Bộ Công an không cho nhà báo AP vào thăm trại Tần Thành
Vụ xử tù bà Cốc Khai Lai đặt ra vấn đề các nhân vật quyền thế ở Trung Quốc khi vào ngục được đối xử ra sao. BBC xin giới thiệu bài của Didi Tang, hãng AP, từ Bắc Kinh về chuyện này:
Khi bà Cốc Khai Lai, vợ của nhà lãnh đạo Bạc Hy Lai bị hạ bệ, phải vào tù sau vụ án giết một doanh nhân Anh, bà ta có nhiều khả năng sẽ hưởng chế độ tù giam sang trọng, có trường kỷ mềm và phòng tắm riêng.
Nằm trong vùng đồi núi cách Bắc Kinh về phía Bắc chừng một giờ chạy xe, và được canh gác cẩn mật, nhà tù Tần Thành trong nửa thế kỷ qua là nơi giam các nhân vật chính trị cao cấp bị "ngã ngựa" ở Trung Quốc.
Họ là cán bộ Đảng cao cấp bị thua trong đấu đá, chính trị gia bị xử vì tham nhũng, tổng biên tập các tờ báo dám phê phán chế độ, thủ lĩnh phong trào dân chủ Thiên An Môn, và cả vợ góa của Mao Chủ tịch.
Đới Thanh, nhà báo và là con gái nuôi của một vị tướng cách mạng nhưng bản thân từng bị giam sáu tháng sau khi tham gia phong trào Thiên An Môn mà không có án, nói:
“Nhà tù này nổi tiếng vì đã giam những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Trung Quốc.”
Khi cửa nhà tù bọc thép mở ra, bà Đới nói bà “ngạc nhiên vui sướng”, như đã viết trong một bài hồi thập niên 1990.
“Xà lim giam tôi khá rộng, chừng 20 mét”, bà Đới viết.
“Tường sơn mới, có phòng tắm riêng, và tuy giường ngủ chỉ là tấm phản trên hai kệ gỗ, nó có hai tấm chăn bộ đội dày và nệm trải.”
Nhưng trại tù Tần Thành không phải là một như trại ‘Club Fed’ chuyên giam tù trí thức chịu án nặng ở Mỹ.
Những người từng bị tù nói họ bị đối xử tệ và bị theo dõi liên tục.
Họ cũng nói về cảnh bị cho ăn đói và bị biệt giam.
Nhưng so với tình hình chung ở các nhà tù Trung Quốc với cả tá tù nhân chia nhau một phòng giam và ai cũng bị buộc phải lao động nặng nhọc nhiều giờ, thậm chí còn bị đồng phạm và cai ngục đánh thường xuyên thì đây vẫn là nơi quá sướng.
Tình trạng tốt hơn tại Tần Thành cho thấy giới quyền thế ở Trung Quốc biết lo cho chính mình, kể cả khi đã sa ngã.
Bà Giang Thanh sau khi thất thế đã bị giam nhiều năm trước khi chết
Số quan chức đã rớt đài trong các đợt truy bắt tội tham nhũng lan tràn ở Trung Quốc nhiều tới mức gần đây Trung Quốc cho mở một nhà tù mới, trại giam Yến Thành, với cả một khu chuyên cho VIP.
Theo chính truyền thông nhà nước, khu này có phòng giam rộng bằng phòng khách sạn, tường kính ngăn giường ngủ với phòng tắm, có ban-công để tập thể dục hoặc phơi quần áo.
Lịch sử lâu dài
Nhưng Tần Thành mới là nơi có lịch sử chính trị lâu dài.
Bào Đồng, cựu quan chức Đảng bị tù bảy năm tại đây vì phản đối vụ đàn áp Thiên An Môn nói: “Đây đúng là nhà tù đặc biệt”.
Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan quản lý nhà tù Tần Thành, đã từ chối thư của AP xin được thăm nhà tù này và cũng không trả lời phỏng vấn về địa điểm này.
Nhà tù ở Tần Thành được xây dựng với sự trợ giúp của Liên Xô trong dự án 157 và đưa vào hoạt động năm 1960 để thay cho một trại giam quân sự đã cũ nát vốn là nơi cầm tù quân cán chính của chính quyền Quốc Dân Đảng bị thua trong giai đoạn Nội chiến 1940-1945.
Nhằm đem lại một hình ảnh tươi sáng hơn cho chế độ mới, Tần Thành có các cơ sở vật chất như toilet giật nước, bệnh xá và cả phòng tập thể thao mà vào thời điểm đó người dân bình thường ở Trung Quốc không hề được hưởng.
Nhưng điều kiện sinh hoạt bên trong khu nhà hình chữ U ba tầng, xây bằng gạch cũng khác nhau.
"Trước mắt tôi hiện ra các đốm đen, và đôi khi cả một cơn mưa các chấm đen"Tướng Ngô Pháp Hiến
Khu 204 nghe nói là tốt nhất, có thảm trải nền, giường gấp, và cả bình nước nóng.
Tù nhân không khu 204 có chế độ ăn uống như thành viên Quốc vụ viện tức chính phủ ở Trung Quốc.
Họ có cả khẩu phần đường viên để uống trà.
Tình hình trong trại tù đã cải thiện nhiều so với thời Mao
Khi Chủ tịch Mao tung ra đợi thanh trừng cùng lúc với Cách mạng Văn hóa vào cuối thập niên 1960, Tần Thành không đủ chỗ giam tù.
Vì phải nhận quá nhiều phạm nhân đổ về, điều kiện sinh hoạt không còn như trước và tra tấn cũng xảy ra thường xuyên.
Ngô Pháp Hiến, tướng không quân bị thanh trừng vì tội tổ chức tạo phản, bị giam trong xà-lim rộng một mét, dài ba mét.
Trong hồi ký, Tướng Ngô viết: "Trong phòng không có bàn ghế gì, quần áo và đồ dùng của tôi đều vứt dưới nền và bị côn trùng bò lên”.
Một tháng một lần, ông được cắt tóc, cạo râu và phải dùng chung một chiếc cắt móng tay cùn với các bạn tù.
Cơm chỉ có bột ngô và bắp cải luộc khiến ông Ngô bị suy dinh dưỡng.
"Trước mắt tôi hiện ra các đốm đen, và đôi khi cả một cơn mưa các chấm đen,” ông viết.
Một thập niên sau, thời cuộc lại đổi và Giang Thanh, vợ góa của ông Mao bị tống vào ngục tại Tần Thành.
Harry Wu, nhà vận động nhân quyền Trung Quốc hiện sống tại Hoa Kỳ có ra một cuốn sách nói rằng bà Giang Thanh được hưởng một xà-lim có hai phòng và buồng tắm riêng, điều kiện tốt nhất trại Tần Thành có thể cung ứng.
Bà Đới Thanh thì cho hay tình hình trong tù cải thiện hơn so với thời trước, và bà nhận được báo và sách từ thư viện nhà tù như các cuốn về Đế chế Đức Quốc xã của William Shirer, hay các sách kiếm hiệp của Louis Cha và tiểu thuyết ‘Hồng Lâu Mộng”.
Mỗi ngày, bà Đới được hai giờ nghỉ nhưng thất vọng vì ra sân đi dạo chỉ có một mình, không có ai để nói chuyện cùng và dưới sự giám sát của quản giáo.
Bà viết: "Giống như hổ và sư tử bị giam trong cũi, đa số chúng tôi chỉ biết đi tiến đi lui một cách nôn nóng.”
Còn ông Bào Đồng thì nhắc lại rằng tường ngăn các khoảng sân dày tới mức cai ngục có thể đi lại ở trên đó.
"Họ đeo dây lưng có băng đạn nhưng tôi không rõ trong đó có đạn không.”
Ông Trần Hy Đồng là một trong số tù nhân VIP ở Tần Thành
Sau khi vợ ông Bào phàn nàn với Tổng bí thư Đảng là Giang Trạch Dân khi đó, khẩu phần ăn sáng của ông được có thêm một quả trứng, thêm vào muỗng cháo và miếng bánh mì thường nhật.
Gia đình cũng được gửi cho ông màn chống muỗi và một ít sách mà ông Bào chỉ được nhận sau khi nhà tù kiểm tra từng trang xem có viết thư từ gì trái phép không.
Tần Thành được sửa sang lại vào giữa thập niên 1990 để đón những tù nhân loại mới: các quan chức ăn chơi xa hoa bị trừng phạt vì ăn tiền.
Năm 1996, khi ông Bào quay lại xà-lim ở Tần Thành sau khi ra khỏi bệnh viện của nhà tù, điều kiện sống của ông khá hơn nhiều.
Trong phòng giam ông có thêm bộ sa-lông, chiếc phản gỗ chân gỗ đã được thay bằng giường nằm có đệm. Thậm chí tấm trải giường cũng không phải màu trắng nữa.
Ông Bào viết: "Tấm trải giường nay thật đẹp, cứ như là đồ cưới vậy... cứ như là người nghèo vừa đột nhiên trở nên giàu có.”
Những năm gần đây, Tần Thành đón cả Trần Hy Đồng, cựu bí thư Bắc Kinh, và Trần Lương Vũ, cựu bí thư Thượng Hải.
Hai ông đều bị thanh trừng trong các vụ scandal ‘rút tiền công’ dù giới phân tích tin rằng họ là nạn nhân đã thua cuộc trong đấu đá chính trị.
Trần Hy Đồng, mất chức năm 1995, đã tuyệt thực để phản đối khẩu phần ăn quá tệ, theo cuốn sách mới ra của Diêu Kiến Phu, một nhà nghiên cứu đã phỏng vấn ông Trần.
Theo ông Diêu, ông Trần Hy Đồng được cho một chiếc radio để nghe chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và theo dõi tình hình bên ngoài.
Ông Trần Lương Vũ, mất chức năm 2006, đã dành thời gian ghi nhật ký trong tù, tập Thái cực quyền, đọc sách báo và xem TV, theo những gì truyền thông tại Hong Kong đăng tải.
Họ còn nói rằng ông mặc com-plê trong tù./BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét