoặc được gắn trên những phương tiện phóng đặc biệt hay được di chuyển thường xuyên đến những nơi cất giữ khác nhau trên mặt đất.

Mỗi tên lửa được gắn một đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý đưa tin, Trung Quốc đang phát triển năng lực để làm được những điều mà Nga và Mỹ đã làm được. Đó chính là công nghệ gắn nhiều đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đạn đạo và những đầu đạn đó có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Điều này sẽ giúp tăng đáng kể vũ khí hạt nhân có thể hoạt động của Trung Quốc và giúp nước này hạ gục bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Song song với đó, Trung Quốc cũng đang tích cực xây dựng một hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân mới lớp JIN (SSBNs), còn được gọi là tàu ngầm Type-094. Hai tàu ngầm này đã đang hoạt động, chiếc thứ ba đang được đóng và có thể đã được đưa ra biển. Ít nhất 2 chiếc tàu ngầm loại này sẽ được đóng thêm. Ngoài ra, Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn thành việc thử nghiệm tên lửa đầu đạn hạt nhân JL-2 cho tàu ngầm Type-094.

Kiệt Linh - (theo Canberra Times

Không có nhận xét nào: