Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
Nhằm bảo đảm năng lượng cho sự phát triển, Việt Nam ưu tiên xây dựng hàng ngàn đập thủy điện.
Phải đi đôi với bảo vệ môi trường
Kế hoạch thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chưa khởi công đang là hai dự án gây tranh cãi trong giới khoa học và chuyên gia về môi trường cũng như sinh thái trong nước, phản ảnh qua thư gởi cấp lãnh đạo hay những bài góp ý thời gian qua.
Trả lời bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân, chuyên ngành thủy lợi và thủy điện Đại Học Thủy Lợi Hà Nội, hiện công tác tại Tập Đoàn Sông Đà chuyên thi công và thiết kế công trình thủy điện, tác giả bài viết: “Thận Trọng Khi Xây Dựng Thủy Điện Đồng Nai 6&6A”, minh định trước hết về định lập trường của mình:
Những người hiểu biết và chuyên môn về môi trường, sinh thái và địa chất không có ý tưởng chống lại sự phát triển bền vững kinh tế và đảm bảo an toàn năng lượng. Nếu đã gọi là trí thức, có tầm hiểu biết mà lại là những con người hướng về đất nước, mà chống đối việc xây dựng một dự án nào đó, có nghĩa là họ đang nghĩ về đất nước, nghĩ về sự phát triển bền vững, nghĩ cho tương lai và đảm bảo an toàn năng lượng thông qua các dự án thủy điện.
Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng hàng ngàn đập thủy điện lớn nhỏ. Bên cạnh những hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân nhận định tiếp, nhiều dự án thủy điện cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, xâm lấn khu bảo tồn đa dạng sinh học , mất đất sản xuất do xói mòn, bồi lắng lòng hồ, thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, gây địa chấn động đất…
Chính vì vậy, ông nhấn mạnh, phát triển thủy điện phải đi đôi phải gắn liền với bảo vệ môi trường và đó là yêu cầu vô cùng cấp bách :
Nêu lên những hệ quả mà ông gọi là bài học nhãn tiền, thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân nhắc tới dự án thủy điện sông Ba Hạ, hồ thủy điện Krông H’Năng, cũng ở thượng nguồn con sông này mà khi đi vào hoạt động đã khiến cho hệ thống thủy nông Đồng Cam ở hạ lưu bị “khát nước” :
Những dự án trên thủy điện sông Ba đã dẫn đến tình trạng hàng loạt cây cối và hoa màu không có nước để tưới.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự là ảnh hưởng nặng nề từ thủy điện ĐắK Mi 4 ( Phước Sơn) và A Vương (Đông Giang) tại hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam:
Gần đây nhất là nhiều diện tích lúa dọc sông Thu Bồn Vu Gia ở huyện Điện Bàn và Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam cũng đã bị mất trắng vì thủy điện Đắk Mi 4 và thủy điện A Vương vì không chịu xả nước để chống hạn dẫn đến hàng loạt diện tích lúa bị nguy cơ mất trắng.
Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân viện dẫn tiếp, bài học Thái Lan rút tỉa được là đập thủy điện sông Mun vào những năm 1990, cũng do vội vã đánh giá tác động môi trường và xã hội mà hậu quả là “một thất bại kinh tế điển hình” vì những tổn thất môi sinh và xã hội to lớn:
Đấy là những bài học nhãn tiền đã xảy ra khiến chúng ta phải cân nhắc phải suy nghĩ khi quyết định xây dựng một dự án thủy điện và thủy lợi lớn.
Phải cân nhắc thật kỹ
Trong lúc chưa khởi công xây dựng hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A thì những điểm nào cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Theo thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân, trước hết phải chú trọng đến bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai:
Thứ nhất, phải quan tâm đến hệ thống sơ đồ thủy điện bậc thang trên sông Đồng Nai. Vì thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm ở đầu nguồn , do đó cần cân nhắc ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước và rừng đầu nguồn. Cần phải xây dựng một qui trình vận hành liên hồ để tránh tình trạng dự án thủy điện hạ lưu phải trông chờ được trả nước từ các dự án thủy điện đầu nguồn để phát điện.
Như vậy phải quan tâm đến lưu vực ảnh hưởng chứ đừng quan tâm đến con số. Ví dụ một số thông tin đưa là việc xây dựng hay chiếm mất diện tích rừng của Cát Tiên là xấp xỉ 137 hectares và hơn 235 hectares rừng phòng hộ, để rồi kết luận những con số đấy là nhỏ so với 71 triệu 920 hectares. Nhìn hectares diện tích rừng để suy ra như một số thông tin đã đưa thì tôi không đồng tình với quan điểm đấy mà phải nhìn rộng hơn đến cái diện tích ảnh hưởng của nó.
Thứ ba là cân nhắc ảnh hưởng về đa dạng sinh học của của Vườn Quốc Gia Cát Tiên:
Phải quan tâm đến các loại thú quí hiếm, các hệ sinh thái đặc trưng cũng như các khu đất ngập nước trong khu vực.
Thứ tư, cân nhắc đến ảnh hưởng về môi trường xã hội đối với cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào thiểu số tại chỗ. Vấn đề thứ năm, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong vùng lõi của khu Dự Trữ Sinh Quyển Đồng Nai:
Là khu Dự Trữ Sinh Quyển thứ 580 của thế giới, và là 1/8 trong vị trí sinh quyền của thế giới tại Việt Nam do UNESCO công bố vào ngày 19 tháng Năm vừa qua.
Sắp tới thì liên quan đến việc Vườn Quốc Gia Cát Tiên sẽ là di sản thiên nhiên thế giới, mà UNESCO sẽ đi khảo sát trung tuần tháng Chín này. Như vậy, nếu xây dựng hai đập thủy điện này thì liệu có ảnh hưởng đến chế độ thủy văn và chất lượng nguồn nước ngọt Bàu Sấu? Việc công nhận di sản liệu có thực hiện được không? Đấy là những cái phải cân nhắc trước khi xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Số liệu trong báo cáo dự án đầu tư cho thấy điện lượng hàng năm của cả hai dự án gần 1 tỷ KWh . Dưới mắt thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân, hiệu quả kinh tế mà dự án này mang lại thì đã quá rõ. Nếu được xây dựng, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia hàng năm gần 1 tỷ KWh/giờ bổ sung cho nguồn điện đang thiếu hụt trên cả nước:
Nếu xét con số 1 tỷ KWh/giờ thì thực ra con số này không đáng kể với sản lượng điện cung cấp cho cả nước theo như thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch nguồn điện cung cấp trong 2011 đến 2015 là khoảng 194 đến 210 tỷ KWh, nhưng lại rất đáng kể đối với chủ đầu tư nếu tính giá điện 700 đồng trên 1KWh/giờ. Đấy là nguồn lợi kinh tế khá là hấp dẫn.
Nhưng không thể vì nguồn lợi kinh tế hấp dẫn đó mà phải đánh đổi mọi giá để xây dựng thủy điện, thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân một lần nữa khẳng định:
Ở đây tôi muốn nói đến sự phát triển bền vững, nghĩa là phát triển trên cơ sở nghĩ đến tương lai và những khả năng xảy ra các hậu quả nếu có khi xây dựng dự án. Nếu để có được 1 tỷ KWh điện mà chúng ta phải mất rừng, lại là rừng quốc gia,nơi sinh sống của các loài thú quí hiếm, các loại thực vật bản địa, thì theo tôi là không nên mà cần cân nhắc kỹ.
Để tạo ra điện chúng ta có thể có nhiều cách , rừng và các loài thú quí hiếm một khi đã mất thì rất là khó, thậm chí là không thể…
Nhắc lại phát biểu về hai dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A từ người đang làm tư vấn về môi trường cho một số công ty nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Đức Huỳnh, nguyên giám đốc Trung Tâm Phát Triển, An Toàn Và Môi Trường thuộc PetroVietnam Tổng Công Ty Dầu Khí Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Trọng Quân nói:
Tiến sĩ Nguyễn Đức Huỳnh đã phát biểu rằng “ Những lợi ích kinh tế không thể phủ nhận của hai công trình thủy điện này theo thời gian sẽ được tăng lên cấp số cộng, còn những thiệt hại hiển nhiên về sinh thái, môi trường của cả hai công trình này theo thời gian sẽ tăng lên cấp số nhân” Đấy là cái chúng ta phải suy nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét