Pages

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Thử thách lớn nhất đối với Trung Quốc: không phải là Hoa Kỳ, mà chính là Trung Quốc


Nguyễn Quốc Khải.


PCT Trung Quốc Tập Cận Bình (AP)
Vào tháng Hai vừa qua, tại bữa tiệc danh dự để khoản đãi ông, Phó Chủ Tịch (PCT) Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã nâng ly chúc mừng Tiểu Bang Iowa một cách cảm động theo như tờ báo Des Moines Register mô tả. Cách đây một phần tư thế kỷ, Ông Tập Cận Bình đã đến thăm Iowa với tư cách là một viên chức địa phương. Năm nay ông trở lại đây với tư cách một nhà lãnh đạo quốc gia với chủ đích nới rộng sự quen biết quốc tế. Trước sự hiện diện của các nhân vật lãnh đạo của Iowa, PCT Tập Cận Bình chia xẻ những kỷ niệm thời trẻ như đọc truyện của Mark Twain và sự đam mê dòng sông Mississippi. Trong chuyến đi mới nhất này, một lần nữa ông rất vui thích được ngắm nhìn mặt trời mọc ở thành phố Muscatine. Ông Tập Cận Bình, người đã thu hút được cảm tình của vùng đất trung tâm của nước Mỹ, sẽ chính thức trở thành chủ tịch nhà nước của Trung Quốc tại Đại Hội Đảng lần thứ 18 ở Bắc Kinh vào tháng 10 sắp tới.
 
Trong khi vóc dáng quốc tế của Trung Quốc ngày càng lên cao cùng với tầm mức quan trọng về chính trị và kinh tế, người ta có thể kết luận rằng dân chúng Trung Quốc trông đợi Ông Tập Cận Bình sẽ có một vóc dáng cao hơn trên sân khấu quốc tế. Là một nhà lãnh đạo của một cường quốc thế giới, Ông Tập Cận Bình sẽ phải dành nhiều thời gian cho bang giao quốc tế, chủ xướng những cuộc thảo luận về những vấn đề thế giới, tiếp súc với những khán thính giả ngoại quốc như công dân Iowa, trình bầy rõ ràng vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế, Ông Tập Cận Bình sẽ có thể bị bận bịu với những thử thách kinh tế và xã hội mà Trung Quốc sẽ rất có thể phải đối phó trong 10 năm sắp tới.
 
Là một nhà lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc, một trong những quan tâm của của Ông Tập Cận Bình là việc quản trị những thử thách về kinh tế đang bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, ông sẽ phải hướng dẫn Trung Quốc qua một giai đoạn hỗn loạn nhất trong tiến trình chuyển tiếp từ một nền kinh tế tập trung vào xuất cảng qua một nền kinh tế dựa vào tiêu thụ trong nước. Trong 30 năm vừa qua, những công nhân trẻ, khỏe mạnh, hưởng lương thấp đã giúp cho khu vực công nghiệp phát triển.
 
Tuy nhiên trong những năm gần đây, hệ thống kinh tế của Trung Quốc ngày càng có nhiều vấn đề. Khi những người tiêu thụ ở Âu Châu, Nhật Bản, và Hoa Kỳ phải giảm tiêu thụ vì những khó khăn kinh tế trong nước, một nền kinh tế tập trung vào xuất cảng đã chứng tỏ không thể bền vững được với những hàng hóa không bán được – từ đồ chơi cho đến xe hơi — ứ đọng trong các xưởng chế tạo và phòng trưng bầy trên khắp nước. Lương bổng thấp, từng là một tích sản lớn nhất của Trung Quốc giúp lôi cuốn đầu tư vào ngành công nghiệp, đã tăng trong nhiều năm nay khiến cho môt số người, như Boston Consulting Group, tiên đoán rằng ngành công nghệ sẽ phục hưng tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, nếu tình trạng tiếp tục tồi tệ hơn và nạn thất nghiệp gia tăng trên toàn quốc, chính quyền Trung Quốc sẽ đặc biệt phải lo ngại về bất ổn xã hội, như đã xẩy ra trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng tài chánh 2008.
 
Trong trung hạn, thử thách kinh tế của Trung quốc sẽ gây ra bởi yếu tố nhân chủng …. Như tạp chí The Economist đã tường thuật, những con số thống kê mới nhất của chính phủ Trung Quốc cho thấy rằng mức tăng trưởng dân số trung bình hàng năm của Trung Quốc là 0.57% trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, giảm xuống từ mức tăng trưởng trung bình của thập niên 1990 là 1.07%. Kết quả là dân số Trung Quốc già đi. Người ta nghĩ rằng sở dĩ có sự thử thách này là do chính sách một con của Trung Quốc hoặc một sự kiện là khi quốc gia hiện đại hóa và trở nên giầu hơn, người dân có khuynh hướng sống lâu hơn và có ít con hơn. Dù bất cứ vì nguyên nhân nào, khi dân số Trung Quốc già trước khi nước giầu, nhà nước sẽ cần phải kiếm cách để tài trợ hệ thống an sinh tốt hơn và những nhu cầu gia tăng khác của lớp người lớn tuổi.
 
Khi Ông Tập Cận Bình, cùng với nhóm người lãnh đạo mới, đối phó với những thử thách này và dần dần cải tổ hệ thống kinh tế để đáp ứng những diễn tiến về xã hội, kinh tế, chính trị, và nhân chủng ở trong và ngoài nước, họ cũng sẽ phải đương đầu với toàn thể nhân dân Trung Quốc ngày càng quyết tâm đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi sau 30 năm phát triển một cách nhanh chóng nhưng thô bạo và thường thiếu bình đẳng. Nhân dân Trung Quốc có thể không đòi hỏi chế độ thay đổi, nhưng chắc chắn họ sẽ đòi chính quyền hiện nay đáp ứng những nhu cầu của họ nhiều hơn.
 
Nói tóm lại, Ông Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo sắp tới sẽ thừa kế một nước Trung Hoa giữa một giai đoạn chuyển tiếp tế nhị. Hệ thống kinh tế tập trung vào xuất cảng mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dựa vào trong nhiều thập niên vừa qua đã đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho đất nước của họ. Tuy nhiên trong tiến trình này, nó cũng làm xã hội Trung Quốc căng thẳng một cách đáng kể. Hậu quả của tình trạng này nay chỉ mới bắt đầu ló rạng. Sức ép gia tăng từ bên trong, cộng với một sự thực là những nền kinh tế đã phát triển không còn chống đỡ nổi hệ thống kinh tế tập trung vào xuất cảng của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là cần phải có những cố gắng để tái lập cân bằng ở trong nước và tiếp đến là ở quốc ngoại.
 
Mức quan trọng của những thử thách nội bộ đã được thảo luận công khai tại Trung Quốc. GS Cui Liru, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Bang Giao Quốc Tế của Trung Quốc có liên hệ với chính quyền, trong một bài tiểu luận, đã xác nhận rằng nhiệm vụ sắp tới của Bắc Kinh rất là lớn lao và sẽ đòi hỏi những cố gắng tích cực của cả chính quyền lẩn dân chúng. GS Cui lập lập rằng việc chính quyền chuyển hướng xây dựng một hệ thống an sinh xả hội và cải thiện phúc lợi của dân chúng sẽ là những thí dụ cụ thể để chứng minh rằng chính quyền giữ những lời hứa về công lý, công bằng xã hội, phồn thịnh, và hòa hợp. Ông nói tiếp rằng đó cũng chính là những yếu tố cấu tạo thành nền tảng pháp lý cho sự cai trị lâu dài của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Như tôi đã từng tranh luận trong quá khứ rằng những nhà hoạch định chánh sách của Hoa Kỳ cần phải định lượng những thử thách nội bộ của Trung Quốc một cách thực tế nếu họ muốn hiểu ý định, sự bất an, ảnh hưởng của chính sách của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới, bang giao với Washington, và sau cùng là vị trí quyền lực của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế hiện hữu. Vấn đề quan hệ nhất không phải là khả năng trình diễn của Ông Tập Cận Bình về chính ông và Trung Quốc ở nước ngoài — mặc dù điều này chắc chắn quan trọng — mà chính là ông sẽ thành công như thế nào trong việc hướng dẫn Trung Quốc qua những chuyển tiếp khó nhọc nhưng cần thiết trong 10 năm sắp tới. Trong lãnh vực này tất cả những quốc gia đều không có gì khác biệt cả: như một chính trị gia nổi tiếng [Tip O’neill] đã từng nói “tất cả chính trị là địa phương.”
 
Anka Lee (Diplomat)
September 02, 2012
Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải

Không có nhận xét nào: