Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012
Tranh chấp lãnh hải : chủ nghĩa dân tộc bùng phát
Biểu tình phản đối TT Hàn Quốc viếng thăm đảo Dokdo/ Takeshima
REUTERS/Yuriko Nakao
Lê Phước - RFI
Tranh chấp chủ quyền Nhật -Trung trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trên đảo Takeshima/Dokdo. Nhật báo Le Monde có bài phân tích chủ đề này với dòng tựa cảnh báo : «Dân tộc chủ nghĩa bùng phát tại Châu Á » .
Quan hệ Nhật-Hàn vừa qua gặp cơn sóng gió chỉ vì tranh chấp lãnh hải trên đảo Takeshima/Dokdo. Phía Hàn Quốc đã có động thái mạnh qua việc tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đến thăm hòn đảo này. Mặt khác, ông Lee Myung Bak còn yêu cầu Nhật hoàng Akihito chính thức có lời xin lỗi về việc trong thời kỳ quân đội Nhật Bản chiếm đống Triều Tiên, 200 000 phụ nữ Triều Tiên bị buộc làm nô lệ tình dục trong quân đội Nhật Bản.
Tờ báo nhận định, ông Lee Myung Bak muốn khơi dậy nỗi đau quá khứ thời chiến tranh ngay trước thềm bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc. Thế nhưng Le Monde cảnh báo, coi chừng chiêu bài này sẽ làm bộc phát thái quá chủ nghĩa yêu nước của người Hàn Quốc, khơi lại quá khứ hận thù giữa hai dân tộc Nhật-Hàn.
Đến với Trung Quốc, Le Monde nhận định, chủ nghĩa dân tộc cũng bùng phát tại nước này. Theo một thăm dò hồi tháng 6/2012, người dân hai nước có nhận xét về nhau rất tiêu cực. Người Nhật ác cảm với người Trung Quốc vì cho rằng chính phủ Bắc Kinh có những hành động không đẹp như : hống hách với láng giềng, ích kỷ khi chạy theo lợi ích kinh tế bỏ mặc môi trường, đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ.
Trong khi đó, khi nhắc đến người Nhật, thì người Trung Quốc nhớ ngay đến những năm tháng đau thương mà quân đội Nhật đã gây cho người Trung Quốc như vụ thảm sát Nam Kinh 1937 hay việc phụ nữ Trung Quốc làm nô lệ tình dùng cho quân đội Nhật.
Như vậy, Nhật Bản thì dựa vào hiện tại để ghét Trung Quốc, còn Trung Quốc thì găm vào quá khứ để thù hận Nhật Bản.
Trong tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao ở người Nhật, biểu hiện qua việc nhiều người Nhật, trong đó có cả nghị sĩ, đến quần đảo tranh chấp cắm cờ để khẳng định chủ quyền. Thế nhưng, để tránh căng thẳng quá mức với Bắc Kinh, chính phủ Tokyo đã có cách hành xử nhằm xoa dịu tình hình qua việc bắt rồi trục xuất 14 người Trung Quốc Hồng Kong đến quần đảo tranh chấp, hay như việc bắt rồi thả một thuyền trưởng Trung Quốc hồi năm 2010.
Le Monde nhắc lại, khi lên nắm quyền vào tháng 8/2009, Đảng Dân Chủ Nhật Bản chủ trương thiết lập lại quan hệ với Hoa Kỳ trên cở sở bình đẳng và tăng cường quan hệ với các nước Châu Á khác. Một năm sau đó, thủ tướng phe dân chủ ông Yukio Hatoyama đã phải từ chức sau khi đã gây căng thẳng yêu cầu Hoa Kỳ rút căn cứ quân sự khỏi Okinawa. Chính phủ kế nhiệm thì tỏ ra hời hợt với Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi trước đây, các chính phủ Dân chủ tự do đã biết gác lại quá khứ để tăng cường hợp tác với hai nước láng giềng này.
Hiện tại, tranh chấp chủ quyền của ba nước này diễn ra trong bối cảnh chóp bu lãnh đạo ở mỗi nước sắp thay đổi : Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp đại hội toàn quốc, bầu cử tổng thống Hàn Quốc cũng gần kề, bầu cử Quốc hội trước thời hạn cũng có thể diễn ra tại Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, để lấy lòng dân, nhà cầm quyền ba nước không thể có động thái nhượng bộ trong tranh chấp chủ quyền. Và như vậy thì quan hệ ngoại giao của ba nước sẽ gặp nhiều sóng gió, có nguy làm chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước trở nên quá trớn, gây hậu quả đáng tiếc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét