Pages

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Móng vuốt Trung Quốc


Blog / Nguyễn Hưng Quốc


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào cuối tháng 8 vừa qua cho biết, ngày 30/8, Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt đầu chuyến công du đến sáu nơi: quần đảo Cook, Indonesia, Trung Quốc, Timor-Leste (còn gọi là East Timor hay Đông Timor), Brunei (ở Việt Nam gọi là Bru-nây) và Nga.

Đọc bản thông báo ấy, một số nhà bình luận chính trị không khỏi ngạc nhiên: Ủa, sao lại ghé thăm quần đảo Cook? Tất cả những nơi khác thì không sao. Người ta có thể hiểu được. Nhưng còn quần đảo Cook? Nó ở đâu nhỉ? Mà đến đó để làm gì nhỉ? Chi tiết phía dưới bản thông báo cho biết thêm: Bà đến dự cuộc hội nghị lần thứ 43 của Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương (South Pacific Forum). Đến đây, lại thêm một ngạc nhiên nữa: Ủa, nhưng Diễn Đàn Nam Thái Dương là gì vậy cà?

Tôi sống ở Úc, vẫn thường nghe tên quần đảo Cook cũng như Diễn Đàn ấy nhiều lần, nhưng thú thực, tôi cũng không quan tâm mấy. Chỉ biết đó là một vùng đất và một tổ  chức rất nhỏ. Mà chúng nhỏ thật. Là một tổ chức liên chính phủ, được thành lập từ năm 1971, Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương bao gồm các nước: Úc, Tân Tây Lan, quần đảo Cook, quần đảo Marshall, quần đảo Solomon, Micronesia, Niue, Kiribati, Nauru, Samoa, Palau, Papua New Guinea, Vanuatu, Tonga, Tuvalu (không kể Fiji đã bị tạm đuổi ra khỏi Diễn đàn vào năm 2009).
Ngoài Úc và Tân Tây Lan, tất cả các nước còn lại đều vô danh. Được biết nhiều, may ra, có Papua New Guinea. Đi máy bay từ Úc sang Mỹ, nếu chăm chú nhìn vào bản đồ trên màn ảnh trước mặt, người ta cũng có thể nhận ra được quần đảo Solomon. Hết. Mà thật. Trong số các nước ấy, chỉ có Papua New Guinea là tương đối lớn, với dân số 6 triệu người, trên một diện tích khá rộng, 462.840 cây số vuông. Nó được xem là quốc gia đa dạng về phương diện chủng tộc cũng như về phương diện văn hóa nhất trên hành tinh: có hàng trăm sắc tộc và có đến 841 ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, đó cũng là một quốc gia rất nghèo, thuộc loại nghèo nhất trên thế giới: Khoảng một phần ba dân số chỉ có thu nhập khoảng trên 1 đô la một ngày.

Ngoài Papua New Guinea, có năm quốc gia khác có trên 100.000 dân. Thứ nhất, quần đảo Solomon, tự trị từ năm 1976 và độc lập từ năm 1978, bao gồm cả hàng chục hòn đảo nhỏ, có dân số trên nửa triệu người. Thứ hai, Vanuatu gồm 82 hòn đảo với tổng diện tích trên 12.000 cây số vuông, có dân số trên 200.000 người. Thứ ba, Samoa, trước là thuộc địa của Tân Tây Lan, được độc lập từ năm 1962, chỉ có diện tích khoảng gần 3000 cây số vuông với dân số khoảng trên 180.000 người. Thứ tư, Tonga gồm 176 hòn đảo, nhưng chỉ có 52 hòn đảo là có cư dân; dân số chỉ khoảng trên 100.000 người. Thứ năm, Kiribati, với dân số khoảng trên 100.000 người, là quốc gia đầu tiên có nguy cơ biến mất trên trái đất do hiện tượng biến đổi khí hậu: tất cả các hòn đảo hiện nay họ đang sống có thể sẽ bị chìm dưới đáy biển. Tháng 6 năm 2008, chính phủ Kiribati đã chính thức xin Úc cho toàn bộ công dân của họ được quyền tị nạn nếu hiện tượng ấy xảy ra. Năm nay, họ bắt đầu thương lượng mua một số hòn đảo của Fiji để chuyển dân của họ đến ở.

Còn lại, các quốc gia khác đều có dưới 100.000 dân. Như quần đảo Marshall vốn bao gồm 1.156 hòn đảo nhưng dân số chỉ có dưới 70.000 người. Quần đảo Cook, gồm 15 hòn đảo với tổng diện tích khoảng 240 cây số vuông nhưng dân số chỉ chưa tới 20.000 người (không kể khoảng gần 60.000 tự xưng là hậu duệ của người Maori thuộc quần đảo Cook hiện sống tại Tân Tây Lan). Nauru, với dân số dưới 10.000 người, được xem là quốc gia ít dân đứng hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Vatican. Tuvalu thì có trên 10.000 dân, chỉ nhiều hơn dân số Vatican và Nauru, trên một diện tích khoảng 26 cây số vuông, chỉ lớn hơn Vatican, Monaco và Nauru. Đây cũng là một trong sáu quốc gia có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm nhất. Niue chỉ có 260 cây số vuông với 1.400 cư dân. Phần lớn dân Niue sống ở Tân Tây Lan. Tất cả các công dân Niue sống trên nước họ cũng mang quốc tịch Tân Tây Lan.

Nói chung, trong tổ chức Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương, Úc và Tân Tây Lan là hai quốc gia lớn mạnh nhất. Dân số Úc, dù thuộc loại rất ít trên thế giới (khoảng 22 triệu), đông gấp đôi tổng dân số của 15 quốc gia còn lại. Về kinh tế thì Úc lớn gấp năm lần các quốc gia ấy. Trừ quần đảo Marshall vốn dựa vào Mỹ, tất cả các quốc gia đảo còn lại trong Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương đều lệ thuộc vào nguồn viện trợ của Úc hoặc Tân Tây Lan. Rất nhiều nước thậm chí không có cả quân đội riêng. Mọi công việc quốc phòng cũng như ngoại giao, họ đều ủy thác cho Úc và Tân Tây Lan đảm nhiệm. Có khi ngay cả cảnh sát họ cũng không có đủ. Một số lần xảy ra biến loạn, họ đều nhờ cảnh sát Úc hoặc Tân Tây Lan can thiệp giùm.

Lâu nay, Úc và Tân Tây Lan vẫn xem các quốc gia đảo ở Nam Thái Bình Dương như là sân sau của mình. Mỹ chấp nhận điều đó. Hơn nữa, rất an tâm về điều đó. Với Mỹ, Úc và Tân Tây Lan bao giờ cũng là những đồng minh rất đáng tin cậy.
Nhưng tại sao bây giờ Ngoại trưởng Mỹ lại đến tham dự hội nghị của Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương?

Xin lưu ý: Đây là lần đầu tiên, từ năm 1971 đến nay, mới có sự hiện diện của một ngoại trưởng Mỹ trong Diễn Đàn này. Cũng xin lưu ý điều nữa: Bà Hillary Clinton, với cương vị Ngoại trưởng Mỹ, vô cùng bận rộn. Bà mới phá kỷ lục công du ra ngoại quốc nhiều nhất trong tất cả các ngoại trưởng Mỹ từ trước đến nay. Dĩ nhiên, không phải vì bà muốn đi nước ngoài. Mà vì cần. Mà thế giới hiện nay dường như ở đâu cũng cần sự có mặt của bà. Ở đâu cũng dầu sôi lửa bỏng. Ở đâu cũng đầy những vấn đề nhức nhối và khẩn cấp.

Vậy tại sao bà lại đến Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương? Tại sao bà phải đến quần đảo Cook, một nơi nghèo nàn, có thể coi như khỉ ho cò gáy. Nó nghèo đến độ chính phủ ở đó không có đủ xe hơi và chỗ ở cho phái đoàn của bà. Xe hơi, họ phải mượn thêm của tư nhân. Chỗ ở thì phải nhồi nhét mấy người vào một phòng. Tiện nghi thiếu thốn đủ điều.

Lý do chính, không được công khai nói ra, là: Trung Quốc.

Từ hơn mười năm nay, Trung Quốc đã thò tay đến các đảo quốc nhỏ nhoi và xa xôi này. Họ tung cả hàng trăm triệu đô la để viện trợ cho các nước ấy. Họ mua chuộc các chính khách cũng như dân chúng vốn còn rất chất phác ở đó. Trước đây, mục đích của những sự mua chuộc ấy là để cô lập Đài Loan: yêu cầu các đảo quốc ấy không nhìn nhận Đài Loan, không làm ăn buôn bán với Đài Loan. Về sau, họ còn gây chia rẽ giữa các nước hoặc trong nội bộ từng nước, gây nhiều sự bất ổn trong khu vực. Đi xa hơn, họ muốn thuyết phục các đảo quốc ấy tách ra khỏi quỹ đạo của Úc, Tân Tây Lan và Mỹ. Nói cách khác, Trung Quốc muốn xem Nam Thái Bình Dương như là nơi tranh chấp quyền lực với Úc, Tân Tây Lan, và sau hai nước này, là với Mỹ. Ngoài sự tranh chấp ấy, họ còn nhắm đến hai mục tiêu khác. Về phương diện ngoại giao, tuy các đảo quốc này rất nhỏ, rất nghèo và rất yếu, nhưng dù sao họ cũng đều là thành viên của Liên Hiệp Quốc: mỗi nước có một lá phiếu riêng, bình đẳng với tất cả các nước khác. Trong các cuộc bầu cử, sự ủng hộ của họ cũng cần thiết như sự ủng hộ của bất cứ một quốc gia giàu mạnh nào khác. Về phương diện quân sự, các đảo quốc này nằm rải rác trên Thái Bình Dương: Tất cả đều có thể được biến thành những căn cứ quân sự cho một cuộc tranh chấp quốc tế về sau.

Úc và Tân Tây Lan từ lâu biết rõ điều đó. Mỹ, khi quyết định trở lại châu Á-Thái Bình Dương, cũng biết rõ điều đó.

Điều họ biết rõ ấy có thể nói tóm gọn lại: móng vuốt của Trung Quốc đã bắt đầu giương ra khắp nơi. Kể cả những nơi người ta ít chú ý nhất.

Bởi vậy Ngoại trưởng Hillary Clinton mới đến tham dự cuộc hội nghị ở quần đảo Cook.

Không có nhận xét nào: